Thực Hành Lòng Biết Ơn và Nghệ Thuật Viết Lời Cảm Ơn

1. Giới Thiệu

Chào mừng các bạn đến với một hành trình mới! Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một phương pháp tuyệt vời để nâng cao tâm trạng và tinh thần: việc viết lời cảm ơn hàng ngày. Các nhà tâm linh nổi tiếng như Eckhart Tolle và Oprah Winfrey đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày. Họ khẳng định rằng lòng biết ơn không chỉ là một cảm xúc, mà còn là một thực hành tâm linh mở ra cánh cửa dẫn đến sự thanh thản và hạnh phúc. Hãy cùng tôi đi sâu vào nghệ thuật này và biến mỗi ngày trở thành một dịp để nói “Cảm ơn” với trọn vẹn ý nghĩa.

2. Bắt Đầu Viết Lời Cảm Ơn

Chọn Phương Tiện Ghi Chép

Mở đầu bằng việc chọn một quyển sổ đẹp hoặc một ứng dụng ghi chép trên điện thoại mà bạn yêu thích. Việc này không chỉ khuyến khích bạn viết mỗi ngày mà còn giúp bạn cảm thấy hào hứng với quá trình viết.

Thiết Lập Thời Gian Suy Ngẫm Về Lòng Biết Ơn

Hãy dành ra ít nhất 5 phút mỗi ngày vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ để suy ngẫm và ghi chép. Đây là khoảng thời gian để bạn tạm gác lại mọi thứ và chỉ tập trung vào những điều bạn cảm thấy biết ơn.

Làm Thế Nào Để Viết?

Bắt đầu mỗi mục với “Cảm ơn vì…”, và tiếp tục miêu tả chi tiết. Hãy thể hiện lòng biết ơn cho một sự kiện, một người, một cảm xúc, hoặc thậm chí là một thách thức bạn đã vượt qua. Điều quan trọng là hãy viết từ trái tim và thật cụ thể.

Ví Dụ Cụ Thể Về Lời Cảm Ơn

  • “Cảm ơn vì tôi đã có một ngày không đau ốm, giúp tôi hoàn thành mọi kế hoạch.”
  • “Cảm ơn mẹ đã nấu một bữa tối ngon lành, nó thật sự làm ấm lòng tôi.”
  • “Cảm ơn Anh A đã giúp tôi giải quyết vấn đề khó khăn trong dự án hôm nay.”
  • “Cảm ơn vì cuộc gặp gỡ hôm nay, nó đã mở rộng tầm nhìn của tôi.”
  • “Cảm ơn người phụ nữ ở cửa hàng đã chỉ cho tôi chỗ tìm sản phẩm tôi cần.”

3.Lợi Ích của Việc Viết Lời Cảm Ơn

Chúng ta không chỉ đang tạo ra một cử chỉ đẹp, mà còn đang kết nối sâu sắc hơn với chính mình và vũ trụ xung quanh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thường xuyên thực hành lòng biết ơn có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần và thể chất. Và quan trọng hơn, việc này giúp chúng ta nhận ra rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn có điều gì đó để biết ơn. Vì vậy, dù bạn đang trải qua giai đoạn nào, hãy thử mở lòng mình và bắt đầu viết lời cảm ơn từ hôm nay.

4.Các Nhóm Nội Dung Mà Bạn Có Thể Suy Ngẫm

Dưới đây là danh sách các nhóm nội dung đã được admin tổ chức lại để giúp bạn dễ dàng tìm thấy chủ đề phù hợp khi viết lời cảm ơn hàng ngày. Bạn có thể chọn bất kỳ nhóm nào để tập trung vào mỗi ngày hoặc xoay vòng qua các nhóm để giữ cho việc viết lời cảm ơn của bạn luôn mới mẻ và đầy cảm xúc.

Nhóm Cảm Ơn Về Cá Nhân

  • Sức khỏe cá nhân
  • Sự yên tĩnh và khoảng lặng
  • Sự tự do cá nhân
  • Cảm giác an toàn và bảo vệ
  • Trải nghiệm và cơ hội
  • Sự tự lực và phát triển bản thân
  • Sự khỏe mạnh tinh thần

Nhóm Cảm Ơn Mối Quan Hệ

  • Gia đình
  • Bạn bè
  • Đồng nghiệp và môi trường làm việc
  • Người lạ đã giúp đỡ

Nhóm Cảm Ơn Môi Trường Xung Quanh

  • Môi trường và thiên nhiên
  • Công nghệ và tiện ích hiện đại
  • Nghệ thuật và sáng tạo
  • Âm nhạc và giải trí

Nhóm Cảm Ơn Về Thử Thách và Khó Khăn

  • Thách thức và khó khăn
  • Sự từ chối
  • Những lúc cô đơn
  • Cuộc tranh cãi và mâu thuẫn
  • Đối thủ và những người chỉ trích
  • Những lời chỉ trích xây dựng
  • Những lần thất bại hoặc thất vọng
  • Sự đau khổ và mất mát
  • Sự tức giận của người khác
  • Những lần bị hiểu lầm
  • Sự phán xét

Nhóm Cảm Ơn Phát Triển Bản Thân

  • Những bài học kinh nghiệm
  • Sự thay đổi và không chắc chắn
  • Giới hạn và rào cản
  • Sự bất an và lo lắng
  • Sự tức giận
  • Sự khó chịu
  • Những lời nói dối hoặc sự phản bội
  • Những lần phải chịu áp lực
  • Những lần cảm thấy bất lực
  • Sự đố kị và ganh tỵ
  • Những lần phải đối mặt với sự phán xét
  • Những điều không công bằng
  • Những lúc phải tự vượt qua nỗi sợ hãi
  • Những khoảnh khắc thất vọng trong tình bạn
  • Những lần phải từ bỏ điều gì đó yêu thích
  • Những ngày cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức
  • Sự nhàm chán
  • Những lúc phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình

Nhóm Cảm Ơn Về Cuộc Sống Hàng Ngày

  • Những điều nhỏ nhặt mỗi ngày
  • Sự giúp đỡ từ người khác
  • Cơ hội để giúp đỡ người khác
  • Khoảnh khắc tuyệt vọng và cách bạn vượt qua
  • Sự tự chủ trong quyết định
  • Cảm giác hài lòng và đạt được mục tiêu

5.Kết Luận

Hãy thử mở lòng mình và bắt đầu viết lời cảm ơn từ hôm nay. Cùng xem điều kỳ diệu nào sẽ xảy ra khi bạn thực sự biết ơn cuộc sống của mình! Hãy để việc biết ơn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn và chứng kiến những thay đổi tích cực mỗi ngày.

Hãy đón đọc các bài tiếp theo để hướng dẫn cụ thể về cách viết lời cảm ơn cho mỗi chủ đề của từng nhóm nội dung.

Trân trọng, Admin.

Tự truyện của một Yogi – Chương 49 & HẾT

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 49

CHƯƠNG 49 Những năm 1940-1951

“Chúng tôi quả đã học được giá trị của thiền, và biết rằng không gì có thể làm xáo trộn sự an tịnh nội tâm của mình. Mấy tuần qua, trong các buổi họp mặt, chúng tôi đã nghe thấy những báo động không kích và lắng nghe tiếng bom nổ chậm, nhưng môn sinh chúng tôi vẫn nhóm lại và vui hưởng trọn vẹn buổi lễ trang trọng của mình.”

Lá thư khí phách này, của trưởng Trung tâm Hội Tự giác London, là một trong nhiều lá thư gửi cho tôi từ nước Anh và châu Âu bị chiến tranh tàn phá trong những năm trước khi Hoa Kỳ tham gia Thế chiến II.

Tiến sĩ L. Cranmer-Byng ở London, biên tập có tiếng của The Wisdom of the East Series (Tủ sách Minh triết Đông phương), năm 1942 đã viết cho tôi như sau:

“Khi tôi đọc Đông-Tây[1] thì tôi nhận ra dường như ta xa nhau biết chừng nào, rõ ràng sống trong hai thế giới khác biệt. Cái đẹp, trật tự, tĩnh lặng và hòa bình từ Los Angeles đến với tôi, như một con thuyền đầy ắp ân huệ và ai ủi của Chén Thánh đi vào cảng, đến một thành phố bị bao vây.

“Tôi thấy như trong chiêm bao khóm rừng cọ của ngài, và tu viện ở Encinitas với những dải biển và cảnh núi; và hơn hết là hội của những người có tư tưởng tâm linh – một cộng đồng hiểu biết trong hợp nhất, chìm đắm trong công việc sáng tạo, và lấp đầy trong trầm tư… Xin gửi đến toàn thể Hội lời chào từ một người lính trơn, viết trên tháp canh chờ bình minh.”

Đền thờ Mọi Tôn giáo ở Hollywood, bang California, được nhân công Hội Tự giác xây và khánh thành vào năm 1942. Một năm sau, một đền khác được xây ở San Diego, bang California; rồi năm 1947, một đền thờ nữa ở Long Beach, bang California[2].

Năm 1949, một trong những khu đất đẹp nhất trên thế giới, một xứ thần tiên hoa cỏ tại Pacific Palisades ở Los Angeles, được tặng cho Hội Tự giác. Vùng đất mười mẫu Anh (acre) là một giảng đường thiên nhiên, bao quanh là những ngọn đồi xanh tươi. Một cái hồ tự nhiên rộng, một viên ngọc xanh trên chiếc vương miện núi, đã đem lại cho khu đất cái tên Hồ Miếu). Ngôi nhà kiểu cối xay gió Hà Lan cổ kính trên khu đất này bao gồm cả một điện thờ nhỏ tĩnh mịch. Gần một khu vườn trũng có một guồng nước lớn tưới khúc nhạc thong dong. Hai tượng đá cẩm thạch của Trung Hoa điểm trang nơi đây – một tượng Đức Phật và một tượng Quan Âm (nhân cách hóa kiểu Trung Quốc về Thánh Mẫu). Một tượng Chúa cao bằng người thật, gương mặt trong ngần và áo thụng tha thướt bừng sáng về đêm, đứng trên ngọn đồi bên trên một thác nước.

Đài tưởng niệm Hòa bình Thế giới Mahatma Gandhi tại Hồ Miếu được khánh thành vào năm 1950, năm đánh dấu sinh nhật thứ ba mươi[3] của Hội Tự giác ở Hoa Kỳ. Một phần di cốt của Mahatma, gửi từ Ấn Độ sang, được cất giữ trong cái quách đá ngàn năm tuổi.

“Trung tâm Ấn Độ[4]” của Hội Tự giác ở Hollywood được thành lập vào năm 1951. Ông Goodwin J. Knight, phó thống đốc bang California, và ông M. R. Ahuja, tổng lãnh sự Ấn Độ, đã cùng tôi dự lễ khánh thành. Trên khuôn viên này có Hội trường Ấn Độ, một thính phòng đủ chỗ cho 250 người.

Những người mới đến các trung tâm thường muốn được biết rõ hơn về yoga. Một câu hỏi thỉnh thoảng tôi vẫn nghe là: “Có phải, như một số tổ chức nói, ta không thể học được yoga ở dạng sách in mà chỉ nên theo đuổi với sự hướng dẫn của một vị thầy bên cạnh?”

Trong Thời đại Nguyên tử, yoga nên được dạy bằng phương pháp hướng dẫn như Loạt bài giảng của Hội Tự giác, nếu không, tri thức giải thoát sẽ lại bị giới hạn cho một số ít người được chọn. Quả thực, nếu mỗi môn sinh có thể có bên mình một sư phụ đã hoàn toàn giác ngộ tri kiến thiêng liêng thì đó sẽ là một lợi lạc vô giá; nhưng thế gian thì gồm nhiều “tội nhân” mà ít thánh nhân. Vậy thì làm sao số đông có thể được giúp bằng yoga, nếu không phải là bằng học tập tại nhà các hướng dẫn do những yogi chân chính viết ra?

Giải pháp duy nhất là “phàm nhân” sẽ bị lãng quên và bỏ rơi không có được pháp môn yoga. Đó không phải là ý đồ của Thượng đế cho thời đại mới. Babaji đã hứa độ trì và dìu dắt hết thảy những Kriya Yogi thành tâm trên con đường đi tới Mục đích[5]. Cần có hàng trăm ngàn Kriya Yogi, chứ không chỉ hàng chục ngàn, để biến thành hiện thực một thế giới hòa bình và no ấm vẫn chờ đợi con người tinh tiến đủ để lấy lại địa vị là con Cha Trời của mình.

Thành lập ở phương Tây một tổ chức như Hội Tự giác, một “tổ ong cho mật ngọt tâm linh”, là sứ mệnh mà Sri Yukteswar và Mahavatar Babaji đã lệnh cho tôi. Hoàn thành được sự giao phó thiêng liêng ấy không phải là không có những khó khăn.

“Hãy nói thật cho tôi biết, Paramahansaji, liệu có đáng không?” Một buổi chiều tiến sĩ Lloyd Kennell, trưởng đền ở San Diego, đặt ra cho tôi câu hỏi ngắn gọn này. Tôi hiểu ý ông muốn nói: “Ở Hoa Kỳ thầy có hài lòng không? Thế còn những mê lầm mà những người lạc lối, những kẻ nóng lòng ngăn cản sự truyền bá yoga, rêu rao? Còn những sự vỡ mộng, những điều đau lòng, những viện trưởng không thể dẫn dắt, những môn sinh không thể dạy nổi thì sao?”

“May mắn thay cho kẻ nào được Thượng đế thử thách!” tôi đáp. “Ngài đã nhớ, thỉnh thoảng, đặt gánh nặng lên vai thầy.” Lúc ấy, tôi nghĩ đến tất cả những người thành tâm, đến tình yêu và lòng mộ đạo và hiểu biết soi sáng trái tim Hoa Kỳ. Thong thả nhấn mạnh, tôi nói tiếp: “Nhưng câu trả lời của thầy là có, một ngàn lần có! Đã xứng đáng vô cùng, hơn cả những gì thầy từng mơ ước, khi thấy Đông và Tây được gần nhau hơn trong một sự gắn bó lâu dài duy nhất, gắn bó tâm linh.”

Các đại sư Ấn Độ bộc lộ sự quan tâm sâu sắc đến phương Tây đã hiểu rất rõ tình trạng ngày nay. Các vị biết rằng, chừng nào giữa mọi dân tộc còn chưa có sự hấp thụ tốt hơn những ưu điểm riêng của Tây và Đông thì những vấn đề thế giới vẫn chưa thể được cải thiện. Mỗi bán cầu đều cần những dâng tặng tốt đẹp nhất từ bán cầu kia.

Trong quá trình đi qua nhiều nơi trên thế giới, tôi đã buồn lòng chứng kiến nhiều khổ đau[6]: ở Á Đông, cái khổ chủ yếu trên bình diện vật chất; ở Tây phương, khổ đau chủ yếu trên bình diện tinh thần hay tâm linh. Mọi dân tộc đều cảm thấy những tác hại đau lòng từ những nền văn minh mất cân bằng. Ấn Độ và nhiều xứ Đông phương khác có thể được lợi lộc rất nhiều từ việc học theo cách hiểu sự việc thực tiễn, tính hiệu quả về mặt vật chất của các dân tộc phương Tây như Hoa Kỳ. Mặt khác, các dân tộc phương Tây cần có hiểu biết sâu sắc hơn về nền tảng tâm linh của sự sống, và nhất là các kỹ thuật mang tính khoa học mà Ấn Độ xưa đã hoàn thiện nhằm giúp con người giao hòa có ý thức với Thượng đế.

Cái lý tưởng về một nền văn minh toàn diện không phải là một lý tưởng hão huyền. Suốt bao thiên niên kỷ, Ấn Độ đã là một xứ sở của cả ánh sáng tinh thần lẫn sự thịnh vượng vật chất rộng khắp. Sự đói nghèo hai trăm năm qua, trong lịch sử lâu dài của Ấn Độ, chỉ là một đoạn nghiệp ngắn ngủi. Có một câu ngạn ngữ trên thế giới, từ đời này qua đời khác, là “sự giàu có của Ấn Độ[7]”. Sự giàu có cả về vật chất lẫn tâm linh, là một biểu thị mang cấu trúc của rita, luật trời hay công bằng tự nhiên. Không có nguyên tắc tiết kiệm nơi Thiêng liêng, cũng như trong nữ thần các hiện tượng của Người, là Thiên nhiên đa dạng.

Kinh Ấn giáo dạy rằng con người gắn chặt với trái đất riêng biệt này để học hỏi, mỗi lúc một hoàn thiện hơn trong những kiếp tiếp theo, những cách thức vô tận mà Tinh thần có thể biểu thị qua điều kiện vật chất và chi phối nó. Đông và Tây đang học được chân lý tối thượng này bằng nhiều cách, và nên hoan hỉ chia sẻ với nhau những khám phá của mình. Thượng đế tất sẽ vô cùng hài lòng khi con cháu của Ngài ở trái đất cố gắng đạt được một nền văn minh thế giới không còn đói nghèo, bệnh tật, và sự mê muội trong tâm hồn. Tính con người hay quên cội nguồn thiêng liêng của mình (kết quả của sự lạm dụng ý chí tự do của y[8]) là gốc rễ của mọi hình thức khổ đau khác.

Một khái niệm trừu tượng theo thuyết hình người được gọi là “xã hội” bị quy là gây ra những bất hạnh, những bất hạnh mà thực tế hơn có thể được đặt ngay trước cửa nhà mỗi Phàm nhân[9].

Xã hội lý tưởng phải nảy mầm từ trong lòng cá nhân rồi mới có thể nở hoa ở đạo đức công dân, tu tâm dưỡng tính bên trong một cách tự nhiên sẽ đưa đến những cải cách bên ngoài. Kẻ nào đã sửa mình rồi thì sẽ biến cải được hàng ngàn người.

Những kinh thư trên thế giới đã qua được thử thách của thời gian, về cơ bản khích lệ con người trên hành trình hướng thiện của y. Một trong những quãng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi là khi viết cho Tạp chí Tự giác diễn giải của riêng tôi về một phần trong Tân Ước[10]. Tôi đã thành khẩn cầu xin Chúa hướng dẫn cho tôi đoán ra được ý nghĩa đích thực trong lời ngài, rất nhiều trong số đó đã bị hiểu sai một cách đáng buồn suốt hai mươi thế kỷ.

Một đêm, khi tôi đang định tâm cầu nguyện thì phòng khách trong tu viện ở Encinitas bỗng lấp đầy một ánh sáng màu xanh ngọc ô-pan. Tôi thấy hình hài rực rỡ của Chúa Jesus cao quý. Ngài trông như một thanh niên, chừng hai mươi lăm, có hàm râu thưa và ria; mái tóc đen dài, rẽ giữa, viền một ánh hào quang vàng lung linh.

Mắt ngài diệu vợi khôn cùng; khi tôi nhìn, mắt ngài biến đổi trùng trùng bất tận. Theo mỗi biến đổi thần thánh nơi ánh mắt ấy, bằng trực giác tôi đã hiểu được minh triết truyền đạt. Trong cái nhìn rực rỡ của ngài, tôi cảm thấy cái mãnh lực đang bảo vệ hằng hà sa số cõi. Một Chén Thánh hiện ra bên môi ngài; nó hạ xuống môi tôi và rồi trở lại với Jesus. Ít phút sau, ngài truyền dạy những lời cao quý, có tính chất riêng tư đến mức tôi chỉ giữ lại trong lòng.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong hai năm 1950 và 1951 để sống tại một chốn ẩn dật tịch lặng gần hoang mạc Mojave ở bang California. Ở đó tôi dịch Bhagavad Gita và viết một bình chú chi tiết[11] trình bày nhiều con đường khác nhau của yoga.

Hai lần[12] minh định về một kỹ thuật yoga (kỹ thuật duy nhất được nhắc đến trong Bhagavad Gita và cũng chính là kỹ thuật mà Babaji đã đặt tên, một cách đơn giản, là Kriya Yoga), cuốn kinh vĩ đại nhất của Ấn Độ qua đó đã đem lại một giáo huấn vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính luân lý. Trong đại dương thế giớichiêm bao của chúng ta, hơi thở là một cơn bão mê riêng biệt tạo nên tâm thức sóng cá thể – hình hài con người và mọi vật thể vật chất khác. Biết rằng chỉ tri thức triết học và luân lý không thôi là chưa đủ để thức tỉnh con người khỏi giấc mơ hiện hữu phân ly đau lòng, thần Krishna đã chỉ ra cái tri thức thiêng liêng mà nhờ đó yogi có thể làm chủ thân mình và tùy ý biến nó thành năng lượng thanh khiết. Khả năng sở đắc phép lạ yoga này không vượt quá hiểu biết lý thuyết của các khoa học gia hiện đại, những người đi tiên phong trong một Thời đại Nguyên tử. Mọi vật chất đều đã được chứng minh là có thể quy thành năng lượng.

Kinh thư Ấn Độ giáo ca ngợi pháp môn yoga vì nó có thể dùng cho nhân loại nói chung. Bí ẩn của hơi thở, thật vậy, thỉnh thoảng đã được giải đáp mà không dùng đến các kỹ thuật yoga chính thức, như trong trường hợp các nhà thần bí không phải người Ấn, những vị có các năng lực siêu việt là một lòng sùng mộ Thượng đế. Người ta quả đã thấy các thánh Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và các thánh nhân ấy trong trạng thái nhập định ngừng thở và bất động (sabikalpa samadhi[13]), không có trạng thái đó thì không ai có thể bước vào các giai đoạn sơ khởi để nhận biết Thượng đế. (Song, khi một vị thánh đã đạt đến nirbikalpa hay samadhi cao nhất rồi, vị ấy sẽ thường trụ trong Thượng đế – dù vị ấy ngưng thở hay thở, bất động hay hoạt động.) Huynh Lawrence, nhà thần bí Cơ Đốc giáo thế kỷ 17, kể cho chúng ta rằng cái phút giây giác ngộ Thượng đế đầu tiên đã xảy đến khi ngài nhìn một cái cây. Hầu như cả nhân loại đã từng thấy một cái cây; nhưng than ôi, ít người từ đó mà thấy được Đấng Sáng tạo ra cây. Phần đông không thể nào khơi dậy được niềm sùng mộ mãnh liệt không cưỡng lại được mà chỉ một số ít ekantin, các thánh “chất phác” trên mọi đường đạo, dù Đông hay Tây, mới dễ dàng có được. Thế nhưng phàm phu[14] không phải vì vậy mà không được có khả năng giao hòa thiêng liêng. Y, để nhớ lại được linh hồn, chỉ cần kỹ thuật Kriya Yoga, giữ giới hạnh hàng ngày, và một khả năng thành tâm thốt lên: “Thượng đế hỡi, con khao khát nhận ra Ngài!”

Sức hút phổ quát của yoga do vậy nằm ở con đường đến với Thượng đế nhờ một phương pháp mang tính khoa học dùng hàng ngày, hơn là bằng một lòng thành tín mà, đối với người thường, là vượt quá khả năng cảm xúc của y.

Nhiều bậc thầy Kỳ Na giáo vĩ đại của Ấn Độ được gọi là tirthakara, “đấng làm ra chỗ cạn”, vì các vị đã chỉ ra cái lối đi mà nhân loại hoang mang nhờ đó có thể băng qua và vượt ra khỏi biển phong ba samsara (vòng luân hồi, sinh tử lặp đi lặp lại).

Samsara (nghĩa đen là “trôi theo” những biến dịch hiện tượng) xui khiến con người chọn cách buông xuôi nhất. “Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa[15].” Để trở thành bạn của Thượng đế, con người phải hàng phục được những ác ma hay cái ác trong chính nghiệp hay hành động của hắn, thứ vẫn xúi giục hắn khiếp nhược phục tùng cái mê lầm maya về thế gian. Một hiểu biết không lay chuyển được về luật nhân quả sẽ khuyến khích kẻ tìm kiếm thiết tha tìm thấy con đường giải thoát cuối cùng khỏi xiềng xích của nó. Vì số phận con người nô lệ vào nghiệp đã bén rễ trong dục vọng của đầu óc bị maya che ám nên chính sự kiểm soát tâm[16] là cái mà yogi quan tâm. Lớp lớp áo vô minh nghiệp bị lột đi rồi, và thế là con người thấy mình trong nguyên tính của mình.

Bí ẩn của sự sống và cái chết, giải được nó là mục đích duy của mà con người ở trọ trần gian, kết liền với hơi thở. Ngưng thở là bất tử. Nhận ra chân lý này, các rishi Ấn Độ xưa đã bắt lấy cái đầu mối duy nhất là hơi thở và hình thành nên một tri thức về ngưng thở chính xác và hợp lý.

Nếu Ấn Độ không có món quà nào khác cho thế giới thì chỉ Kriya Yoga thôi cũng đã đủ làm một lễ vật cao quý.

Trong Kinh Thánh có các đoạn cho thấy các đấng tiên tri Do Thái đã hiểu rất rõ rằng Thiên Chúa đã tạo ra hơi thở để làm mối nối vi tế giữa linh hồn và thể xác. Sách Sáng thế nói: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật[17].” Cơ thể người kết hợp từ các chất hóa học và kim loại cũng có trong “bụi từ đất”.

Thân xác người không thể nào tiếp tục hoạt động hay thể hiện sức sống hay vận động nếu không nhờ các luồng sinh khí mà linh hồn truyền đến thể xác, ở người chưa giác ngộ, qua hơi thở (khí lực). Các luồng sinh khí, vận hành trong cơ thể người, như prana năm tầng hay thanh khí, là một biểu thị của rung động Aum hay linh hồn vô biên.

Cái bóng phản chiếu có vẻ như thật của sự sống nhờ nguồn linh hồn chiếu sáng trong các tế bào da thịt, là nguyên nhân duy nhất mà con người chấp trước thân thể của y; rõ ràng là y sẽ không màng tỏ lòng tôn kính một cục đất sét. Con người nhận lầm mình là hình hài thể xác vì các luồng sinh khí từ linh hồn được hơi thở đưa vào xác thịt với nội lực mạnh mẽ đến mức con người lầm quả là nhân, và sùng kính hình dung thân xác có sự sống của riêng nó.

Trạng thái ý thức ở con người là một sự nhận biết về thân và hơi thở. Trạng thái vô thức của y, hoạt động khi ngủ, liên quan đến sự phân ly tạm thời trong đầu giữa thân và hơi thở của y.

Trạng thái siêu thức ở người là sự tự do thoát khỏi cái mê lầm rằng “hiện hữu” phụ thuộc vào thân xác và hơi thở[18]. Thượng đế sống không cần hơi thở; linh hồn được làm ra theo hình ảnh của Ngài lần đầu tiên bỗng nhận ra chính nó, chỉ trong trạng thái ngừng thở.

Khi mối nối-hơi-thở giữa linh hồn và thể xác bị đứt lìa bởi nghiệp tiến hóa, sự chuyển đoạn đột ngột gọi là “chết” kế tiếp sau đó; tế bào thể xác trở lại sự bất lực tự nhiên của chúng. Tuy nhiên, với Kriya Yogi, mối nối-hơi thở bị cắt đứt tùy ý nhờ hiểu biết mang tính khoa học chứ không phải bởi sự xâm nhập thô bạo của mệnh lệnh của nghiệp. Qua thực chứng, yogi đã biết tính vô thể cốt yếu của mình, và không cần cái gợi ý có phần chua cay của Thần Chết là con người đã bị khuyên nhủ sai lầm mà đặt lòng tin vào một xác thân.

Kiếp này qua kiếp khác, mỗi con người đi tới (theo nhịp điệu riêng của mình, dù là rất thất thường) mục đích tôn thờ của riêng mình. Cái chết, không phải là cái làm gián đoạn đường bay về phía trước này, mà chỉ đơn giản cho con người khung cảnh trung giới dễ chịu hơn để gạn lọc đi cặn bã của mình. “Anh em đừng xao xuyến!… Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở[19].” Quả thực, không thể nào có chuyện Thượng đế đã dốc cạn tài hoa khéo léo của Ngài mà xây nên vũ trụ này, hay trong vũ trụ sau, Ngài sẽ không tặng cho thứ gì khơi gợi hứng thú của ta hơn là tiếng bập bùng của đàn hạc.

Cái chết không phải là một sự xóa sạch hiện hữu, một cuộc chạy trốn cuối cùng khỏi sự sống; cái chết cũng không phải là cánh cửa dẫn tới bất tử. Kẻ nào đã bỏ Chân ngã của mình mà trốn trong niềm vui trần thế sẽ không bắt Nó lại được, giữa những mê hoặc mong manh nơi trung giới. Ở đó hắn chỉ trau dồi những tri giác tinh tế hơn và cảm ứng nhạy hơn trước cái thiện và cái mỹ, vốn là một. Chính cái đe phàm trần này mới là nơi con người phải khó nhọc nện ra vàng bất diệt của bản thể tâm linh. Cầm trong tay mình báu vật vàng khó mà có được, như là món quà duy nhất khả dĩ làm vừa lòng Thần Chết tham lam, con người sẽ đạt được giải thoát sau cùng khỏi những vòng luân hồi xác thân.

Trong vài năm tôi đã giảng dạy các lớp ở Encinitas và Los Angeles về Yoga Sutra của Patanjali và các tác phẩm uyên áo của triết học Ấn Độ.

“Sao Thượng đế lại nối linh hồn với thể xác?” một chiều nọ, một môn sinh trong lớp hỏi. “Mục đích của Ngài là gì khi ngay từ đầu bày ra vở kịch sáng thế tiến hóa này?” Không biết bao nhiêu người khác cũng đã đặt ra những câu hỏi ấy; các triết gia đã hoài công tìm cách trả lời đầy đủ chúng.

“Để dành lại chút bí ẩn mà khám phá trong Vĩnh cửu chứ,”

Sri Yukteswar thường mỉm cười nói vậy. “Làm sao các khả năng suy luận hạn hẹp của con người lại có thể lĩnh hội được những nguyên cớ bất khả tư nghị của Tuyệt đối Vô thủy Vô chung[20]?

Trí năng con người, bị câu thúc bởi nguyên lý nhân-quả của giới hiện tượng, lúng túng trước câu đố của Thượng đế, Đấng Vô thủy, Đấng Tự sinh thành. Tuy nhiên, dù lý trí con người không thể hiểu ra những câu đố của sáng tạo thì mọi bí ẩn rồi cuối cùng cũng sẽ được chính Thượng đế giải đáp cho tín đồ.”

Kẻ nào thành tâm khao khát tri kiến sẽ sẵn lòng khởi cuộc tìm kiếm bằng cách khiêm cung am tường một vài ABC đơn giản của cơ trời, mà không hấp tấp đòi hỏi một biểu đồ toán học chính xác của “Thuyết Einstein” về sự sống.

Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ (không ai chịu sự khống chế của ‘thời gian’, những sự tương đối của maya[21], lại có thể nhận ra Thượng đế); Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (Tâm thức Chúa được phản chiếu hay Toàn trí được phóng chiếu ra bên ngoài, cái mà, trong khi dẫn dắt toàn thể các hiện tượng cấu trúc bằng rung động Aum, đã sinh ra từ ‘cung lòng’ hay độ sâu của Thiêng liêng Vô thủy Vô chung để biểu thị sự muôn hình vạn trạng của Nhất thể), chính Người đã tỏ (lệ thuộc vào thể dạng, hay thể hiện) cho chúng ta biết[22].”

“Thật, tôi bảo thật các ông,” Jesus giải thích, “người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy[23].”

Tính ba ngôi của Thượng đế khi Ngài hóa hiện ra Chính Ngài trong các giới hiện tượng được biểu tượng hóa trong kinh Ấn Độ giáo là Brahma Đấng Sáng tạo, Vishnu Đấng Bảo tồn, và Shiva Đấng Hủy diệt-Khôi phục. Những hoạt động ba ngôi một thể của các vị không ngừng được phô bày khắp sáng tạo rung động. Vì Đấng Tuyệt đối là vượt quá năng lực nhận thức của con người nên tín đồ Ấn Độ giáo thờ phụng Nó trong các hiện thân uy nghi của Ba Ngôi[24].

Tuy vậy, khía cạnh sáng tạo-bảo tồn-hủy diệt phổ quát của Thượng đế không phải là thể tính tối hậu hay thậm chí là cốt lõi của Ngài (vì sáng thế chỉ là lila, trò chơi sáng tạo[25], của Ngài). Yếu tính của Ngài không thể hiểu được ngay cả bằng cách hiểu thấu mọi huyền vi của Ba Ngôi, vì trạng thái bề mặt của Ngài, như được diễn bày trong biến dịch nguyên tử theo quy luật, chỉ thể hiện Ngài mà không hé lộ Ngài. Bản chất tối hậu của Thượng đế chỉ được rõ khi “Thầy đến cùng Chúa Cha[26]”. Con người giải thoát sẽ vượt quá các cõi giới rung động mà bước vào Khởi nguyên Không Rung động.

Mọi đấng tiên tri vĩ đại đều giữ im lặng khi được thỉnh cầu tiết lộ những vi mật tối hậu. Khi Pilate hỏi: “Sự thật là gì[27]?” Chúa không đáp. Những câu hỏi phô trương to tát của những kẻ duy lý như Pilate hiếm khi xuất phát từ một tinh thần khát khao tìm hiểu.

Đúng hơn, những kẻ như vậy nói với sự kiêu mạn rỗng tuếch khi xem một sự thiếu xác tín về các giá trị tâm linh[28] là biểu hiện của “cách nhìn phóng khoáng”.

“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi[29].”

Chỉ bằng vài lời này Chúa đã chứng minh rất hùng hồn. Một người con của Thiên Chúa đã “làm chứng” bằng đời mình. Ngài hiện thân cho chân lý; nếu ngài giải thích ra điều đó nữa thì là sự cho thêm thật quá quảng đại.

Chân lý không phải là lý thuyết, không phải hệ thống triết lý tư biện, không phải sự thông tuệ. Chân lý là sự tương ưng chính xác với thực tại. Với con người, chân lý là tri thức vững như bàn thạch về thực tính của y, rằng Chân ngã của y là linh hồn. Jesus, bằng mọi hành động và lời nói trong đời ngài, đã chứng minh rằng ngài biết sự thật về bản thể của mình – nguồn cội của ngài nơi Thiên Chúa. Trọn vẹn đồng nhất với Tâm thức Chúa vô biên, ngài đã có thể phán với lời tối hậu giản dị: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

Cả Đức Phật cũng từ chối hé lộ những nền tảng siêu hình, mà chỉ ngắn gọn dạy rằng kiếp người ngắn ngủi trên trần thế tốt hơn hết nên được dùng để tu thân. Nhà thần bí Trung Hoa Lão Tử dạy rất phải: “Kẻ biết thì không nói; kẻ nói là kẻ không biết.” Những bí ẩn tối hậu của Thượng đế không phải để “đưa ra bàn luận công khai”.

Giải đoán mật mã của Ngài là một nghệ thuật mà con người không thể truyền dạy cho con người; ở đây chỉ mình Thượng đế là Thầy.

“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa[30]!” Đừng bao giờ khoe khoang về sự hiện diện vô biên của Ngài, chỉ nghe thấy được Thượng đế trong tĩnh mặc cao khiết. Vang dội khắp hoàn vũ như rung động Aum sáng tạo, Âm thanh Nguyên thủy tức thì tự biến Nó thành những lời dễ hiểu cho tín đồ hòa điệu.

Thiên cơ của sáng thế, trong chừng mực lý trí con người hiểu được, được giải thích trong Vệ Đà. Các rishi dạy rằng mỗi người đã được Thượng đế tạo ra làm một linh hồn, sẽ thể hiện thật độc đáo một thuộc tính đặc biệt nào đó của Thượng đế trước khi lấy lại Bản thể Tuyệt đối của nó. Con người ai cũng được phú cho một mặt cắt của Thần ngã theo cách ấy, đều được Thượng đế yêu thương như nhau.

