Tự truyện của một Yogi – Chương 46

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 46

CHƯƠNG 46 Nữ yogi không bao giờ ăn

“Thưa thầy, sáng nay ta phải đi đâu đây?” Anh Wright đang lái chiếc Ford; anh đưa mắt khỏi con đường dài vừa đủ để nhìn tôi với một ánh mắt long lanh dò hỏi. Hết ngày này đến ngày khác, anh chẳng mấy khi biết tiếp theo mình sẽ khám phá vùng nào ở Bengal.

“Theo ý Thượng đế,” tôi đáp đầy sùng tín, “ta đang trên đường đi thăm kỳ quan thứ tám của thế giới – một nữ thánh chỉ ăn không khí!”

“Lại phép lạ nữa – sau Therese Neumann.” Nhưng anh Wright vẫn cười hăm hở như mọi khi; anh còn tăng tốc xe. Thêm phép lạ có ích nữa cho nhật ký hành trình của anh! Kẻ ấy, chẳng phải một du khách tầm thường đâu!

Trường Ranchi vừa bị bỏ lại sau lưng chúng tôi; chúng tôi đã dậy trước lúc mặt trời lên. Ngoài thư ký và tôi, trong nhóm còn có thêm ba người bạn Bengal. Chúng tôi uống lấy cái khí trời gây hồ hởi, thứ rượu thiên nhiên của buổi sáng. Tài xế của chúng tôi lái xe thận trọng giữa những nông dân dậy sớm và những xe hai bánh, được mấy con bò u, buộc ách, kéo chậm rì, có ý sẵn sàng giành đường với kẻ xâm phạm quyền lợi đang bóp còi.

“Thầy, chúng tôi muốn biết thêm về thánh không ăn.”

“Tên bà là Giri Bala,” tôi cho các bạn đồng hành hay. “Lần đầu tiên tôi nghe về thánh đã nhiều năm trước, từ một quý ông có học thức là Sthiti Lal Nundy. Ông ấy thường đến nhà tôi ở đường Garpar để dạy kèm cậu em Bishnu.”

“ ‘Tôi biết Giri Bala rất rõ,’ Sthiti Babu bảo tôi. ‘Bà dùng một kỹ thuật yoga nào đó cho phép bà sống mà không cần ăn. Tôi là hàng xóm cạnh nhà bà ở Nawabganj gần Ichapur[1]. Tôi cố ý theo dõi bà rất kỹ; nhưng tôi chưa hề tìm được bằng chứng cho thấy bà ăn hay uống gì. Cuối cùng tôi tò mò đến mức tới gặp Maharaja xứ Burdwan[2] nhờ ngài cho tìm hiểu. Ngạc nhiên vì câu chuyện, ngài mời bà tới cung điện của ngài. Bà bằng lòng cho kiểm tra và sống hai tháng bị khóa trong một khu vực nhỏ trong nhà ngài. Sau đó bà quay lại cung điện trong hai mươi ngày; và rồi để thử thách lần thứ ba trong mười lăm ngày. Chính Maharaja bảo tôi rằng ba cuộc kiểm tra khắt khe này đã làm ngài tin chắc không còn nghi ngờ gì nữa về tình trạng không ăn uống của bà.’ “Câu chuyện Sthiti Babu kể vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi hơn hai mươi lăm năm,” tôi kết luận. “Đôi lúc ở Hoa Kỳ tôi băn khoăn không biết dòng sông thời gian có cuốn trôi yogini đi không trước khi tôi kịp gặp bà. Giờ chắc bà đã già lắm rồi. Tôi thậm chí còn không biết bà ở đâu, hay có còn sống không. Nhưng vài giờ nữa ta sẽ tới Purulia; nhà em trai bà ở đấy.”

Đến mười giờ rưỡi thì nhóm nhỏ chúng tôi đã trò chuyện với người em trai, Lambodar Dey, một luật sư ở Purulia.

“Phải, chị tôi vẫn còn sống. Thỉnh thoảng bà ở lại đây với tôi, nhưng lúc này thì bà đang ở nhà gia đình chúng tôi tại Biur.”

Lambodar Babu liếc nhìn chiếc Ford nghi ngại. “Thưa swami, tôi không tin đã từng có ô tô nào vào được tận trong Biur. Có lẽ hay hơn cả là tất cả quý vị đây đành lòng chịu cái xóc của xe bò.”