Tri kiến được Ấn Độ, anh cả của các dân tộc, cất giữ là một di sản của toàn nhân loại. Chân lý Vệ Đà, như mọi chân lý, thuộc về Thượng đế chứ không phải Ấn Độ. Các rishi, những người có tâm thức chứa đựng thanh khiết để đón nhận những thâm diệu thần khải Vệ Đà, là người của nhân gian, sinh ra ở trần gian này, mà không phải nơi nào khác, để phụng sự toàn thể nhân loại. Những phân biệt chủng tộc hay dân tộc đều vô nghĩa trong vương quốc chân lý, nơi tiêu chuẩn duy nhất là sự xứng đáng tâm linh để đón nhận.

Thượng đế là tình yêu; ý định của Ngài cho sáng tạo chỉ có thể bén rễ trong tình yêu. Chẳng phải ý nghĩ giản dị ấy, mà không phải những lý luận thông thái, là cái mang lại niềm an ủi cho trái tim con người hay sao? Hết thảy những thánh nhân đã đi sâu vào tâm của Thực tại đều khẳng định rằng một thiên cơ cho vũ trụ có tồn tại và rằng nó đẹp đẽ và đầy ắp niềm vui.

Với nhà tiên tri Isaiah, Thiên Chúa đã mặc khải ý đồ của Ngài trong những lời này:

Thì lời ta (Aum sáng tạo) cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

Phải, các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan, rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự. Trước mặt các ngươi, đồi núi sẽ cất giọng reo hò, cây cỏ ngoài đồng sẽ vỗ tay. (Sách Tiên tri Isaia 55:11-12) “Các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan, rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự.” Nhân loại của thế kỷ hai mươi nguy khốn sẽ thiết tha nghe lời hứa huyền vi ấy. Chân lý trọn vẹn trong câu ấy có thể được mọi tín đồ của Thượng đế, kẻ phấn đấu can trường giành lại di sản thiêng liêng của mình, nhận ra.

Vai trò cao quý của Kriya Yoga ở phương Đông và phương Tây gần như chỉ mới bắt đầu. Cầu cho mọi người đều nhận ra rằng có một kỹ thuật rõ ràng, khoa học về tự giác ngộ để vượt qua mọi đau khổ nhân sinh!

Khi hồi hướng những rung động tư tưởng yêu thương đến hàng ngàn Kriya Yogi như châu ngọc sáng ngời khắp địa cầu, tôi thường nghĩ đầy biết ơn:

“Thượng đế hỡi, Ngài đã cho thầy tu này một đại gia đình!”

– HẾT –


[1] Tạp chí ngày nay mang tên Tự giác (Self-Realization).

[2] Điện thờ Long Beach đã hoàn chỉnh vào năm 1967, là năm cộng đồng tu viện dời đến tu viện Hội Tự giác to rộng ở Fullerton, bang California. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[3] Để đánh dấu lễ kỷ niệm này, tôi đã cử hành một nghi lễ thiêng liêng vào ngày 27-8-1950 ở Los Angeles để điểm đạo Kriya Yoga cho 500 môn sinh.

[4] Trung tâm chính, với ngôi đền liền kề, gồm một trung tâm ashram lớn do các tín đồ quản lý, những người đã dâng mình cho phụng sự nhân loại và giác ngộ các lý tưởng của Paramahansa Yogananda trong chính đời mình. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[5] Paramahansa Yogananda cũng đã hứa với các môn sinh của mình ở cả phương Đông lẫn phương Tây rằng, hết kiếp này, thầy vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sự tiến bộ tâm linh của mọi Kriyaban (môn sinh Loạt bài giảng của Hội Tự giác đã nhận điểm đạo Kriya; xem chú thích trang 403). Sự thật trong lời hứa đẹp đẽ này của thầy đã được chứng minh, từ sau khi thầy viên tịch (mahasamadhi), qua những lá thư từ nhiều Kriya Yogi , những người đã bắt đầu nhận ra sự chỉ dẫn của thầy có mặt khắp nơi. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[6]  “Giọng ấy quanh tôi như biển vỡ tràn: “Và trái đất các ngươi quá hỏng hoại, Tác tan mảnh vụn chất chồng? Ô hay, vạn vật tránh các ngươi, vì các ngươi tránh Ta!… Những gì ta lấy của các ngươi, Không phải để hại các ngươi, Mà chỉ để các ngươi tìm nó trong tay Ta. Mọi thứ con cái các ngươi lầm Ngỡ là đã mất, ta giữ cho các ngươi ở nhà. Hãy đứng lên, siết lấy tay Ta, và đến đây!” “ – Francis Thompson, “The Hound of Heaven” (Chó săn nhà trời)

[7] Các sử liệu đã trình bày rằng Ấn Độ, cho đến thế kỷ 18, vẫn là dân tộc giàu có nhất thế giới. Nhân đây, không có gì trong văn học hay truyền thống Ấn Độ có khuynh hướng chứng minh cho sử thuyết phương Tây thịnh hành rằng những người Aryan thời đầu đã từ một vùng nào đó ở châu Á hay từ châu Âu đến “xâm lược” Ấn Độ. Thật dễ hiểu là các học giả đã không thể xác định được điểm xuất phát của hành trình tưởng tượng này. Bằng chứng có trong Vệ Đà, chỉ ra Ấn Độ là quê hương từ thuở khai thiên lập địa của người Hindi, đã được trình bày trong một cuốn sách đặc sắc và rất dễ đọc, _Rig-Veda India,_ của Abinas Chandra Das, do Đại học Calcutta xuất bản năm 1921. Giáo sư Das khẳng định rằng dân di cư từ Ấn Độ đã định cư ở nhiều vùng khác nhau ở châu Âu và châu Á, phổ biến ngôn ngữ và văn hóa dân gian Aryan. Ví dụ như tiếng Lithuania, hoàn toàn giống tiếng Phạn đến lạ lùng. Triết gia Kant, người không biết gì về tiếng Phạn, đã kinh ngạc vì cấu trúc khoa học của tiếng Lithuania (Litva). “Nó chứa đựng,” ông nói, “cái chìa khóa sẽ mở được mọi điều bí ẩn, không chỉ của triết học mà còn của lịch sử.” Kinh thánh nói đến sự giàu có của Ấn Độ, cho chúng ta biết (Sách Ký sự II 9:21, 10) rằng “một đoàn tàu đi Tarshish” đã đem đến cho vua Solomon “vàng, bạc, ngà, khỉ, và công” và “algum (đàn hương) và đá quý” từ Ophir (Sopara trên bờ biển Bombay). Magasthenes, sứ thần Hy Lạp (thế kỷ 4 trước Công nguyên), đã để lại cho chúng ta một bức tranh chi tiết về sự thịnh vượng của Ấn Độ. Pliny (thế kỷ 1) kể cho chúng ta rằng người La Mã hằng năm chi năm mươi triệu đồng sesterce (5.000.000 đô la) để nhập khẩu hàng từ Ấn Độ, hồi bấy giờ là một cường quốc hàng hải. Các nhà du hành Trung Hoa đã mô tả một cách sống động về nền văn minh Ấn Độ phong phú, nền giáo dục phổ biến và chính quyền xuất sắc ở Ấn. Vị cao tăng Trung Hoa là Pháp Hiển (thế kỷ 5) kể cho chúng ta rằng dân Ấn rất hạnh phúc, trung thực, và thịnh vượng. Xem _Buddhist Records of the Western World (Ghi chép Phật giáo về thế giới phương Tây)_ (Ấn Độ là “thế giới phương Tây” đối với người Trung Hoa!) của Samuel Beal, Trubner, London; và _On Yuan Chwang’s Travels in India, A.D. 629-45 (Về hành trình của Huyền Trang ở Ấn Độ, 629-45 sau Công nguyên)_ của Thomas Watters, Hội Á châu Hoàng gia. Columbus, khám phá ra Tân thế giới vào thế kỷ 15, thực ra là đi tìm một con đường thương mại ngắn hơn để đến Ấn Độ. Suốt nhiều thế kỷ, châu Âu hăm hở chiếm hữu hàng xuất khẩu từ Ấn Độ – lụa, vải vóc mịn, (có độ mỏng đến mức xứng với mô tả: “dệt bằng tơ trời” và “sương vô hình”), vải in hoa, gấm thêu, đồ thêu, thảm, dao kéo, áo giáp, ngà voi và đồ làm bằng ngà, nước hoa, nhang, đàn hương, gốm, dược liệu và thuốc cao, chàm, gạo, gia vị, san hô, vàng, bạc, ngọc trai, hồng ngọc, ngọc lục bảo, và kim cương. Các thương nhân Bồ Đào Nha và Ý đã ghi lại nỗi kính sợ của mình trước sự tráng lệ phi thường khắp đế quốc Vijayanagar (1336-1565). Sự huy hoàng của kinh đô nước này được sứ thần Arập Razzak mô tả là “đến nỗi mắt chưa nhìn thấy, tai cũng chưa nghe thấy nơi nào trên thế gian sánh bằng.” Vào thế kỷ 16, lần đầu tiên trong suốt lịch sử lâu dài của mình, cả nước Ấn Độ rơi vào ách thống trị không phải của người Ấn. Năm 1524 Baber xứ Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược đất nước và sáng lập triều đại các vua Hồi giáo. Vì định cư trong xứ sở xưa, các vua mới không bòn rút của cải của nó. Tuy nhiên, bị suy yếu vì chia rẽ nội bộ, vào thế kỷ 17 Ấn Độ giàu có đã trở thành miếng mồi cho một số quốc gia châu Âu; Anh cuối cùng nổi lên là một cường quốc cai trị. Ngày 15 tháng 8 năm 1947 Ấn Độ đã giành được độc lập bằng phương pháp hòa bình. Cũng như rất nhiều người Ấn khác, tôi cũng có một chuyện giờ mới kể. Một nhóm thanh niên mà tôi quen ở đại học, trong Thế chiến I đã đến tìm tôi và cố thuyết phục tôi lãnh đạo một phong trào cách mạng. Tôi từ chối bằng những lời sau: “Giết người anh em Anh quốc của ta thì sẽ không thể đạt được điều gì tốt đẹp cho Ấn Độ. Sự tự do của nàng sẽ không tới nhờ súng đạn, mà nhờ nội lực tâm linh.” Rồi tôi báo trước với bạn mình rằng mấy con tàu chở đầy vũ khí của Đức, mà họ đang lệ thuộc, sẽ bị người Anh chặn tại bến tàu Diamond, Bengal. Song mấy thanh niên này cứ xúc tiến các trù tính của mình, điều đã diễn tiến thất bại theo cách tôi đã thấy trước. Vài năm sau, các bạn tôi được phóng thích khỏi nhà tù. Từ bỏ niềm tin vào bạo lực, vài người trong họ đã tham gia phong trào chính trị lý tưởng của Gandhi. Cuối cùng họ đã nhìn thấy thắng lợi Ấn Độ giành được trong một cuộc “chiến tranh” bằng biện pháp hòa bình. Sự chia cắt đáng buồn của xứ sở thành Ấn Độ và Pakistan, và quãng thời gian ngắn nhưng đẫm máu tiếp theo ở một vài nơi trên đất nước, nảy sinh do các yếu tố kinh tế, chứ không phải bản chất bởi sự cuồng tín tôn giáo (một lý do thứ yếu thường được trình bày một cách sai lầm thành một lý do chính yếu). Vô số người Ấn và người Hồi, hôm nay cũng như trong quá khứ, đã sống sát cánh bên nhau trong tình bằng hữu. Rất nhiều người của cả hai tín ngưỡng đã trở thành đệ tử của thầy “vô tín điều” Kabir (1450-1518); và cho tới nay ngài đã có hàng triệu tín đồ (_Kabir-panthi_). Dưới sự cai trị Hồi giáo của Akbar Đại đế, sự tự do tín ngưỡng rộng rãi nhất có thể đã phổ biến khắp Ấn Độ. Cả hôm nay cũng không có xung đột tôn giáo nghiêm trọng nào giữa 95% thường dân. Ấn Độ đích thực, Ấn Độ đã có thể hiểu và theo một Mahatma Gandhi, không tìm thấy được ở các thành phố lớn náo nhiệt mà ở 700.000 ngôi làng bình yên, nơi những hình thức tự trị đơn sơ và công bằng của các _panchayat_ (hội đồng địa phương) đã là một đặc điểm từ thuở khai thiên lập địa. Các vấn đề làm xáo trộn một Ấn Độ mới được tự do hôm nay chắc chắn sẽ được giải quyết đúng lúc bởi những vĩ nhân mà Ấn Độ không thời nào là không sản sinh ra.

[8] “Ta tự do phụng sự, Vì ta tự do yêu, như ta muốn Yêu hay không; nơi đây ta đứng vững hay sa ngã. Và một số đã rơi, cho bất tuân ngã xuống, Và thế là từ thiên đường xuống địa ngục thẳm sâu nhất. Ôi đã rơi Từ diễm phúc vời vợi cao xuống nỗi muộn phiền nào! – Milton,“Paradise Lost” (Thiên đường đã mất)

[9] Ý đồ của lila hay “trò đùa” siêu phàm mà nhờ đó các vũ trụ hiện tượng đã ra đời là một trong những sự hỗ tương giữa tạo vật và Đấng Sáng tạo. Món quà duy nhất mà con người có thể dâng cho Thượng đế là tình yêu; nó là đủ để khơi gợi sự rộng lượng tràn trề của Ngài. “Các ngươi lại lường gạt Ta, các ngươi và toàn dân. Các ngươi hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho, để có lương thực trong Nhà Ta. Hãy làm thế thử xem Ta có mở cổng trời cho các ngươi, hoặc có tuôn đổ phúc lành dư dật xuống trên các ngươi không?, Ðức Chúa các đạo binh phán.” – Sách Tiên tri Malaki 3:9-10.

[10] Giải thích toàn diện của Paramahansa Yogananda về bốn cuốn Phúc âm được Hội Tự giác xuất bản thành sách, nhan đề The Second Coming of Christ: The Resurrection of the Christ Within You (Chúa giáng thế lần thứ hai: Chúa phục sinh giữa chúng ta). (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[11] God Talks With Arjuna: The Bhagavad Gita – Royal Science of God-Realization (Thượng đế trò chuyện cùng Arjuna: Bhagavad Gita – Tri thức tối thượng về giác ngộ Thượng đế), Hội Tự giác ấn hành. Bhagavad Gita là kinh thư được yêu quý nhất ở Ấn Độ. Kinh gồm một cuộc đối thoại giữa Đức Krishna (tượng trưng cho Tinh thần) và đệ tử Arjuna của ngài (tượng trưng cho linh hồn của tín đồ lý tưởng): những lời giáo huấn là bất tử vì mọi kẻ tầm đạo đều áp dụng được. Thông điệp trung tâm của Gita là con người có thể đạt được giải thoát nhờ tình yêu dành cho Thượng đế, minh triết, và thực hành chính nghiệp trên tinh thần vô chấp.

[12] Bhagavad Gita IV:29 và V:27-28.

[13] Xem chương 26. Trong số các nhà thần bí Cơ Đốc giáo đã từng được thấy ở trong trạng thái sabikalpa samadhi, có thể nhắc đến thánh Teresa xứ Avila, thân thể của thánh thường trở nên bất động đến mức các xơ kinh ngạc trong nhà tu không thể dịch chuyển tư thế hay đánh thức thánh trở lại ý thức về ngoại giới.

[14] “Phàm phu” phải có một khởi sự tâm linh đâu đó, lúc nào đó. “Đi xa ngàn dặm khởi từ một bước chân,” Lão Tử đã nói. Đối chiếu với Đức Phật: “Chớ chê khinh điều thiện, cho rằng chưa đến mình, như nước nhỏ từng giọt, rồi bình cũng đầy tràn; người trí chứa đầy thiện, do chất chứa dần dần.”(Chú thích trong nguyên bản). (Kinh Pháp Cú – Chú thích của người dịch và Ban biên tập tiếng Việt)

[15] Thư của thánh Giacôbê 4:4.

[16] “Như ngọn đèn cháy đều khuất gió; Tâm yogi cũng chẳng khác nào Tránh bão quan năng cháy sáng đến Trời. Khi tâm trầm tư tĩnh mặc, tịnh thanh nhờ thói quen thiêng; Khi Chân ngã quán tưởng tự tính, và trong chính nó Sẽ an nhiên; khi cảm nhận niềm vui không tên Vượt trên mọi giác quan, hiển lộ cho linh hồn – Chỉ cho linh hồn! và, biết rằng, không do dự, Một lòng với Chân lý sâu hơn; khi, hiểu điều này, Nó thấy không báu vật nào sánh được, Mà, nương ở đó rồi, không xao động chuyển lay Bởi khổ đau dù nặng nề nhất, hãy gọi đó là trạng thái “an nhiên” Là phần thưởng Yoga vĩnh phúc; hãy gọi kẻ ấy Là Yogi đã thành!” – Bhagavad Gita VI:19-23

[17] Sách Sáng thế 2:7.

[18] “Các người sẽ không bao giờ vui hưởng cõi đời đàng hoàng cho đến chừng nào chính biển tràn vào huyết quản các người, cho đến khi các người khoác áo trời, đội sao trời, và nhận mình là kẻ thừa kế duy nhất của toàn vũ trụ, và hơn nữa, vì con người trong đó ai cũng đều là kẻ thừa kế duy nhất như các người; cho đến khi các người có thể hát reo và thích và vui với Thượng đế, như kẻ khốn vui vì vàng, và vua vì ngôi vua. cho đến khi các ngưòi biết rõ đường lối của Thượng đế ở mọi thời như biết bước đi và lòng bàn tay của các người; cho đến khi các người quen thân với cái hư vô phi thực mà từ đó thế giới được tạo ra.” – Thomas Traherne, “Centuries of Meditations” (Những thế kỷ trầm tư).

[19] Tin Mừng theo thánh Gioan 14:1-2.

[20] “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, sấm ngôn của Ðức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” – Sách tiên tri Isaia 55:8-9. Dante đã xác nhận trong Divine Comedy (Thần khúc): Ta đã ở nơi tầng trời sáng nhất Bởi ánh sáng của Người, và thấy vật nói rằng Kẻ quay về sẽ không hay không biết; Vì khi gần đối tượng khát khao Trí của ta quá ngập tràn Không tìm lại được con đường đã bước. Nhưng bất cứ thứ gì ở Nước Trời Mà ký ức sẽ nâng niu Sẽ là chủ đề của ta cho đến khi bài thơ chấm hết.

[21] Chu kỳ một ngày của trái đất, từ ánh sáng đến bóng tối và ngược lại, là sự nhắc nhở liên tục với con người về sự liên quan của sáng tạo trong maya hay các trạng thái đối nghịch. (Do vậy các giai đoạn chuyển tiếp hay cân bằng của ngày, bình minh và hoàng hôn, được xem là thời gian tốt lành để thiền.) Xé toang bức màn vải nhị nguyên maya, yogi sẽ nhận biết Nhất Thể siêu việt.

[22] Tin Mừng theo thánh Gioan 1:18.

[23] Tin Mừng theo thánh Gioan 5:19

[24] Một khái niệm khác với khái niệm về Thực tại ba ngôi một thể: Sat, Tat, Aum; hay Cha, Con, Thánh thần. Brahma-Vishnu-Shiva tượng trưng cho biểu hiện ba ngôi một thể của Thượng đế trong khuôn mặt của Tat hay Con, Tâm thức Chúa ở khắp nơi trong sáng tạo rung động. Shakti, những năng lực hay “vợ” của Ba Ngôi, là những biểu tượng của Aum hay Thánh thần, lực tạo tác duy nhất duy trì vũ trụ qua rung động (xem chú thích trang 203-204, chú thích trang 261).

[25] “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con. Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.” – Sách Khải huyền 4:11.

[26] Tin Mừng theo thánh Gioan 14:12.

[27] Tin Mừng theo thánh Gioan 18:38.

[28] “Hãy yêu Đức Hạnh; chỉ mình nàng tự tại; Nàng sẽ dạy các ngươi trèo Cao hơn chuông trời; Hay, nếu nàng yếu ớt, Chính Thiên Đường sẽ cúi xuống cho nàng.” – Milton, “Comus”

[29] Tin Mừng theo thánh Gioan 18:37.

[30] Sách Thánh vịnh 46:10. Mục tiêu của pháp môn yoga là đạt được cái tĩnh lặng bên trong cần thiết mà nhờ đó ta có thể thực sự “biết Thượng đế”.

 

Tự truyện của một Yogi – Chương 48

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 48

CHƯƠNG 48 Ở Encinitas, California

“Một bất ngờ, thưa thầy! Trong lúc thầy đi vắng ở nước ngoài, chúng tôi đã cho xây tu viện Encinitas này; đây là một món quà ‘mừng trở về nhà’!” Ông Lynn, chị Gyanamata, Durga Ma, và vài tín đồ khác tươi cười dẫn tôi qua cổng rồi lên một lối đi rợp bóng cây.

Tôi thấy một tòa nhà như một chiếc tàu thủy trắng lớn nhô ra biển xanh. Đầu tiên là không nói nên lời, rồi là những “Ồ!” và “À!”, cuối cùng là niềm vui và niềm biết ơn mà từ vựng của con người không đủ để diễn đạt, tôi đi xem ashram: mười sáu phòng lớn lạ thường, mỗi phòng được bài trí một cách duyên dáng.

Hội trường trung tâm trang nghiêm, với những cửa sổ to cao đến trần, nhìn ra một bàn thờ của cỏ, biển và trời: một bản giao hưởng ngọc lục bảo, ngọc ô-pan và ngọc xa-phia. Trên mặt lò sưởi to trong hội trường có để ảnh Chúa, Babaji, Lahiri Mahasaya, và Sri Yukteswar; tôi cảm thấy các vị đang ban phúc cho ashram phương Tây thanh bình này.

Ngay bên dưới hội trường, xây hẳn vào trong dốc đứng, là hai động thiền đối mặt với bất tận trời và biển. Trong khuôn viên có những chốn tĩnh mịch đầy nắng, những lối đi lát đá dẫn đến những giàn cây yên tĩnh, vườn hồng, khóm rừng bạch đàn, và vườn cây ăn quả.

“Cầu cho linh hồn cao cả và anh hùng của các thánh đến nơi này (‘Lời cầu nguyện cho nơi cư ngụ’, từ Zend-Avesta, được treo trên một cánh cửa của tu viện) và cầu cho các vị đi bên chúng ta, đem lại những hiệu lực chữa lành từ những món quà thiêng liêng bao la như đất, cao rộng như trời của các vị!”

Cơ ngơi lớn ở Encinitas, bang California là một món quà tặng Hội Tự giác của ông James J. Lynn, một Kriya Yogi thành tâm từ khi ông được điểm đạo vào tháng 1 năm 1932. Là một doanh nhân Hoa Kỳ có vô số nghĩa vụ (là chủ tịch nhóm tư bản dầu lửa lớn và là chủ tịch sở giao dịch bảo hiểm hỏa hoạn tương hỗ lớn nhất thế giới), song ông Lynn vẫn tìm thấy thời gian để mỗi ngày thiền Kriya Yoga sâu trong nhiều giờ. Nhờ sống một đời quân bình như vậy, ông đã nhận được ân huệ an lạc thường hằng trong samadhi.

Trong thời gian tôi ở lại Ấn Độ và châu Âu (tháng 6-1935 đến tháng 10-1936), ông Lynn[1] đã trìu mến mà trù tính với những người liên lạc thư tín của tôi ở California để ngăn không cho lời nào đến tai tôi về việc xây dựng ashram ở Encinitas. Ngạc nhiên, vui sướng!

Trong những năm đầu ở Hoa Kỳ, tôi đã lùng khắp bờ biển bang California để tìm một chỗ nhỏ xây một ashram bên bờ biển.

Mỗi khi tìm được một địa điểm thích hợp thì một trở ngại nào đó luôn nảy sinh cản trở tôi. Giờ nhìn qua đồng cỏ nắng ở Encinitas, tôi khiêm cung trông thấy sự thành tựu lời tiên tri của Sri Yukteswar rất lâu về trước: “một nơi ẩn dật bên bờ biển”.

Vài tháng sau, lễ Phục sinh năm 1937, trên bãi cỏ của ashram mới, tôi cử hành buổi lễ đầu tiên trong nhiều lễ Bình minh Phục sinh. Như các Đạo sĩ ngày xưa, vài trăm môn sinh sùng tín kính sợ nhìn cái phép lạ mỗi ngày: nghi thức mặt trời mọc ở phía Đông bầu trời. Thái Bình Dương nằm về phía Tây, ầm vang lời ngợi ca long trọng của mình; xa xa, một chiếc thuyền buồm trắng nhỏ và đường bay lẻ loi của một con mòng biển. “Chúa hỡi, ngài đang phục sinh!” Không phải với Mặt trời mùa xuân không thôi, mà trong bình minh trường cửu của Tinh thần.

Nhiều tháng hạnh phúc trôi qua. Giữa khung cảnh cái đẹp toàn bích của Encinitas, tôi hoàn tất một tác phẩm đã trù tính từ lâu, Tụng ca vũ trụ[2]. Tôi đã phổ lời tiếng Anh và ký âm Tây phương cho nhiều bài thơ Ấn Độ. Trong đó có tụng ca của Shankara “Bất sinh, bất diệt”; “Tụng ca Brahma” bằng tiếng Phạn; “Ai trong đền tôi?” của Tagore; và một số sáng tác của tôi: “Ta sẽ luôn là của Ngài”, “Ở miền đất bên kia giấc mơ của tôi”, “Con dâng ngài tiếng gọi linh hồn mình”, “Hãy đến nghe khúc hát lòng tôi”, và “Trong đền tịch lặng”.

Trong lời tựa cho cuốn sách bài hát tôi kể lại kinh nghiệm đáng nhớ đầu tiên của mình về phản ứng phương Tây trước các bài tụng Đông phương. Dịp đó là một buổi nói chuyện trước công chúng; thời gian là 18-4-1926; địa điểm tại hội trường Carnegie ở New York.

Ngày 17 tháng 4 tôi đã thổ lộ với một môn sinh người Hoa Kỳ, ông Alvin Hunsicker, “Thầy đang tính mời cử tọa hát một bài tụng xưa bằng tiếng Ấn, ‘Ôi Thượng đế diệu kỳ[3]’.”

Ông Hunsicker đã phản đối là các bài hát Đông phương không dễ hiểu đối với người Hoa Kỳ.

“Nhạc là ngôn ngữ phổ quát,” tôi đáp. “Người Hoa Kỳ không thể nào lại không cảm nhận được cái khao khát của linh hồn trong bài tụng cao quý này.”

Đêm hôm sau, những giai điệu sùng mộ trong “Ôi Thượng đế diệu kỳ” đã vang lên từ ba ngàn người trong hơn một giờ. Không còn hờ hững nữa, những người New York yêu quý! Tâm hồn các vị đã bay vút lên trong một tán ca hân hoan giản dị. Chiều hôm ấy, những niềm xoa dịu thiêng liêng đã xảy ra giữa những tín đồ bằng tình yêu tụng danh thiêng Thượng đế.

Năm 1941, tôi đến thăm Trung tâm Hội Tự giác ở Boston.

Trưởng trung tâm Boston, tiến sĩ M. W. Lewis, để tôi lưu lại trong một dãy phòng bài trí trang nhã. “Thưa thầy,” tiến sĩ Lewis tươi cười nói, “những năm đầu ở Hoa Kỳ thầy đã sống ở thành phố này trong một phòng đơn, không có bồn tắm. Tôi muốn thầy biết rằng Boston đang lấy làm kiêu hãnh về một vài căn hộ sang trọng!”

Những năm hạnh phúc ở California trôi nhanh, đầy những hoạt động. Năm 1937, Giáo khu Hội Tự giác[4] ở Encinitas được thành lập. Rất nhiều hoạt động tại Giáo khu đem lại sự huấn luyện nhiều mặt cho các đệ tử phù hợp với các mục đích của Hội Tự giác. Rau quả được trồng cho người sống trong các trung tâm ở Encinitas và Los Angeles.

“Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại[5].” “Tình huynh đệ thế giới” là một thuật ngữ rộng, nhưng con người phải mở rộng sự đồng cảm của mình, xem mình trên bình diện là công dân thế giới. Ai thật sự hiểu rằng “đây là Hoa Kỳ của tôi, Ấn Độ của tôi, Philippines của tôi, châu Âu của tôi, châu Phi của tôi” và vân vân, sẽ không bao giờ không có cơ hội hưởng một đời sống hạnh phúc và hữu ích.

Dù thân Sri Yukteswar chưa hề ngụ ở xứ nào ngoài xứ Ấn nhưng thầy cũng hiểu chân lý về tình huynh đệ này:

“Thế giới là quê nhà của tôi.”


[1] Sau khi Paramahansaji viên tịch, ông Lynn (Rajarsi Janakananda) làm hội trưởng Hội Tự giác và Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ. Ông Lynn nói về sư phụ mình: “Ở bên một vị thánh thật thần tiên biết bao! Trong tất cả những gì đến với tôi trong đời, tôi quý nhất là những ân huệ mà Paramahansaji đã ban cho tôi.” Ông Lynn nhập mahasamadhi năm 1955. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[2] Hội Tự giác ấn hành. Các băng ghi Paramahansa Yogananda tụng một số bài trong Cosmic Chants. Các băng ghi này cũng có tại Hội Tự giác. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[3] Lời bài hát của sư phụ Nanak như sau: Ôi Thượng đế diệu kỳ, ôi Thượng đế diệu kỳ! Trong rừng Ngài xanh tươi, Trên non Ngài cao vời, Dưới sông Ngài miên man, Dưới biển Ngài nghiêm trang. Với kẻ phụng sự Ngài là lễ, Với người yêu Ngài là tình yêu, Với kẻ khổ Ngài là từ bi, Với yogi Ngài là cực lạc. Ôi Thượng đế diệu kỳ, ôi Thượng đế diệu kỳ! Dưới chân Ngài, con xin đảnh lễ!

[4] Giờ là một trung tâm ashram đang phát triển, những tòa nhà ở đó gồm tu viện chính ban đầu, các ashram cho tăng ni, các nhà ăn, và một tịnh thất đẹp đẽ cho các thành viên và bè bạn. Một dãy cột trắng nhìn ra phía đường quốc lộ của khu đất rộng được trang hoàng bằng hoa sen bằng vàng lá. Trong nghệ thuật Ấn Độ hoa sen là biểu tượng của trung khu Tâm thức Vũ trụ (sahasrara) trong não, “hoa sen ánh sáng ngàn cánh”.

[5] Sách Công vụ tông đồ 17:26.

 

Tự truyện của một Yogi – Chương 47

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 47

CHƯƠNG 47 Tôi trở lại phương Tây

“Tôi đã dạy nhiều lớp yoga ở Ấn Độ và Hoa Kỳ; nhưng tôi phải thú nhận rằng, là một người Ấn, tôi vui khác thường khi được dạy một lớp cho môn sinh người Anh.”

Các môn sinh trong lớp ở London của tôi cười cảm kích; chưa có biến động chính trị nào quấy đảo được sự yên bình yoga của chúng tôi.

Ấn Độ giờ đây là một ký ức thiêng liêng. Lúc này là tháng 9 năm 1936; tôi đang ở Anh để thực hiện một lời hứa mười sáu tháng trước, là lại giảng dạy ở London.

Cả Anh quốc cũng đón nhận thông điệp yoga bất diệt. Các phóng viên và quay phim thời sự lũ lượt kéo đến chỗ tôi ngụ tại Grosvenor House. Ngày 29 tháng 9, Hội đồng Quốc gia Anh của Hội Tín ngưỡng Thế giới tổ chức một cuộc gặp mặt tại Nhà thờ Giáo đoàn Whitefield, nơi tôi nói chuyện với cử tọa về đề tài nặng cân “Đức tin trong Hội có thể cứu nền văn minh bằng cách nào”. Các bài diễn thuyết lúc tám giờ tại tòa nhà Caxton thu hút đông đảo công chúng tới mức cả hai đêm đều có dòng người quá đông chờ ở thính phòng Windsor House để nghe bài nói chuyện thứ hai của tôi lúc chín giờ ba mươi. Các lớp yoga trong mấy tuần sau đó trở nên đông đến độ anh Wright buộc phải thu xếp dời qua một hội trường khác.

Tính kiên trì của người Anh có biểu hiện đáng khâm phục trong mối liên hệ tâm linh. Khi tôi đi rồi, các môn sinh yoga ở London một lòng tự tổ chức thành một trung tâm Hội Tự giác, duy trì các cuộc tụ họp thiền hàng tuần suốt những năm chiến tranh ác liệt.

Những tuần không thể nào quên ở Anh; những ngày ngoạn cảnh London, rồi khắp vùng nông thôn xinh đẹp. Anh Wright và tôi dùng chiếc Ford đáng tin cậy để viếng sinh quán và mộ của các nhà thơ lớn và các anh hùng trong lịch sử nước Anh.

Cuối tháng 10 nhóm ít người chúng tôi từ Southampton đi Hoa Kỳ trên tàu Bremen. Thấy tượng Nữ thần Tự do uy nghi ở cảng New York, chúng tôi nghẹn ngào cảm xúc vui sướng.

Chiếc Ford, có chút tả tơi vì vật lộn trên những vùng đất xưa, vẫn còn mạnh mẽ; giờ nó vượt qua dễ dàng hành trình xuyên lục địa đến California. Cuối năm 1936, trông kìa! Trung tâm Núi Washington.

Kỳ lễ cuối năm tại trung tâm Los Angeles được tổ chức với một buổi thiền tập thể suốt tám giờ vào ngày 24 tháng 12 (Giáng sinh Tôn giáo)[1] hằng năm, ngày hôm sau là một bữa tiệc (Giáng sinh Cộng đồng). Tính vui vẻ lễ hội năm nay tăng thêm do sự có mặt của bạn bè và môn sinh thân yêu từ các thành phố xa xôi đổ về để đón mừng ba nhà du hành thế giới trở về nhà.

Bữa tiệc Giáng sinh gồm cả những của ngon vật lạ từ mười lăm ngàn dặm mang về cho dịp vui này: nấm gucchi từ Kashmir, cùi xoài và rasagulla đóng hộp, bánh quy papar, và dầu hoa keora Ấn Độ để làm hương vị kem. Chiều tới, chúng tôi quây quần quanh một cây thông to lấp lánh, lò sưởi bên cạnh nổ lép bép những khúc củi bách thơm.

Giờ phát quà! Quà từ mọi miền xa xôi trên địa cầu – Palestine, Ai Cập, Ấn Độ, Anh, Pháp, Ý. Ở nước ngoài, anh Wright đã cần mẫn đếm lại mấy rương đồ tại mỗi ga cuối, để không bàn tay vụng trộm nào nhón được những báu vật đã nhắm cho người thân yêu ở Hoa Kỳ! Mấy tấm bảng từ cây ô liu thiêng ở Thánh Địa, đăng ten và đồ thêu mỏng manh của Bỉ và Hà Lan, thảm Ba Tư, khăn quàng cổ dệt đẹp đẽ từ Kashmir, khay gỗ đàn hương thơm hoài của Mysore, đá “mắt bò” Shiva từ các tỉnh miền Trung, đồng tiền xu Ấn Độ từ các triều đại đã mất từ lâu, lọ hoa và tách châu ngọc, những bức tiểu họa, thảm thêu, nhang và dầu thơm dùng trong đền thờ, vải hoa in swadeshi, đồ sơn mài, đồ chạm ngà Mysore, dép Ba Tư có mũi dài thật lạ lùng, bản thảo kinh thiêng cổ kỳ lạ, nhung, gấm, mũ Gandhi, đồ gốm, đá lát, đồ bằng đồng thau, thảm ngồi cầu nguyện – chiến lợi phẩm từ ba châu lục!

Tôi phân phát cho từng người một những gói quà được bọc ngộ nghĩnh từ một ụ to dưới chân cây thông.

“Chị Gyanamata!” Tôi trao một chiếc hộp dài cho người phụ nữ Hoa Kỳ thánh thiện có nét mặt dịu dàng và trình độ giác ngộ cao, người đã lo phụ trách Trung tâm Núi Washington trong lúc tôi đi vắng. Bà rút từ trong tấm giấy gói ra một cái sari lụa vàng Banaras.

“Cám ơn, thầy; nó làm hiện ra trước mắt tôi đám rước lộng lẫy ở Ấn Độ.”

“Ông Dickinson!” Gói thứ hai có một món quà tôi mua trong một chợ ở Calcutta. “Ông Dickinson sẽ thích cái này,” lúc đó tôi đã nghĩ. Là một đệ tử yêu quý, ông E. E. Dickinson đã dự mọi kỳ lễ Giáng sinh từ ngày thành lập Trung tâm Núi Washington vào năm 1925.

Tại buổi lễ mừng hằng năm lần thứ mười một này, ông đứng trước mặt tôi, tháo những sợi ruy băng của cái gói hình thon dài.

“Cái cốc bạc!” Giằng co với cảm xúc, ông nhìn ngây món quà, một cái cốc uống nước cao. Ông ngồi xuống cách xa một chút, rõ ràng là đang bàng hoàng. Tôi mỉm cười với ông trìu mến rồi lại tiếp tục vai trò Santa Claus (Ông già Noel) của mình.

Buổi chiều đầy những tiếng thốt ồ à khép lại bằng buổi cầu nguyện Đấng Ban cho mọi món quà; rồi hát nhóm các bài hát mừng Giáng sinh.

Một thời gian sau, ông Dickinson và tôi hàn huyên với nhau.

“Thưa thầy,” ông nói, “xin cho phép tôi cám ơn về cái cốc bạc.

Đêm Giáng sinh tôi đã không thể tìm ra lời nào để nói.”

“Thầy đã mua món quà riêng cho ông.”

“Suốt bốn mươi ba năm tôi đã chờ cái cốc bạc đó! Đó là một câu chuyện dài, câu chuyện tôi giấu kín trong lòng.” Ông Dickinson nhìn tôi ngượng ngùng. “Khởi đầu thật bi thảm: tôi suýt chết đuối.

Anh tôi đã đùa mà xô tôi xuống hồ nước sâu gần năm mét tại một thị trấn nhỏ ở bang Nebraska. Lúc ấy tôi chỉ mới năm tuổi. Khi tôi sắp chìm xuống dưới đáy nước lần thứ hai thì một ánh sáng đủ màu sáng lòa hiện ra, lấp kín không gian. Ở giữa có hình dáng một người đàn ông với đôi mắt bình lặng và nụ cười dỗ dành. Thân tôi đang chìm xuống lần thứ ba thì một trong những người bạn của anh tôi uốn cong một cây liễu cao mảnh dẻ thấp xuống tới mức tôi có thể chụp lấy bằng mấy ngón tay tuyệt vọng. Mấy cậu bé đưa tôi lên bờ rồi cũng làm cấp cứu cho tôi tỉnh lại được.

“Mười hai năm sau, đã là một chàng trai mười bảy tuổi, tôi thăm Chicago cùng mẹ. Lúc ấy là tháng 9 năm 1893; Nghị viện Tôn giáo Thế giới đang họp. Mẹ tôi và tôi đang đi dọc phố chính thì lần nữa tôi thấy tia sáng huyền diệu. Cách vài bước, chính người đàn ông tôi đã thấy nhiều năm trước trong linh ảnh đang ung dung bước đi. Ông đến một thính phòng lớn rồi khuất vào trong cửa.

“ ‘Mẹ,’ tôi kêu lên, ‘đó là người đã xuất hiện lần con suýt chết đuối!’ “Mẹ và tôi hấp tấp đi vào tòa nhà; người này đang ngồi trên một bục giảng. Chúng tôi sớm biết được người ấy là Swami Vivekananda ở Ấn Độ[2]. Khi thầy có một bài giảng thức tỉnh linh hồn xong, tôi tiến lên trước gặp thầy. Thầy ân cần cười với tôi, như thể chúng tôi là bạn cũ. Tôi còn trẻ đến độ không biết bày tỏ tình cảm của mình ra sao nhưng trong lòng, tôi hy vọng thầy sẽ ngỏ ý làm thầy tôi. Thầy đọc được ý nghĩ của tôi.

“ ‘Không, con trai, ta không phải là sư phụ của con.’ Đôi mắt sâu, đẹp đẽ của Vivekananda nhìn sâu vào mắt tôi. ‘Thầy con sẽ đến về sau này. Thầy ấy sẽ tặng con một cái cốc bạc.’ Dừng một lát rồi thầy nói thêm, mỉm cười. ‘Thầy sẽ rót ra cho con nhiều phúc lành hơn là giờ con có thể giữ được.’ “Vài ngày sau tôi rời Chicago,” ông Dickinson nói tiếp, “và không bao giờ còn gặp lại Vivekananda cao quý nữa. Nhưng từng lời thầy đã nói khắc ghi không thể xóa nhòa trong tâm thức sâu thẳm nhất trong tôi. Năm tháng trôi qua; không có vị thầy nào xuất hiện. Một đêm năm 1925, tôi cầu nguyện thiết tha xin Chúa phái đến cho tôi một sư phụ. Vài giờ sau, tôi tỉnh giấc bởi những giai điệu nhẹ nhàng. Một đoàn người trời, cầm sáo và các nhạc cụ khác, hiện ra trước mắt tôi. Sau khi đã lấp đầy không gian bằng tiếng nhạc tuyệt trần, các thiên thần từ từ biến mất.

“Chiều hôm sau, lần đầu tiên, tôi dự một trong các buổi giảng của thầy ở Los Angeles đây, và biết rằng lời cầu xin của mình đã được đáp lại.”

Chúng tôi mỉm cười với nhau trong im lặng.

“Đã mười một năm rồi tôi là đệ tử Kriya Yoga của thầy,” ông Dickinson nói tiếp. “Đôi lúc tôi băn khoăn về cái cốc bạc; tôi gần như đã tự thuyết phục mình rằng những lời của Vivekananda chỉ là ẩn dụ.”

“Nhưng trong đêm Giáng sinh, khi thầy trao cho tôi cái hộp nhỏ bên cây thông, tôi đã thấy, lần thứ ba trong đời mình, cũng chính cái tia sáng chói lòa ấy. Phút sau đó thì tôi đã nhìn sững món quà sư phụ mình tặng mà Vivekananda đã thấy trước cho tôi bốn mươi ba năm trước[3] – một cái cốc bạc!”


[1] Từ năm 1950, lệ thiền cả ngày này được tổ chức vào ngày 23 tháng 12. Các thành viên Hội Tự giác khắp thế giới cũng tổ chức Giáng sinh và vì vậy mà, ở nhà mình và tại các tu viện và trung tâm của HTG, họ dành riêng một ngày trong kỳ Giáng sinh để thiền định và cầu nguyện. Nhiều người đã khẳng định sự cứu độ tâm linh và phúc lành lớn lao họ có được nhờ tuân theo lệ hằng năm do Paramahansa Yogananda khởi xướng này. Paramahansaji còn lập Hội đồng Cầu nguyện tại Trung tâm Núi Washington (hạt nhân của Cộng đồng Cầu nguyện Toàn thế giới của Hội Tự giác), mở các buổi cầu nguyện hằng ngày cho tất cả những ai nhờ giúp giải quyết hay giải trừ những gút mắc riêng của mình. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[2] Đại đệ tử của vị thầy như Chúa Ramakrishna Paramahansa.

[3] Ông Dickinson gặp Swami Vivekananda vào tháng 9 năm 1893 – năm Paramahansa Yogananda ra đời (ngày 5 tháng 1). Vivekananda rõ ràng đã biết rằng Yogananda tái sinh, và rằng thầy sẽ sang Hoa Kỳ để hoằng bá triết học Ấn Độ. Năm 1965 ông Dickinson, vẫn còn khỏe mạnh và năng nổ ở tuổi 89, ông nhận danh hiệu Yogacharya (thầy yoga) trong một nghi lễ tại trụ sở Hội Tự giác ở Los Angeles. Ông thường thiền trong những khoảng thời gian dài cùng Paramahansaji, và chưa hề bỏ tu tập _Kriya Yoga_, ba lần một ngày. Hai năm trước khi mất ngày 30-6-1967, Yogacharya Dickinson có bài nói chuyện với các thầy tu HTG. Ông kể cho họ một chi tiết thú vị ông đã quên nhắc với Paramahansaji. Yogacharya Dickinson nói: “Khi tôi bước lên bục giảng ở Chicago để nói với Swami Vivekananda, tôi chưa kịp chào thầy thì thầy đã nói: “‘Chàng trai, ta muốn con tránh xa sông nước ra!’ ” (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

 

Tự truyện của một Yogi – Chương 46

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 46

CHƯƠNG 46 Nữ yogi không bao giờ ăn

“Thưa thầy, sáng nay ta phải đi đâu đây?” Anh Wright đang lái chiếc Ford; anh đưa mắt khỏi con đường dài vừa đủ để nhìn tôi với một ánh mắt long lanh dò hỏi. Hết ngày này đến ngày khác, anh chẳng mấy khi biết tiếp theo mình sẽ khám phá vùng nào ở Bengal.

“Theo ý Thượng đế,” tôi đáp đầy sùng tín, “ta đang trên đường đi thăm kỳ quan thứ tám của thế giới – một nữ thánh chỉ ăn không khí!”

“Lại phép lạ nữa – sau Therese Neumann.” Nhưng anh Wright vẫn cười hăm hở như mọi khi; anh còn tăng tốc xe. Thêm phép lạ có ích nữa cho nhật ký hành trình của anh! Kẻ ấy, chẳng phải một du khách tầm thường đâu!

Trường Ranchi vừa bị bỏ lại sau lưng chúng tôi; chúng tôi đã dậy trước lúc mặt trời lên. Ngoài thư ký và tôi, trong nhóm còn có thêm ba người bạn Bengal. Chúng tôi uống lấy cái khí trời gây hồ hởi, thứ rượu thiên nhiên của buổi sáng. Tài xế của chúng tôi lái xe thận trọng giữa những nông dân dậy sớm và những xe hai bánh, được mấy con bò u, buộc ách, kéo chậm rì, có ý sẵn sàng giành đường với kẻ xâm phạm quyền lợi đang bóp còi.

“Thầy, chúng tôi muốn biết thêm về thánh không ăn.”

“Tên bà là Giri Bala,” tôi cho các bạn đồng hành hay. “Lần đầu tiên tôi nghe về thánh đã nhiều năm trước, từ một quý ông có học thức là Sthiti Lal Nundy. Ông ấy thường đến nhà tôi ở đường Garpar để dạy kèm cậu em Bishnu.”

“ ‘Tôi biết Giri Bala rất rõ,’ Sthiti Babu bảo tôi. ‘Bà dùng một kỹ thuật yoga nào đó cho phép bà sống mà không cần ăn. Tôi là hàng xóm cạnh nhà bà ở Nawabganj gần Ichapur[1]. Tôi cố ý theo dõi bà rất kỹ; nhưng tôi chưa hề tìm được bằng chứng cho thấy bà ăn hay uống gì. Cuối cùng tôi tò mò đến mức tới gặp Maharaja xứ Burdwan[2] nhờ ngài cho tìm hiểu. Ngạc nhiên vì câu chuyện, ngài mời bà tới cung điện của ngài. Bà bằng lòng cho kiểm tra và sống hai tháng bị khóa trong một khu vực nhỏ trong nhà ngài. Sau đó bà quay lại cung điện trong hai mươi ngày; và rồi để thử thách lần thứ ba trong mười lăm ngày. Chính Maharaja bảo tôi rằng ba cuộc kiểm tra khắt khe này đã làm ngài tin chắc không còn nghi ngờ gì nữa về tình trạng không ăn uống của bà.’ “Câu chuyện Sthiti Babu kể vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi hơn hai mươi lăm năm,” tôi kết luận. “Đôi lúc ở Hoa Kỳ tôi băn khoăn không biết dòng sông thời gian có cuốn trôi yogini đi không trước khi tôi kịp gặp bà. Giờ chắc bà đã già lắm rồi. Tôi thậm chí còn không biết bà ở đâu, hay có còn sống không. Nhưng vài giờ nữa ta sẽ tới Purulia; nhà em trai bà ở đấy.”

Đến mười giờ rưỡi thì nhóm nhỏ chúng tôi đã trò chuyện với người em trai, Lambodar Dey, một luật sư ở Purulia.

“Phải, chị tôi vẫn còn sống. Thỉnh thoảng bà ở lại đây với tôi, nhưng lúc này thì bà đang ở nhà gia đình chúng tôi tại Biur.”

Lambodar Babu liếc nhìn chiếc Ford nghi ngại. “Thưa swami, tôi không tin đã từng có ô tô nào vào được tận trong Biur. Có lẽ hay hơn cả là tất cả quý vị đây đành lòng chịu cái xóc của xe bò.”

Nhóm chúng tôi đồng thanh thề trung thành với Niềm tự hào của Detroit.

“Chiếc Ford là đem từ Hoa Kỳ qua,” tôi bảo luật sư. “Sẽ rất tiếc nếu tước của nó cơ hội làm quen với trái tim của Bengal!”

“Cầu cho Ganesh[3] bên các vị!” Lambodar Babu nói, cười. Ông tử tế nói thêm, “Nếu các vị có đến được đó thì tôi chắc rằng Giri Bala sẽ vui được gặp các vị. Bà đã gần bảy mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh lắm.”

“Xin cho tôi biết, thưa ông, có đúng là bà ấy không ăn gì không?” Tôi nhìn thẳng vào mắt ông, những cửa sổ tâm hồn biết nói.

“Đúng vậy.” Cái nhìn của ông thẳng thắn và chân thật. “Suốt hơn năm mươi năm, tôi chưa hề thấy bà ấy ăn tí gì. Giả thử mà thế gian có bất ngờ tận diệt thì tôi cũng không ngạc nhiên hơn là thấy chị mình ăn!”

Chúng tôi cùng cười khúc khích vì chuyện không thể có của hai sự kiện lớn này.

“Gili Bala chưa hề tìm một chỗ vắng vẻ cách biệt để luyện yoga,” Lambodar Babu nói tiếp. “Cả đời bà ấy sống giữa gia đình và bạn bè. Giờ thì ai cũng đã quen với tình trạng lạ lùng của bà – không một ai trong số họ là không sửng sốt nếu như Giri Bala bỗng muốn ăn gì đó! Chị tôi về nghỉ một cách tự nhiên, phù hợp với một góa phụ Ấn Độ, nhưng cộng đồng nhỏ chúng tôi ở Purulia và Biur ai cũng biết đúng nghĩa đen, bà là một phụ nữ ‘khác thường’.”

Sự thật thà của người em trai rất rõ ràng. Nhóm mấy người chúng tôi nồng nhiệt cảm ơn ông rồi lên đường về hướng Biur.

Chúng tôi dừng ở một quán bên đường để ăn cà ri và luchi, làm một đám nhóc con bu lại để nhìn anh Wright ăn bốc theo kiểu giản tiện của người Ấn[4]. Ăn uống ngon lành giúp chúng tôi mạnh mẽ lên trước một buổi chiều mà, lúc đó chúng tôi còn chưa biết, sẽ tỏ ra khá gian khổ.

Lúc này, đường của chúng tôi dẫn về hướng Đông qua những đồng lúa tắm nắng vào khu vực Burdwan ở Bengal. Nơi nơi những con đường viền cây cỏ mọc dày; tiếng hót của những con chim sáo và chim chào mào cổ vằn líu lo từ trên cây với những cành to như xòe ô. Thi thoảng có một chiếc xe bò, tiếng cút kít rini, rini, manju, manju của trục xe và bánh xe gỗ niềng sắt tương phản rõ rệt trong trí nhớ với tiếng swish, swish của lốp xe hơi trên đường nhựa quý phái ở thành phố.

“Dick, dừng lại!” Yêu cầu bất thần của tôi làm chiếc Ford phản đối giật nảy. “Cây xoài trĩu quả đằng kia gần như đang kêu to mời gọi đấy!”

Năm người chúng tôi như trẻ con nhảy bổ tới mặt đất rải đầy xoài; cây xoài đã hào hiệp ném quả xuống khi đã chín.

“Biết bao nhiêu cây xoài sinh ra rồi ở đấy mà không ai hay biết,” tôi diễn giải, “rồi phí quả ngọt của mình giữa mặt đất đá.”

“Ở Hoa Kỳ chẳng có gì như thứ này cả, phải không, thưa swami?” Sailesh Mazumdar, một trong các môn sinh người Bengal của tôi, cười.

“Đúng,” tôi thừa nhận, bụng đầy cả xoài và mãn nguyện. “Ở bên Tây thầy thấy nhớ quả này biết chừng nào! Một thiên đường của người Ấn mà không có xoài thì thật không tưởng tượng nổi!”

Tôi ném một hòn đá khiến một cái đẹp kiêu hãnh rụng xuống từ cành cao nhất.

“Dick,” tôi vừa cắn thứ cao lương mỹ vị ấm nắng nhiệt đới vừa hỏi, “máy ảnh để trong xe cả rồi à?”

“Vâng, thưa thầy, trong ngăn hành lý.”

“Nếu Giri Bala đúng là một bậc chân thánh, thầy muốn viết về bà ở phương Tây. Một yogini Ấn có những khả năng truyền cảm như vậy không nên sống rồi chết mà không được biết đến – như hầu hết những trái xoài này.”

Nửa giờ sau tôi vẫn còn tha thẩn trong thanh bình đồng quê.

“Thưa thầy,” anh Wright nói, “ta nên tới chỗ Giri Bala trước khi mặt trời lặn, để còn đủ ánh sáng mà chụp hình.” Anh nói thêm mà cười toét. “Người Tây phương là đám hoài nghi; ta chẳng thể mong họ tin vào một bà nào đó mà không có tấm ảnh nào!”

Chút khôn ngoan này thật không thể bàn cãi được; tôi quay lưng lại với cám dỗ rồi vào lại xe.

“Anh nói phải đấy, Dick,” tôi thở dài khi chúng tôi phóng xe đi tiếp. “Thầy sẽ hiến tế thiên đường xoài lên bàn thờ tinh thần hiện thực phương Tây. Ảnh thì ta phải có!”

Con đường mỗi lúc một khủng khiếp hơn: cày xới những vết xe, ung nhọt đất sét đóng bánh lại – những cái hom hem đáng buồn của tuổi già. Nhóm chúng tôi thỉnh thoảng xuống xe để anh Wright lái chiếc Ford dễ hơn, những người còn lại chúng tôi đứng sau đẩy.

“Lambodar Babu nói phải quá,” Sailesh công nhận. “Xe đâu có chở mình; mình chở xe!”

Cái cảnh tẻ ngắt chúng tôi lên xe, xuống xe thỉnh thoảng thành trò tiêu khiển cho dân làng, mỗi người là một sự phô bày về sự xuềnh xoàng lạ lùng.

“Con đường chúng tôi đi cứ quanh co uốn khúc qua những khóm rừng cọ giữa những ngôi làng cổ kính, ban sơ náu mình trong bóng rừng,” anh Wright ghi lại trong nhật ký hành trình, đề ngày 5-5-1936. “Những cụm nhà tranh vách đất này rất thú vị, trang trí bằng một trong các tên của Thượng đế trên cửa; nhiều đứa trẻ nhỏ bé, trần trùng trục ngây thơ nô đùa, dừng lại nhìn ngây hay cắm đầu cắm cổ chạy theo chiếc xe đen, to, không bò kéo này đang lồng lộn khắp làng của chúng.

Đám đàn bà chỉ nhìn trộm từ trong bóng râm, còn cánh đàn ông thì lững thững đi dưới cây dọc hai bên đường, sự tò mò khuất dưới vẻ uể oải. Ở một chỗ nọ, cả làng đang vui vẻ tắm trong một bể lớn (mặc nguyên áo quần, thay bằng cách choàng đồ khô quanh người, thả đồ ướt xuống). Đàn bà bê nước về nhà trong những cái vại đồng thau to sụ.

Con đường đưa chúng tôi đến một cuộc rượt đuổi lòng vòng thật khôi hài qua gò và luống; chúng tôi xóc dựng rồi nghiêng ngả, đâm đầu xuống những con suối nhỏ, vòng quanh một đường đắp cao đang làm dở, trượt qua những lòng sông cát, cạn khô; rồi cuối cùng, chừng năm giờ chiều, chúng tôi đã gần đến đích là Biur. Ngôi làng nhỏ nằm mé trong khu Bankura, náu mình trong sự che chở của tán cây dày, du khách chẳng thể tới được vào mùa mưa, người ta cho chúng tôi hay; bấy giờ dòng nước là những con thác cuồng nộ còn những con đường thì như rắn phun nọc bùn.

Khi hỏi đường một tốp tín đồ đang trên đường về nhà sau một buổi cầu nguyện ở đền (chơ vơ ngoài đồng), chúng tôi bị bao vây giữa cả chục đứa trẻ ăn mặc phong phanh leo trèo lên tứ phía chiếc xe, hăm hở dẫn chúng tôi đến chỗ Giri Bala.

Con đường dẫn tới một khóm rừng chà là che bóng cho một cụm nhà tranh vách đất, nhưng trước khi chúng tôi đến được đó, chiếc Ford nhất thời bị lật nghiêng ở một góc nguy hiểm, nảy tưng lên rồi rơi xuống. Con đường hẹp men quanh cây cối và bể nước, qua những gò, xuống hố và rãnh sâu. Chiếc xe bị kẹt cứng vào một đám bụi rậm, rồi mắc cạn ở một mô đất, cần phải nhấc mấy khối đất mới lên được; chúng tôi đi tiếp, từ từ và thận trọng; thình lình con đường bị chặn lại bởi một đống cành cây cột thành bó để giữa một chiếc xe kéo, phải chạy vòng xuống một gờ dốc đứng xuống một bể cạn, mà sự cứu hộ ra khỏi đó đòi hỏi một chút bới, đào rồi xúc. Không biết bao lần con đường cơ hồ không thể qua được, nhưng cuộc hành hương phải tiếp tục; bọn trẻ sốt sắng đi kiếm cái mai và dẹp bỏ chướng ngại vật (sự phù hộ của thần Ganesh!) trong khi hàng trăm trẻ con cùng cha mẹ chúng đứng ngây nhìn.

Chẳng mấy chốc chúng tôi len qua hai con đường mòn xưa cũ, đàn bà từ trong cửa nhà tranh của mình trố mắt nhìn ra, đàn ông lếch thếch đi cạnh và đằng sau chúng tôi, trẻ con chen lấn cho đông thêm đám rước.

Ô tô của chúng tôi có lẽ là chiếc đầu tiên đi qua những con đường này; ‘liên hiệp xe bò’ hẳn là toàn năng ở đây! Xem chúng tôi tạo ra một cảnh náo động gì đây – một tốp do một người Hoa Kỳ điều khiển và đi tiên phong trong một chiếc xe phun phì phì thẳng vào thành lũy làng quê của họ, xâm lăng sự riêng tư và thiêng liêng xưa!

Dừng bên một con hẻm hẹp, chúng tôi nhận ra mình còn cách nhà dòng họ của Giri Bala chừng ba chục thước. Chúng tôi cảm thấy xúc động toại nguyện sau một cuộc vật lộn đường dài được trọn vẹn bởi một kết thúc gay go. Chúng tôi tiến lại gần một tòa nhà hai tầng to xây gạch và vữa, cao hơn hẳn những mái nhà tranh nhỏ xung quanh; ngôi nhà đang được sửa chữa, vì xung quanh nó là cái sườn nhà bằng tre điển hình vùng nhiệt đới.

Với sự chờ đợi háo hức và vui sướng kiềm chế, chúng tôi đứng trước những cánh cửa mở được ban phúc bởi bàn tay người ‘không biết đói’ của Thượng đế. Vẫn cứ há hốc kinh ngạc không thôi, dân làng, trẻ lẫn già, trần truồng hay mặc đồ, đàn bà có phần đứng xa nhưng cũng tò mò, đàn ông và mấy cậu bé không biết ngượng bám sát gót chúng tôi khi nhìn ngây cảnh tượng vô tiền khoáng hậu này.

Chốc sau một dáng người thấp hiện ra ở cửa – Giri Bala! Bà quấn trong lụa nhũ vàng, mờ; theo kiểu Ấn điển hình, bà đi tới nhún nhường và ngập ngừng, hé nhìn chúng tôi từ dưới nếp gấp tấm swadeshi. Mắt bà lấp lánh như than hồng từ khoảng tối dưới khăn đội đầu; chúng tôi bị thu hút bởi một gương mặt nhân từ và giác ngộ Thượng đế, tịnh không còn vết nhơ của chấp trước trần tục.

Nhu mì, bà đến gần và im lìm để chúng tôi chụp một số hình bằng máy ảnh ‘tĩnh’ và máy quay phim ‘động’ của chúng tôi[5]. Kiên nhẫn và e thẹn, bà chịu đựng các kỹ thuật chụp hình chỉnh tư thế và sắp xếp ánh sáng của chúng tôi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã ghi lại được cho hậu thế nhiều tấm hình về người đàn bà duy nhất trên thế giới được biết tới là đã sống không cần ăn uống trong hơn năm mươi năm. (Therese Neumann, dĩ nhiên, đã nhịn ăn từ năm 1923). Biểu hiện của Giri Bala khi bà đứng trước chúng tôi phần nhiều là như người mẹ, phủ áo rộng tha thướt, kín toàn thân chỉ chừa lại gương mặt với ánh mắt nhìn xuống, hai bàn tay, và đôi chân của bà nhỏ nhắn. Một gương mặt thanh thản hiếm thấy và tự tin ngây thơ – đôi môi rộng, trẻ thơ, run run, một cái mũi nữ tính, hẹp, đôi mắt long lanh, và một nụ cười buồn.”

Tôi cũng chia sẻ ấn tượng của anh Wright về Giri Bala; tính tâm linh vây bọc mẹ như tấm mạng nhẹ, sáng màu của mẹ. Mẹ pranam tôi với cử chỉ chào theo lệ của một chủ nhà đối với thầy tu.

Nét duyên dung dị và nụ cười thanh thản của mẹ cho chúng tôi sự đón chào hơn cả cách đón chào bằng lời lẽ hùng biện êm tai; chúng tôi đã quên mất chặng đường bụi bặm, gian nan rồi.

Vị thánh nhỏ nhắn ngồi xếp bằng trên hiên. Dù mang dấu vết của tuổi tác, nhưng mẹ vẫn không hao gầy; làn da nâu vẫn còn sáng và khí sắc khỏe mạnh.

“Mẹ,” tôi nói bằng tiếng Bengal, “suốt hơn hai mươi lăm năm con đã tha thiết nghĩ đến cuộc hành hương này đây! Con đã được nghe về cuộc đời siêu phàm của mẹ từ Sthiti Lal Nundy Babu.”

Mẹ gật đầu thừa nhận. “Phải, hàng xóm tốt bụng của ta ở Nawabganj.”

“Trong suốt những năm ấy con đã vượt đại dương, nhưng chưa hề quên ý định một ngày nào đó gặp mẹ. Vở kịch cao quý mà mẹ đang đóng rất lặng lẽ nơi này nên được rao truyền cho một thế giới đã từ lâu quên thức ăn thiêng liêng nội thể.”

Thánh ngước mắt lên một lát, mỉm cười với sự quan tâm bình thản.

“Baba (thầy tôn kính) biết rõ hơn cả,” mẹ đáp nhu mì.

Tôi mừng là mẹ không phật lòng; ta chẳng bao giờ biết trước các yogi và yogini phản ứng ra sao trước cái ý nghĩ được đưa ra trước công chúng. Họ tránh xa điều đó, theo lệ thường, muốn lặng thầm theo đuổi cuộc tìm kiếm linh hồn sâu thẳm. Một sự chấp thuận nội tâm sẽ đến trong họ khi đã đúng lúc để trình bày cuộc đời mình ra trước đám đông vì lợi lạc của những tâm thức kiếm tìm.

“Mẹ,” tôi nói tiếp, “thế thì, hãy thứ lỗi cho con vì làm phiền mẹ bằng nhiều câu hỏi. Xin hãy vui lòng trả lời những câu mẹ thấy dễ chịu thôi; con cũng sẽ hiểu cả sự im lặng của mẹ.”

Yogananda và Gili Bala

Mẹ đưa hai bàn tay ra với một cử chỉ rộng lượng. “Ta sẽ vui lòng đáp nếu một người tầm thường như ta trả lời thỏa đáng được.”

“Ôi, không, không tầm thường!” Tôi phản đối thật lòng. “Mẹ là một thánh nhân.”

“Ta là kẻ tôi tớ hèn mọn của mọi người.” Mẹ nói thêm một cách lạ lùng, “Ta thích nấu nướng, và lo cái ăn cho mọi người.”

Một cách giải trí lạ lùng, tôi nghĩ, đối với một vị thánh không ăn!

“Mẹ, xin hãy cho con biết, từ chính miệng mẹ nói ra – có phải mẹ sống mà không ăn không?”

“Điều đó đúng.” Mẹ im lặng ít phút; câu nói tiếp theo chứng tỏ mẹ đã chật vật với phép tính nhẩm. “Từ lúc mười hai tuổi bốn tháng đến năm nay là sáu mươi tám tuổi – một khoảng thời gian hơn năm mươi sáu năm – ta không ăn cũng không uống.”

“Mẹ không bao giờ thấy thèm ăn sao?”

“Nếu ta thấy thèm ăn thì ta đã ăn rồi.” Giản dị nhưng cao quý mẹ nói lên sự thật hiển nhiên này, sự thật mà một thế giới xoay quanh ba bữa ăn mỗi ngày biết rất rõ!

“Nhưng mẹ phải ăn một cái gì đó!” Giọng điệu tôi có vẻ phản đối.

“Dĩ nhiên!” Mẹ mỉm cười hiểu ngay.

“Dinh dưỡng cho mẹ lấy từ những năng lượng thanh khiết hơn là không khí và ánh nắng[6] và từ năng lượng vũ trụ nạp vào cơ thể mẹ qua hành tủy.”

“Baba biết mà.” Lần nữa mẹ mặc nhận, cung cách của mẹ hòa nhã và không khoa trương.

“Mẹ, xin hãy kể cho con về thời trẻ của mẹ. Điều đó chứa đựng một lợi ích sâu sắc cho tất cả mọi người ở Ấn, và cả cho những anh chị em ta bên kia đại dương.”

Giri Bala bỏ qua một bên sự dè dặt quen thuộc của mình, thoải mái trong không khí trò chuyện.

“Thôi cũng được.” Giọng mẹ nhỏ nhẹ và dứt khoát. “Ta sinh ra trong vùng rừng này. Tuổi thơ của ta không có gì đặc biệt chỉ trừ việc ta bị ám ảnh cảm giác thèm ăn không thỏa.

“Ta được hứa hôn khi ta chừng chín tuổi.

“ ‘Con à,’ mẹ ta thường răn ta, ‘cố mà kiểm soát thói háu ăn của con. Đến lúc con phải sống giữa những người xa lạ bên nhà chồng, họ sẽ nghĩ sao về con nếu suốt ngày con chỉ biết ăn thôi?’ “Tai họa bà thấy trước đã thành sự thật. Ta chỉ mới mười hai tuổi khi ta về ở với người nhà chồng ở Nawabganj. Mẹ chồng làm ta bẽ mặt cả sáng, trưa, tối vì thói tham ăn của ta. Tuy nhiên, những lời mắng mỏ của bà là cái rủi mà hóa may; nó đánh thức khuynh hướng tâm linh ngủ yên trong ta. Một buổi sáng, bà chế giễu không thương tiếc.

“ ‘Con sẽ sớm chứng minh cho mẹ thấy,’ ta nói, đau đến tận tâm can, ‘rằng con sẽ không bao giờ động đến thức ăn nữa, ngày nào con còn sống.’ “Mẹ chồng ta cười chế nhạo. ‘Vậy à!’ bà nói, ‘con sống mà không ăn làm sao được khi mà con chẳng thể nào sống nổi nếu không ăn liên tu bất tận?’ “Câu này thì không thể cãi lại được. Thế nhưng trong lòng ta đã có một quyết tâm sắt đá. Ở một nơi khuất lánh, ta tìm Thượng đế Toàn năng của mình.

“ ‘Lạy Thượng đế,’ ta cầu nguyện không ngớt, ‘xin hãy phái đến cho con một sư phụ, người dạy con sống bằng ánh sáng của Ngài mà không phải bằng thức ăn.’ “Một cảm giác diễm phúc đổ trùm xuống ta. Trong sức hút thần tiên ấy, ta lên đường đến ghat Nawabganj bên sông Hằng.

Trên đường đi, ta gặp một tu sĩ bên nhà chồng.

“ ‘Thầy đáng kính,’ ta tin tưởng nói, ‘xin vui lòng dạy con cách sống mà không cần ăn.’ “Thầy tu nhìn ta không đáp. Sau cùng, ông nói theo kiểu dỗ dành. ‘Con ạ,’ thầy tu nói, ‘chiều nay hãy đến đền thờ; ta sẽ cử hành một lễ Vệ Đà riêng cho con.’ “Câu trả lời mơ hồ này không phải là cái ta tìm kiếm; ta đi tiếp đến ghat. Ánh nắng buổi sáng xuyên xuống mặt sông; ta tẩy gột mình dưới sông Hằng, như thể để sửa soạn cho lễ điểm đạo thiêng liêng. Khi ta đi khỏi bờ sông, áo quần ướt quấn quanh thân, trong cái nắng chói chang giữa ban ngày, thầy ta hiện ra trước mặt ta!

“ ‘Con nhỏ yêu quý,’ thầy nói bằng giọng từ bi thương yêu, ‘ta là sư phụ mà Thượng đế phái đến đây để đáp lời cầu nguyện khẩn thiết của con. Ngài vô cùng xúc động vì tính chất rất bất thường của lời cầu nguyện! Từ hôm nay con sẽ sống bằng ánh sáng siêu nhiên; các nguyên tử cơ thể con sẽ được nạp dòng điện vô tận.’ “

Giri Bala chìm trong im lặng. Tôi lấy cây bút chì và thếp giấy của anh Wright rồi dịch ra tiếng Anh vài điều cho cậu ta biết.

Vị thánh tiếp câu chuyện, giọng nhỏ nhẹ chỉ vừa nghe. “Ghat vắng người, nhưng sư phụ ta tỏa ra quanh thầy và ta một hào quang ánh sáng che chở khiến không còn một người nào tản mác tắm sau đó quấy rầy chúng ta được. Ngài điểm đạo cho ta vào một kỹ thuật kria giải phóng cho cơ thể khỏi phụ thuộc vào thức ăn thô của người phàm. Kỹ thuật bao gồm việc sử dụng một mantra[7] nhất định và một bài tập thở khó hơn mức người thường làm được.

Không có thuốc hay ma thuật nào; không gì cả ngoài kria.”

Theo phương thức mà một phóng viên Hoa Kỳ đã vô tình dạy tôi, tôi hỏi Giri Bala về nhiều điểm mà tôi nghĩ thế giới sẽ quan tâm. Mẹ, từng chút một, cho tôi thông tin sau:

“Ta không có con cái; nhiều năm trước ta thành góa phụ. Ta ngủ rất ít, vì ngủ hay thức với ta đều như nhau. Ta thiền ban đêm, chăm lo việc nhà ban ngày. Ta có cảm thấy đôi chút thay đổi trong khí hậu khi chuyển mùa. Ta chưa hề đau ốm hay chịu căn bệnh nào. Ta chỉ cảm thấy đau nhẹ khi bị thương do tai nạn. Ta không bài tiết. Ta có thể kiểm soát nhịp tim và hô hấp. Trong các linh ảnh ta thường thấy sư phụ và các thánh khác.”