Nhóm chúng tôi đồng thanh thề trung thành với Niềm tự hào của Detroit.

“Chiếc Ford là đem từ Hoa Kỳ qua,” tôi bảo luật sư. “Sẽ rất tiếc nếu tước của nó cơ hội làm quen với trái tim của Bengal!”

“Cầu cho Ganesh[3] bên các vị!” Lambodar Babu nói, cười. Ông tử tế nói thêm, “Nếu các vị có đến được đó thì tôi chắc rằng Giri Bala sẽ vui được gặp các vị. Bà đã gần bảy mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh lắm.”

“Xin cho tôi biết, thưa ông, có đúng là bà ấy không ăn gì không?” Tôi nhìn thẳng vào mắt ông, những cửa sổ tâm hồn biết nói.

“Đúng vậy.” Cái nhìn của ông thẳng thắn và chân thật. “Suốt hơn năm mươi năm, tôi chưa hề thấy bà ấy ăn tí gì. Giả thử mà thế gian có bất ngờ tận diệt thì tôi cũng không ngạc nhiên hơn là thấy chị mình ăn!”

Chúng tôi cùng cười khúc khích vì chuyện không thể có của hai sự kiện lớn này.

“Gili Bala chưa hề tìm một chỗ vắng vẻ cách biệt để luyện yoga,” Lambodar Babu nói tiếp. “Cả đời bà ấy sống giữa gia đình và bạn bè. Giờ thì ai cũng đã quen với tình trạng lạ lùng của bà – không một ai trong số họ là không sửng sốt nếu như Giri Bala bỗng muốn ăn gì đó! Chị tôi về nghỉ một cách tự nhiên, phù hợp với một góa phụ Ấn Độ, nhưng cộng đồng nhỏ chúng tôi ở Purulia và Biur ai cũng biết đúng nghĩa đen, bà là một phụ nữ ‘khác thường’.”

Sự thật thà của người em trai rất rõ ràng. Nhóm mấy người chúng tôi nồng nhiệt cảm ơn ông rồi lên đường về hướng Biur.

Chúng tôi dừng ở một quán bên đường để ăn cà ri và luchi, làm một đám nhóc con bu lại để nhìn anh Wright ăn bốc theo kiểu giản tiện của người Ấn[4]. Ăn uống ngon lành giúp chúng tôi mạnh mẽ lên trước một buổi chiều mà, lúc đó chúng tôi còn chưa biết, sẽ tỏ ra khá gian khổ.

Lúc này, đường của chúng tôi dẫn về hướng Đông qua những đồng lúa tắm nắng vào khu vực Burdwan ở Bengal. Nơi nơi những con đường viền cây cỏ mọc dày; tiếng hót của những con chim sáo và chim chào mào cổ vằn líu lo từ trên cây với những cành to như xòe ô. Thi thoảng có một chiếc xe bò, tiếng cút kít rini, rini, manju, manju của trục xe và bánh xe gỗ niềng sắt tương phản rõ rệt trong trí nhớ với tiếng swish, swish của lốp xe hơi trên đường nhựa quý phái ở thành phố.

“Dick, dừng lại!” Yêu cầu bất thần của tôi làm chiếc Ford phản đối giật nảy. “Cây xoài trĩu quả đằng kia gần như đang kêu to mời gọi đấy!”

Năm người chúng tôi như trẻ con nhảy bổ tới mặt đất rải đầy xoài; cây xoài đã hào hiệp ném quả xuống khi đã chín.

“Biết bao nhiêu cây xoài sinh ra rồi ở đấy mà không ai hay biết,” tôi diễn giải, “rồi phí quả ngọt của mình giữa mặt đất đá.”

“Ở Hoa Kỳ chẳng có gì như thứ này cả, phải không, thưa swami?” Sailesh Mazumdar, một trong các môn sinh người Bengal của tôi, cười.

“Đúng,” tôi thừa nhận, bụng đầy cả xoài và mãn nguyện. “Ở bên Tây thầy thấy nhớ quả này biết chừng nào! Một thiên đường của người Ấn mà không có xoài thì thật không tưởng tượng nổi!”

Tôi ném một hòn đá khiến một cái đẹp kiêu hãnh rụng xuống từ cành cao nhất.