“Mẹ,” tôi hỏi, “sao mẹ không dạy người khác phương pháp sống không cần ăn?”

Mong muốn đầy tham vọng của tôi dành cho hàng triệu người đói kém trên thế giới nhanh chóng tan tác.

“Không.” Mẹ lắc đầu. “Sư phụ đã nghiêm cấm ta hé lộ bí mật.

Ngài không muốn làm xáo trộn vở kịch sáng tạo của Thượng đế.

Nông dân sẽ không cảm ơn ta nếu ta dạy nhiều người sống không cần ăn! Trái ngọt sẽ nằm vô ích trên đất. Có vẻ như khổ đau, đói kém, và bệnh tật là những nhát roi nghiệp của chúng ta mà đến cuối cùng sẽ thúc ta đi kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời.”

“Mẹ,” tôi nói chậm rãi, “ý đồ khi riêng mẹ được chọn để sống mà không cần ăn là gì?”

“Để chứng minh rằng con người là Tinh thần.” Gương mặt mẹ sáng lên minh triết. “Để chứng tỏ rằng bằng tiến hóa thiêng liêng con người có thể dần dần học cách sống bằng Ánh sáng Vĩnh cửu mà không phải bằng thức ăn[8].”

Thánh chìm sâu trong trạng thái thiền định. Cái nhìn của mẹ hướng vào trong; vũng sâu dịu dàng trong mắt mẹ trở nên vô cảm.

Mẹ thở dài một tiếng mạnh, mở đầu cho nhập định ngưng thở đầy an lạc. Lát sau, mẹ đã bay vào cõi bất biến, thiên đường niềm vui nội tâm.

Đêm nhiệt đới đã buông xuống. Ánh sáng từ ngọn đèn dầu nhỏ lập lòe chập chờn trên đầu dân làng đang lặng lẽ ngồi xổm trong bóng tối. Sâu đóm vụt qua và đèn dầu treo xa xa nơi những mái nhà tranh dệt nên những hình thù kỳ lạ vào trong đêm nhung.

Đã đến giờ phải dứt lòng ra đi; một cuộc hành trình chậm chạp, tẻ nhạt trước mặt nhóm nhỏ chúng tôi.

“Giri Bala,” tôi nói khi thánh mở mắt, “xin hãy cho con một vật kỷ niệm – một mảnh trong mấy tấm sari của mẹ.”

Mẹ quay lại ngay với một tấm lụa Banaras, chìa ra trong bàn tay khi mẹ bất ngờ phủ phục trên đất.

“Mẹ,” tôi nói tôn kính, “hãy để con chạm chân thiêng của mẹ mới đúng!”


[1] Ở bắc Bengal.

[2] Hoàng thân Bijay Chand Mahtab, đã mất. Gia đình ngài rõ ràng đã lưu giữ một tài liệu ghi lại ba lần Maharaja tìm hiểu về Giri Bala.

[3] “Đấng Dẹp bỏ Chướng ngại”, thần may mắn.

[4] Sri Yukteswar từng nói: “Thượng đế đã cho ta hoa trái từ đất đai phì nhiêu. Ta thích nhìn thức ăn của mình, ngửi nó, nếm nó – người Ấn Độ còn thích sờ nó!” Người ta cũng sẽ không ngại nghe nó nữa, nếu không có ai khác tại bữa ăn!

[5]  Anh Wright còn quay phim Sri Yukteswar trong lễ hội đông chí cuối cùng của thầy ở Serampore.

[6] “Cái chúng ta ăn là bức xạ; thực phẩm của chúng ta có rất nhiều lượng tử năng lượng,” tiến sĩ Geo. W. Crile ở Cleveland đã phát biểu trước một cuộc họp của giới y khoa ngày 17 tháng 5 năm 1933 tại Memphis. Một số phần trong bài phát biểu của ông được ghi lại như sau: “Bức xạ vô cùng quan trọng này, cái giải phóng các dòng điện cho mạch điện của cơ thể, hệ thần kinh, được các tia mặt trời đưa vào trong thức ăn. Nguyên tử, tiến sĩ Crile nói, là các hệ mặt trời. Nguyên tử là các phương tiện mang đầy bức xạ mặt trời giống như nhiều cái lò xo. Vô số nguyên tử đầy năng lượng này được ăn vào như thức ăn. Khi đã ở trong cơ thể người, những phương tiện căng đầy này, các nguyên tử, được đưa vào chất nguyên sinh cơ thể, bức xạ cung cấp năng lượng hóa học mới, các dòng điện mới. “Cơ thể của các vị được làm từ những nguyên tử như vậy,” tiến sĩ Crile nói. “Chúng là cơ bắp, não, và các cơ quan thụ cảm của các vị, ví dụ như mắt và tai.” “ Một ngày nào đó các nhà khoa học sẽ phát hiện ra cách để con người có thể sống trực tiếp bằng năng lượng mặt trời. “Diệp lục là chất duy nhất trong thiên nhiên mà người ta biết là bằng cách nào đó có khả năng hoạt động như một cái “bẫy nắng” “, William L. Laurence viết trong The New York Times. “Nó “bắt” năng lượng của ánh nắng rồi trữ trong cây. Không có điều này thì không có sự sống nào tồn tại được. Chúng ta có được năng lượng để sống từ năng lượng Mặt trời trữ trong thức ăn có nguồn gốc thực vật ta ăn hay trong thịt của động vật ăn thực vật. Năng lượng ta lấy được từ than hay dầu là năng lượng Mặt trời mà chất diệp lục bẫy được trong sự sống của thực vật hàng triệu năm trước. Chúng ta sống bằng Mặt trời qua trung gian là chất diệp lục.”

[7]  Câu niệm rung động uy lực. Dịch theo nghĩa đen tiếng Phạn, từ mantra là “khí cụ của tư tưởng”. Nó có nghĩa là “những âm thanh lý tưởng, không nghe thấy được, thể hiện một khía cạnh của sáng tạo; khi những âm tiết được phát âm, một mantra sẽ cấu thành một thuật ngữ vạn năng” (Từ điển Webster’s New International, ấn bản lần 2). Những quyền năng vô hạn của âm thanh bắt nguồn từ Aum, “Nguyên ngôn” hay tiếng kêu rền sáng tạo của Động cơ Vũ trụ.

 

Tự truyện của một Yogi – Chương 45

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 45

CHƯƠNG 45 “Mẹ Hoan hỉ” ở Bengal

“Thầy ơi, thầy đừng rời Ấn Độ mà chưa thấy Nirmala Devi. Thánh thiêng lắm; xa gần đều gọi thánh là Ananda Moyi Ma (Mẹ Hoan hỉ).” Cháu tôi, Amiyo Bose, nhìn tôi thiết tha.

“Dĩ nhiền rồi! Ta rất muốn thăm bà thánh.” Tôi nói thêm, “Ta đã đọc về trạng thái giác ngộ Thượng đế siêu việt của thánh. Nhiều năm trước một bài báo ngắn về thánh đã đăng trên tờ Đông-Tây.”

“Cháu gặp thánh rồi,” Amiyo nói tiếp. “Gần đây, thánh đến thăm chính thị trấn Jamshedpur nhà cháu mà. Theo lời thỉnh cầu của một đệ tử, Ananda Moyi Ma đã đến nhà một người đang hấp hối. Thánh đứng bên giường ông ấy; khi bàn tay thánh sờ trán ông, tiếng nấc hấp hối của ông ngừng bặt. Cơn bệnh biến mất tức thì; người này vô cùng sửng sốt, vui mừng thấy mình đã khỏe lại.”

Ít hôm sau, tôi nghe nói Mẹ Hoan hỉ đang lưu lại nhà một đệ tử tại khu vực Bhowanipur ở Calcutta. Anh Wright và tôi từ nhà cha tôi ở Calcutta lập tức lên đường. Khi chiếc Ford đến gần ngôi nhà ở Bhowanipur, bạn đồng hành của tôi và tôi thấy một cảnh tượng kỳ lạ giữa đường.

Ananda Moyi Ma đang đứng trên một chiếc ô tô mui trần, ban phúc cho đám đông chừng một trăm đệ tử. Rõ ràng là thánh sắp đi. Anh Wright đỗ chiếc Ford cách một quãng rồi đi bộ cùng tôi đến chỗ nhóm người đang im lặng tụ tập. Thánh liếc nhìn về phía hai thầy trò tôi; thánh xuống xe rồi bước tới chỗ chúng tôi.

“Thầy, thầy đến rồi!” Vừa nói những lời nhiệt tình này (bằng tiếng Bengal) thánh vừa choàng tay quanh cổ tôi rồi tựa đầu lên vai tôi. Anh Wright vừa nghe tôi nói là tôi chưa quen thánh, vô cùng thích thú vì biểu hiện hoan nghênh lạ thường này. Con mắt của hàng trăm chela chăm chăm nhìn có chút ngạc nhiên trước cảnh tượng thắm thiết.

Tôi vừa thấy được là thánh đã ở trong tầng samadhi cao. Quên đi bề ngoài phụ nữ của mình, thánh tự biết mình là linh hồn bất biến; từ bình diện ấy, thánh vui vẻ chào một tín đồ khác của Thượng đế. Thánh cầm tay tôi dẫn vào xe.

“Ananda Moyi Ma, tôi đang làm trễ chuyến đi của thánh!” tôi phản đối.

“Thầy, tôi đang gặp thầy lần đầu tiên trong kiếp này[1], sau nhiều kiếp!” thánh nói. “Xin hãy khoan đi đã.”

Chúng tôi ngồi với nhau ở ghế sau xe. Mẹ Hoan hỉ liền bước vào trạng thái nhập định bất động. Đôi mắt đẹp của thánh ngước lên trời rồi, khép hờ, tĩnh lại, nhìn vào bồng lai bao la trong tâm.

Các đệ tử khe khẽ tụng: “Phúc lành cho Thánh Mẫu!”

Ở Ấn Độ, tôi đã thấy nhiều đàn ông giác ngộ Thượng đế nhưng tôi chưa hề gặp một nữ thánh cao quý như thế. Gương mặt khả ái của thánh sáng bừng một niềm hoan hỉ khôn tả mà vì vậy thánh có tên Mẹ Hoan hỉ. Những bím tóc đen dài buông sau đầu không trùm mạng. Một chấm bột đàn hương đỏ trên trán tượng trưng cho tuệ nhãn, vẫn luôn mở trong tâm thánh. Gương mặt nhỏ nhắn, bàn tay nhỏ nhắn, bàn chân nhỏ nhắn – một sự tương phản với sự vĩ đại tâm linh của thánh!

Tôi hỏi một nữ chela gần bên vài câu trong khi Ananda Moyi Ma vẫn còn nhập định.

“Mẹ Hoan hỉ đi đến nhiều miền trên đất Ấn; ở nhiều nơi, mẹ có hàng trăm đệ tử,” chela bảo tôi. “Những nỗ lực can đảm của mẹ đã đem lại nhiều cải cách xã hội hằng mong đợi. Tuy là một người Bà La Môn nhưng thánh nhận ra không có sự khác biệt đẳng cấp nào cả. Một nhóm chúng tôi luôn đi cùng mẹ, chăm lo tiện nghi cho mẹ. Chúng tôi phải chăm sóc mẹ; mẹ chẳng để ý gì đến thân mình. Nếu không ai đưa thức ăn cho mẹ thì mẹ sẽ không ăn mà cũng không hỏi han gì. Ngay cả khi bữa ăn được dọn ra trước mặt, mẹ cũng chẳng động đến. Để ngăn mẹ không biến mất khỏi cõi này, đệ tử chúng tôi phải tự tay chăm ăn cho mẹ. Trong nhiều ngày liền mẹ thường ở trong trạng thái nhập định siêu phàm, hầu như không thở, mắt không chớp. Một trong các trưởng đệ tử của mẹ là chồng mẹ, Bholanath. Nhiều năm trước, không lâu sau đám cưới của họ, thầy ấy đã thề tịnh khẩu.” Chela chỉ một người đàn ông vai rộng, nét mặt đẹp, tóc dài và râu bạc. Ông đang đứng lặng lẽ giữa đám người tụ họp, hai tay chắp lại với thái độ cung kính của đệ tử.

Tươi tắn lại nhờ đã đắm mình trong Thượng đế, Ananda Moyi Ma giờ đang định trí vào cõi trần.

“Thầy, xin cho tôi biết giờ thầy đang ở đâu.” Giọng thánh rõ và êm đềm.

“Hiện nay thì ở Calcutta hay Ranchi; nhưng tôi sẽ sớm về lại Hoa Kỳ.”

“Hoa Kỳ sao?”

“Phải. Một nữ thánh Ấn Độ sẽ được những người tầm đạo thật lòng cảm mến. Thánh có muốn đi không?”

“Nếu Thầy đưa tôi đi được thì tôi sẽ đi.”

Câu trả lời khiến các đệ tử gần thánh giật mình hoảng hốt.

“Chúng tôi hai mươi người hay nhiều hơn nữa luôn đi cùng Mẹ Hoan hỉ,” một trong số họ bảo tôi dứt khoát. “Chúng tôi không thể sống thiếu mẹ. Mẹ có đi đâu thì chúng tôi cũng phải đi theo.”

Miễn cưỡng, tôi từ bỏ ý định vì một điểm phi thực tế là sự gia tăng tự phát!

“Thôi thì xin hãy đến Ranchi, cùng các đệ tử của thánh,” tôi nói khi cáo từ thánh. “Bản thân thánh cũng là một đứa trẻ thần thánh, thánh sẽ thích mấy đứa trẻ ở trường tôi.”

“Bất cứ khi nào thầy đưa tôi đi, tôi sẽ vui vẻ mà đi.”

Một thời gian ngắn sau, Ranchi Yidyalaya được trang hoàng như lễ hội dành cho cuộc viếng thăm mà thánh đã hứa. Bọn trẻ mong chờ bất kỳ ngày lễ hội nào – không bài học, hàng giờ âm nhạc, và một bữa yến tiệc tha hồ!

“Phúc lành! Ananda Moyi Ma, phúc lành!” Khúc hát lặp đi lặp lại từ rất nhiều cổ họng nhỏ hăng hái chào mừng nhóm của thánh khi họ bước vào cổng trường. Trận mưa rào cúc vạn thọ, tiếng leng keng của chũm chọe, tiếng thổi tù và mạnh mẽ và nhịp trống mridanga! Mẹ Hoan hỉ rạng rỡ thong dong trên khuôn viên Vidyalaya ngập nắng, vẫn mang trong tim một thiên đường di động.

“Ở đây đẹp quá,” Ananda Moyi Ma nhã nhặn nói khi tôi dẫn thánh vào tòa nhà chính. Thánh ngồi cạnh tôi với nụ cười thơ trẻ.

Thánh khiến ta cảm thấy như người bạn thân nhất trong những người bạn thân, vậy nhưng một thần thái xa vắng vẫn luôn bao quanh thánh – sự cô độc nghịch lý của Vô biên.

“Xin hãy kể cho tôi nghe đôi điều về đời thánh.”

“Thầy biết cả mà; sao phải nhắc lại?” Thánh rõ ràng cảm thấy tiểu sử thực tế của một kiếp ngắn ngủi thì không đáng phải để tâm.

Tôi cười, nhẹ nhàng lặp lại yêu cầu.

“Thầy, chẳng có gì nhiều để kể đâu.” Thánh xua hai bàn tay duyên dáng trong một cử chỉ phản đối. “Tâm tôi chưa hề gắn liền với tấm thân tạm bợ này. Trước khi tôi[2] xuống cõi này, thầy ạ, ‘tôi vẫn vậy’. Là một bé gái, ‘tôi vẫn vậy’. Tôi thành đàn bà, nhưng ‘tôi vẫn vậy’. Khi gia đình mà tôi đầu thai vào lo liệu cho thân này lập gia thất, ‘tôi vẫn vậy’. Rồi, thầy ạ, trước mặt thầy lúc này đây, ‘tôi vẫn vậy’. Mãi mãi sau này, dù vũ điệu sáng tạo có xoay vần quanh tôi trong lâu đài trường cửu, ‘tôi cũng sẽ vậy’.”

Ananda Moyi Ma chìm sâu trong trạng thái trầm tư mặc tưởng.

Thân thể thánh yên như tượng; thánh đã bay vào cung trời vẫn luôn gọi thánh. Hai trũng mắt đen có vẻ như không còn sự sống và lặng như gương. Biểu hiện này thường có khi các thánh đưa tâm thức mình ra khỏi xác phàm, cái mà lúc bấy giờ chỉ là một hòn đất sét vô hồn. Chúng tôi ngồi với nhau một giờ trong nhập định hoan hỉ. Thánh quay lại cõi này với một tiếng cười khẽ tươi vui.

“Ananda Moyi Ma,” tôi nói, “xin hãy cùng tôi ra vườn. Anh Wright sẽ chụp vài tấm hình.”

“Dĩ nhiên, thầy ạ. Ý muốn của thầy là ý muốn của tôi.” Đôi mắt sáng của thánh giữ lại một ánh rực rỡ thần thánh bất biến khi thánh đứng để chụp nhiều tấm hình.

Đến giờ yến tiệc rồi! Ananda Moyi Ma ngồi trên tấm chăn, một đệ tử ngồi sát bên để chăm cho thánh ăn. Như một đứa trẻ, thánh ngoan ngoãn nuốt thức ăn khi chela đưa lên môi mình. Rõ ràng là Mẹ Hoan hỉ không nhận thấy sự khác biệt nào giữa cà ri và đồ ngọt!

Khi hoàng hôn xuống, thánh cùng nhóm đệ tử ra về giữa một trận mưa rào cánh hoa hồng, hai bàn tay thánh đưa lên ban phúc cho bọn trẻ. Mặt chúng sáng lên tình thương mà thánh đã dễ dàng khơi dậy.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi,” Chúa đã phán; “đây là điều răn đứng đầu[3].”

Dứt lìa mọi chấp trước thấp kém, Ananda Moyi Ma dâng lòng trung thành duy nhất cho Thượng đế. Không phải bằng những sự phân biệt chân tơ kẻ tóc của các học giả mà bằng logic vững vàng của đức tin, vị thánh trẻ thơ đã giải được bài toán duy nhất của kiếp nhân sinh – hình thành sự hợp nhất với Thượng đế.

Con người đã quên mất cái giản dị tuyệt đối này, giờ đây bị lẫn lộn bởi hàng triệu vấn đề. Trong khi từ chối tình yêu nhất thần dành cho Đấng Sáng tạo, nhiều dân tộc cố ngụy trang sự bất trung bằng cách tôn thờ câu nệ những đền thờ từ thiện bề ngoài. Những cử chỉ nhân đạo này là cái làm ta thấy tự mãn; vì trong chốc lát chúng đánh chệch sự chú ý của con người khỏi chính mình; nhưng những thứ ấy không làm y thoát được trách nhiệm quan trọng nhất của y trong đời, mà Jesus đã nhắc đến là “điều răn đầu tiên”. Con người đã nhận lấy cái nghĩa vụ cao cả là yêu thương Thượng đế cùng với hơi thở đầu tiên khi hắn hít thở bầu không khí mà Nhà Hảo tâm duy nhất của y đã hào hiệp ban cho[4].

Một lần khác sau ngày Ananda Moyi Ma thăm trường Ranchi, tôi có dịp gặp thánh. Vài tháng sau đó, thánh đang đứng cùng một nhóm trên sân ga Serampore, chờ tàu.

“Thầy, tôi sắp đi Himalaya,” thánh bảo tôi. “Một số người hảo tâm đã xây cho chúng tôi một tịnh thất ở Dehra Dun.”

Khi thánh lên tàu, tôi ngạc nhiên thấy rằng dù giữa đám đông, trên xe lửa, đang ăn uống, hay đang ngồi trong tịch lặng, mắt thánh cũng không hề rời xa Thượng đế.

Bên trong tôi vẫn còn nghe giọng thánh, một tiếng vọng của sự ngọt ngào vô biên:

“Hãy nhìn, kẻ cùng Vĩnh cửu bây giờ và mãi mãi, ‘tôi vẫn mãi như vậy’.”


[1] Ananda Moyi Ma sinh năm 1896 tại làng Kheora, quận Tripura, đông Bengal.

[2] Ananda Moyi Ma không tự xưng “tôi”; thánh dùng ngữ giải thích khiêm tốn như “thân này” hay “cô bé này” hay “con gái của thầy”. Thánh cũng không gọi ai là “đệ tử” của mình. Với sự sáng suốt khách quan thánh ban cho mọi chúng sinh đồng đều tình yêu thiêng liêng của Mẹ Vũ trụ.

[3] Tin Mừng theo thánh Máccô 12:30.

[4] “Nhiều người cảm thấy cái thôi thúc muốn tạo ra một thế giới mới tốt đẹp hơn. Thay vì để ý nghĩ của ta nghiền ngẫm những điều đó thì ta nên định vào Điều Ấy, mà nhờ trầm tư Nó ta sẽ có niềm hy vọng về yên bình trọn vẹn. Phận sự của con người là trở thành kẻ tìm kiếm Thượng đế hay Chân lý.” – Ananda Moyi Ma.

Tự truyện của một Yogi – Chương 44

Nghe audioTự truyện của một Yogi – Chương 44

CHƯƠNG 44 Cùng Mahatma Gandhi ở Wardha

“Xin chào mừng các vị đến Wardha!” Mahadev Desai, thư ký của Mahatma Gandhi, chào cô Bletsch, anh Wright và tôi bằng những lời thân ái này, cùng món quà là mấy vòng hoa khaddar (vải tự dệt). Nhóm nhỏ chúng tôi vừa tới ga ở Wardha vào một sáng sớm tháng 8, mừng vì đã bỏ lại cái bụi bặm và nóng nực của tàu hỏa. Gửi hành lý trên một chiếc xe bò, chúng tôi lên một chiếc ô tô mui trần cùng anh Desai và các bạn đồng hành: Babasaheb Deshmukh và tiến sĩ Pingale. Chạy xe một quãng ngắn qua những con đường đồng quê bùn lầy, chúng tôi tới “Maganvadi”, ashram của thánh nhân làm chính trị của Ấn Độ.

Anh Desai dẫn ngay chúng tôi đến thư phòng, Mahatma Gandhi đang ngồi đó, chân xếp bằng. Một tay cầm bút còn tay kia cầm một mẩu giấy, ngài nở một nụ cười rộng, lôi cuốn, nồng hậu!

“Xin chào!” ngài viết vội bằng tiếng Ấn; hôm ấy là thứ Hai, ngày tịnh khẩu hàng tuần của ngài.

Dù đây là lần đầu gặp mặt nhưng chúng tôi nhìn nhau tươi cười trìu mến. Năm 1925, Mahatma Gandhi đã vinh danh trường Ranchi bằng một chuyến viếng thăm, và đã ghi trong cuốn sổ cảm tưởng một lời khen tặng hào hiệp.

Vị thánh nặng bốn mươi lăm cân nhỏ nhắn toát lên vẻ khỏe khoắn thể xác, tinh thần và tâm linh. Đôi mắt nâu nhạt của ngài ngời vẻ thông minh, chân thành, trí phân biệt; chính khách này đã đấu trí và nổi bật lên là người chiến thắng trong cả ngàn cuộc đấu tranh chính trị, xã hội, và pháp luật. Trên thế giới, không có nhà lãnh đạo nào giành được chỗ đứng vững chắc trong trái tim đồng bào mình như Gandhi làm được với hàng triệu người dân thất học ở Ấn Độ. Lời cảm ơn tự phát họ dành cho ngài là danh hiệu nổi tiếng – Mahatma, “thánh nhân”[1]. Vì họ mà Gandhi mới mặc mỗi tấm khố, cái đã có vẽ biếm họa khắp nơi, biểu tượng cho sự đoàn kết của ngài với quần chúng bị chà đạp không còn chịu đựng hơn được nữa.

“Người trong ashram hoàn toàn sẵn sàng phục vụ thầy; xin hãy gọi họ nếu có cần gì.” Với sự nhã nhặn riêng có của mình, Mahatma đưa tôi mẩu giấy viết vội này khi anh Desai dẫn nhóm chúng tôi từ thư phòng đến nhà khách.

Người dẫn đường đưa chúng tôi qua những vườn cây ăn quả và những đồng hoa đến một tòa nhà lợp ngói có cửa sổ mắt cáo.

Một cái giếng ở sân trước, rộng bảy mét rưỡi mà theo anh Desai nói là nguồn tưới rau trái; gần đó là một cái cối xay lúa bằng xi măng. Mỗi phòng ngủ nhỏ của chúng tôi hóa ra chỉ có cái tối thiểu không thể tiết giảm thêm được nữa – một cái giường, được bện tay bằng thừng. Gian bếp quét vôi trắng khoe một vòi nước ở một góc và một lò lửa để nấu nướng ở một góc khác. Những âm thanh đồng quê thanh bình vọng tới tai chúng tôi – tiếng kêu của quạ và chim sẻ, tiếng rống của gia súc, và tiếng gõ của những chiếc đục dùng để đẽo đá.

Quan sát thấy nhật ký hành trình của anh Wright, anh Desai mở ra và viết vào một trang, danh sách các lời thệ Satyagraha[2] mà mọi tín đồ (satyagrahi) thành tâm của Mahatma đã thề:

“Bất bạo động; chân lý; không trộm cắp; tuyệt dục; không sở hữu; lao động chân tay; kiểm soát khẩu vị; không sợ hãi; quý trọng mọi tôn giáo như nhau; swadeshi (dùng hàng nội địa); tự do không còn thuộc đẳng cấp tiện dân. Mười một lời thề này phải được tuân thủ trên một tinh thần khiêm cung.”

(Ngày hôm sau chính Gandhi đã ký lên trang này, còn ghi cả ngày: 27-8-1935.) Hai giờ sau khi tới nơi, các bạn đồng hành và tôi được mời ăn trưa. Mahatma đã ngồi dưới mái vòm ở hiên ashram, bên kia sân trong, đối diện thư phòng của ngài. Chừng hai mươi lăm satyagrahi chân trần đang ngồi xổm trước những chén bát và cốc bằng đồng thau. Một bài cầu nguyện chung cả nhóm; rồi một bữa ăn dọn trong những nồi đồng thau lớn gồm chapati (bánh mì nguyên hạt không men) rưới ghee; talsari (rau luộc rồi thái), và mứt chanh.

Mahatma ăn chapati, củ cải luộc, ít rau sống, và cam. Ở một bên đĩa của ngài là một nhúm to lá neem rất đắng, một thứ lọc máu có tiếng. Ngài lấy muỗng khều riêng ra một phần rồi để vào đĩa của tôi. Tôi nuốt nó xuống với chút nước, nhớ lại những ngày thơ ấu khi mẹ bắt tôi phải nuốt liều thuốc khó ưa. Còn Gandhi thì đang thong thả ăn neem mà không thấy khó chịu.

Trong sự việc nhỏ nhặt này, tôi nhận thấy Mahatma có cái khả năng tùy ý tách tâm khỏi các giác quan. Tôi nhớ lại một ca mổ cắt bỏ ruột thừa cho ngài được loan báo ít năm về trước. Không chịu cho gây mê, thánh đã vui vẻ chuyện phiếm với các tín đồ suốt ca phẫu thuật, nụ cười điềm tĩnh của ngài cho thấy ngài không biết đến cái đau.

Chiều đến, tôi có dịp chuyện trò với đệ tử nổi tiếng của Gandhi, là con gái của một đô đốc người Anh, cô Madeleine Slade, giờ người ta gọi cô là Mira Behn[3]; Harper & Bros., New York, 1950). Trong cuốn sách sau này (The Spirit’s Pilgrimage (Cuộc hành hương của Linh hồn); Coward- McCann, N. Y., 1960), cô Slade đã nhắc đến rất nhiều nhân vật đã đến thăm Gandhi ở Wardha. Cô viết: “Lâu thế này rồi, tôi không nhớ được nhiều người trong số họ, nhưng hai người vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi là: Halide Edib Hanum, nữ văn sĩ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ; và Swami Yogananda, người sáng lập Hội Tự giác ở Hoa Kỳ.” (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).]. Gương mặt mạnh mẽ, điềm đạm của cô sáng lên sôi nổi khi cô kể cho tôi, bằng tiếng Hindi chuẩn, về những hoạt động hàng ngày của mình.

“Công việc tái thiết nông thôn rất đáng làm! Một nhóm chúng tôi, lúc năm giờ mỗi sáng, đi phục vụ dân làng gần bên và chỉ cho họ về vệ sinh đơn giản. Chúng tôi nhất quyết làm sạch những nhà tiêu và nhà tranh vách đất của họ. Dân làng không biết chữ; không thể nào dạy họ nếu không làm gương!” Cô cười vui vẻ.

Tôi nhìn ngưỡng mộ người phụ nữ Anh gia đình quyền quý mà tinh thần khiêm nhường Cơ Đốc giáo chân chính đã cho phép cô làm việc dọn rác thường chỉ do “tiện dân” làm.

“Tôi đến Ấn Độ vào năm 1925,” cô bảo tôi. “Ở xứ này tôi cảm thấy là mình vừa ‘trở về nhà’. Giờ tôi sẽ không bao giờ chịu quay lại cuộc đời cũ và những mối bận tâm xưa kia nữa.”

Chúng tôi trò chuyện về Hoa Kỳ một lát. “Tôi luôn hài lòng và ngạc nhiên,” cô nói, “khi thấy nhiều người Hoa Kỳ đến thăm Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các đề tài tâm linh[4].”

Hai bàn tay Mira Behn chẳng mấy chốc đã bận bịu với charka (guồng quay sợi). Nhờ những nỗ lực của Mahatma, charka giờ đây có mặt khắp nông thôn Ấn Độ.

Gandhi có những lý do kinh tế và văn hóa xác đáng khi khuyến khích sự phục hưng của các ngành tiểu thủ công nghiệp, nhưng ngài không khuyến khích một sự chối bỏ cuồng tín mọi tiến bộ hiện đại. Máy móc, xe lửa, xe hơi, điện tín đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời vĩ đại của chính ngài! Năm mươi năm phục vụ cộng đồng, vào tù ra khám, hàng ngày vật lộn với những vấn đề thực tế nhỏ nhặt và hiện thực khắc nghiệt trong giới chính trị chỉ càng làm tăng thêm ở ngài sự bình tĩnh, tinh thần phóng khoáng, sự minh mẫn, và sự phê phán hài hước trò đời kỳ quặc.

Bộ ba chúng tôi được Babasaheb Deshmukh mời ăn chiều lúc sáu giờ. Tới buổi cầu nguyện lúc 7 giờ tối thì chúng tôi lại đã có mặt ở ashram Maganvadi, lên nóc nhà, nơi ba mươi satyagrahi đang quây quần thành nửa vòng tròn quanh Gandhi. Ngài đang ngồi xổm trên một tấm chiếu rơm, một cái đồng hồ bỏ túi cổ đặt trước mặt. Nắng nhạt dần hắt tia sáng cuối cùng lên những cây cọ và cây đa; tiếng râm ran của đêm và lũ dế bắt đầu. Tự bầu không khí đã là sự yên bình; tôi say sưa mê mẩn.

Một bài tụng trang nghiêm do anh Desai dẫn, được nhóm đáp lại; rồi đọc Gita. Mahatma ra hiệu cho tôi đọc lời cầu nguyện kết.

Quả đúng là bản hợp xướng tuyệt trần của tư tưởng và khát vọng!

Một ký ức còn mãi: trầm mặc trên nóc nhà Wardha dưới những vì sao sớm.

Đúng tám giờ Gandhi chấm dứt thời gian tịnh khẩu. Lao động nặng nề của đời ngài đòi hỏi ngài phải phân chia thời gian từng giây từng phút.

“Xin chào mừng, thưa swami!” Lời chào của Mahatma lần này không phải qua giấy. Chúng tôi vừa từ trên nóc nhà xuống thư phòng của ngài, được bày biện đơn sơ với mấy tấm chiếu vuông (không có ghế), một cái bàn thấp cùng sách vở, giấy, và ít cây bút thường (không phải bút máy); một cái đồng hồ không có gì nổi bật tích tắc trong một góc. Một bầu không khí thanh bình và đạo hạnh thấm đẫm khắp nơi. Gandhi lại ban những nụ cười lôi cuốn, sâu hoắm, gần như móm mém.

“Nhiều năm trước,” ngài giải thích, “tôi bắt đầu giữ tịnh khẩu mỗi tuần một ngày như một cách để có thêm thời gian lo thư tín.

Nhưng giờ thì hai mươi bốn giờ đó đã trở thành một nhu cầu tâm linh quan trọng. Một quy định tịnh khẩu định kỳ không phải một nhục hình mà là một phúc lành.”

Tôi hết sức đồng tình[5]. Mahatma hỏi thăm tôi về Hoa Kỳ và châu Âu; chúng tôi thảo luận về Ấn Độ và tình hình thế giới.

“Mahadev,” Gandhi nói khi anh Desai bước vào phòng, “xin hãy thu xếp với tòa Thị chính để Swamiji nói chuyện về yoga ở đó vào tối ngày mai.”

Khi tôi chúc Mahatma ngủ ngon, ngài chu đáo đưa tôi một lọ dầu sả.

“Muỗi Wardha không biết gì về ahimsa[6] cả đâu, thưa swami!”

Sáng hôm sau nhóm nhỏ chúng tôi ăn điểm tâm sớm gồm cháo nguyên hạt với mật mía và sữa. Lúc mười giờ rưỡi chúng tôi được mời đến hiên ashram để dùng bữa trưa cùng Gandhi và các satyagrahi. Hôm nay thực đơn gồm cơm gạo lức, các thứ rau khác, và hạt bạch đậu khấu.

Buổi trưa, tôi tha thẩn trên đất ashram, tới chỗ đồng cỏ có mấy con bò cái ung dung tự tại. Bảo vệ bò là một niềm đam mê đối với Gandhi.

Kỳ Na giáo, một phái của Ấn Độ giáo, được Mahavira, một người cùng thời với Đức Phật, truyền bá rộng rãi vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Cầu mong Mahavira (“đại hùng”) nhìn xuyên qua nhiều thế kỷ về đứa con trai Gandhi anh hùng của ngài!

“Bò với tôi có nghĩa là toàn bộ cõi dưới người, sự mở rộng tình thương của con người vượt ra khỏi đồng loại,” Mahatma từng giải thích. “Qua bò, con người buộc phải nhận ra tính đồng nhất của mình với hết thảy chúng sinh. Tại sao các rishi xưa lại chọn bò để thờ thì tôi đã rõ. Bò ở Ấn Độ là sự so sánh tốt nhất; nó đem lại nhiều thứ. Bò không chỉ cho sữa mà còn làm cho nền nông nghiệp tồn tại. Bò là bài thơ về lòng trắc ẩn; người ta đọc thấy lòng trắc ẩn ở con vật hiền lành. Nó là người mẹ thứ hai cho triệu triệu con người nhân loại. Bảo vệ bò có nghĩa là bảo vệ toàn thể tạo vật câm lặng của Thượng đế. Lời kêu gọi của đẳng cấp thấp hơn trong sáng tạo càng mạnh mẽ hơn nữa vì nó không nói được[7].”

Một số nghi thức hàng ngày là bắt buộc đối với tín đồ Ấn giáo chính thống. Một là Bhuta Yajna, thí thực cho súc sinh. Lễ này tượng trưng cho việc con người nhận ra bổn phận của mình đối với các loài tiến hóa thấp hơn trong sáng tạo – bị trói buộc một cách bản năng vào tồn tại thể xác (một mê lầm mà con người cũng chịu) nhưng lại thiếu cái năng lực lý trí để giải thoát mà chỉ loài người mới có.