“Dick,” tôi vừa cắn thứ cao lương mỹ vị ấm nắng nhiệt đới vừa hỏi, “máy ảnh để trong xe cả rồi à?”

“Vâng, thưa thầy, trong ngăn hành lý.”

“Nếu Giri Bala đúng là một bậc chân thánh, thầy muốn viết về bà ở phương Tây. Một yogini Ấn có những khả năng truyền cảm như vậy không nên sống rồi chết mà không được biết đến – như hầu hết những trái xoài này.”

Nửa giờ sau tôi vẫn còn tha thẩn trong thanh bình đồng quê.

“Thưa thầy,” anh Wright nói, “ta nên tới chỗ Giri Bala trước khi mặt trời lặn, để còn đủ ánh sáng mà chụp hình.” Anh nói thêm mà cười toét. “Người Tây phương là đám hoài nghi; ta chẳng thể mong họ tin vào một bà nào đó mà không có tấm ảnh nào!”

Chút khôn ngoan này thật không thể bàn cãi được; tôi quay lưng lại với cám dỗ rồi vào lại xe.

“Anh nói phải đấy, Dick,” tôi thở dài khi chúng tôi phóng xe đi tiếp. “Thầy sẽ hiến tế thiên đường xoài lên bàn thờ tinh thần hiện thực phương Tây. Ảnh thì ta phải có!”

Con đường mỗi lúc một khủng khiếp hơn: cày xới những vết xe, ung nhọt đất sét đóng bánh lại – những cái hom hem đáng buồn của tuổi già. Nhóm chúng tôi thỉnh thoảng xuống xe để anh Wright lái chiếc Ford dễ hơn, những người còn lại chúng tôi đứng sau đẩy.

“Lambodar Babu nói phải quá,” Sailesh công nhận. “Xe đâu có chở mình; mình chở xe!”

Cái cảnh tẻ ngắt chúng tôi lên xe, xuống xe thỉnh thoảng thành trò tiêu khiển cho dân làng, mỗi người là một sự phô bày về sự xuềnh xoàng lạ lùng.

“Con đường chúng tôi đi cứ quanh co uốn khúc qua những khóm rừng cọ giữa những ngôi làng cổ kính, ban sơ náu mình trong bóng rừng,” anh Wright ghi lại trong nhật ký hành trình, đề ngày 5-5-1936. “Những cụm nhà tranh vách đất này rất thú vị, trang trí bằng một trong các tên của Thượng đế trên cửa; nhiều đứa trẻ nhỏ bé, trần trùng trục ngây thơ nô đùa, dừng lại nhìn ngây hay cắm đầu cắm cổ chạy theo chiếc xe đen, to, không bò kéo này đang lồng lộn khắp làng của chúng.

Đám đàn bà chỉ nhìn trộm từ trong bóng râm, còn cánh đàn ông thì lững thững đi dưới cây dọc hai bên đường, sự tò mò khuất dưới vẻ uể oải. Ở một chỗ nọ, cả làng đang vui vẻ tắm trong một bể lớn (mặc nguyên áo quần, thay bằng cách choàng đồ khô quanh người, thả đồ ướt xuống). Đàn bà bê nước về nhà trong những cái vại đồng thau to sụ.

Con đường đưa chúng tôi đến một cuộc rượt đuổi lòng vòng thật khôi hài qua gò và luống; chúng tôi xóc dựng rồi nghiêng ngả, đâm đầu xuống những con suối nhỏ, vòng quanh một đường đắp cao đang làm dở, trượt qua những lòng sông cát, cạn khô; rồi cuối cùng, chừng năm giờ chiều, chúng tôi đã gần đến đích là Biur. Ngôi làng nhỏ nằm mé trong khu Bankura, náu mình trong sự che chở của tán cây dày, du khách chẳng thể tới được vào mùa mưa, người ta cho chúng tôi hay; bấy giờ dòng nước là những con thác cuồng nộ còn những con đường thì như rắn phun nọc bùn.

Khi hỏi đường một tốp tín đồ đang trên đường về nhà sau một buổi cầu nguyện ở đền (chơ vơ ngoài đồng), chúng tôi bị bao vây giữa cả chục đứa trẻ ăn mặc phong phanh leo trèo lên tứ phía chiếc xe, hăm hở dẫn chúng tôi đến chỗ Giri Bala.