Bhuta Yjana do vậy khuyến khích thêm cái thiện ý giúp đỡ kẻ yếu ở con người, vì con người đến lượt mình cũng được biết bao sự quan tâm của các loài vô hình cao hơn độ trì. Nhân loại còn có nghĩa vụ khôi phục phẩm vật của Thiên nhiên – dồi dào trong đất, biển, và trời. Cái rào cản tiến hóa là sự không thể giao tiếp giữa Thiên nhiên, thú, người, và chư vị cõi trung giới đã bị vượt qua nhờ các yajna (nghi thức) tình yêu thương thầm lặng mỗi ngày.

Hai yajna hàng ngày khác là Pitri và NriPitri Yajna là thờ cúng tổ tiên: tượng trưng cho việc con người công nhận là mình chịu ơn các đời trước, những người mà kho tri kiến của họ đã soi sáng nhân loại hôm nay. Nri Yajna là thí thực cho người lạ hay người nghèo: tượng trưng cho trách nhiệm hiện tại của con người, bổn phận của y đối với người cùng thời với mình.

Đầu giờ chiều tôi thực hiện một Nri Yajna hòa thuận láng giềng bằng việc đưa mấy cô bé tới thăm ashram của Gandhi. Anh Wright đi cùng tôi trên chuyến xe mười phút. Những gương mặt trẻ thơ tươi như hoa cùng những cái sari thân dài đủ màu! Tôi vừa dứt bài nói chuyện ngắn ngoài trời bằng tiếng Hindi[8] thì trời trút xuống một cơn mưa bất chợt. Anh Wright và tôi vừa cười vừa trèo lên xe rồi phóng trở lại Maganvadi giữa những màn mưa màu bạc dữ dội. Cái dữ dội nhiệt đới bắn tung tóe!

Khi vào lại nhà khách, một lần nữa tôi thấy xúc động bởi sự giản dị tột cùng và bằng chứng về tự hy sinh hiện diện khắp nơi.

Gandhi đã phát thệ không sở hữu từ hồi mới kết hôn. Bỏ hành nghề luật sư thành đạt đem lại thu nhập hằng năm hơn hai mươi nghìn đôla, Mahatma phân phát hết tài sản của mình cho người nghèo.

Sri Yukteswar từng nhẹ nhàng giễu những quan niệm từ bỏ sai lầm thông thường.

“Một kẻ ăn mày đâu thể từ bỏ tài sản,” thầy nói. “Nếu một kẻ than vãn: ‘việc làm ăn của tôi thất bại; vợ tôi bỏ tôi rồi; tôi sẽ xả bỏ mọi thứ mà vào tu viện,’ thì y đang nói đến sự hy sinh trần thế nào vậy? Y đâu có từ bỏ của cải và tình yêu; mà mấy thứ đó bỏ y!”

Các bậc thánh như Gandhi, ngược lại, không chỉ hy sinh những thứ vật chất hữu hình mà còn lìa bỏ những thứ khó hơn là động cơ vị kỷ và mục đích riêng tư, hòa con người bên trong sâu thẳm nhất của mình vào dòng chảy toàn thể nhân loại.

Người vợ đặc biệt của Mahatma, Kasturbai, đã không phản đối khi ngài không dành lại một phần của cải cho bà và các con.

Cưới nhau từ khi còn rất trẻ, Gandhi và vợ đã phát thệ tuyệt dục sau khi có với nhau bốn người con trai[9]. Là một nữ anh hùng thầm lặng trong vở kịch sôi động từng là cuộc sống chung của họ, Kasturbai theo chồng vào tù, chia sẻ với ngài ba tuần tuyệt thực, và gánh trọn phần mình vô vàn trách nhiệm. Bà đã bày tỏ lòng kính trọng Gandhi như sau:

Tôi cảm ơn ngài vì ân huệ được là bạn đồng hành và bạn đời suốt đời của ngài. Tôi cảm ơn ngài về cuộc hôn nhân toàn hảo nhất đời, dựa trên brahmacharya (tự tiết chế) chứ không phải dục tính. Tôi cảm ơn ngài vì đã xem tôi bình đẳng trong sự nghiệp cả đời ngài dành cho Ấn Độ. Tôi cảm ơn ngài vì không phải là ông chồng phí đời trong cờ bạc, những cuộc đua, đàn bà, rượu chè, xướng ca, chán vợ con mình như thằng bé chóng chán đồ chơi tuổi thơ của mình. Tôi biết ơn ngần nào vì ngài không phải là ông chồng dâng đời cho sự làm giàu dựa trên bóc lột sức lao động của người khác.

Tôi biết ơn vô ngần vì ngài đã đặt Thượng đế và đất > nước lên trên của hối lộ, vì ngài đã can đảm có xác tín và đức tin trọn vẹn và tuyệt đối vào Thượng đế. Tôi biết ơn xiết bao về một người chồng đặt Thượng đế và đất nước trước tôi. Tôi biết ơn ngài vì đã khoan thứ cho tôi và cho những thiếu sót thời trẻ của tôi khi tôi phàn nàn và phản đối những thay đổi ngài làm trong lối sống của ta, nhiều hay ít.

Từ hồi còn là một đứa trẻ, tôi đã sống trong nhà cha mẹ ngài; mẹ ngài là một phụ nữ tốt bụng và cao cả; bà tập cho tôi, dạy tôi làm sao để là một người vợ khí phách, quả cảm và làm sao để nuôi dưỡng tình yêu và lòng kính trọng đối với con bà, chồng tương lai của tôi. Khi năm tháng trôi qua và ngài trở thành vị lãnh tụ kính yêu nhất của Ấn Độ, tôi không hề có nỗi sợ nào, cái vẫn ám ảnh người vợ là bị bỏ bê khi chồng đã leo lên nấc thang thành đạt, như vẫn thường xảy ra ở những xứ khác.

Tôi biết rằng cái chết vẫn sẽ tìm thấy chúng ta là vợ và chồng.

Nhiều năm trời Kasturbai nhận trách nhiệm giữ công quỹ mà Mahatma được tôn thờ có thể quyên góp đến bạc triệu. Trong các gia đình ở Ấn Độ người ta kể nhiều câu chuyện hài hước có ý rằng mấy đức ông chồng thấp thỏm nếu vợ mình có đeo món nữ trang nào mà đến dự cuộc họp mặt của Gandhi; cái lưỡi ma thuật của Gandhi, cầu xin cho những kẻ bị chà đạp, dụ vòng vàng và dây chuyền kim cương ngay trên tay và cổ của người giàu có vào giỏ quyên góp!

Một hôm, người thủ quỹ công, Kasturbai, không giải trình được một khoản thâm hụt bốn rupi. Gandhi đúng lúc công bố một bản kiểm toán, trong đó ngài điềm nhiên chỉ ra sự sai lệch bốn rupi của vợ mình.

Tôi thường kể câu chuyện này cho các lớp môn sinh của mình ở Hoa Kỳ. Một buổi chiều, một phụ nữ nọ trong hội trường kêu lên giận dữ.

“Mahatma hay không phải Mahatma cũng vậy,” bà ấy kêu lên, “ông ấy mà là chồng tôi thì tôi đã cho ông ta tím mắt vì sự sỉ nhục công khai không cần thiết như vậy!”

Chúng tôi nói đùa về đề tài các bà vợ Hoa Kỳ và Ấn một lát rồi tôi tiếp tục giải thích rõ hơn.

“Bà Gandhi không xem Mahatma như chồng mà là sư phụ mình, người có quyền phạt bà vì những lỗi dù nhỏ nhất,” tôi giải thích. “Sau lần Kasturbai bị khiển trách công khai ít lâu, Gandhi bị kết án tù về tội chính trị. Khi ngài điềm tĩnh từ biệt vợ, bà sụp dưới chân ngài. ‘Thầy,’ bà nói khiêm cung, ‘nếu tôi đã bao giờ xúc phạm thầy thì xin hãy tha thứ cho tôi.’ “

Ba giờ chiều hôm ấy ở Wardha, do có hẹn trước, tôi chăm chăm đi về thư phòng của vị thánh đã có thể thản nhiên áp dụng kỷ luật với vợ mình – chuyện lạ hiếm có! Gandhi ngẩng lên với nụ cười không thể quên được.

“Mahatmaji,” tôi nói khi ngồi xổm xuống cạnh ngài trên tấm chiếu không nệm, “xin cho tôi biết định nghĩa của ngài về ahimsa.”

“Tránh làm hại bất kỳ sinh linh nào trong ý nghĩ hay bằng hành động.”

“Lý tưởng thật đẹp đẽ! Nhưng người ta sẽ luôn hỏi: ta không được giết một con rắn hổ mang để bảo vệ một đứa trẻ, hay chính mình sao?”

“Tôi chẳng thể giết một con rắn hổ mang mà không vi phạm hai lời thệ của mình – không sợ hãi và không sát sinh. Tôi sẽ cố thầm dỗ dành con rắn bằng các rung động của tình thương hơn là làm vậy. Có lẽ tôi không thể hạ những chuẩn mực của mình xuống cho phù hợp với tình huống mình gặp phải.” Với sự thật thà đầy thu hút của mình, ngài nói thêm: “Tôi phải thú nhận rằng tôi không thể điềm nhiên tiếp tục cuộc trò chuyện này nếu tôi giáp mặt một con rắn hổ mang!”

Tôi nhận xét về vài cuốn sách của phương Tây mới xuất bản về chế độ ăn đang nằm trên bàn ngài.

“Phải, chế độ ăn là điều quan trọng trong phong trào Satyagraha – cũng như ở bất kỳ đâu khác,” ngài nói mà cười tủm tỉm. “Vì tôi ủng hộ sự tuyệt dục hoàn toàn cho satyagrahi nên tôi luôn cố tìm ra chế độ ăn tốt nhất cho người không có đời sống tình dục. Ta phải thắng được khẩu vị trước đã rồi mới làm chủ được bản năng sinh sản. Gần đói lả hay chế độ ăn không cân đối không phải là giải pháp. Khi đã vượt qua cái tham ăn trong lòng rồi, một satyagrahi phải tiếp tục theo một chế độ ăn chay hợp lý với mọi vitamin, khoáng chất, calo cần thiết và vân vân. Nhờ sự sáng suốt bên trong và bên ngoài trong việc ăn uống, dịch sinh sản của satyagrahi sẽ dễ dàng biến thành hoạt lực cho toàn cơ thể.”

Mahatma và tôi trao đổi hiểu biết về các chất thay thế tốt cho thịt. “Quả bơ rất tuyệt,” tôi nói. “Gần trung tâm của tôi ở California có rất nhiều rừng bơ.”

Mặt Gandhi sáng lên hứng thú. “Tôi đang nghĩ không biết chúng có mọc ở Wardha được không? Satyagrahi sẽ rất thích một món mới.”

“Tôi nhất định sẽ gửi vài cây bơ từ Los Angeles về cho Wardha.” Tôi nói thêm, “Trứng là thức ăn giàu protein; thế mà bị cấm không cho satyagrahi dùng?”

“Trứng gà công nghiệp thì được.” Mahatma cười nhớ lại.

“Nhiều năm trời tôi không cho phép ăn trứng; ngay cả giờ đây bản thân tôi cũng không ăn. Một trong mấy đứa con dâu của tôi có lần gần chết vì suy dinh dưỡng; thầy thuốc một mực bảo nó ăn trứng.

Tôi đã không đồng ý, rồi khuyên ông ta cho con bé một chất nào đó thay thế trứng.

“ ‘Thưa ngài Gandhi,’ thầy thuốc nói, ‘trứng gà công nghiệp không chứa mầm sống nào cả; chẳng liên quan đến sát sinh đâu.’ “Bấy giờ tôi mới vui vẻ cho phép con dâu ăn trứng; chẳng bao lâu, con bé khỏe mạnh trở lại.”

Đêm trước, Gandhi đã bày tỏ nguyện vọng được thọ Kriya Yoga của Lahiri Mahasaya. Tôi xúc động vì tư tưởng phóng khoáng và tinh thần cầu thị của Mahatma. Ngài như trẻ thơ trong cuộc kiếm tìm thiêng liêng, bộc lộ khả năng tiếp thu tinh khôi mà Jesus đã khen ngợi ở trẻ con, “… nước trời là của những kẻ ấy.”

Đã đến giờ hướng dẫn như tôi đã hứa; một số satyagrahi giờ đã vào phòng – anh Desai, tiến sĩ Pingale, và một vài người khác cũng muốn được học kỹ thuật Kriya.

Đầu tiên, tôi dạy cho lớp học nhỏ các bài luyện tập thể chất Yogoda. Cơ thể được hình dung là chia thành hai mươi bộ phận; ý chí sẽ hướng năng lượng đến lần lượt từng bộ phận. Chẳng mấy chốc, trước mặt tôi ai nấy đều rung như một động cơ sống. Rất dễ nhận thấy phản ứng dây chuyền trên hai mươi bộ phận cơ thể Gandhi, gần như lúc nào cũng phơi cả ra cho thấy! Dù rất gầy, ngài không gầy kiểu khó nhìn; da ngài mịn và không nhăn nheo[10].

Sau đó, tôi điểm đạo cho nhóm vào pháp môn Kriya Yoga giải thoát.

Mahatma đã thành kính tìm hiểu mọi tôn giáo thế giới. Kinh Kỳ Na giáo, Tân Ước trong Kinh Thánh và các tác phẩm về xã hội học của Tolstoy[11] là ba nguồn chính cho các xác tín về bất bạo động của Gandhi. Ngài đã phát biểu cương lĩnh của mình như sau:

Tôi tin là Kinh thánh, kinh Koran, và Zend-Avesta[12] được thần khải như Vệ Đà. Tôi tin vào thiết chế sư phụ, nhưng ở thế kỷ này hàng triệu người phải đành không có sư phụ, vì hiếm mà tìm được một sự kết hợp giữa sự cao khiết siêu việt và sự viên thông. Nhưng ta không nên tuyệt vọng là có bao giờ hiểu được chân lý trong tôn giáo của ta, vì những nền tảng của Ấn Độ giáo cũng như của mọi tôn giáo lớn đều bất biến, và dễ hiểu.

Cũng như mọi người Ấn, tôi tin vào Thượng đế và tính nhất thể của Ngài, vào tái sinh và cứu độ… Tôi không thể diễn tả tình cảm của mình dành cho Ấn Độ giáo cũng như không thể diễn tả tình cảm đối với vợ mình. Không người đàn bà nào trên thế giới này khiến tôi xúc động như bà. Không phải bà không có lầm lỗi; tôi dám nói bà có nhiều lỗi hơn tôi tự thấy ở mình. Nhưng vẫn tồn tại cái cảm giác về mối ràng buộc không thể chia cắt được. Tôi cũng thông cảm và cảm nhận về Ấn Độ giáo cùng mọi khiếm khuyết và hạn chế của nó như vậy. Không có gì làm tôi vui như nhạc Gita, hay Ramayana của Tulsidas. Khi tôi hình dung mình hít vào hơi thở sau cùng, Gita sẽ là niềm khuây khỏa cho tôi.

Ấn Độ giáo không phải là một tôn giáo độc tôn. Trong đó có chỗ cho sự tôn thờ mọi đấng tiên tri trên thế giới[13]. Nó không phải là một tôn giáo có tính truyền giáo theo nghĩa thông thường của từ này. Nó rõ ràng đã đón nhận nhiều giới khác nhau vào hàng ngũ tín đồ của mình, nhưng sự tiếp nhận này có tính chất tiến hóa, không thể nhận thấy. Ấn Độ giáo khuyên mỗi người tôn thờ Thượng đế phù hợp với tín ngưỡng hay dharma[14] của mình, và do vậy sẽ sống hòa thuận với mọi tôn giáo.

Gandhi đã viết về Chúa: “Tôi chắc chắn rằng nếu giờ Ngài đang sống giữa loài người đây, Ngài sẽ ban ân huệ cho cuộc đời nhiều kẻ có lẽ còn chưa từng nghe đến tên Ngài… đúng như đã được viết: ‘Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, Lạy Chúa! lạy Chúa!… nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy[15].’ Trong bài học cuộc đời của chính Ngài, Jesus đã chỉ cho nhân loại cái mục đích cao quý và đích đến duy nhất mà tất cả chúng ta nên khao khát hướng về. Tôi tin rằng Ngài không chỉ thuộc về Cơ Đốc giáo mà còn thuộc về toàn thế giới, mọi xứ sở và dân tộc.”

Buổi chiều cuối cùng ở Wardha tôi nói chuyện tại cuộc gặp gỡ mà anh Desai đã mời ở tòa Thị chính. Gian phòng chật ních đến tận bậu cửa sổ với chừng bốn trăm người nhóm lại để nghe trình bày về yoga. Đầu tiên tôi nói bằng tiếng Hindi, rồi bằng tiếng Anh.

Nhóm nhỏ chúng tôi quay lại ashram vừa kịp để chúc Mahatma ngủ ngon – ngài đang chìm trong tĩnh lặng và thư tín.

Đêm vẫn còn vương vất khi tôi thức giấc lúc năm giờ sáng.

Cuộc sống làng quê đã nhộn nhịp rồi; đầu tiên là một chiếc xe bò đi ngang trước cổng ashram, rồi một người nông dân chòng chành đội hàng nặng trên đầu. Ăn sáng xong, bộ ba chúng tôi tìm Gandhi để pranam từ giã. Thánh đã dậy lúc bốn giờ để cầu kinh sáng.

“Thưa Mahatma, xin tạm biệt!” Tôi quỳ xuống chạm chân ngài. “Ấn Độ sẽ an toàn khi bên ngài.”

Bao năm đã trôi qua từ khúc đồng quê Wardha ấy; mặt đất, đại dương, bầu trời tối sầm lại vì thế giới đang có chiến tranh.

Trong số các nhà lãnh đạo vĩ đại, một mình Gandhi đã đưa ra lựa chọn bất bạo động thực tiễn thay cho sức mạnh vũ trang. Để bù đắp lại những khổ đau và xóa bỏ bất công, Mahatma đã dùng phương thức bất bạo động, cái mà không biết bao lần đã chứng minh tính hiệu quả. Ngài nói rõ học thuyết của mình trong những câu sau:

Tôi đã nhận thấy rằng nhân sinh cứ mãi trong hủy diệt. Do vậy, cần phải có một luật cao hơn luật hủy diệt. Chỉ dưới sự điều khiển của luật đó thì xã hội có trật tự mới thông minh và cuộc đời mới đáng sống.

Nếu đó là luật đời thì ta phải thực hiện nó trong hiện hữu mỗi ngày. Nơi đâu có chiến tranh, nơi đâu ta đối mặt địch thủ, hãy chinh phục bằng tình yêu thương. Tôi thấy rằng luật yêu thương chắc chắn đã có kết quả trong chính đời tôi mà luật hủy diệt chưa bao giờ làm được.

Ở Ấn Độ chúng tôi đã có một minh chứng rõ ràng về sự vận hành của luật này trên bình diện rộng lớn nhất có thể.

Tôi không khẳng định rằng bất bạo động đã thấm nhuần ba trăm sáu mươi triệu người Ấn Độ, nhưng tôi khẳng định rằng nó đã thấm sâu hơn bất kỳ học thuyết nào khác trong một thời gian ngắn đến khó tin.

Cần có một quá trình tập luyện khó khăn mới đạt được tâm thái bất bạo động. Đó là một đời sống tu rèn, như đời sống của một chiến sĩ. Trạng thái hoàn hảo chỉ đạt được khi tâm, thân, và lời nói phối hợp đúng. Mọi vấn nạn sẽ tự tìm thấy lời giải nếu chúng ta quyết tâm làm cho luật chân lý và bất bạo động trở thành luật của cuộc đời.

Diễn biến tàn khốc của các sự kiện chính trị thế giới chỉ ra một cách dứt khoát chân lý là không có tầm nhìn tâm linh, con người sẽ diệt vong. Khoa học, nếu không phải là tôn giáo, đã khơi gợi ở nhân loại một cảm thức mơ hồ về sự bất an và thậm chí là tính mong manh ở mọi thứ vật chất. Quả thực con người giờ sẽ đi đâu, nếu không phải là về Nguồn và Cội của y, Tinh thần bên trong y?

Nhìn lại lịch sử, ta có thể nói một cách hợp lý là những vấn đề của con người đã không được giải quyết bằng cách sử dụng vũ lực. Thế chiến I đã tạo ra một quả cầu tuyết nghiệp chướng đáng sợ làm lạnh địa cầu, lớn dần thành Thế chiến II. Chỉ có hơi ấm tình huynh đệ mới có thể làm tan quả cầu tuyết khổng lồ hiện tại của nghiệp đẫm máu mà nếu không thì có lẽ sẽ lớn thành Thế chiến III.

Ba ngôi phi thiêng liêng thế kỷ hai mươi! Việc dùng luật rừng thay vì lẽ phải con người để giải quyết các tranh chấp sẽ biến Trái đất thành rừng rậm trở lại. Đã không là huynh đệ lúc sống thì làm anh em trong cái chết bạo tàn. Nào phải vì sự ô nhục đó mà Thượng đế đã yêu thương cho phép con người khám phá ra sự giải phóng năng lượng nguyên tử!

Chiến tranh và tội ác không bao giờ mang lại điều gì. Hàng tỉ đô la biến thành khói bụi bùng nổ vô ích là đủ để gây dựng một thế giới mới, nơi hầu như không còn bệnh tật và hoàn toàn không còn đói nghèo. Không phải một Trái đất sợ hãi, hỗn loạn, đói kém, bệnh dịch, danse macabre[16], mà là một miền đất bao la hòa bình, thịnh vượng, và tri thức mở mang.

Tiếng nói bất bạo động của Gandhi kêu gọi lương tri cao nhất ở con người. Làm sao để các dân tộc không liên minh với cái chết nữa, mà với sự sống; không phải với hủy diệt, mà với kiến thiết; không với hận thù, mà với phép lạ sáng tạo là tình yêu.

“Con người nên tha thứ, dù có phải chịu tổn thương gì,”

Mahabharata nói. “Sự kế tục các loài có được là nhờ con người biết dung thứ. Tha thứ là cao quý; nhờ tha thứ mà vũ trụ được giữ lại với nhau. Tha thứ là sức mạnh của kẻ phi thường; tha thứ là hy sinh; tha thứ là sự thư thái của tâm. Tha thứ và hòa nhã là những phẩm chất của kẻ điềm tĩnh. Những phẩm chất ấy đại diện cho đức hạnh bất diệt.”

Bất bạo động là kết quả tự nhiên của luật tha thứ và thương yêu. “Nếu hy sinh tính mạng trở nên cần thiết trong một cuộc chiến chính nghĩa,” Gandhi tuyên bố, “ta nên sẵn lòng, như Jesus, đổ máu chính mình, không phải máu kẻ khác. Thế gian cuối cùng sẽ bớt đi cảnh đổ máu.”

Một ngày nào đó sẽ có các sử thi viết về những satyagrahi Ấn Độ, những người đã chống lại hận thù bằng tình yêu, bạo lực bằng bất bạo động, những người thà để mình bị tàn sát không thương tiếc còn hơn là cầm vũ khí. Trong lịch sử đã có những lúc mà cuối cùng kẻ địch phải buông súng bỏ chạy – hổ thẹn, xúc động đến tận tâm can khi thấy những con người quý mạng sống kẻ khác hơn mạng sống chính mình.

“Tôi sẽ chờ, nếu cần, hàng thế kỷ,” Gandhi nói, “hơn là tìm kiếm tự do cho đất nước mình bằng giải pháp đổ máu.” Kinh Thánh đã cảnh báo chúng ta: “Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm[17].” Mahatma viết:

Tôi tự gọi mình là người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng chủ nghĩa dân tộc của tôi cũng bao la như vũ trụ. Phạm vi của nó bao gồm mọi dân tộc trên địa cầu[18]. Chủ nghĩa dân tộc của tôi bao gồm sự thịnh vượng của toàn thế giới. Tôi không muốn Ấn Độ của mình vươn lên từ đống tro tàn của những dân tộc khác. Tôi không muốn Ấn Độ bóc lột một ai. Tôi muốn Ấn Độ mạnh mẽ để nàng còn truyền cho các dân tộc khác sức mạnh của mình. Không một dân tộc nào ở châu Âu ngày nay như vậy cả; họ không truyền sức mạnh cho kẻ khác.

Tổng thống Wilson đã nêu ra mười bốn điểm cao đẹp của ngài, nhưng ngài nói: “Sau cùng, nếu cố gắng đạt được hòa bình này của chúng ta thất bại, chúng ta cũng vẫn còn vũ khí mà dựa vào.” Tôi muốn đảo lại trật tự đó, và tôi sẽ nói: “Vũ khí của ta đã thất bại rồi. Giờ ta hãy tìm kiếm cái gì mới; ta hãy thử sức mạnh của tình yêu và Thượng đế, là chân lý.” Khi ta đã có được điều đó rồi, ta sẽ không còn cần gì khác nữa.

CHỮ VIẾT TAY CỦA MAHATMA GANDHI, TIẾNG HINDI

Mahatma Gandhi đến thăm Yogoda Satsanga Brahmacharya Vidyalaya, trường trung học dạy yoga ở Ranchi, Ấn Độ. Ngài đã rộng lòng viết dòng trên đây trong sổ cảm tưởng. Ngài viết:

“Trung tâm này đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong trí tôi. Tôi nuôi hy vọng lớn là trường này sẽ khuyến khích thêm nữa việc sử dụng guồng quay sợi.”

17-9-1925 (ký tên) Mohandas Gandhi

Bằng việc dạy dỗ hàng ngàn satyagrahi chân chính (những người đã tuyên thệ mười một điều nghiêm ngặt đã được nhắc đến ở đầu chương này), những người đến lượt mình sẽ truyền bá thông điệp; bằng việc kiên trì giáo dục quần chúng Ấn Độ hiểu ra các lợi ích tinh thần và cuối cùng là vật chất của bất bạo động; bằng cách vũ trang cho dân mình vũ khí bất bạo động – bất hợp tác với bất công, cam chịu sỉ nhục, tù đày, và chính cái chết còn hơn là cậy đến vũ khí; bằng cách giành được sự đồng cảm của thế giới qua vô số tấm gương hy sinh vì nghĩa anh hùng của các satyagrahi, Mahatma Gandhi đã mô tả một cách xúc động tính thực tiễn của bất bạo động, sức mạnh uy nghiêm của nó khi dàn xếp các tranh chấp mà không cần đến chiến tranh.

Bằng phương pháp bất bạo động Gandhi đã giành được nhiều nhượng bộ chính trị cho xứ sở mình hơn bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác từng giành được nhờ đạn dược. Các phương pháp bất bạo động để tận diệt mọi cái sai và cái ác đã được áp dụng xuất sắc không chỉ trên vũ đài chính trị mà còn trong lĩnh vực tế nhị và phức tạp là cải cách xã hội Ấn Độ. Gandhi và các đệ tử đã xóa bỏ nhiều mối hận thù truyền kiếp giữa tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo; hàng trăm ngàn tín đồ Hồi giáo đã xem Mahatma như lãnh tụ của mình. Những kẻ tiện dân đã thấy ở ngài người anh hùng quả cảm và bất khả chiến bại của họ. “Nếu tôi được đầu thai,” Gandhi viết, “tôi ước mình được sinh ra làm một tiện dân giữa những tiện dân, bằng cách ấy tôi mới có thể phụng sự họ tốt hơn.”

Mahatma quả thực là một “thánh nhân”, nhưng chính hàng triệu con người thất học mới sáng suốt trao tặng danh hiệu ấy.

Nhà lập thuyết nhu hòa này được quý trọng ở chính quê hương mình. Người nông dân thấp hèn đã có thể vươn tới thách thức cao của Gandhi. Mahatma một lòng tin vào sự cao quý vốn có của con người. Những sai lầm không thể tránh khỏi chưa bao giờ làm ngài vỡ mộng. “Dù kẻ đối địch có lừa dối satyagrahi hai mươi lần,’ ngài viết, “satyagrahi cũng sẽ sẵn sàng tin tưởng hắn lần thứ hai mươi mốt, vì một niềm tin tuyệt đối ở nhân tính chính là cốt lõi của tín điều[19].”

“Mahatmaji, ngài là một người khác thường. Ngài không nên mong chờ thế giới hành xử như ngài được.” Một nhà phê bình có lần đã nói vậy.

“Thật khó hiểu, sao chúng ta lại có thể tự lừa dối mình, cho rằng thể xác thì có thể tiến bộ, nhưng đánh thức những sức mạnh tiềm ẩn trong linh hồn thì lại không thể,” Gandhi đã đáp lại. “Tôi sẽ cố chứng minh xem tôi có khả năng nào trong những khả năng ấy không, vì tôi cũng là một con người yếu ớt như bất cứ ai và vì tôi chưa từng có gì đặc biệt mà giờ cũng không. Tôi là một cá thể bình thường dễ mắc sai lầm như bất cứ đồng loại nào. Song, tôi thừa nhận, tôi có đủ khiêm tốn để thừa nhận sai lầm của mình và quay lại. Tôi thừa nhận rằng tôi có một niềm tin không lay chuyển được vào Thượng đế và lòng tốt của Ngài, và một niềm đam mê không bao giờ mất dành cho chân lý và tình yêu. Nhưng chẳng phải đó là cái tiềm ẩn trong trong bất cứ ai hay sao?” Ngài nói thêm: “Nếu chúng ta có thể có những khám phá và phát minh mới trong thế giới hiện tượng, ta phải tuyên bố khánh kiệt trên bình diện tâm linh hay sao? Lẽ nào không thể nhân rộng những ngoại lệ mà biến chúng thành quy luật? Nếu mà như vậy, con người phải luôn là súc vật trước đã rồi mới là con người hay sao?”[20] Người Hoa Kỳ có thể tự hào nhớ rõ về thể nghiệm bất bạo động thành công của William Penn khi ông thành lập khu định cư ở Pennsylvania vào thế kỷ mười bảy. Ở đó “không có pháo đài, không lính, không dân quân, thậm chí cũng không có vũ khí”.

Giữa các cuộc giao tranh biên giới dữ dội và các cuộc tàn sát diễn ra giữa những người mới định cư và người da đỏ Bắc Mỹ, chỉ có người Quaker ở Pennsylvania là không bị quấy nhiễu. “Một số bị giết; số khác bị thảm sát; nhưng họ thì an toàn. Không một phụ nữ Quaker nào bị tấn công; không một trẻ em Quaker nào bị giết, không một đàn ông Quaker nào bị tra tấn.” Khi cuối cùng, người Quaker buộc phải từ bỏ quyền lãnh đạo bang, “chiến tranh nổ ra, và một số người Pennsylvania bị giết. Nhưng chỉ có ba người Quaker bị giết, ba người ấy lúc bấy giờ đã từ bỏ niềm tin đến mức cầm vũ khí tự vệ.”

“Dùng đến vũ lực trong Đại chiến (Thế chiến I) đã không thể đem lại sự bình yên,” Franklin D. Roosevelt đã chỉ ra. “Chiến thắng và chiến bại đều vô nghĩa như nhau. Bài học đó thế giới có lẽ đã học được.”

“Càng lắm binh khí tham tàn, càng nhiều khổ đau cho nhân loại,” Lão Tử dạy. “Chiến thắng của bạo lực kết thúc trong đám tang.”

“Tôi tranh đấu cho hòa bình thế giới trọn vẹn,” Gandhi đã tuyên bố. “Nếu phong trào của Ấn Độ dẫn tới thành công dựa trên Satyagraha bất bạo động thì nó sẽ đem lại một ý nghĩa mới cho chủ nghĩa yêu nước và, nếu tôi có thể nói vậy với tất cả sự khiêm cung, cho chính nhân sinh.”

Trước khi bác bỏ cương lĩnh của Gandhi như cương lĩnh của một kẻ mơ mộng hão huyền, phương Tây hãy nên suy ngẫm về một định nghĩa Satyagraha của vị Thầy xứ Galilee:

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.

Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa[21].”

Thời đại của Gandhi đã kéo dài, với sự chính xác tuyệt hảo của lịch trình vũ trụ, đến tận cái thế kỷ điêu tàn và bị tàn phá bởi hai cuộc Thế chiến. Một chữ viết tay cao quý xuất hiện trên tường đá granit của đời ngài: một lời răn phản đối việc đổ máu thêm nữa giữa huynh đệ.


[1] Họ của ngài là Mohandas Karamchand Gandhi. Ngài không bao giờ tự xưng mình là “Mahatma”.

[2] Dịch theo nghĩa đen từ tiếng Phạn là “một lòng với chân lý”. Satyagraha là phong trào bất bạo động nổi tiếng do Gandhi lãnh đạo.

[3] Cô đã xuất bản một số bức thư Mahatma viết, cho thấy sự huấn luyện tự kỷ luật mà sư phụ dành cho cô (Gandhi’s Letters to a Disciple [Những lá thư của Gandhi cho một đệ tử

[4] Cô Slade làm tôi nhớ đến một phụ nữ phương Tây lỗi lạc khác, cô Margaret Woodrow Wilson, trưởng nữ của vị tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ. Tôi đã gặp cô ở New York; cô rất quan tâm đến Ấn Độ. Về sau cô tới Pondicherry, nơi cô dành năm năm cuối đời của mình, thanh thản theo đuổi con đường tu hành dưới chân vị thầy giác ngộ Sri Aurobindo Ghosh.

[5] Trong nhiều năm ở Hoa Kỳ có những lúc tôi giữ tịnh khẩu, khiến những người đến thăm và thư ký kinh ngạc.

[6] Không sát sinh; bất bạo động; những hòn đá tảng trong tín điều của Gandhi. Ngài chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các tín đồ Kỳ Na giáo, những người coi trọng ahimsa như đức hạnh nguồn cội.

[7] Gandhi đã viết rất hay về hàng ngàn đề tài. Về cầu nguyện thì ngài nói: “Nó là lời nhắc nhở cho chính chúng ta rằng chúng ta bơ vơ nếu không có sự cưu mang của Thượng đế. Không có nỗ lực nào là trọn vẹn nếu không có cầu nguyện, nếu không có nhận thức rõ ràng rằng cố gắng lớn nhất của con người sẽ không có kết quả nếu đằng sau nó không có sự ban ơn của Thượng đế. Cầu nguyện là lời kêu gọi đức khiêm cung. Nó là một lời kêu gọi tự thanh lọc, tìm kiếm nội tâm.”

[8] Tiếng Hindi là ngôn ngữ Ấn-Aryan chủ yếu dựa trên gốc tiếng Phạn; nó là ngôn ngữ chính ở Bắc Ấn Độ. Phương ngữ chính của tiếng Hindi ở miền Tây là tiếng Hindustani, được viết cả bằng chữ Devanagan (như trong tiếng Phạn) và chữ Arập. Thổ ngữ của nó là Urdu, được người Hồi giáo và người Ấn ở Bắc Ấn nói.

[9] Gandhi đã mô tả đời mình với sự chân thật vô cùng trong The Story of My Experiments with Truth (Câu chuyện về những thể nghiệm chân lý của tôi) (Ahmedabad: Navajivan Press, 1927-28, 2 tập). Tự truyện này đã được tóm tắt trong Mahatma Gandhi, His Own Story (Mahatma Gandhi, câu chuyện đời ngài), do C. F. Andrews biên soạn, với lời giới thiệu của John Haynes Holmes (New York: Macmillan Co., 1930).Nhiều tự truyện dày đặc những tên tuổi nổi tiếng và sự kiện đầy màu sắc lại gần như hoàn toàn không nói gì đến một giai đoạn tự mổ xẻ hay tu tâm nào. Người ta bỏ từng cuốn ấy xuống với một sự bất mãn nhất định, như muốn nói: “Đây là người quen biết nhiều người nổi tiếng nhưng là người không tự biết mình.” Phản ứng này là không thể có với tự truyện của Gandhi; việc ngài phơi bày lỗi lầm và những thủ đoạn của mình cùng sự trung thành khách quan với sự thật là hiếm thấy trong các tự truyện ở bất kỳ thời nào.