Con đường dẫn tới một khóm rừng chà là che bóng cho một cụm nhà tranh vách đất, nhưng trước khi chúng tôi đến được đó, chiếc Ford nhất thời bị lật nghiêng ở một góc nguy hiểm, nảy tưng lên rồi rơi xuống. Con đường hẹp men quanh cây cối và bể nước, qua những gò, xuống hố và rãnh sâu. Chiếc xe bị kẹt cứng vào một đám bụi rậm, rồi mắc cạn ở một mô đất, cần phải nhấc mấy khối đất mới lên được; chúng tôi đi tiếp, từ từ và thận trọng; thình lình con đường bị chặn lại bởi một đống cành cây cột thành bó để giữa một chiếc xe kéo, phải chạy vòng xuống một gờ dốc đứng xuống một bể cạn, mà sự cứu hộ ra khỏi đó đòi hỏi một chút bới, đào rồi xúc. Không biết bao lần con đường cơ hồ không thể qua được, nhưng cuộc hành hương phải tiếp tục; bọn trẻ sốt sắng đi kiếm cái mai và dẹp bỏ chướng ngại vật (sự phù hộ của thần Ganesh!) trong khi hàng trăm trẻ con cùng cha mẹ chúng đứng ngây nhìn.

Chẳng mấy chốc chúng tôi len qua hai con đường mòn xưa cũ, đàn bà từ trong cửa nhà tranh của mình trố mắt nhìn ra, đàn ông lếch thếch đi cạnh và đằng sau chúng tôi, trẻ con chen lấn cho đông thêm đám rước.

Ô tô của chúng tôi có lẽ là chiếc đầu tiên đi qua những con đường này; ‘liên hiệp xe bò’ hẳn là toàn năng ở đây! Xem chúng tôi tạo ra một cảnh náo động gì đây – một tốp do một người Hoa Kỳ điều khiển và đi tiên phong trong một chiếc xe phun phì phì thẳng vào thành lũy làng quê của họ, xâm lăng sự riêng tư và thiêng liêng xưa!

Dừng bên một con hẻm hẹp, chúng tôi nhận ra mình còn cách nhà dòng họ của Giri Bala chừng ba chục thước. Chúng tôi cảm thấy xúc động toại nguyện sau một cuộc vật lộn đường dài được trọn vẹn bởi một kết thúc gay go. Chúng tôi tiến lại gần một tòa nhà hai tầng to xây gạch và vữa, cao hơn hẳn những mái nhà tranh nhỏ xung quanh; ngôi nhà đang được sửa chữa, vì xung quanh nó là cái sườn nhà bằng tre điển hình vùng nhiệt đới.

Với sự chờ đợi háo hức và vui sướng kiềm chế, chúng tôi đứng trước những cánh cửa mở được ban phúc bởi bàn tay người ‘không biết đói’ của Thượng đế. Vẫn cứ há hốc kinh ngạc không thôi, dân làng, trẻ lẫn già, trần truồng hay mặc đồ, đàn bà có phần đứng xa nhưng cũng tò mò, đàn ông và mấy cậu bé không biết ngượng bám sát gót chúng tôi khi nhìn ngây cảnh tượng vô tiền khoáng hậu này.

Chốc sau một dáng người thấp hiện ra ở cửa – Giri Bala! Bà quấn trong lụa nhũ vàng, mờ; theo kiểu Ấn điển hình, bà đi tới nhún nhường và ngập ngừng, hé nhìn chúng tôi từ dưới nếp gấp tấm swadeshi. Mắt bà lấp lánh như than hồng từ khoảng tối dưới khăn đội đầu; chúng tôi bị thu hút bởi một gương mặt nhân từ và giác ngộ Thượng đế, tịnh không còn vết nhơ của chấp trước trần tục.

Nhu mì, bà đến gần và im lìm để chúng tôi chụp một số hình bằng máy ảnh ‘tĩnh’ và máy quay phim ‘động’ của chúng tôi[5]. Kiên nhẫn và e thẹn, bà chịu đựng các kỹ thuật chụp hình chỉnh tư thế và sắp xếp ánh sáng của chúng tôi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã ghi lại được cho hậu thế nhiều tấm hình về người đàn bà duy nhất trên thế giới được biết tới là đã sống không cần ăn uống trong hơn năm mươi năm. (Therese Neumann, dĩ nhiên, đã nhịn ăn từ năm 1923). Biểu hiện của Giri Bala khi bà đứng trước chúng tôi phần nhiều là như người mẹ, phủ áo rộng tha thướt, kín toàn thân chỉ chừa lại gương mặt với ánh mắt nhìn xuống, hai bàn tay, và đôi chân của bà nhỏ nhắn. Một gương mặt thanh thản hiếm thấy và tự tin ngây thơ – đôi môi rộng, trẻ thơ, run run, một cái mũi nữ tính, hẹp, đôi mắt long lanh, và một nụ cười buồn.”

Tôi cũng chia sẻ ấn tượng của anh Wright về Giri Bala; tính tâm linh vây bọc mẹ như tấm mạng nhẹ, sáng màu của mẹ. Mẹ pranam tôi với cử chỉ chào theo lệ của một chủ nhà đối với thầy tu.

Nét duyên dung dị và nụ cười thanh thản của mẹ cho chúng tôi sự đón chào hơn cả cách đón chào bằng lời lẽ hùng biện êm tai; chúng tôi đã quên mất chặng đường bụi bặm, gian nan rồi.

Vị thánh nhỏ nhắn ngồi xếp bằng trên hiên. Dù mang dấu vết của tuổi tác, nhưng mẹ vẫn không hao gầy; làn da nâu vẫn còn sáng và khí sắc khỏe mạnh.

“Mẹ,” tôi nói bằng tiếng Bengal, “suốt hơn hai mươi lăm năm con đã tha thiết nghĩ đến cuộc hành hương này đây! Con đã được nghe về cuộc đời siêu phàm của mẹ từ Sthiti Lal Nundy Babu.”

Mẹ gật đầu thừa nhận. “Phải, hàng xóm tốt bụng của ta ở Nawabganj.”

“Trong suốt những năm ấy con đã vượt đại dương, nhưng chưa hề quên ý định một ngày nào đó gặp mẹ. Vở kịch cao quý mà mẹ đang đóng rất lặng lẽ nơi này nên được rao truyền cho một thế giới đã từ lâu quên thức ăn thiêng liêng nội thể.”

Thánh ngước mắt lên một lát, mỉm cười với sự quan tâm bình thản.

“Baba (thầy tôn kính) biết rõ hơn cả,” mẹ đáp nhu mì.

Tôi mừng là mẹ không phật lòng; ta chẳng bao giờ biết trước các yogi và yogini phản ứng ra sao trước cái ý nghĩ được đưa ra trước công chúng. Họ tránh xa điều đó, theo lệ thường, muốn lặng thầm theo đuổi cuộc tìm kiếm linh hồn sâu thẳm. Một sự chấp thuận nội tâm sẽ đến trong họ khi đã đúng lúc để trình bày cuộc đời mình ra trước đám đông vì lợi lạc của những tâm thức kiếm tìm.

“Mẹ,” tôi nói tiếp, “thế thì, hãy thứ lỗi cho con vì làm phiền mẹ bằng nhiều câu hỏi. Xin hãy vui lòng trả lời những câu mẹ thấy dễ chịu thôi; con cũng sẽ hiểu cả sự im lặng của mẹ.”

Yogananda và Gili Bala

Mẹ đưa hai bàn tay ra với một cử chỉ rộng lượng. “Ta sẽ vui lòng đáp nếu một người tầm thường như ta trả lời thỏa đáng được.”

“Ôi, không, không tầm thường!” Tôi phản đối thật lòng. “Mẹ là một thánh nhân.”

“Ta là kẻ tôi tớ hèn mọn của mọi người.” Mẹ nói thêm một cách lạ lùng, “Ta thích nấu nướng, và lo cái ăn cho mọi người.”

Một cách giải trí lạ lùng, tôi nghĩ, đối với một vị thánh không ăn!

“Mẹ, xin hãy cho con biết, từ chính miệng mẹ nói ra – có phải mẹ sống mà không ăn không?”

“Điều đó đúng.” Mẹ im lặng ít phút; câu nói tiếp theo chứng tỏ mẹ đã chật vật với phép tính nhẩm. “Từ lúc mười hai tuổi bốn tháng đến năm nay là sáu mươi tám tuổi – một khoảng thời gian hơn năm mươi sáu năm – ta không ăn cũng không uống.”

“Mẹ không bao giờ thấy thèm ăn sao?”