[10] Gandhi đã trải qua nhiều gian đoạn tuyệt thực ngắn và dài. Ngài có được sức khỏe tốt một cách khác thường. Sách của ngài, Diet and Diet Reform (Chế độ ăn và cải cách chế độ ăn); Nature Cure (Chữa bệnh bằng thiên nhiên); và Key to Health (Bí quyết để có sức khỏe) có tại Nhà xuất bản Navajivan, Ahmedabad, Ấn Độ.

[11] Thoreau, Ruskin, và Mazzini là ba nhà văn phương Tây khác có quan điểm xã hội học được Gandhi nghiên cứu cẩn thận.

[12] Kinh thiêng mà Zoroaster trao cho Ba Tư vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên.

[13] Nét độc đáo của Ấn Độ giáo trong các tôn giáo thế giới là nó không bắt nguồn từ một đại giáo chủ duy nhất mà từ các kinh Vệ Đà khuyết danh. Ấn Độ giáo do vậy cho phép tín đồ tôn thờ các đấng tiên tri mọi thời đại và mọi xứ sở. Kinh Vệ Đà điều chỉnh không chỉ các thực hành sùng tín mà còn mọi tập quán xã hội quan trọng, nhằm đưa mọi hành vi con người vào hòa hợp với luật trời.

[14] Một từ Phạn bao quát để chỉ quy luật; sự tuân theo luật hay sự công bằng tự nhiên; bổn phận tự thân của con người trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc. Kinh định nghĩa _dharma_ là “các quy luật chung tự nhiên mà tuân thủ nó sẽ giúp con người cứu mình khỏi băng hoại và đau khổ.”

[15] Tin Mừng theo thánh Matthêu 7:21.

[16] Tiếng Pháp: vũ điệu thần chết. (ND – BBT).

[17] Tin Mừng theo thánh Matthêu 26:52. Đây là một trong rất nhiều đoạn trong Kinh Thánh ngụ ý một cách tất yếu về sự tái sinh của người (xem chú thích trang 235-236). Rất nhiều điều phức tạp của cuộc đời chỉ có thể được giải thích nhờ hiểu biết về luật nhân quả công bằng.

[18] “Chớ vui mừng vì ta yêu đất nước mình; Nên vui mừng vì ta yêu đồng loại của mình.” – Ngạn ngữ Ba Tư

[19]  “Bấy giờ, ông Phêro (Peter) đến gần Ðức Giêsu (Jesus) mà hỏi rằng, Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Giêsu nói với ông, Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” – Tin Mừng theo thánh Matthêu 18:21-22. Tôi đã thành tâm cầu nguyện để hiểu được lời khuyên dứt khoát này. “Lạy Chúa,” tôi phản đối, “có thể nào vậy chăng?” Khi cuối cùng Giọng Trời đáp thì Nó đem lại một cơn lũ ánh sáng làm ta phải khiêm cung: “Biết bao lần, hỡi người, mỗi ngày ta tha thứ cho mỗi người các ngươi?”

[20] Charles P. Steinmetz, kỹ sư điện lỗi lạc, có lần được ông Roger W. Babson hỏi: “Lĩnh vực nghiên cứu nào sẽ chứng kiến sự phát triển lớn nhất trong vòng năm mươi năm tới?” “Tôi nghĩ phát minh vĩ đại nhất sẽ diễn ra trong các lĩnh vực tâm linh,” Steinmetz đáp. “Đây là sức mạnh mà lịch sử đã cho thấy rõ ràng là sức mạnh lớn nhất trong sự phát triển của nhân loại. Thế nhưng chúng ta đã chỉ đùa với nó mà chưa hề nghiêm túc nghiên cứu nó như ta đã làm với các lực lượng vật chất. Một ngày nào đó, người ta sẽ học được rằng những thứ vật chất không mang lại hạnh phúc và không mấy hữu ích trong việc làm cho đàn ông đàn bà sáng tạo và mạnh mẽ. Bấy giờ các nhà khoa học trên thế giới sẽ giao phòng thí nghiệm cho việc tìm hiểu Thượng đế và cầu nguyện và những sức mạnh tâm linh mà hầu như vẫn chưa được bàn đến. Khi ngày đó đến, thế giới sẽ thấy tiến bộ trong một thế hệ nhiều hơn trong bốn thế hệ qua.”

[21] Tin Mừng theo thánh Matthêu 5:38-3.

Tự truyện của một Yogi – Chương 43

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 43

CHƯƠNG 43 Sri Yukteswar sống lại

“Thần Krishna!” Hình dáng huy hoàng của hiện thân ấy hiện ra trong ánh sáng chói lung linh khi tôi đang ngồi trong phòng mình tại khách sạn Regent ở Bombay. Chiếu sáng bên trên mái tòa nhà cao bên kia đường, linh ảnh không thể tả nổi vừa chợt hiện ra trước cái thấy của tôi khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ cao đang mở trên tầng ba.

Hình dáng siêu phàm vẫy tôi, mỉm cười và gật đầu chào. Khi tôi không thể hiểu chính xác ý của thần Krishna, ngài biến mất với một cử chỉ ban phúc. Hân hoan lạ kỳ, tôi cảm thấy rằng một sự kiện tâm linh nào đó đã được báo trước.

Chuyến đi về phương Tây của tôi, tạm thời lúc này, đã bị hủy.

Tôi đã có lịch cho vài cuộc nói chuyện trước công chúng ở Bombay rồi mới về thăm lại Bengal.

Đang ngồi trên giường mình tại khách sạn ở Bombay lúc ba giờ chiều ngày 19-6-1936 – một tuần sau ngày có linh ảnh Krishna – tôi xuất thiền bởi một ánh sáng siêu nhiên. Trước đôi mắt tôi mở ra sửng sốt, cả căn phòng biến thành một thế giới kỳ lạ, ánh nắng hóa thành một vầng rực rỡ huyền diệu.

Tôi ngập trong những đợt sóng diễm phúc khi nhìn thấy hình hài bằng xương bằng thịt của Sri Yukteswar!

“Con trai ta!” Thầy nói dịu dàng, nụ cười hút hồn thiên thần trên mặt.

Lần đầu tiên trong đời tôi không quỳ dưới chân thầy để chào mà tức thì tiến tới khát khao ôm lấy thầy. Ôi khoảnh khắc trong mọi khoảnh khắc! Nỗi sầu đau những tháng qua là tổn thất mà tôi thấy nhẹ bỗng đi trước thác diễm phúc giờ đang tuôn xuống.

“Thầy của con ơi, thầy yêu dấu của lòng con, sao thầy lại bỏ con?” Tôi nói rời rạc vì quá đỗi vui mừng. “Sao thầy lại để con đi Kumbha Mela? Con đã đắng cay biết chừng nào tự trách mình đã bỏ thầy mà đi!”

“Ta không muốn cản trở con khi con háo hức vui mừng muốn nhìn thấy điểm hành hương lần đầu ta gặp Babaji. Ta chỉ bỏ con một lúc; không phải ta lại đang bên con đây sao?”

“Nhưng có phải là thầy không, thưa thầy, cũng là Sư tử của Thượng đế ấy? Thầy có đang khoác một xác thân như xác thân con đã chôn dưới cát Puri tàn nhẫn?”

“Phải, con ta, cũng chính là ta đây. Đây là một thân bằng xương bằng thịt. Dù ta thấy nó là thanh khí (ête), trước cái thấy của con thì nó là xác phàm. Bằng các nguyên tử vũ trụ ta tạo ra một thân hoàn toàn mới, đúng như cái xác phàm chiêm bao vũ trụ mà con đã đặt dưới cát chiêm bao ở Puri trong thế giới chiêm bao của con. Ta kỳ thực đã sống lại – không phải ở hạ giới mà là trên một hành tinh trung giới. Cư dân ở đó đáp ứng các chuẩn mực trác việt của ta tốt hơn loài người hạ giới. Ở đó, con và những người thân yêu cao quý của con một ngày nào đó cũng sẽ đến cùng ta.”

“Sư phụ bất tử, xin hãy kể thêm cho con!”

Thầy khẽ khúc khích cười vui. “Làm ơn, con thân yêu,” thầy nói, “con nới lỏng vòng tay một chút được không?”

“Chỉ một chút thôi!” Nãy giờ tôi đã ôm thầy chặt cứng. Tôi còn nhận ra được vẫn cái mùi tự nhiên, thơm, thoang thoảng riêng có nơi thân thầy ngày xưa. Cái cảm giác xúc động chạm vào da thịt thần thánh của thầy vẫn còn vương phía trong cánh tay và lòng bàn tay tôi mỗi khi tôi nhớ lại những giờ khắc rực rỡ ấy.

“Cũng như các đấng tiên tri được phái xuống trái đất để giúp con người giải nghiệp cõi trần, ta đã được Thượng đế lệnh cho làm một vị cứu độ trên một hành tinh trung giới,” Sri Yukteswar giải thích. “Nó được gọi là Hiranyaloka hay ‘Hành tinh Trung giới Giác ngộ’. Ở đó ta giúp các hữu thể tiên tiến giũ bỏ nghiệp trung giới và nhờ đó không còn phải tái sinh vào trung giới. Dân cõi Hiranyaloka đã tiến hóa cao về mặt tâm linh; tất cả họ, trong kiếp đầu thai ở hạ giới gần đây nhất, đã đạt được cái thiền lực dùng ý thức mà lìa bỏ xác thân khi chết.

Không ai có thể nhập vào cõi Hiranyaloka nếu ở hạ giới hắn chưa vượt qua trạng thái sabikalpa samadhi mà vào trạng thái nirbikalpa samadhi[1] cao hơn.

“Cư dân Hiranyaloka đã đi qua các cảnh trung giới bình thường rồi, nơi mà hầu như mọi loài hạ giới khi chết đều phải tới; ở đó, họ đã diệt nhiều chủng tử của nghiệp liên quan tới hành động trong quá khứ của mình ở các cảnh trung giới. Chỉ những tín đồ trình độ tâm linh cao mới có thể thực thi có hiệu lực cái sứ mệnh tiếp độ như vậy ở các thiên cầu trung giới[2]. Rồi, để giũ bỏ linh hồn mình sạch trơn mọi vết tích của nghiệp trung giới, những loài này bị quy luật vũ trụ thu hút, phải tái sinh vào các thiên thể khác trên Hiranyaloka, Mặt trời trung giới hay trời, nơi ta đang có mặt để giúp họ. Trên Hiranyaloka còn có các vị gần thành tựu vừa từ cõi thượng giới cao hơn đến.”

Tâm tôi lúc này đã hòa điệu với tâm của sư phụ toàn hảo đến mức thầy đang truyền đạt những hình ảnh-ngôn từ của thầy qua tôi phần bằng lời và phần bằng tâm truyền. Nhờ vậy tôi nhận rất nhanh những tin vắn-tư tưởng của thầy.

“Con đã đọc trong kinh,” thầy nói tiếp, “rằng Thượng đế bọc linh hồn con người vào ba thể liên tiếp – thể trí, hay thể nhân quả; thể vía hay thể dục vọng vi tế, nơi chứa các trạng thái tâm thần và cảm xúc của con người; và thể xác phàm thô lậu. Ở hạ giới, con người có được các quan năng thể xác. Loài trung giới hành xử bằng tâm thức, cảm giác và một thân thể được làm từ các lifetron[3]. Loài thượng giới ở trong cõi trí cực lạc. Công tác của ta là ở bên loài trung giới đang chuẩn bị bước vào thượng giới ấy.”

“Thầy đáng kính, xin hãy cho con nghe thêm về trung giới.” Dù tôi chỉ vừa nới vòng tay một chút, theo yêu cầu của Sri Yukteswar thì tay tôi cũng vẫn ôm quanh thầy. Báu vật hơn cả mọi báu vật, sư phụ của tôi, người đã cười nhạo cái chết mà đến với tôi!

“Có nhiều hành tinh trung giới, nhan nhản loài trung giới,”

thầy bắt đầu. “Cư dân dùng các tầng trung giới, hay các khối ánh sáng, để đi từ hành tinh này qua hành tinh khác, nhanh hơn năng lượng điện và phóng xạ.

“Vũ trụ trung giới, được làm từ nhiều rung động ánh sáng và màu sắc vi tế khác nhau, lớn hơn vũ trụ vật chất hàng trăm lần.

Toàn thể sáng tạo hạ giới lơ lửng như một cái giỏ nhỏ đặc, treo bên dưới quả khí cầu to phát sáng là thiên cầu trung giới. Cũng như có nhiều mặt trời và sao hạ giới lang thang trong không gian, thì cũng có vô số hệ mặt trời và tinh tú trung giới. Các hành tinh của chúng có các mặt trời và mặt trăng trung giới, đẹp hơn mặt trời và mặt trăng hạ giới. Các thể sáng trung giới giống như các Bắc Cực quang – cực quang mặt trời trung giới thì rực rỡ hơn cực quang mặt trăng có tia dịu nhẹ. Ngày và đêm ở trung giới dài hơn ngày và đêm ở hạ giới.

“Trung giới đẹp đẽ, sạch, tịnh, và ngăn nắp vô cùng. Không có những hành tinh chết hay đất đai cằn cỗi. Những loài bất toàn kiểu trái đất – cỏ dại, vi khuẩn, sâu bọ, rắn rết – tuyệt nhiên không có. Không như các miền khí hậu và mùa hay thay đổi ở trái đất, các thiên cầu trung giới duy trì nhiệt độ điều hòa của một mùa xuân vĩnh cửu, thỉnh thoảng có tuyết trắng phát sáng và mưa ánh sáng nhiều màu sắc. Các hành tinh trung giới có rất nhiều hồ màu ngọc ô-pan biển sáng và sông cầu vồng.

“Vũ trụ trung giới bình thường – không phải thiên đường trung giới Hiranyaloka thanh tao hơn – có hàng triệu hữu thể trung giới sinh sống, những kẻ ít nhiều mới từ hạ giới lên, và còn rất nhiều tiên, người cá, cá, thú, yêu tinh, tiểu yêu, tiểu thần và hồn ma, tất cả đều ngụ trong các hành tinh trung giới khác nhau phù hợp với các tính chất nghiệp của mình. Nhiều đền đài thiên cầu khác nhau hay các vùng rung động được dành cho các hồn ác và hồn thiện. Những hồn thiện có thể đi lại tự do, nhưng hồn ác thì bị giam hãm trong các khu vực hạn định. Cũng hệt như con người sống trên bề mặt trái đất, giun dế dưới đất, cá dưới nước, chim trên trời, những loài trung giới thuộc các cấp khác nhau được phân định vào các vùng rung động phù hợp.

“Giữa các thiên thần xấu sa ngã, bị trục xuất khỏi các cõi khác, diễn ra các va chạm và giao tranh bằng bom lifetron hay các tia rung động mantra tinh thần[4]. Những loài này ngụ ở những vùng chìm trong u ám của vũ trụ trung giới thấp hơn, trả cho hết ác nghiệp của mình.

“Trong những cảnh giới bao la bên trên ngục trung giới tối tăm, muôn vật đều sáng ngời và đẹp đẽ. Vũ trụ trung giới hòa điệu với thiên ý và ý đồ toàn thiện một cách tự nhiên hơn hạ giới.

Mọi vật ở trung giới đều được hóa hiện chủ yếu bởi thiên ý, và một phần bởi ý muốn của loài trung giới. Họ sở đắc cái quyền năng sửa đổi hay tăng thêm sự duyên dáng và hình hài của bất kỳ thứ gì Thượng đế đã tạo ra. Ngài đã cho con cháu trung giới của Ngài sự tự do và đặc quyền tùy ý thay đổi hay cải thiện vũ trụ trung giới. Trên Trái đất, một vật rắn phải được chuyển thành chất lỏng hay dạng khác qua các quá trình tự nhiên hay hóa học, nhưng các chất rắn ở trung giới được chuyển hóa thành chất lỏng, khí, hay năng lượng trung giới tức thì và chỉ bằng ý muốn của dân trên đó.

“Trái đất tăm tối bởi chiến tranh và giết chóc trên biển, đất liền, và trên không,” sư phụ tôi nói tiếp, “nhưng các cảnh trung giới có được sự hòa hợp vui vầy và bình đẳng. Loài trung giới tàng hình hay hiện ra tùy ý. Hoa hay cá hay thú có thể tự biến hình, trong một thời gian, thành người trung giới. Mọi loài trung giới đều được tự do khoác lấy bất kỳ thể dạng nào, và có thể dễ dàng giao tiếp với nhau. Không có quy luật tự nhiên, cố định, rõ ràng nào vây hãm họ – ví dụ, họ có thể muốn bất kỳ cây trung giới nào cho ra quả xoài trung giới hay loại quả, hoa mong muốn nào đó, hay thực ra là bất kỳ thứ gì khác. Cũng có một số câu thúc của nghiệp, nhưng ở trung giới không có sự phân biệt về cái đẹp của các thể dạng khác nhau. Mọi thứ đều rung động bởi ánh sáng sáng tạo của Thượng đế.

“Không ai là do đàn bà sinh ra; loài trung giới hóa hiện ra con cái qua sự trợ lực của ý chí vũ trụ của họ thành những hình hài thanh khí kết tụ, theo mẫu một cách đặc biệt. Kẻ mới phân rã thân xác vật chất sẽ vào một gia đình trung giới qua lời mời gọi, thu hút bởi các thiên hướng tâm linh và tâm thần tương đồng.

“Thể vía không phải chịu lạnh hay nóng hay các điều kiện tự nhiên khác. Bên trong thể vía gồm có não thể vía, hay hoa sen ánh sáng ngàn cánh, và sáu trung khu đã được đánh thức ở sushumna, hay trục não tủy thể vía. Tim thu hút năng lượng và ánh sáng vũ trụ từ não thể vía, rồi bơm nó vào dây thần kinh và các tế bào thể vía, hay các lifetron. Loài trung giới có thể thực hiện các thay đổi nơi hình hài mình bằng lực lifetron và bằng các rung động mantra linh thiêng.

“Trong hầu hết trường hợp, thể vía là một bản sao chính xác của hình hài hạ giới gần nhất. Gương mặt và hình dáng của người trung giới giống gương mặt và dáng người của anh ta thời trẻ ở chốn trọ trần gian trước kia. Thỉnh thoảng một ai đó, như chính ta, sẽ chọn giữ lại vẻ bề ngoài già nua của mình.” Thầy, toát ra chính cái tinh hoa trẻ trung, vui vẻ cười tủm tỉm.

“Không như thế giới vật chất ba chiều không gian chỉ tri giác được bằng năm giác quan, các thiên cầu trung giới thấy được giác quan thứ sáu toàn diện – trực giác,” Sri Yukteswar nói tiếp. “Mọi loài trung giới đều thấy, nghe, ngửi, nếm, và sờ hoàn toàn bằng cảm nhận trực giác. Họ có ba mắt, hai mắt khép hờ. Mắt thứ ba nằm dọc trên trán và là mắt thể vía chính, thì mở. Các loài trung giới có mọi quan năng thụ cảm bên ngoài – tai, mắt, mũi, lưỡi, và da – nhưng họ dùng trực giác để cảm nhận cảm giác bằng bất kỳ bộ phận cơ thể nào; họ có thể thấy bằng tai, hay mũi, hay da. Họ có thể nghe bằng mắt hay lưỡi, và có thể nếm bằng tai hay da, chẳng hạn[5].

“Thể xác của người phơi ra trước vô số rủi ro, và dễ dàng bị đau hay thương tật; thể vía thanh khí thỉnh thoảng cũng có thể bị đứt hay bầm tím nhưng được chữa lành tức thì chỉ bằng ý muốn.”

“Sư phụ siêu việt, phải chăng người trung giới ai cũng đẹp đẽ?”

“Cái đẹp ở trung giới là một phẩm chất tinh thần mà không phải sắc tướng bên ngoài,” Sri Yukteswar đáp. “Loài trung giới do vậy không xem trọng đường nét khuôn mặt mấy. Tuy nhiên, họ có đặc quyền tùy ý mặc cho mình những thân mới, nhiều màu sắc, hóa hiện ra theo cách siêu nhiên. Cũng như người trên Trái đất ăn diện để đi dự các sự kiện hội hè, loài trung giới cũng có các dịp để mà trang điểm mình theo những hình hài được tạo ra một cách đặc biệt.

“Các hội hè vui vẻ trên các hành tinh trung giới cao hơn như Hiranyaloka sẽ diễn ra khi một người nhờ tiến bộ tâm linh được giải thoát khỏi trung giới, và do vậy đã sẵn sàng để bước vào thiên đường thượng giới. Vào những dịp như vậy, Thượng đế Toàn năng Vô hình và các thánh đã hợp nhất trong Ngài tự hóa hiện thành các thân tùy ý rồi dự lễ mừng trung giới. Để làm hài lòng tín đồ yêu dấu của mình, Thượng đế sẽ mang bất kỳ thể dạng nào mong muốn. Nếu tín đồ thờ phụng bằng sự sùng tín, hắn sẽ thấy Thượng đế là Thánh Mẫu. Với Jesus, khía cạnh Cha của Đấng Vô tận cuốn hút hơn mọi ý niệm khác. Tính cá thể mà Đấng Sáng tạo đã dùng để phú cho mỗi tạo vật của Ngài, đưa ra đủ mọi yêu cầu hiểu được cũng như không thể hiểu được cho sự vạn năng của Thượng đế!” Sư phụ và tôi cùng vui vẻ cười.

“Bạn bè từ các kiếp khác dễ dàng nhận ra nhau trên trung giới,” Sri Yukteswar nói tiếp bằng giọng đẹp như tiếng sáo. “Trong khi vui hưởng sự bất tử của tình bạn, họ nhận ra tính bất khả diệt của tình yêu, thường bị hoài nghi vào những giờ phút chia tay buồn bã, huyễn hoặc trong đời sống ở hạ giới.

“Trực giác của loài trung giới xuyên qua bức màn mà quan sát những sinh hoạt của con người hạ giới, nhưng con người không thể thấy trung giới, trừ phi giác quan thứ sáu của anh ta đã phát triển đôi chút. Hàng ngàn cư dân trái đất đã từng thoáng thấy một người trung giới hay một cảnh trung giới[6].

“Những hữu thể đã đạt trình độ cao trên Hiranyaloka chủ yếu ở trong trạng thái tỉnh giác cực lạc suốt ngày và đêm dài trung giới, giúp giải quyết các vấn đề nan giải của nhà nước vũ trụ và việc hóa độ những đứa con đi hoang, những linh hồn trói buộc với Trái đất. Khi các loài ở Hiranyaloka ngủ, thỉnh thoảng họ cũng có các linh ảnh trung giới giống như chiêm bao. Tâm họ thường đắm mình trong trạng thái tâm thức cực lạc vô phân biệt (nirbikalpa) cao nhất.

“Cư dân ở khắp nơi các cõi trung giới vẫn phải chịu những thống khổ tâm thần. Tâm nhạy cảm của các hữu thể cao hơn trên các hành tinh như Hiranyaloka sẽ cảm thấy đau nhói nếu họ có phạm bất cứ lỗi nào về hạnh kiểm hay giác ngộ. Những hữu thể đã tiến hóa này cố gắng điều hợp mọi hành vi và tư tưởng của mình với sự toàn hảo của luật tâm linh.

“Giao tiếp giữa các cư dân trung giới hoàn toàn diễn ra bằng thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông trung giới; không có sự mơ hồ và hiểu lầm ngôn từ viết hay nói mà dân Trái đất phải chịu. Cũng như người trên màn ảnh phim có vẻ như đi đứng và hành động qua một loạt hình ảnh ánh sáng và không thực sự thở, loài trung giới cũng đi đứng làm lụng như những hình ảnh ánh sáng được hướng dẫn và phối hợp một cách thông minh, không cần phải lấy năng lượng từ ôxy. Con người phụ thuộc vào chất rắn, chất lỏng, khí, và năng lượng để sống; loài trung giới sống chủ yếu bằng ánh sáng vũ trụ.”

“Thầy của con, người ở trung giới có ăn gì không?” Tôi đang hấp thụ những giải thích siêu phàm của thầy bằng khả năng tiếp nhận của mọi quan năng – trí óc, trái tim, linh hồn. Giác ngộ bằng siêu thức là bất biến và chân xác vĩnh viễn, trong khi những cảm nhận và ấn tượng thoáng qua của giác quan luôn chỉ đúng nhất thời và tương đối, và sẽ nhanh chóng mất đi toàn bộ sự sống động trong ký ức. Lời sư phụ tôi in sâu trên giấy da linh hồn tôi đến mức bất cứ lúc nào, hễ đưa tâm mình qua trạng thái siêu thức là tôi có thể làm sống lại rõ ràng chứng nghiệm siêu việt ấy.

“Rau cỏ như tia phát sáng có rất nhiều trên đất đai trung giới,” thầy đáp. “Loài trung giới ăn rau, và uống mật hoa tuôn ra từ những nguồn ánh sáng rực rỡ và từ sông suối trung giới. Giống như những hình ảnh vô hình của con người trên trái đất có thể lấy ra từ ête và làm cho hiển hiện nhờ máy vô tuyến truyền hình, rồi sau đó lại được trả về không trung, thì những mẫu rau và thực vật trung giới vô hình, do Thượng đế tạo ra, cũng trôi trong ête kết tủa trên hành tinh trung giới bằng ý muốn của cư dân. Cũng như vậy, từ sự tưởng tượng viển vông nhất của những loài này, toàn bộ những vườn hoa thơm ngát được hóa hiện, sau đó trở về với trạng thái vô hình trong thinh không. Dù dân trên các hành tinh tuyệt trần như Hiranyaloka gần như không còn cần phải ăn uống, thì sự tồn tại bản năng của những linh hồn gần như đã giải thoát hoàn toàn nơi thượng giới, những người không ăn gì ngoài lộc diễm phúc, còn cao hơn nữa.

“Loài trung giới giải thoát khỏi hạ giới sẽ gặp lại vô số bà con, cha, mẹ, vợ, chồng, và bạn bè mình có trong các kiếp đầu thai khác nhau ở hạ giới[7], khi họ thỉnh thoảng xuất hiện ở các nơi khác nhau trên các cảnh trung giới. Vì vậy y lúng túng không biết phải yêu thương riêng ai cả; y học theo cách ban phát tình yêu thương thần thánh và đồng đều cho tất cả, như những đứa con và biểu thị cá thể hóa của Thượng đế. Dù vẻ bề ngoài của những người thân yêu có thể đã thay đổi, ít nhiều theo sự phát triển của những phẩm chất mới trong kiếp gần đây nhất của một linh hồn cụ thể nào đó, nhưng loài trung giới vẫn dùng trực giác không thể sai mà nhận ra hết thảy những ai đã từng là thân yêu đối với y ở các tầng hiện hữu khác, và để đón chào họ đến mái nhà trung giới mới của họ. Vì mọi nguyên tử trong sáng tạo được phú cho tính cá thể không thể hủy diệt[8], một người bạn ở trung giới sẽ được nhận ra, dù y có ăn mặc ra sao, cũng như trên Trái đất, nhân dạng của một diễn viên được nhận ra nhờ quan sát gần, dù có được hóa trang thế nào.

“Thọ mạng trên trung giới dài hơn thọ mạng ở hạ giới nhiều.

Kiếp trung bình của một loài trung giới có trình độ bình thường là từ năm trăm đến một nghìn năm, được tính theo các chuẩn thời gian của trái đất. Cũng như một số cây tùng bách sống lâu hơn phần lớn các loại cây khác đến hàng thiên niên kỷ, hay như một số yogi sống vài trăm năm dù phần lớn con người chết trước tuổi sáu mươi, thì một số người trung giới cũng sống lâu hơn thọ mạng của hiện hữu bình thường tại trung giới rất nhiều. Khách đến trung giới sẽ ngụ lại đó một quãng thời gian lâu hay mau tùy theo gánh nặng nghiệp cõi trần của họ, cái sẽ lôi họ trở lại hạ giới sau một khoảng thời gian nhất định.

“Loài trung giới không phải chống chọi đau đớn với cái chết lúc trút bỏ thân sáng rực của mình. Dù vậy, nhiều người trong số họ vẫn cảm thấy hơi bứt rứt khi nghĩ đến chuyện lìa bỏ thể vía mà khoác lấy thể trí vi tế hơn. Ở trung giới, không còn cái chết ngoài ý muốn, bệnh tật, và tuổi già. Ba thứ đáng sợ này là lời nguyền cho Trái đất, nơi con người đã để ý thức đánh đồng hắn gần như hoàn toàn với một xác thân tạm bợ cần sự giúp đỡ liên tục của không khí, thức ăn, và giấc ngủ mới tồn tại được.

“Cái chết thể xác kèm theo sự tắt thở và sự phân rã các tế bào da thịt. Cái chết ở thể vía gồm sự tan rã các lifetron, cái thể hiện các đơn vị năng lượng cấu thành sự sống của loài trung giới. Với cái chết thể xác, một người sẽ mất đi ý thức về xương thịt của mình và ý thức được thể vi tế của mình nơi trung giới. Khi đến lúc phải nếm trải cái chết thể vía, một người theo đó sẽ đi từ ý thức về sinh tử thể vía sang ý thức về sinh tử thể xác. Những chu kỳ lặp đi lặp lại đóng khung thể xác và thể vía là số phận không thể tránh khỏi của mọi loài chưa giác ngộ. Định nghĩa trong kinh điển về thiên đường và địa ngục đôi khi đánh thức các ký ức sâu hơn-tiềm-thức ở người về chuỗi dài trôi lăn trong trung giới và hạ giới quá ngao ngán của hắn.”

“Thầy yêu quý,” tôi hỏi, “xin thầy mô tả kỹ hơn về sự khác biệt giữa tái sinh ở hạ giới và ở các thiên cầu trung giới và thượng giới?”

“Con người với tư cách là một linh hồn cá thể thì về căn bản là thân xác thượng giới (thể trí),” sư phụ tôi giải thích. “Thân ấy là một cái khuôn ba mươi lăm ý niệm mà Thượng đế cần như những lực ý nghĩ cơ bản hay nguyên nhân để từ đó Ngài tạo ra thể vía tinh tế gồm mười chín nguyên tố và thể xác thô lậu gồm mười sáu nguyên tố.

“Mười chín nguyên tố trong thể vía thuộc về tâm thần, cảm xúc, và sinh lực (lifetronic). Mười chín thành tố là trí tuệ bản ngã; cảm xúc; tâm trí (ý thức-giác quan); năm khí cụ tri thức, là những bản sao tinh tế của thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác; năm khí cụ hành động, là sự tương ứng tinh thần với các năng lực hành động để sinh sản, bài tiết, nói năng, đi đứng và thực hiện các kỹ năng chân tay; và năm khí cụ sinh lực, những cái được trao quyền thực hiện các chức năng kết tinh, đồng hóa, bài tiết, chuyển hóa chất và tuần hoàn trong cơ thể.

Cái vỏ thể vía vi tế gồm mười chín nguyên tố này qua được cái chết thể xác, cái được làm từ mười sáu nguyên tố hóa học thô.

“Thượng đế nghĩ ra các ý niệm khác nhau từ trong Ngài rồi phóng hóa thành những giấc mơ. Quý cô Giấc mơ Vũ trụ do vậy mà ra đời, được trang hoàng với vô vàn trang sức nguy nga kỳ vĩ có tính tương đối của nàng.

“Trong ba mươi lăm loại ý nghĩ của thể trí, Thượng đế đã tạo ra mọi sự phức tạp của các bản sao mười chín yếu tố thể vía và mười sáu yếu tố thể xác của con người. Bằng cách cô đặc các năng lượng rung động, đầu tiên là tinh, rồi đến thô, Ngài tạo ra thể vía của con người rồi cuối cùng là thể xác của hắn. Theo quy luật tương đối, mà sự Giản đơn Tối thượng đã trở thành sự muôn hình vạn trạng khó hiểu, vũ trụ thượng giới và thể trí khác với vũ trụ trung giới và thể vía; vũ trụ vật chất và thể xác vật chất, tương tự như vậy, cũng khác biệt theo cách đặc trưng với các loài khác trong sáng tạo.

“Xác phàm được làm từ những giấc chiêm bao cố định, cụ thể hóa của Đấng Sáng tạo. Nhị nguyên tính vẫn luôn có mặt trên trái đất: bệnh tật và sức khỏe, đớn đau và lạc thú, được và mất. Con người tìm thấy giới hạn và tính đối kháng ở vật chất ba chiều. Khi lòng ham sống của con người bị lung lay dữ dội bởi bệnh tật hay các nguyên nhân khác thì cái chết đến; tấm áo khoác thịt da nặng nề tạm thời trút bỏ. Tuy nhiên, linh hồn, vẫn còn bị vây trong thể vía và thể trí[9]. Cái lực cố kết giữ cả ba thể lại với nhau là tham dục. Lực từ những ước muốn chưa toại là cội rễ của mọi sự nô lệ của con người.

“Dục vọng cõi vật chất bén rễ trong ngã chấp và dục lạc. Sự ép buộc hay cám dỗ của cảm nghiệm giác quan mạnh mẽ hơn dục lực thì có liên quan tới sự chấp luyến trung giới hay nhận thức thượng giới.

“Những dục vọng trung giới xoay quanh sự hưởng thụ về rung động. Loài trung giới thưởng thức nhạc trời trên các thiên cầu và bị hút hồn khi thấy toàn thể sáng tạo như những biểu hiện không bao giờ cạn của ánh sáng luôn biến đổi. Loài trung giới cũng ngửi, nếm, và sờ ánh sáng. Dục vọng trung giới do vậy có liên hệ với khả năng của loài trung giới làm kết tủa mọi vật thể và chứng nghiệm như những thể dạng ánh sáng hay như những ý nghĩ hoặc giấc mơ cô đặc.

“Dục vọng trên thượng giới chỉ được thỏa mãn bằng nhận thức mà thôi. Các hữu thể gần như đã giải thoát chỉ bị bọc trong thể trí và thấy toàn thể vũ trụ như những sự hiện thực hóa ý niệm chiêm bao của Thượng đế; họ có thể hóa hiện ra bất cứ gì và mọi thứ chỉ bằng ý nghĩ. Loài thượng giới do vậy xem lạc thú của các cảm giác thể xác hay những vui thú của thể vía là thô lậu và bóp nghẹt những nhạy cảm tinh tế của linh hồn. Loài thượng giới thực hiện sở nguyện của mình bằng cách hóa hiện ra chúng tức thì[10]. Kẻ nào thấy mình chỉ áo một lớp mỏng manh của thể trí thôi thì có thể hóa hiện ra các vũ trụ như Đấng Sáng tạo. Vì toàn thể sáng tạo được tạo ra từ thớ vải chiêm bao vũ trụ nên linh hồn khoác áo thể trí mong manh có thể thi triển những quyền năng thật to lớn.

“Một linh hồn, kỳ thực là vô hình, chỉ có thể phân biệt được bằng sự có mặt của một thân thể hay các thân thể của nó. Sự hiện diện của một thân thể không thôi có nghĩa rằng hiện hữu đó có thể là do những ước muốn chưa thỏa[11].

“Bao lâu linh hồn con người còn bị bọc trong một, hai, hay ba cái thân vật chứa, đậy chặt bằng nút bần vô minh và tham dục thì hắn còn chưa thể hòa nhập với biển Tinh thần. Khi vật chứa xác phàm bị nhát búa của thần chết hủy diệt, hai lớp vỏ kia – thể vía và thể trí – vẫn còn mà ngăn không cho linh hồn hòa với Sự sống Vô biên một cách ý thức. Khi sự vô dục đã đạt được nhờ minh triết, uy lực của nó sẽ làm phân rã hai cái bình còn lại. Linh hồn con người bé bỏng hiện lên, cuối cùng cũng đã được tự tại; nó là một với Vô lượng Vô biên.”

Tôi xin sư phụ siêu phàm soi sáng thêm về thượng giới cao và huyền vi.