“Nếu ta thấy thèm ăn thì ta đã ăn rồi.” Giản dị nhưng cao quý mẹ nói lên sự thật hiển nhiên này, sự thật mà một thế giới xoay quanh ba bữa ăn mỗi ngày biết rất rõ!

“Nhưng mẹ phải ăn một cái gì đó!” Giọng điệu tôi có vẻ phản đối.

“Dĩ nhiên!” Mẹ mỉm cười hiểu ngay.

“Dinh dưỡng cho mẹ lấy từ những năng lượng thanh khiết hơn là không khí và ánh nắng[6] và từ năng lượng vũ trụ nạp vào cơ thể mẹ qua hành tủy.”

“Baba biết mà.” Lần nữa mẹ mặc nhận, cung cách của mẹ hòa nhã và không khoa trương.

“Mẹ, xin hãy kể cho con về thời trẻ của mẹ. Điều đó chứa đựng một lợi ích sâu sắc cho tất cả mọi người ở Ấn, và cả cho những anh chị em ta bên kia đại dương.”

Giri Bala bỏ qua một bên sự dè dặt quen thuộc của mình, thoải mái trong không khí trò chuyện.

“Thôi cũng được.” Giọng mẹ nhỏ nhẹ và dứt khoát. “Ta sinh ra trong vùng rừng này. Tuổi thơ của ta không có gì đặc biệt chỉ trừ việc ta bị ám ảnh cảm giác thèm ăn không thỏa.

“Ta được hứa hôn khi ta chừng chín tuổi.

“ ‘Con à,’ mẹ ta thường răn ta, ‘cố mà kiểm soát thói háu ăn của con. Đến lúc con phải sống giữa những người xa lạ bên nhà chồng, họ sẽ nghĩ sao về con nếu suốt ngày con chỉ biết ăn thôi?’ “Tai họa bà thấy trước đã thành sự thật. Ta chỉ mới mười hai tuổi khi ta về ở với người nhà chồng ở Nawabganj. Mẹ chồng làm ta bẽ mặt cả sáng, trưa, tối vì thói tham ăn của ta. Tuy nhiên, những lời mắng mỏ của bà là cái rủi mà hóa may; nó đánh thức khuynh hướng tâm linh ngủ yên trong ta. Một buổi sáng, bà chế giễu không thương tiếc.

“ ‘Con sẽ sớm chứng minh cho mẹ thấy,’ ta nói, đau đến tận tâm can, ‘rằng con sẽ không bao giờ động đến thức ăn nữa, ngày nào con còn sống.’ “Mẹ chồng ta cười chế nhạo. ‘Vậy à!’ bà nói, ‘con sống mà không ăn làm sao được khi mà con chẳng thể nào sống nổi nếu không ăn liên tu bất tận?’ “Câu này thì không thể cãi lại được. Thế nhưng trong lòng ta đã có một quyết tâm sắt đá. Ở một nơi khuất lánh, ta tìm Thượng đế Toàn năng của mình.

“ ‘Lạy Thượng đế,’ ta cầu nguyện không ngớt, ‘xin hãy phái đến cho con một sư phụ, người dạy con sống bằng ánh sáng của Ngài mà không phải bằng thức ăn.’ “Một cảm giác diễm phúc đổ trùm xuống ta. Trong sức hút thần tiên ấy, ta lên đường đến ghat Nawabganj bên sông Hằng.

Trên đường đi, ta gặp một tu sĩ bên nhà chồng.

“ ‘Thầy đáng kính,’ ta tin tưởng nói, ‘xin vui lòng dạy con cách sống mà không cần ăn.’ “Thầy tu nhìn ta không đáp. Sau cùng, ông nói theo kiểu dỗ dành. ‘Con ạ,’ thầy tu nói, ‘chiều nay hãy đến đền thờ; ta sẽ cử hành một lễ Vệ Đà riêng cho con.’ “Câu trả lời mơ hồ này không phải là cái ta tìm kiếm; ta đi tiếp đến ghat. Ánh nắng buổi sáng xuyên xuống mặt sông; ta tẩy gột mình dưới sông Hằng, như thể để sửa soạn cho lễ điểm đạo thiêng liêng. Khi ta đi khỏi bờ sông, áo quần ướt quấn quanh thân, trong cái nắng chói chang giữa ban ngày, thầy ta hiện ra trước mặt ta!