“Thượng giới thì vi tế không thể tả nổi,” thầy đáp. “Để hiểu nó, con người ắt phải có những khả năng định trí ghê gớm đến mức y có thể nhắm mắt mà hình dung ra các vũ trụ trung giới và vũ trụ vật chất hạ giới trong toàn thể sự bao la của chúng – quả khí cầu phát sáng cùng cái giỏ đặc – chỉ như tồn tại trong các ý niệm mà thôi. Nếu bằng sự định trí siêu phàm này, người ấy biến đổi hay phân giải được hai vũ trụ cùng toàn thể những phức tạp của chúng thành những ý niệm thuần túy thì y sẽ đến được thượng giới và đứng nơi lằn ranh hợp nhất tâm và vật. Ở đó người ta sẽ nhận ra vạn vật được sáng tạo – rắn, lỏng, khí, điện, năng lượng, chúng sinh, thần, người, thú, cây, vi khuẩn – là những sắc tướng của tâm thức, cũng như một người có thể nhắm mắt mà vẫn biết rằng hắn hiện hữu, dù thân ấy mắt trần của hắn không thấy được và chỉ tồn tại như một ý niệm.

“Bất cứ gì con người có thể làm trong tưởng tượng thì một loài thượng giới cũng có thể làm trên thực tế. Trí người có tính tưởng tượng phong phú nhất thì có thể, chỉ trong trí thôi, biến đổi từ một cực ý nghĩ này sang một cực ý nghĩ khác, trong ý lướt từ hành tinh này sang hành tinh khác, hay lộn vòng bất tận xuống một vực sâu không đáy, hay bay vút như hỏa tiễn vào vòm thiên hà, hay nhấp nháy như đèn pha trên dải ngân hà và các khoảng không gian giữa các vì sao. Nhưng loài trên thượng giới được tự do hơn nhiều và có thể dễ dàng hóa hiện ý nghĩ thành thực thể khách quan tức thì, mà không chịu cản trở trung giới hay hạ giới hay gò bó của nghiệp.

“Loài thượng giới nhận ra rằng vũ trụ vật chất chủ yếu không phải được dựng nên từ các electron mà vũ trụ trung giới về cơ bản cũng không gồm các lifetron – cả hai kỳ thực được tạo ra bởi các hạt cực tiểu từ ý nghĩ-Thượng đế, bị chia chẻ bởi maya, cái quy luật tương đối rõ ràng đã can thiệp vào để phân ly sáng tạo với Đấng Sáng tạo ra nó.

“Linh hồn trên thượng giới nhận ra nhau như là những chấm cá nhân hóa từ Tinh thần hân hoan; những vật-ý nghĩ của họ là những vật thể duy nhất bao quanh họ. Loài thượng giới thấy sự khác nhau giữa các thân và ý của mình chỉ thuần là ý niệm. Cũng như một người, nhắm mắt lại, có thể hình dung ra một ánh sáng trắng lóa mắt hay một màn mờ xanh nhạt, thì loài thượng giới chỉ bằng ý nghĩ không thôi cũng có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ; họ tạo ra mọi thứ, hay hủy nó đi, bằng sức mạnh của tâm thức vũ trụ.

“Cả cái chết lẫn tái sinh trên thượng giới đều trong ý nghĩ.

Các hữu thể mang thể trí chỉ yến tiệc bằng cao lương mỹ vị minh triết mãi mãi mới. Họ uống từ những suối nguồn thanh bình, rong chơi trên đất nhận thức không có đường đi, bơi trong đại dương-vô tận cực lạc. Lạ chưa! Hãy trông thân-ý sáng ngời của họ vút qua hàng tỉ hành tinh mà Tinh thần tạo ra, những bong bóng vũ trụ tươi mới, những tinh tú-minh triết, những giấc mơ quang phổ tinh vân vàng rực trong lòng trời Vô Tận!

“Nhiều loài ở lại trong vũ trụ thượng giới hàng ngàn năm.

Bằng những trạng thái nhập định sâu hơn, linh hồn đã tự tại lúc ấy sẽ rút mình ra khỏi thể trí bé mọn mà khoác vào cái bao la của vũ trụ thượng giới. Mọi lốc xoáy phân ly của ý niệm, những con sóng riêng biệt của sức mạnh, tình yêu, ý chí, niềm vui, sự thanh bình, trực giác, sự điềm tĩnh, tự chủ, và định trí sẽ hòa vào Biển Cực lạc mãi hân hoan. Linh hồn sẽ không còn phải nếm trải niềm vui như một cơn sóng tâm thức cá thể hóa, mà đã hòa trong Một Đại dương Vũ trụ, với hết thảy những làn sóng của nó – tiếng cười, những rung động, những rộn ràng bất diệt.

“Khi một linh hồn ra khỏi cái kén ba thể thân thì nó sẽ mãi mãi thoát khỏi quy luật tương đối và trở thành Thường hằng không thể mô tả được[12]. Hãy nhìn cánh bướm Vô biên, cánh nạm bởi trăng, sao và mặt trời! Linh hồn đã trải rộng vào Tinh thần còn lại một mình trong vùng ánh sáng không có ánh sáng, bóng tối không thấy bóng tối, ý nghĩ không ý nghĩ, say ngây với nhập định hân hoan trong giấc mơ sáng thế của Thượng đế.”

“Một linh hồn tự tại!” Tôi thốt lên kính sợ.

“Khi một linh hồn cuối cùng đã ra khỏi ba cái bình lừa dối thể thân ảo ảnh,” thầy nói tiếp, “nó sẽ trở thành một với Thượng đế mà không mất đi tính cá thể. Chúa đã đạt được sự tự tại tối hậu này ngay cả trước khi ngài được sinh ra là Jesus. Trong ba giai đoạn quá khứ của ngài, được biểu tượng hóa ở kiếp trần gian là ba ngày ngài trải qua cái chết và phục sinh, ngài đã đạt được khả năng sống lại trọn vẹn trong Tinh thần.

“Người còn chưa tiến hóa phải trải qua vô số lần đầu thai vào hạ giới và trung giới và thượng giới rồi mới thoát ra khỏi ba thể của mình. Một bậc sư đạt được tự tại tối hậu có thể chọn trở lại trái đất như một đấng tiên tri để độ chúng sinh khác về với Thượng đế, hay như chính ta đây, ông ta có thể chọn ngụ trong vũ trụ trung giới. Ở đó một bậc cứu độ sẽ nhận lấy một ít gánh nghiệp của cư dân[13] và nhờ đó giúp họ đoạn diệt vòng luân hồi của mình ở vũ trụ trung giới mà đi tiếp mãi mãi lên các thiên cầu thượng giới.

Hay một linh hồn đã tự tại có thể đến thượng giới để giúp các loài ở đó rút ngắn thọ mệnh của mình trong thể trí và nhờ đó mà đạt Giải thoát Tuyệt đối.”

“Thưa Đấng Phục sinh, con muốn biết thêm về nghiệp buộc các linh hồn phải trở lại ba cõi.” Tôi nghĩ tôi có thể lắng nghe mãi mãi vị thầy toàn trí của mình. Hồi thầy còn tại thế, tôi chưa bao giờ trong một lúc mà được hấp thụ nhiều tri kiến của thầy đến như vậy. Giờ là lần đầu tiên tôi nhận được một tri kiến rõ ràng, chắc chắn, xuyên thấu vào những kẽ hở bí ẩn trên cái bàn cờ đam sinh tử.

“Nghiệp hay tham dục vật chất của con người phải được tận diệt rồi thì hắn mới lên ở tiếp trên các trung giới được,” sư phụ tôi giảng giải với giọng gây xúc động của thầy. “Có hai dạng hữu thể sống trên các thiên cầu trung giới. Những kẻ vẫn còn nghiệp hạ giới phải diệt và do vậy là kẻ lại phải ngụ trong một thể xác thô lậu để trả nợ nghiệp thì có thể được phân loại, sau cái chết thể xác, họ là khách tạm thời đến trung giới chứ không phải dân định cư.

“Loài có nghiệp hạ giới chưa trả thì sau cái chết ở trung giới không được phép lên thiên cầu thượng giới cao của ý niệm vũ trụ, mà phải đi tới đi lui giữa cõi trần và trung giới mà thôi, ý thức được liên tiếp về thể xác mười sáu nguyên tố thô và thể vía mười chín nguyên tố thanh của mình. Tuy nhiên, sau mỗi lần mất xác thân, kẻ chưa tiến hóa từ hạ giới lên vẫn chủ yếu chìm trong mụ mị giấc ngủ-cái chết và hầu như không nhận biết được thiên cầu trung giới đẹp đẽ. Khi đã nghỉ ngơi ở trung giới rồi, kẻ đó sẽ trở lại cõi vật chất để học hỏi thêm, dần dần, qua những hành trình lặp đi lặp lại, làm quen với những cảnh có kết cấu trung giới vi tế.

“Trong khi đó, dân thường hay người đã ở trên vũ trụ trung giới từ lâu là những kẻ mà, vĩnh viễn không còn những ham muốn vật chất, không cần trở về các rung động thô của trái đất nữa.

Những loài ấy chỉ có nghiệp trung giới và thượng giới phải diệt thôi. Lúc chết ở trung giới những loài này bước vào thượng giới vô cùng đẹp đẽ và huyền ảo hơn. Cuối một thọ mạng nào đó, do quy luật vũ trụ quyết định, những kẻ tiến hóa này bấy giờ sẽ quay về Hiranyaloka hay một hành tinh trung giới cao tương tự, tái sinh vào một thể vía mới để diệt nghiệp trung giới chưa trả xong của mình.

“Con trai, giờ thì có lẽ con đã hiểu đầy đủ hơn rằng ta sống lại do lệnh trời,” Sri Yukteswar nói tiếp, “làm một bậc cứu độ, đặc biệt cho những linh hồn từ thượng giới trở về tái sinh ở trung giới hơn là cho những loài trung giới từ hạ giới lên. Những kẻ từ Trái đất lên đó, nếu họ vẫn giữ lại những dấu tích nghiệp vật chất, sẽ không lên những hành tinh trung giới cao như Hiranyaloka.

“Cũng như phần lớn người trên Trái đất chưa học được, cách thưởng thức niềm vui và lợi lạc thanh cao của đời sống trung giới qua các linh ảnh có được từ thiền định, và do vậy mà, sau khi chết đi, mong muốn quay trở lại những lạc thú hạn hẹp, bất toàn của Trái đất, thì rất nhiều loài trung giới, trong quá trình phân rã thể vía bình thường của mình, cũng không thể hình dung được trạng thái cao của niềm vui tinh thần ở thượng giới và, trong khi cứ nghiền ngẫm lạc phúc trung giới thô thiển và lòe loẹt hơn, khát khao được thăm lại thiên đường trung giới. Những người đó phải trả hết nghiệp trung giới nặng nề đã, rồi sau cái chết ở trung giới mới được ở lại liên tục trong cõi-ý thượng giới, phân cách rất mong manh với Đấng Sáng tạo.

“Chỉ khi một sinh linh không còn ham muốn những cảm nghiệm vũ trụ trung giới vừa mắt nữa, và không thể bị cám dỗ trở lại đó thì y mới ở lại thượng giới được. Sau khi đã trả hết ở đó mọi nghiệp thượng giới hay chủng tử dục vọng trong quá khứ, linh hồn bị giam giữ xông ra khỏi cái nút bần vô minh cuối cùng trong ba nút bần và, thoát ra khỏi cái bình cuối cùng là thể trí, hòa vào trong Vĩnh cửu.

“Giờ con đã hiểu chưa?” Sư phụ mỉm cười rất thú vị!

“Rồi thưa thầy, nhờ ơn thầy. Con không nói nên lời vì vui sướng và biết ơn.”

Tôi chưa hề có được hiểu biết soi rạng như vậy nhờ thi ca hay chuyện kể. Dù kinh Ấn giáo có nói đến thượng giới và trung giới và ba thể của người, nhưng những trang ấy mới xa vời và vô nghĩa làm sao khi so với cái thực hữu ấm áp từ vị thầy phục sinh của tôi!

Với thầy thì quả thực không tồn tại lấy một “xứ sở xa lạ mà từ biên cương ấy không lữ khách nào quay về[14]”!

“Sự dung thông giữa ba thân người được thể hiện theo nhiều cách nhờ bản chất ba trạng thái của y,” sư phụ vĩ đại của tôi nói tiếp. “Trong trạng thái thức trên Trái đất, con người ít nhiều nhận biết được ba phương tiện của y. Khi y bằng giác quan định nếm, ngửi, sờ, nghe, hay thấy là y chủ yếu đang hành xử qua xác thân y.

Khi tưởng tượng hay ước muốn là y đang hành động chủ yếu qua thể vía của y. Thể trí biểu lộ khi con người suy nghĩ hay đi sâu vào tự quán xét hay thiền định; những tư tưởng vũ trụ thiên tài phát lộ ở người thường liên lạc với thể trí của mình. Theo nghĩa này thì một cá thể có thể được phân loại một cách rộng rãi là ‘người vật chất’, ‘người hoạt động’, hay ‘người trí tuệ’.

“Một người, mỗi ngày chừng mười sáu giờ, tự đánh đồng mình với phương tiện thể xác của y. Rồi y ngủ; nếu y chiêm bao, y ở trong thể vía của mình, dễ dàng tạo ra bất kỳ vật gì như loài trung giới làm. Nếu giấc ngủ của con người sâu và không mộng mị, trong vài giờ y có thể đưa tâm thức, hay cảm thức về cái ta của y, vào thể trí; giấc ngủ như vậy làm hồi sinh. Kẻ nằm mơ tiếp xúc với thể vía của mình chứ không phải thể trí; giấc ngủ của y không hoàn toàn làm khoan khoái.”

Tôi đã trìu mến quan sát Sri Yukteswar trong khi thầy cho bài giảng tuyệt luân.

“Sư phụ thiên thần,” tôi nói, “thân thầy trông hệt như tấm thân con đã than khóc lần cuối ở ashram Puri.”

“Ồ, phải, thân mới của ta là một bản sao toàn hảo của thân cũ. Ta hóa hiện ra hay làm mất đi hình hài này bất kỳ lúc nào tùy ý, thường xuyên hơn nhiều so với ta đã làm khi ở hạ giới. Nhờ biến hình nhanh chóng mà giờ ta đi lại tức thì bằng xe tốc hành ánh sáng từ hành tinh này sang hành tinh khác hay, thực ra, từ vũ trụ trung giới sang vũ trụ thượng giới hay đến vũ trụ vật chất.” Sư phụ siêu phàm của tôi mỉm cười. “Dù gần đây con đi lại rất nhanh thì ta cũng chẳng thấy khó khăn gì khi tìm ra con ở Bombay!”

“Ôi, thầy, con đã rất đau buồn về cái chết của thầy!”

“À, trong suốt thời gian đó ta đã chết sao? Có một sự mâu thuẫn nào đó chăng?” Mắt Sri Yukteswar long lanh tình yêu thương và vui thú.

“Con chỉ đang mơ trên Trái đất; trên Trái đất ấy con thấy thân chiêm bao của ta,” thầy nói tiếp. “Sau đó con đã chôn hình ảnh chiêm bao ấy. Giờ nhục thể thanh hơn của ta – cái mà con thấy và thậm chí bây giờ đang ôm khá chặt! – hồi sinh trên một hành tinh chiêm bao khác thanh hơn của Thượng đế. Một ngày nào đó thân chiêm bao thanh hơn ấy và hành tinh chiêm bao tinh tế hơn ấy sẽ mất đi; cả chúng nữa cũng không là mãi mãi. Mọi bong bóng chiêm bao cuối cùng rồi cũng sẽ phải vỡ tan trước một cái chạm thức tỉnh cuối cùng. Hãy phân biệt, con trai Yogananda của ta, giữa mơ và Thực!”

Ý niệm sống lại kiểu Vedanta[15] này làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi hổ thẹn là đã khóc thương thầy khi tôi thấy thân thể không còn sự sống của thầy ở Puri. Cuối cùng thì tôi đã hiểu rằng sư phụ của mình vẫn luôn thức tỉnh nơi Thượng đế, nhận chân rằng sự sống và cái chết của mình ở Trái đất, và sự sống lại của thầy lúc này đây, chỉ là những điều tương đối của các ý niệm thiêng liêng trong giấc mơ vũ trụ.

“Giờ ta đã kể cho con, Yogananda, những chân lý về sự sống, cái chết và phục sinh của ta rồi. Đừng đau buồn cho ta; mà nên rao truyền khắp nơi câu chuyện về sự phục sinh của ta từ Trái đất của con người mà Thượng đế mơ, đến một hành tinh Thượng đế mơ ra khác của những linh hồn được khoác thể vía! Niềm hy vọng mới sẽ truyền vào trái tim của những kẻ ngủ mơ sợ chết, điên đảo vì phiền não trên thế gian!”

“Dạ, thưa thầy!” Tôi sẽ vô cùng sẵn lòng được chia sẻ với người khác niềm vui của mình trước sự phục sinh của thầy!

“Trên trái đất những tiêu chuẩn của ta cao một cách khó chịu, không phù hợp với căn chất của phần lớn con người. Đáng lẽ ta không nên quở trách con nhiều đến thế. Con đã qua được thử thách của ta; tình yêu thương của con soi sáng qua mây mù mọi quở trách.” Thầy nói thêm dịu dàng, “Hôm nay ta đến còn để cho con hay: ta sẽ không bao giờ còn có cái nhìn khiển trách lạnh lùng nữa. Ta sẽ không quở trách con nữa.”

Tôi thấy nhớ kỷ luật của đại sư phụ của mình biết mấy! Mỗi sự trừng phạt là một thần hộ mệnh chở che.

“Thầy yêu quý nhất! Hãy quở mắng con triệu lần – giờ hãy quở trách con đi!”

“Ta sẽ không khiển trách con nữa.” Giọng thiêng của thầy trang nghiêm, nhưng ngầm một tiếng cười. “Con và ta sẽ mỉm cười cùng nhau, chừng nào hai hình hài chúng ta vẫn có vẻ khác nhau trong giấc mơ-maya của Thượng đế. Cuối cùng chúng ta sẽ hòa làm một với Đấng Yêu Thương Vũ trụ; nụ cười của hai ta sẽ là nụ cười của Ngài, bản hoan ca chung của ta ngân vang khắp vĩnh hằng để được lan truyền đến những linh hồn hòa điệu cùng Thượng đế!”

Sri Yukteswar soi sáng cho tôi một số vấn đề mà tôi không thể tiết lộ ra ở đây. Trong hai giờ hiện diện bên tôi trong phòng khách sạn ở Bombay, thầy đã trả lời mọi câu hỏi của tôi. Một số lời tiên tri về thế giới mà thầy hé lộ vào cái ngày tháng 6 năm 1936 ấy đã trở thành hiện thực.

“Giờ ta chia tay con đây, con yêu dấu!” Khi thầy nói vậy thì tôi cảm thấy thầy tan đi trong vòng tay tôi.

“Con ta,” giọng thầy vang lên, rung động vào tới chính bầu trời-linh hồn tôi, “bất cứ khi nào con bước vào cửa nirbikalpa samadhi và gọi ta, ta sẽ đến với con, bằng xương bằng thịt như hôm nay.”

Cùng lời hứa siêu phàm này, Sri Yukteswar biến mất khỏi cái thấy của tôi. Một giọng nói-đám mây lặp lại tiếng sấm du dương: “Hãy kể lại tất cả! Kẻ nào bằng giác ngộ nirbikalpa hiểu rằng Trái đất của các ngươi là một giấc mơ của Thượng đế thì có thể đến hành tinh Hiranyaloka được giấc mơ tạo ra đẹp đẽ hơn, và ở đó sẽ thấy ta phục sinh trong một thân đúng như thân phàm.

Yogananda, hãy kể lại tất cả!”

Nỗi đau ly biệt đã hết. Nỗi tiếc thương và sầu đau cho cái chết của thầy, cái cướp đi sự thanh thản của tôi đã lâu, giờ bỏ chạy tuyệt đối ngượng ngùng. Diễm phúc tưới xuống như suối nguồn qua những lỗ chân lông linh hồn vô tận vừa mở. Ngày xưa bịt kín vì không dùng đến, giờ chúng mở rộng thanh khiết trước lũ tràn cực lạc. Những tiền kiếp của tôi hiện ra trước cái nhìn nội thể theo trình tự như phim. Nghiệp thiện và ác của quá khứ tiêu tan trong ánh sáng vũ trụ, tỏa quanh tôi nhờ sự viếng thăm thiêng liêng của thầy.

Trong chương này của cuốn tự truyện, tôi đã vâng theo yêu cầu của sư phụ mà rao truyền đi khắp tin mừng, dù điều đó một lần nữa sẽ làm một thế hệ thờ ơ phải ngỡ ngàng. Khom lưng quỳ gối, con người biết rất rõ; nỗi tuyệt vọng hiếm khi xa lạ; vậy nhưng đó là những sự cố chấp, không phải một phần trong định mệnh đích thực của con người. Cái ngày y muốn thì y sẽ dấn bước trên con đường đi đến tự do. Đã lâu quá rồi, y nghe theo cái bi quan âm u của những kẻ khuyên bảo y rằng “ngươi là cát bụi” mà lơ là không quan tâm đến linh hồn không thể khuất phục.

Tôi không phải là người duy nhất có được ân huệ thấy Sư phụ Phục sinh.

Một trong các chela của Sri Yukteswar là một cụ bà, được gọi một cách trìu mến là Ma (mẹ), nhà bà gần tịnh thất Puri. Thầy thường dừng lại trò chuyện dăm câu với bà trong những lần đi dạo buổi sáng. Buổi chiều ngày 16-3-1936, Ma tới ashram đòi gặp sư phụ.

“Sao vậy, thầy viên tịch đã một tuần rồi!” Swami Sebananda, giờ phụ trách tịnh thất Puri, nhìn bà buồn bã.

“Làm sao có chuyện đó được!” bà mỉm cười phản đối.

“Đúng là vậy.” Sebananda kể lại tỉ mỉ buổi lễ chôn cất. “Đến đây,” thầy nói, “tôi sẽ dẫn cụ ra vườn trước, tới mộ ngài.”

Ma lắc đầu. “Chẳng có mộ nào cho thầy cả! Sáng nay, lúc mười giờ khi đi dạo như thường lệ, thầy đi ngang trước cửa nhà bà! Bà nói chuyện với thầy vài phút trước thanh thiên bạch nhật.

“ ‘Chiều nay hãy tới ashram,’ thầy nói.

“Bà đã đến đây! Phúc lành tưới trên mái đầu bạc này! Sư phụ bất tử muốn bà hiểu rằng sáng nay thầy ghé thăm bà trong xác thân siêu việt nào!”

Sebananda kinh ngạc quỳ trước bà.

“Ma,” thầy nói, “thật là cụ đã cất đi một gánh nặng trong tim tôi! Thầy đã sống lại!”


[1] Trong sabikalpa samadhi tín đồ đạt được giác ngộ về sự nhất thể của mình với Tinh thần nhưng không thể duy trì tâm thức vũ tru,ï trừ khi trong trạng thái nhập định bất động. Bằng thiền định liên tục tín đồ sẽ đạt đến trạng thái cao hơn là nirbikalpa samadhi, trong đó tín đồ có thể di chuyển tùy ý trong vũ trụ mà không đánh mất giác ngộ Thượng đế. Trong nirbikalpa samadhi, yogi diệt những vết tích nghiệp lực vật chất hay trần thế sau cùng của mình. Dù vậy, yogi có thể vẫn còn nghiệp trung giới hay thượng giới nhất định phải diệt, và do vậy mà đầu thai vào trung giới rồi thượng giới trên các thiên cầu có rung động cao.

[2] Vì phần lớn người, vui hưởng cái đẹp ở trung giới, không thấy cần gì phải tinh tiến tu hành công phu.

[3] Sri Yukteswar dùng từ prana; tôi đã dịch nó thành lifetron. Kinh Ấn Độ giáo không chỉ nói đến anu, “nguyên tử”, và paramanu, “trên nguyên tử”, năng lượng điện tử tinh tế hơn, mà còn nói đến prana, “sinh lực sáng tạo”. Nguyên tử và electron là những năng lượng mù lòa; prana là thông minh cố hữu. Các lifetron sinh lực trong tinh trùng và tế bào trứng, chẳng hạn, dẫn dắt sự phát triển của phôi tùy theo một dạng nghiệp.

[4] Mantra, những âm thanh-chủng tử đã được niệm mà súng tinh thần là sự định trí bắn ra. Các Purana (kinh hay sách xưa) mô tả các cuộc giao tranh bằng mantra (chân ngôn) này giữa các deva và asura (thần thánh và ma quỷ). Một asura có lần đã cố giết một deva bằng bài niệm uy lực. Vì niệm sai mà quả bom tinh thần trở thành thứ gậy ông đập lưng ông và giết chết ác ma.

[5]  Các ví dụ về các khả năng như vậy không thiếu ngay cả trên Trái đất, như trường hợp Helen Keller và rất ít vị khác.

[6] Ở Trái đất, trẻ con đầu óc trong sáng đôi khi cũng có thể thấy thể vía duyên dáng của các tiên. Bằng ma túy hay đồ uống gây say mà mọi kinh điển đều cấm dùng, một người có thể làm rối loạn ý thức của mình đến mức y thấy những hình thù gớm ghiếc dưới địa ngục ở trung giới.

[7] Đức Phật đã từng được hỏi tại sao một con người phải yêu thương tất cả mọi người như nhau. “Vì,” đại sư đáp, “trong hằng hà sa số kiếp khác nhau của mỗi người, hết thảy chúng sinh đều đã từng lần này hay lần khác rất đỗi thân yêu đối với người đó.”

[8] Tám phẩm tính cơ bản đi vào trong mọi sự sống được tạo ra, từ nguyên tử đến con người, là đất, nước, lửa, không khí, ête, trí tuệ giác quan (mana), giác (buddhi), và bản ngã hay ngã chấp (ahamkara). (Xem Bhagavad Gita VII:4.)

[9] “Thân thể” có nghĩa bất kỳ vỏ bọc linh hồn nào, dù thô lậu hay vi tế. Ba thể là cái lồng cho Chim Thiên đường.

[10] Giống như Babaji đã giúp Lahiri Mahasaya vứt bỏ một mong muốn vô thức từ một tiền kiếp nào đó là được nhìn thấy một cung điện, như được mô tả trong chương 34.

[11] “Người nói với các ông: Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.” – Tin Mừng theo thánh Luca 17:37. Dù linh hồn bọc trong thể xác hay thể vía hay thể trí thì diều hâu dục vọng – rình chực sự kém cỏi giác quan của con người, hay chấp luyến ở trung giới hay thượng giới – cũng sẽ bu lại để biến linh hồn thành tù nhân.

[12] “Ai thắng, Ta sẽ cho làm cột trụ trong Ðền thờ Thiên Chúa của Ta, người ấy sẽ không hề ra khỏi đó nữa (nghĩa là, sẽ không đầu thai nữa.)… Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người.” – Sách Khải huyền 3:12, 21.

[13] Sri Yukteswar muốn nói rằng, cũng như trong hiện thân của thầy trên Trái đất thầy vẫn thỉnh thoảng gánh bệnh tật để làm nhẹ nghiệp của đệ tử, thì trên trung giới sứ mệnh của thầy với tư cách vị cứu độ cho phép thầy nhận lấy nghiệp trung giới nào đó của dân trên Hiranyaloka, và nhờ vậy mà thúc đẩy sự tiến hóa của họ vào cõi thượng giới cao hơn.

[14] Hamlet (hồi III, cảnh 1).

[15] Sống và chết chỉ là những sự tương đối của ý nghĩ. Vedanta chỉ ra rằng Thượng đế là Thực tại duy nhất; vạn vật hay tồn tại tách biệt là maya hay ảo giác. Triết lý về nhất nguyên này được trình bày rõ nhất trong các bình chú Upanishad của Shankara.

Tự truyện của một Yogi – Chương 42

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 42

CHƯƠNG 42 Những ngày cuối bên Sư phụ

“Thưa sư phụ, con mừng là sáng nay được gặp thầy một mình.” Tôi vừa tới tịnh thất Serampore, xách nặng quả và hoa hồng thơm ngát. Sri Yukteswar liếc nhìn tôi quy thuận.

“Câu hỏi của con là gì đây?” Thầy nhìn quanh phòng như thể tìm cách thoát thân.

“Thưa sư phụ, con đã đến với thầy khi là một thanh niên trung học; giờ con đã là một người trưởng thành, thậm chí đã có một đôi sợi tóc bạc rồi. Thầy đã tắm cho con trong tình yêu thương lặng thầm từ phút đầu tiên cho đến bây giờ, thế nhưng thầy có nhận ra là chỉ duy nhất một lần thôi, vào ngày gặp gỡ, thầy từng nói, ‘ta yêu thương con’?” Tôi nhìn thầy van lơn.

Thầy nhìn xuống. “Yogananda, ta phải đưa vào thế giới ngôn từ lạnh lẽo những tình cảm nồng ấm được trái tim vô ngôn giữ gìn cẩn thận nhất hay sao?”

“Thưa sư phụ, con biết thầy thương yêu con, nhưng tai người của con khát khao được nghe thầy nói vậy.”

“Thì tùy ý con. Trong đời hôn nhân ta vẫn từng ao ước có một đứa con trai, để dạy dỗ theo con đường yoga. Nhưng khi con bước vào đời ta, ta đã mãn nguyện; nơi con ta đã tìm thấy đứa con trai cho mình.” Hai giọt lệ trong veo ngấn trong mắt Sri Yukteswar.

“Yogananda, ta mãi mãi yêu thương con.”

“Câu trả lời của thầy là tấm vé cho con lên thiên đường.” Tôi cảm thấy một gánh nặng trong tim mình nhẹ đi, tiêu tan mãi mãi khi nghe thầy nói vậy. Tôi biết thầy không dễ xúc động và tự kiềm chế, vậy nhưng tôi vẫn thường ngạc nhiên vì sự im lặng của thầy.

Đôi khi tôi sợ mình đã không làm thầy hài lòng trọn vẹn. Nhân cách kỳ lạ của thầy, không bao giờ thấu hiểu được hoàn toàn; một tư chất sâu lắng, khôn dò đối với những giá trị của thế giới bên ngoài mà từ lâu thầy đã vượt qua.

Vài ngày sau, tôi nói chuyện trước rất đông cử tọa tại Hội trường Albert ở Calcutta. Sri Yukteswar ưng thuận ngồi trên sân khấu, cùng Maharaja xứ Santosh và thị trưởng Calcutta. Thầy không nói gì với tôi, nhưng thỉnh thoảng khi đang nói tôi liếc qua thầy và nghĩ rằng thầy trông có vẻ hài lòng.

Rồi đến cuộc nói chuyện trước cựu nam sinh Đại học Serampore. Khi tôi nhìn các bạn học của mình ngày xưa, và khi họ nhìn “Thầy Tu Khùng” của chính họ, nước mắt mừng vui bộc lộ không ngượng ngùng. Giáo sư triết có tài hùng biện của tôi, tiến sĩ Ghoshal, lên phía trước để chào tôi, mọi hiểu lầm ngày xưa giữa chúng tôi đã tiêu tan nhờ thuật sĩ Thời gian.

Một lễ đông chí được tổ chức vào cuối tháng 12 tại tịnh thất Serampore. Như mọi khi, đệ tử của Sri Yukteswar xa gần kéo về.

Các sankirtan tôn giáo, những phần độc tấu với giọng mật ngọt của Kristo-da, một bữa đại tiệc do các đệ tử trẻ phục vụ, bài giảng vô cùng xúc động của thầy dưới những vì sao trong sân ashram đông người – những ký ức, ôi những ký ức! Những lễ hội vui vầy của những năm tháng đã qua từ lâu! Đêm nay, tuy vậy, có một nét mới lạ.

“Yogananda, con hãy nói chuyện với nhóm người họp mặt đây – bằng tiếng Anh.” Mắt thầy long lanh khi thầy nói lời yêu cầu rất bất thường này; phải chăng thầy đang nghĩ đến cái tình huống khó xử ở trên tàu trước bài nói chuyện đầu tiên bằng tiếng Anh của tôi? Tôi kể lại câu chuyện cho cử tọa là các đồng môn của mình, kết thúc bằng một lời tạ ơn chân thành dành cho sư phụ của chúng tôi.

“Sự dìu dắt không bao giờ sai của thầy bên tôi không chỉ trên chiếc tàu biển ấy,” tôi kết luận, “mà còn mỗi ngày suốt mười lăm năm tôi ở đất Hoa Kỳ rộng lớn và hiếu khách.”

Khi khách khứa đã ra về, Sri Yukteswar gọi tôi vào chính căn phòng ngủ mà (chỉ một lần thôi, sau một lễ hội tương tự) tôi đã được phép ngủ trong giường thầy. Đêm nay, sư phụ ngồi đó lặng lẽ, đệ tử ngồi thành nửa vòng tròn bên chân thầy.

“Yogananda, giờ con về Calcutta phải không? Mai hãy trở lại đây. Ta có đôi điều muốn nói với con.”

Chiều hôm sau, với vài lời ban phúc ngắn gọn, Sri Yukteswar ban cho tôi một pháp danh nữa là Paramahansa[1].

“Giờ nó sẽ chính thức thay thế danh hiệu Swami của con trước đây,” thầy nói khi tôi quỳ trước thầy. Tủm tỉm cười thầm, tôi nghĩ về những vất vả mà các môn sinh của tôi bên Tây sẽ phải kinh qua khi phát âm Paramahansaji[2].

“Phận sự ở cõi trần của ta giờ đã xong; con phải tiếp tục.”

Thầy nói khẽ, ánh mắt thầy thanh thản và dịu dàng. Tim tôi phập phồng lo sợ.

“Con hãy cử ai đó phụ trách ashram của chúng ta ở Puri,” Sri Yukteswar nói tiếp. “Ta để lại mọi thứ trong tay con. Con sẽ lái được con thuyền đời mình và con thuyền của tổ chức chúng ta đến bến bờ thiêng.”

Tôi ôm bàn chân thầy mà khóc; thầy đứng lên rồi trìu mến ban phúc cho tôi.

Ngày hôm sau, tôi cho gọi một tín đồ ở Ranchi là Swami Sebananda lên rồi cử tín đồ này đến Puri để đảm đương các công việc của tịnh thất. Sau đó sư phụ bàn với tôi các khía cạnh pháp lý để giải quyết cơ ngơi của thầy; thầy nóng lòng muốn ngăn những tranh chấp có thể xảy ra nếu người thân, khi thầy mất rồi, giành quyền sở hữu hai tịnh thất và những tài sản khác của thầy, những thứ thầy chỉ muốn được chuyển nhượng vì mục đích từ thiện.

“Gần đây, đã thu xếp cho thầy đi Kidderpore, nhưng thầy không đi được.” Amulaya Babu, một đồng môn, đã nói vậy với tôi vào một chiều nọ; tôi cảm thấy làn sóng lạnh điềm báo. Trước những gặng hỏi của tôi, Sri Yukteswar chỉ đáp, “Ta sẽ không đi Kidderpore nữa.” Trong phút chốc, thầy run lên như một đứa trẻ hoảng sợ.

(“Chấp luyến chốn trọ thể xác, vọng lên từ bản chất của chính nó[3], dù ít thì cũng vẫn còn ngay cả ở các đại thánh,” Patanjali viết.

Trong một số bài sư phụ giảng về cái chết, thầy thường nói thêm:

“Cũng như một con chim bị nhốt trong lồng đã lâu, ngần ngại không dám rời mái nhà đã thân quen khi cửa đã mở.”) “Thưa sư phụ,” tôi khóc lóc van xin thầy, “xin đừng nói vậy!

Đừng bao giờ thốt ra những lời ấy với con!”

Mặt Sri Yukteswar dịu đi với một nụ cười thanh thản. Mặc dù đã gần đến sinh nhật thứ tám mươi mốt, trông thầy vẫn khỏe mạnh.