“ ‘Con nhỏ yêu quý,’ thầy nói bằng giọng từ bi thương yêu, ‘ta là sư phụ mà Thượng đế phái đến đây để đáp lời cầu nguyện khẩn thiết của con. Ngài vô cùng xúc động vì tính chất rất bất thường của lời cầu nguyện! Từ hôm nay con sẽ sống bằng ánh sáng siêu nhiên; các nguyên tử cơ thể con sẽ được nạp dòng điện vô tận.’ “

Giri Bala chìm trong im lặng. Tôi lấy cây bút chì và thếp giấy của anh Wright rồi dịch ra tiếng Anh vài điều cho cậu ta biết.

Vị thánh tiếp câu chuyện, giọng nhỏ nhẹ chỉ vừa nghe. “Ghat vắng người, nhưng sư phụ ta tỏa ra quanh thầy và ta một hào quang ánh sáng che chở khiến không còn một người nào tản mác tắm sau đó quấy rầy chúng ta được. Ngài điểm đạo cho ta vào một kỹ thuật kria giải phóng cho cơ thể khỏi phụ thuộc vào thức ăn thô của người phàm. Kỹ thuật bao gồm việc sử dụng một mantra[7] nhất định và một bài tập thở khó hơn mức người thường làm được.

Không có thuốc hay ma thuật nào; không gì cả ngoài kria.”

Theo phương thức mà một phóng viên Hoa Kỳ đã vô tình dạy tôi, tôi hỏi Giri Bala về nhiều điểm mà tôi nghĩ thế giới sẽ quan tâm. Mẹ, từng chút một, cho tôi thông tin sau:

“Ta không có con cái; nhiều năm trước ta thành góa phụ. Ta ngủ rất ít, vì ngủ hay thức với ta đều như nhau. Ta thiền ban đêm, chăm lo việc nhà ban ngày. Ta có cảm thấy đôi chút thay đổi trong khí hậu khi chuyển mùa. Ta chưa hề đau ốm hay chịu căn bệnh nào. Ta chỉ cảm thấy đau nhẹ khi bị thương do tai nạn. Ta không bài tiết. Ta có thể kiểm soát nhịp tim và hô hấp. Trong các linh ảnh ta thường thấy sư phụ và các thánh khác.”

“Mẹ,” tôi hỏi, “sao mẹ không dạy người khác phương pháp sống không cần ăn?”

Mong muốn đầy tham vọng của tôi dành cho hàng triệu người đói kém trên thế giới nhanh chóng tan tác.

“Không.” Mẹ lắc đầu. “Sư phụ đã nghiêm cấm ta hé lộ bí mật.

Ngài không muốn làm xáo trộn vở kịch sáng tạo của Thượng đế.

Nông dân sẽ không cảm ơn ta nếu ta dạy nhiều người sống không cần ăn! Trái ngọt sẽ nằm vô ích trên đất. Có vẻ như khổ đau, đói kém, và bệnh tật là những nhát roi nghiệp của chúng ta mà đến cuối cùng sẽ thúc ta đi kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời.”

“Mẹ,” tôi nói chậm rãi, “ý đồ khi riêng mẹ được chọn để sống mà không cần ăn là gì?”

“Để chứng minh rằng con người là Tinh thần.” Gương mặt mẹ sáng lên minh triết. “Để chứng tỏ rằng bằng tiến hóa thiêng liêng con người có thể dần dần học cách sống bằng Ánh sáng Vĩnh cửu mà không phải bằng thức ăn[8].”

Thánh chìm sâu trong trạng thái thiền định. Cái nhìn của mẹ hướng vào trong; vũng sâu dịu dàng trong mắt mẹ trở nên vô cảm.

Mẹ thở dài một tiếng mạnh, mở đầu cho nhập định ngưng thở đầy an lạc. Lát sau, mẹ đã bay vào cõi bất biến, thiên đường niềm vui nội tâm.

Đêm nhiệt đới đã buông xuống. Ánh sáng từ ngọn đèn dầu nhỏ lập lòe chập chờn trên đầu dân làng đang lặng lẽ ngồi xổm trong bóng tối. Sâu đóm vụt qua và đèn dầu treo xa xa nơi những mái nhà tranh dệt nên những hình thù kỳ lạ vào trong đêm nhung.

Đã đến giờ phải dứt lòng ra đi; một cuộc hành trình chậm chạp, tẻ nhạt trước mặt nhóm nhỏ chúng tôi.

“Giri Bala,” tôi nói khi thánh mở mắt, “xin hãy cho con một vật kỷ niệm – một mảnh trong mấy tấm sari của mẹ.”

Mẹ quay lại ngay với một tấm lụa Banaras, chìa ra trong bàn tay khi mẹ bất ngờ phủ phục trên đất.

“Mẹ,” tôi nói tôn kính, “hãy để con chạm chân thiêng của mẹ mới đúng!”


[1] Ở bắc Bengal.

[2] Hoàng thân Bijay Chand Mahtab, đã mất. Gia đình ngài rõ ràng đã lưu giữ một tài liệu ghi lại ba lần Maharaja tìm hiểu về Giri Bala.

[3] “Đấng Dẹp bỏ Chướng ngại”, thần may mắn.

[4] Sri Yukteswar từng nói: “Thượng đế đã cho ta hoa trái từ đất đai phì nhiêu. Ta thích nhìn thức ăn của mình, ngửi nó, nếm nó – người Ấn Độ còn thích sờ nó!” Người ta cũng sẽ không ngại nghe nó nữa, nếu không có ai khác tại bữa ăn!

[5]  Anh Wright còn quay phim Sri Yukteswar trong lễ hội đông chí cuối cùng của thầy ở Serampore.

[6] “Cái chúng ta ăn là bức xạ; thực phẩm của chúng ta có rất nhiều lượng tử năng lượng,” tiến sĩ Geo. W. Crile ở Cleveland đã phát biểu trước một cuộc họp của giới y khoa ngày 17 tháng 5 năm 1933 tại Memphis. Một số phần trong bài phát biểu của ông được ghi lại như sau: “Bức xạ vô cùng quan trọng này, cái giải phóng các dòng điện cho mạch điện của cơ thể, hệ thần kinh, được các tia mặt trời đưa vào trong thức ăn. Nguyên tử, tiến sĩ Crile nói, là các hệ mặt trời. Nguyên tử là các phương tiện mang đầy bức xạ mặt trời giống như nhiều cái lò xo. Vô số nguyên tử đầy năng lượng này được ăn vào như thức ăn. Khi đã ở trong cơ thể người, những phương tiện căng đầy này, các nguyên tử, được đưa vào chất nguyên sinh cơ thể, bức xạ cung cấp năng lượng hóa học mới, các dòng điện mới. “Cơ thể của các vị được làm từ những nguyên tử như vậy,” tiến sĩ Crile nói. “Chúng là cơ bắp, não, và các cơ quan thụ cảm của các vị, ví dụ như mắt và tai.” “ Một ngày nào đó các nhà khoa học sẽ phát hiện ra cách để con người có thể sống trực tiếp bằng năng lượng mặt trời. “Diệp lục là chất duy nhất trong thiên nhiên mà người ta biết là bằng cách nào đó có khả năng hoạt động như một cái “bẫy nắng” “, William L. Laurence viết trong The New York Times. “Nó “bắt” năng lượng của ánh nắng rồi trữ trong cây. Không có điều này thì không có sự sống nào tồn tại được. Chúng ta có được năng lượng để sống từ năng lượng Mặt trời trữ trong thức ăn có nguồn gốc thực vật ta ăn hay trong thịt của động vật ăn thực vật. Năng lượng ta lấy được từ than hay dầu là năng lượng Mặt trời mà chất diệp lục bẫy được trong sự sống của thực vật hàng triệu năm trước. Chúng ta sống bằng Mặt trời qua trung gian là chất diệp lục.”

[7]  Câu niệm rung động uy lực. Dịch theo nghĩa đen tiếng Phạn, từ mantra là “khí cụ của tư tưởng”. Nó có nghĩa là “những âm thanh lý tưởng, không nghe thấy được, thể hiện một khía cạnh của sáng tạo; khi những âm tiết được phát âm, một mantra sẽ cấu thành một thuật ngữ vạn năng” (Từ điển Webster’s New International, ấn bản lần 2). Những quyền năng vô hạn của âm thanh bắt nguồn từ Aum, “Nguyên ngôn” hay tiếng kêu rền sáng tạo của Động cơ Vũ trụ.

 

Bình luận về bài viết này