Ngày ngày được tắm mình trong ánh nắng tình thương của sư phụ, không nói ra nhưng lại được cảm nhận sâu sắc, tôi xua đuổi khỏi ý thức của mình nhiều lời bóng gió xa xôi thầy đã nói về sự ra đi gần kề.

“Thầy, Kumbha Mela tháng này được tổ chức ở Allahabad.”

Tôi chỉ cho thầy xem ngày mela trong một cuốn niên lịch Bengal[4].

“Con thật muốn đi sao?”

Không cảm thấy được là Sri Yukteswar miễn cưỡng phải để tôi đi, tôi nói tiếp, “Thầy đã từng có phúc được gặp Babaji tại một kumbha ở Allahabad. Có lẽ lần này con sẽ đủ may mắn được gặp ngài.”

“Ta không cho là con sẽ gặp ngài ở đấy.” Rồi sư phụ chìm trong im lặng, không muốn ngăn cản dự định của tôi.

Khi tôi lên đường đi Allahabad cùng một nhóm nhỏ vào ngày hôm sau, thầy im lặng ban phúc cho tôi theo cách thường lệ. Rõ ràng tôi vẫn không nhận ra những ẩn ý trong thái độ của Sri Yukteswar vì Thượng đế muốn tránh cho tôi buộc phải chứng kiến sự ra đi của sư phụ một cách vô vọng. Điều vẫn luôn xảy ra trong đời tôi là giờ phút ra đi của những người tôi vô cùng yêu thương, Thượng đế đã nhân từ thu xếp sao cho tôi xa cảnh ấy[5].

Nhóm chúng tôi tới Kumbha Mela ngày 23-1-1936. Đám đông náo nhiệt gần hai triệu người là một khung cảnh ấn tượng, thậm chí là choáng ngợp. Đặc tính riêng của người Ấn là sự sùng kính bẩm sinh, ngay cả ở người nông dân thấp kém nhất, dành cho giá trị của Tinh thần và cho các thầy tu và sadhu đã từ bỏ những trần lụy để tìm một nơi nương tựa thiêng liêng hơn. Quả đúng là có những kẻ lừa đảo và đạo đức giả; nhưng Ấn Độ kính trọng tất cả vì một số ít người soi sáng cho xứ sở bằng phúc thiêng. Người phương Tây đã xem cảnh tượng hoành tráng ấy sẽ có cơ hội độc nhất để cảm nhận được mạch đập của dân tộc này, cái nhiệt tình tâm linh mà nhờ đó Ấn Độ có được cái sinh khí không thể tắt dưới những ngọn gió thời gian.

Ngày đầu nhóm chúng tôi chỉ ngây ra nhìn mà thôi. Hàng ngàn người hành hương tắm dưới sông Hằng thiêng liêng để gột sạch tội lỗi; các tu sĩ Bà La Môn thực hiện các nghi thức thờ phụng long trọng; đồ cúng dường sùng kính rải dưới chân các sannyasi im lặng; những đàn voi, ngựa phủ tấm che, và lạc đà xứ Rajputana đủng đỉnh hàng một đi qua, theo sau là cuộc diễu hành tôn giáo cổ xưa gồm những sadhu lõa thể đã khước từ vương trượng bạc vàng hay cờ phướn nhung lụa.

Các ẩn sĩ chỉ quấn tấm khố ngồi thành từng nhóm nhỏ im lìm, mình mẩy lấm lem tro, thứ che chở cho họ khỏi cái nóng và lạnh.

Con mắt tâm linh được biểu trưng sống động trên trán bằng một chấm bột đàn hương duy nhất. Hàng ngàn swami đầu cạo trọc cũng có mặt, mặc áo màu hoàng thổ và cầm gậy tre và bình bát khất thực. Mặt các vị sáng lên niềm an lạc của kẻ xuất gia khi các vị đi quanh hay có những cuộc đàm đạo triết học với các đệ tử.

Đây đó dưới những tàn cây, quanh những đống củi to cháy rực, là các sadhu đẹp như trong tranh,[6] tóc họ tết và vấn lại thành từng vòng trên đỉnh đầu. Một số để râu dài đến vài thước, quăn và thắt nút lại. Họ lặng lẽ thiền định, hay đưa tay lên ban phúc cho đám đông đi qua – những người hành khất, các maharaja cưỡi voi, đàn bà mặc sari đủ màu sắc, vòng tay và lắc chân kêu lanh canh, các fakir cánh tay khẳng khiu dương lên kỳ dị, các brahmachari mang cái đỡ khủy tay để thiền, những hiền giả khiêm cung mà sự trang nghiêm che giấu an lạc nội tâm. Cao bên trên cảnh tượng huyên náo, chúng tôi nghe thấy những tiếng gọi không dứt của chuông đền thờ.

Đến ngày mela thứ hai các bạn đồng hành và tôi vào thăm nhiều ashram và các túp lều tạm, pranam các vị thánh thiện. Chúng tôi nhận ban phúc của sư trưởng nhánh Giri thuộc dòng Swami – một thầy tu khổ hạnh gầy gò có đôi mắt rực sáng tươi cười. Rồi nhóm chúng tôi đến thăm tịnh thất của một sư phụ suốt chín năm qua đã giữ lời thệ tịnh khẩu và chỉ ăn trái cây. Trên cái bệ trong gian phòng ashram, một sadhu mù lòa đang ngồi, Prajna Chakshu[7], thầy có học vấn shastra uyên thâm và được mọi giáo phái kính trọng vô cùng.

Khi tôi đã trình bày xong một bài diễn thuyết ngắn bằng tiếng Hindi về Vedanta, nhóm chúng tôi rời tịnh thất yên tĩnh để đến chào một swami gần đó, Krishnananda, một thầy tu tuấn tú có hai má đỏ au và đôi vai thật ấn tượng. Nằm bên thầy là một con sư tử cái đã thuần. Khuất phục trước sức hút tâm linh của thầy tu – không phải trước thể lực mạnh mẽ của thầy, tôi chắc chắn! – con thú rừng già không chịu ăn thịt mà chọn cơm và sữa. Swami đã dạy con thú lông vàng nâu niệm “Aum” bằng một tiếng gầm sâu, thu hút – một tín đồ họ nhà mèo!

Cuộc gặp gỡ tiếp đó của chúng tôi, một cuộc trò chuyện với một sadhu trẻ uyên thâm, được mô tả kỹ trong cuốn nhật ký hành trình sinh động của anh Wright.

Chúng tôi lái chiếc Ford qua sông Hằng cạn nước trên chiếc cầu phao kẽo kẹt, đi ngoằn ngoèo như rắn giữa những đám đông rồi qua những con hẻm nhỏ quanh co, đi ngang chỗ bên bờ sông mà Yoganandaji chỉ cho tôi là nơi Babaji và Sri Yukteswarji gặp nhau. Một lát sau xuống xe, chúng tôi đi bộ một quãng xuyên qua đám khói mù mịt từ các đám lửa của các sadhu rồi băng qua cát trơn trượt để tới một cụm những túp lều tranh vách đất nhỏ xíu rất đơn sơ. Chúng tôi dừng trước một trong những chỗ ở tạm không có gì nổi bật này, lối vào không có cửa, thấp lè tè, là chỗ che mưa che nắng của Kara Patri, một sadhu trẻ lang thang nổi tiếng nhờ trí thông minh hiếm có. Thầy kia, ngồi kiết già trên một đụn rơm, thứ che thân duy nhất của thầy – và nhân tiện, là vật sở hữu duy nhất của thầy – một tấm vải màu hoàng thổ phủ qua vai.

Quả thật, gương mặt thánh thiện đã mỉm cười với chúng tôi khi chúng tôi đã bò vào lều rồi pranam dưới chân bậc giác ngộ này, trong khi ngọn đèn dầu ở lối vào lập lòe kỳ lạ, những cái bóng nhảy nhót trên vách rạ. Mặt thầy, nhất là đôi mắt và hàm răng đẹp, rạng rỡ và long lanh. Dù tôi không hiểu được tiếng Ấn nhưng vẻ mặt của thầy cũng nói lên nhiều điều; thầy đầy nhiệt huyết, tình thương, hào quang tâm linh.

Sự cao khiết ở thầy thì không lầm với ai được.

Hãy thử hình dung cuộc đời hạnh phúc của một người không còn vướng lụy thế giới vật chất; không còn chuyện ăn chuyện mặc; không còn thèm khát thức ăn, không bao giờ xin xỏ, chỉ cách ngày mới động đến thức ăn nấu chín, không bao giờ cầm bình bát khất thực; không còn mọi vướng víu bạc tiền, không bao giờ dùng tiền bạc, không bao giờ tích trữ đồ đạc, luôn tin ở Thượng đế; không còn những bận tâm về đi lại, không bao giờ đi xe mà luôn đi bộ bên các con sông thiêng; không ở lại một chỗ quá một tuần để tránh hình thành quyến luyến.”

Một con người khiêm tốn biết chừng nào! Lại có tri kiến khác thường về Vệ Đà, và có bằng thạc sĩ và danh hiệu Shastri (thầy kinh thư) của Đại học Banaras. Trong tôi tràn ngập một tình cảm cao quý khi tôi ngồi bên chân thầy; tất cả cơ hồ là một lời đáp cho cái khát khao trong tôi được thấy Ấn Độ ngàn xưa, đích thực, vì thầy là một đại diện chân chính cho xứ sở của những người khổng lồ tâm linh này.”

Tôi hỏi Kara Patri về cuộc đời lang thang của thầy. “Thầy không có quần áo khác cho mùa đông sao?”

“Không, cái này là đủ.”

“Thầy có mang theo cuốn sách nào không?”

“Không, tôi giáo hóa theo trí nhớ cho những kẻ muốn nghe.”

“Thầy còn làm gì khác nữa không?”

“Tôi thong dong bên sông Hằng.”

Nghe những lời thanh thản này, trong tôi say sưa khát khao cái giản dị của đời thầy. Tôi nhớ tới Hoa Kỳ, và mọi trách nhiệm trên vai tôi.

“Không, Yogananda,” tôi buồn bã nghĩ một lát, “ở kiếp này thì thong dong bên sông Hằng không dành cho mi đâu.”

Khi sadhu đã kể cho tôi nghe vài giác ngộ tâm linh của thầy rồi, tôi buột miệng hỏi một câu đường đột.

“Thầy đưa ra những mô tả này từ hiểu biết kinh thư, hay từ chứng nghiệm nội tâm?”

“Một nửa là từ học hỏi sách vở,” thầy đáp với nụ cười chân thật, “còn một nửa là bằng chứng nghiệm.”

Chúng tôi may mắn được ngồi một lát trong tĩnh mặc trầm tư. Khi chúng tôi đã rời nơi có sự hiện diện thiêng liêng của thầy rồi, tôi nói với anh Wright: “Thầy ấy là một ông vua ngự trên ngai bằng rơm vàng.”

Đêm đó chúng tôi ăn tối trên đất mela dưới sao trời, ăn bằng những phiến lá kết lại với nhau nhờ những que nhỏ. Việc rửa chén bát ở Ấn Độ được giảm tối đa!

Thêm hai ngày kumbha thú vị nữa; rồi đi về phía Tây Bắc dọc hai bờ Yamuna tới Agra. Một lần nữa, tôi ngây nhìn Taj Mahal; trong ký ức, Jitendra đứng cạnh tôi, kính sợ trước giấc mơ cẩm thạch. Rồi chúng tôi đi tiếp đến ashram Brindaban của Swami Keshabananda.

Mục đích mà tôi tìm Keshabananda có liên quan đến cuốn sách này. Tôi chưa hề quên lời Sri Yukteswar yêu cầu tôi viết về cuộc đời của Lahiri Mahasaya. Trong thời gian ở lại Ấn Độ, tôi đã dùng mọi cơ hội để gặp các đệ tử thân cận và người nhà của Yogavatar. Ghi lại những cuộc chuyện trò của họ trong vô số ghi chép, tôi kiểm chứng các sự kiện và ngày tháng, rồi sưu tầm hình ảnh, thư từ cũ, và các tài liệu. Hồ sơ về Lahiri Mahasaya của tôi bắt đầu dày lên; tôi thất kinh nhận ra trước mặt mình là công trình cam go viết cuốn sách. Tôi cầu nguyện để mình có thể đủ sức trong vai trò người viết tiểu sử sư phụ vĩ đại. Một số đệ tử của thầy đã e sợ rằng trong một câu chuyện được viết ra, thầy của các vị có thể bị hạ thấp giá trị hay hiểu sai.

“Trong câu chữ lạnh lùng người ta khó mà đánh giá đúng cuộc đời của một hiện thân siêu việt,” Panchanon Bhattacharya có lần đã nói với tôi.

Các đệ tử thân cận khác cũng tương tự như vậy, mãn nguyện được giữ kín Yogavatar trong tim mình như một người thầy bất tử.

Tuy nhiên, nghĩ đến lời tiên tri của Lahiri Mahasaya về tiểu sử của thầy, tôi không tiếc công tìm và chứng minh cho được những sự kiện ngoài đời của thầy.

Ở Brindaban, Swami Keshabananda niềm nở chào đón nhóm chúng tôi tại Ashram Katyayani Peeth của thầy, một tòa nhà gạch trang nghiêm với những cột trụ đen to, xây giữa một khu vườn xinh đẹp. Thầy dẫn ngay chúng tôi vào một phòng khách được trang hoàng bằng ảnh Lahiri Mahasaya phóng to. Swami đã gần chín mươi, nhưng thân hình rắn rỏi của thầy toát lên vẻ khỏe mạnh. Với mái tóc dài và chòm râu trắng như tuyết, đôi mắt long lanh niềm vui, thầy là một hiện thân trưởng tộc đích thực. Tôi thưa với thầy là tôi muốn nhắc đến tên thầy trong cuốn sách tôi viết về các vị thầy Ấn Độ.

“Xin kể cho con nghe về cuộc đời thầy trước đây.” Tôi mỉm cười khẩn khoản; các đại yogi thường kiệm lời.

Keshabananda làm một cử chỉ nhún nhường. “Chẳng mấy khi ở ngoài đời đâu. Gần như cả đời ta ở giữa cái cô tịch của Himalaya, đi bộ từ động vắng này sang động vắng khác. Có thời ta có một cái am ngoài Hardwar, bao bọc bốn bề bởi một rừng cây cao. Đó là một chốn thanh vắng ít khách vãng lai, vì rắn hổ mang nhan nhản.” Keshabananda cười tủm tỉm. “Về sau, lũ sông Hằng cuốn sạch cả am lẫn rắn. Các đệ tử bèn giúp ta xây ashram Brindaban này.”

Một người trong nhóm chúng tôi hỏi swami thầy phòng thân ra sao trước hổ trên Himalaya.

Keshabananda lắc đầu. “Trên độ cao tâm linh ấy,” thầy nói, “mãnh thú hiếm khi quấy phá các yogi. Có lần trong rừng rậm, ta chạm trán một con hổ. Nghe thấy tiếng kêu bất thình lình của ta, con thú chết đứng như thể bị hóa đá.” Lần nữa swami tủm tỉm cười khi nhớ lại kỷ niệm này[8].

“Thỉnh thoảng ta rời nơi ẩn dật, về Banaras thăm sư phụ.

Thầy thường trêu ta về những chuyến đi bất tận giữa hoang vu Himalaya.”

“ ‘Con mang dấu ấn kẻ ưa phiêu bạt ở chân,’ có lần thầy bảo ta. ‘Ta mừng là Himalaya thiêng đủ rộng để bao trùm con.’

“Nhiều lần,” Keshabananda nói tiếp, “cả trước và sau khi mất, Lahiri Mahasaya hiện ra bằng xương bằng thịt trước mặt ta. Với thầy thì không có độ cao nào của Himalaya là không lên tới được!”

Hai giờ sau thầy dẫn chúng tôi ra hiên ăn. Tôi thở dài ngán ngẩm trong lòng. Lại một bữa ăn mười lăm món khác! Chưa đầy một năm của lòng hiếu khách Ấn Độ mà tôi đã tăng được hơn hai chục ký! Thế nhưng có lẽ sẽ là rất thô lỗ nếu từ chối bất cứ món nào, đã được chuẩn bị công phu cho những bữa tiệc liên miên để mừng tôi. Ở Ấn Độ (than ôi, không ở đâu khác!) thấy một swami mập mạp được xem là điều thú vị.

Ăn xong, Keshabananda dẫn tôi đến một góc yên tĩnh riêng tư.

“Chuyện con đến chẳng phải là điều bất ngờ,” thầy nói. “Ta có một lời nhắn cho con.”

Tôi ngạc nhiên; chẳng ai biết dự định viếng thăm Keshabananda của tôi cả.

“Năm ngoái khi đang lang thang ở Bắc Himalaya, gần Badrinarayan,” swami nói tiếp, “ta lạc đường. Chỗ nương náu hiện ra dưới dạng một hang động mênh mông, không bóng người, dù than hồng của đám lửa còn sáng rực trong một cái hố giữa nền đá.

Thắc mắc về người cư ngụ ở nơi ẩn dật cô tịch này, ta ngồi xuống cạnh đống lửa, nhìn ngây ra cửa hang ngập nắng.

“ ‘Keshabananda, ta mừng là con ở đây.’ Những lời này xuất phát từ sau lưng ta. Ta quay lại, giật mình, và bàng hoàng khi thấy Babaji! Đại sư phụ hiện ra ở một hốc trong hang. Vui mừng quá đỗi khi gặp lại ngài sau nhiều năm trời, ta phủ phục dưới chân thiêng.

“ ‘Ta đã gọi con tới đây,’ Babaji nói tiếp. “Vì vậy mà con đã lạc đường và được dẫn dắt đến chỗ trú tạm thời của ta trong hang động này. Đã lâu rồi kể từ lần cuối ta gặp nhau; ta vui lại được đón chào con.’ “Vị thầy bất tử ban phúc cho ta bằng mấy lời khuyên nhủ tâm linh, rồi nói thêm: ‘Ta trao con một lời nhắn cho Yogananda. Thầy ấy sẽ đến thăm con khi trở về Ấn Độ. Nhiều vấn đề có liên quan đến sư phụ của thầy ấy và các đệ tử còn sống của Lahiri Mahasaya sẽ làm cho Yogananda rất đỗi bận bịu. Lúc ấy, hãy bảo thầy, rằng lần này ta sẽ không gặp thầy, như thầy ấy thiết tha mong mỏi; mà ta sẽ gặp thầy vào một dịp khác.”

Tôi vô cùng cảm động đón nhận từ miệng Keshabananda lời hứa an ủi này của Babaji. Một nỗi đau nào đó trong tim tôi tiêu tan; tôi không còn buồn rằng, như Sri Yukteswar đã nói bóng gió, Babaji sẽ không xuất hiện tại Kumbha Mela.

Ở lại một đêm làm khách của ashram, chiều hôm sau nhóm chúng tôi lên đường đi Calcutta. Khi chạy xe qua cây cầu trên sông Yamuna, chúng tôi thưởng thức cảnh tráng lệ của chân trời Brindaban đúng lúc Mặt trời thắp lửa bầu trời – đích thực là một lò nung màu sắc của Thần Lửa, in bóng lên mặt nước phẳng lặng bên dưới chúng tôi.

Bờ sông Yamuna được thánh hóa bởi những ký ức về cậu bé Sri Krishna. Ở đây với vẻ đáng yêu hồn nhiên của mình, ngài đã tham gia vào các lila (trò chơi) với các gopi (thiếu nữ), điển hình cho tình yêu siêu việt vẫn mãi tồn tại giữa hiện thân trời và các tín đồ của ngài. Cuộc đời của thần Krishna đã bị nhiều nhà bình chú phương Tây hiểu sai. Ẩn dụ trong kinh thật khó hiểu đối với đầu óc phàm tục. Một sai lầm khôi hài của một dịch giả sẽ minh họa cho điểm này. Câu chuyện liên quan đến một bậc thánh cao quý thời Trung cổ, thợ sửa giày Ravidas, người rao hàng bằng những lời dung dị về vẻ rỡ ràng tâm linh ẩn sâu trong hết thảy chúng sinh:

Sống dưới vòm trời xanh bao la Những thánh thần mặc áo da.

Người ta sẽ ngoảnh đi cười thầm khi nghe sự diễn giải tầm thường về bài thơ của Ravidas bởi một tác giả Tây phương:

Sau đó ngài dựng một túp lều, trong đó đặt một tượng thần mà ngài làm bằng da sống, rồi một lòng thờ phụng nó.

Ravidas là đồng môn của Kabir cao cả. Một trong các chela xứng đáng của Ravidas là Rani xứ Chitor. Bà đã mời rất nhiều người thuộc đẳng cấp Bà La Môn đến dự bữa tiệc tỏ lòng kính trọng thầy mình, nhưng họ không chịu ngồi ăn cùng người thợ sửa giày hạ tiện. Khi họ ngồi xuống trong cách biệt phẩm giá để ăn bữa ăn không bị ô nhiễm của riêng mình thì, lạ thay! Mỗi tu sĩ Bà La Môn đều thấy bên cạnh mình hình dáng Ravidas. Cái linh ảnh tập thể này đã tạo nên một sự phục hưng tâm linh lan rộng ở Chitor.

Vài ngày sau, nhóm nhỏ chúng tôi về đến Calcutta. Nóng lòng muốn gặp Sri Yukteswar, tôi thất vọng khi nghe nói thầy đã rời Serampore và giờ đang ở Puri, chừng ba trăm dặm về phía Nam.

“Tới ashram Puri ngay.” Bức điện tín này được một đồng môn gửi vào ngày 8 tháng 3 cho Atul Chandra Roy Chowdhry, một trong các chela của thầy ở Calcutta. Tin về lời nhắn đến tai tôi; đau đớn vì cái ẩn ý trong đó, tôi quỳ sụp xuống khẩn cầu Thượng đế cứu mạng sư phụ mình. Khi tôi sắp sửa rời nhà cha lên tàu thì một giọng thiêng nói trong tôi.

“Tối nay đừng đi Puri. Lời cầu nguyện của con sẽ không được đáp lại.”

“Thượng đế hỡi,” tôi nói, lặng đi vì sầu đau, “Ngài không muốn đưa con vào một ‘cuộc giằng co’ ở Puri, nơi Ngài sẽ phải khước từ những lời cầu xin không dứt của con cho mạng sống của thầy. Thế thì, thầy con, phải vâng theo lời Ngài mà ra đi vì những sứ mệnh cao cả hơn sao?”

Vâng theo mệnh lệnh trong tâm, tôi không đi Puri đêm đó.

Chiều hôm sau tôi ra tàu; trên đường, lúc bảy giờ, một đám mây thiêng đen kịt bỗng đâu bao phủ bầu trời[9]. Sau đó, trong khi tàu rúc còi về hướng Puri, một linh ảnh của Sri Yukteswar hiện ra trước mắt tôi. Thầy đang ngồi, diện mạo rất nghiêm trang, hai bên là hai ngọn đèn.

“Phải chăng đã hết rồi?” Tôi giơ hai cánh tay lên khẩn khoản.

Thầy gật đầu, rồi từ từ biến mất.

Khi tôi đang ngồi giữa sân ga Puri sáng hôm sau, vẫn còn hy vọng hão huyền thì một người đàn ông lạ mặt đi lại chỗ tôi.

“Ngài đã nghe là Thầy của ngài mất rồi chưa?” Ông ta bỏ tôi đi không nói thêm câu nào; tôi không bao giờ biết được ông ta là ai và làm sao ông ta biết tôi ở đâu mà tìm.

Tê tái, tôi xoay qua dựa vào tường sân ga, nhận ra rằng bằng nhiều cách sư phụ đã cố nhắn lại cho tôi cái tin tàn khốc. Sôi sục phản kháng, tâm hồn tôi như một ngọn núi lửa. Khi tới được tịnh thất Puri thì tôi gần như sụp xuống. Giọng nói nội tâm dịu dàng nhắc đi nhắc lại: “Hãy trấn tĩnh lại. Hãy bình tĩnh.”

Tôi bước vào phòng ashram nơi thân xác thầy, sống động không tưởng, đang ngồi kiết già – trông rất khỏe mạnh và đáng yêu. Không lâu trước khi mất, sư phụ sốt nhẹ, nhưng trước ngày thầy lên cùng Thượng đế, thân thể thầy đã trở nên hoàn toàn khỏe mạnh. Dù tôi có nhìn hình hài thân thương của thầy không biết bao lần rồi thì tôi cũng không thể nhận ra rằng sự sống trong nó đã không còn. Da thầy mịn và mềm mại; gương mặt thầy mang vẻ cực lạc tịch lặng.

Thầy đã ý thức từ bỏ thể xác mình vào giờ triệu hồi huyền vi.

“Sư tử xứ Bengal đã đi rồi!” tôi kêu lên bàng hoàng.

Tôi cử hành các nghi thức long trọng vào ngày 10 tháng 3. Sri Yukteswar được chôn cất[10] theo các nghi thức xưa dành cho swami trong vườn ashram của thầy ở Puri. Sau đó các đệ tử của thầy xa gần đổ về để tỏ lòng kính trọng thầy trong một lễ tưởng niệm xuân phân. Amrita Bazar Patrika, tờ báo hàng đầu ở Calcutta, đăng ảnh thầy và bản tin sau đây:

Tang lễ Bhandara cho Srimat Swami Sri Yukteswar Giri Maharaj, 81 tuổi, đã diễn ra tại Puri vào ngày 21 tháng 3. Nhiều đệ tử đã về Puri để làm lễ.

Swami Maharaj, một trong những người bình giảng Bhagavad Gita vĩ đại nhất, là đại đệ tử của Yogiraj Sri Shyama Charan Lahiri Mahasaya ở Banaras. Swami Maharaj là người sáng lập một số trung tâm Yogoda Satsanga (Hội Tự giác) ở Ấn Độ, và là nguồn cảm hứng vĩ đại đằng sau phong trào yoga đã được truyền bá sang phương Tây bởi Swami Yogananda, trưởng đệ tử của thầy. Chính các khả năng tiên tri và giác ngộ thâm sâu của Sri Yukteswar đã khích lệ Swami Yogananda vượt biển và hoằng bá thông điệp của các bậc sư Ấn Độ ở Hoa Kỳ.

Những diễn giải về Bhagavad Gita và các kinh điển khác của Sri Yukteswar đã chứng thực chiều sâu sự am tường của thầy về triết học, cả Đông và Tây, và vẫn còn là một khai sáng về sự hòa hợp giữa Đông và Tây. Tin vào sự tương đồng của mọi tín ngưỡng, Sri Yukteswarj đã tổ chức ra Sadhu Sabha (Hội Thánh nhân) với sự hợp sức của các trưởng môn thuộc nhiều giáo phái và tín ngưỡng khác nhau, để khắc sâu tinh thần khoa học trong tôn giáo. Trước lúc qua đời thầy đã chỉ định Swami Yogananda là người kế tục của mình làm sư trưởng của Sadhu Sabha.

Hôm nay Ấn Độ quả thực đã nghèo đi vì sự mất mát một vĩ nhân như vậy. Cầu cho tất cả những ai đã được may mắn đến gần thầy khắc ghi trong lòng tinh thần chân chính của văn hóa Ấn Độ và sadhana đã được nhân cách hóa ở thầy.

Tôi về lại Calcutta. Vẫn chưa dám tin mình có thể tới tịnh thất Serampore với những ký ức thiêng liêng, tôi gọi đệ tử nhỏ của Sri Yukteswar ở Serampore là Prafulla lên và lo liệu cho cậu bé vào trường Ranchi.

“Buổi sáng ngài đi mela Allahabad,” Prafulla bảo tôi, “thầy ngã vật xuống đi văng.

“ ‘Yogananda đi rồi!’ thầy kêu lên. ‘Yogananda đi rồi!’ Thầy nói thêm khó hiểu, ‘Ta sẽ phải nói với nó bằng cách nào đó khác.’ Rồi thầy ngồi đó hàng giờ trong im lặng.”

Ngày nào của tôi cũng kín cả thuyết giảng, lớp học, phỏng vấn, và họp mặt với các bạn cũ. Bên dưới cái cười gượng và làm việc không ngừng, một dòng đen kịt suy nghĩ ủ ê làm vẩn đục dòng sông cực lạc nội tâm biết bao năm rồi uốn khúc dưới bãi cát toàn thể tri giác tôi.

“Hiền nhân siêu phàm ấy đi đâu rồi?” Tôi thầm khóc từ đáy sâu tinh thần vò xé.

Không có câu trả lời.

“Thôi cũng tốt là thầy đã trọn vẹn cuộc hợp nhất với Đấng Yêu thương Vũ trụ rồi,” tâm trí dỗ dành tôi. “Thầy đang tỏa sáng mãi hoài trong cõi bất tử.”

“Mình sẽ không bao giờ còn được thấy thầy trong tòa nhà Serampore cũ nữa,” tim tôi than van. “Mình sẽ không còn được đưa bạn đến thăm thầy nữa, hay hãnh diện mà nói: ‘Nhìn đây, Jnanavatar của Ấn Độ đang ngồi đấy!’”

Anh Wright đã lo thu xếp cho nhóm chúng tôi đi tàu từ Bombay sang phương Tây vào đầu tháng 6. Sau nửa tháng 5 dành cho những yến tiệc chia tay và diễn thuyết ở Calcutta, cô Bletsch, anh Wright và tôi lên chiếc Ford đi Bombay. Khi chúng tôi tới nơi, các viên chức trên tàu yêu cầu chúng tôi hủy vé, vì không thể kiếm ra chỗ trống cho chiếc Ford, cái chúng tôi sẽ lại cần ở châu Âu.

“Không sao cả,” tôi rầu rĩ nói với anh Wright. “Thầy muốn trở lại Puri một lần nữa.” Tôi thầm nói thêm, “Hãy để nước mắt mình lần nữa tưới lên mộ phần sư phụ.”


[1] Nghĩa đen, parama, tối thượng; hansa, thiên nga. Con thiên nga trắng theo thần thoại tượng trưng cho cỗ xe hay ngựa cưỡi của Brahma Đấng Sáng tạo. Người ta nói rằng hansa thiêng liêng có khả năng lấy sữa ra từ hỗn hợp sữa và nước, và do vậy là biểu tượng của trí phân biệt. Ahan-sa hay ’han-sa (đọc là hong-sau) nghĩa đen là “Ta là Ngài”. Những âm tiết Phạn có uy lực này có một mối liên hệ rung động với hơi thở vào và ra. Do vậy với mỗi hơi thở, một cách vô thức con người khẳng định chân lý về bản thể mình: Ta là Ngài!

[2]  Họ thường gọi tôi là sir cho dễ.

[3] Nghĩa là trỗi dậy từ những căn gốc xa xưa, những lần nếm trải cái chết trong quá khứ. Đoạn này xuất hiện trong Yoga Sutra II:9 của Patanjali.

[4] Các mela tôn giáo được nhắc đến trong Mahabharata xưa. Người lữ khách Trung Hoa là Huyền Trang đã miêu tả về một Kumbha Mela lớn tổ chức năm 644 tại Allahabad. Kumbha Mela được tổ chức ba năm một lần, kế tiếp nhau, ở Hardwar, Allahabad, Nasik, và Ujjain, quay lại Hardwar để hoàn tất một chu kỳ mười hai năm. Mỗi thành phố tổ chức Ardha (nửa) Kumbha vào năm thứ sáu sau Kumbha của mình; do vậy Kumbha và Ardha Kumbha được tổ chức, ở các thành phố khác nhau, cứ mỗi ba năm. Huyền Trang kể cho chúng ta là Harsha, vua ở Bắc Ấn Độ, phân phát cho các thầy tu và người hành hương tại Kumbha Mela toàn bộ của cải (sự tích trữ năm năm) trong quốc khố. Khi Huyền Trang lên đường về Trung Hoa, thầy đã từ chối quà chia tay là vàng bạc châu báu của Harsha; nhưng lại thỉnh về, vì có giá trị cao hơn, 657 cuốn kinh.

[5] Tôi không có mặt khi mẹ tôi, anh Ananta, chị cả Roma, thầy, cha, và nhiều người thân yêu khác qua đời. (Cha tôi mất ở Calcutta năm 1942, thọ tám mươi chín tuổi).

[6] Hàng trăm ngàn sadhu Ấn Độ được kiểm soát bởi một ủy ban điều hành gồm bảy người đứng đầu, đại diện cho bảy khu vực lớn ở Ấn Độ. Mahamandateswar hay sư trưởng hiện nay là Joyendra Puri. Con người thánh thiện này cực kỳ ít nói, thường chỉ nói gói gọn trong ba chữ – chân lý, tình thương, và công việc. Một cuộc trò chuyện thật đầy đủ!

[7] Một danh hiệu có nghĩa đen là “kẻ thấy bằng trí của mình” (không có thị giác).

[8] Xem ra có nhiều phương pháp để đánh lừa hổ. Nhà thám hiểm người Úc, Francis Birtles, đã kể lại rằng ông thấy rừng rậm Ấn Độ “đa dạng, xinh đẹp, và an toàn”. Cái bùa hộ mệnh của ông là giấy bẫy ruồi. “Đêm đêm tôi trải một lượng giấy quanh lều và không bao giờ bị quấy rầy,” ông giải thích. “Lý do thuộc về tâm lý. Hổ là loài thú có ý thức tự trọng cao. Nó lảng vảng và khiêu khích người cho đến khi nó tiến lại chỗ bẫy ruồi; nó bèn lẻn đi. Chẳng có con hổ có lòng tự trọng nào lại dám đối mặt với người sau khi đã ngồi xổm trên một cái bẫy ruồi nhớp nháp!”

[9] Sri Yukteswar mất vào giờ này – 7 giờ tối, ngày 9-3-1936.

[10] Phong tục tang lễ Ấn Độ đòi hỏi hỏa táng cho các cư sĩ; các swami và thầy tu các dòng khác không được hỏa táng, mà chôn. (Thỉnh thoảng cũng có những ngoại lệ). Xác của thầy tu một cách tượng trưng. được xem là đã trải qua hỏa táng trong ngọn lửa minh triết lúc phát thệ đi tu.

Tự truyện của một Yogi – Chương 41

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 41

CHƯƠNG 41 CẢNH ĐIỀN VIÊN Ở NAM ẤN ĐỘ

“Dick à, anh là người Tây phương đầu tiên đặt chân vào điện thờ đó. Nhiều người khác đã thử vô ích.”

Nghe tôi nói, anh Wright trông có vẻ giật mình, rồi hài lòng.

Chúng tôi vừa rời Đền Chamundi đẹp đẽ trên dãy núi nhìn về Mysore ở miền Bắc Ấn Độ. Ở đó, chúng tôi đã cúi lạy trước những bàn thờ nữ thần Chamundi bằng vàng và bạc, thần bảo hộ của dòng họ cai trị Mysore.

“Để làm kỷ niệm cho vinh dự độc nhất vô nhị,” anh Wright nói, thận trọng gói ít cánh hoa hồng, “tôi sẽ luôn gìn giữ mấy cánh hoa này, đã được thầy tu ban phúc bằng nước hoa hồng.”

Tháng 11 năm 1935, tôi và bạn đồng hành[1] làm khách của tiểu quốc Mysore. Người kế vị của Maharaja[2], thái tử Sri Kantheerava Narasimharaja Wadiyar, đã mời thư ký của tôi và tôi đến thăm vương quốc khai sáng và tiến bộ của ngài.

Suốt nửa tháng qua tôi đã nói chuyện trước hàng ngàn công dân và sinh viên thành phố Mysore tại tòa Thị chính, trường Đại học (College) của Maharaja, Trường Y; và ba cuộc gặp mặt đại chúng ở Bangalore, tại Trường Trung học Quốc gia, Cao đẳng, và tòa Thị chính Chetty, nơi có ba ngàn người đến dự.

Cử tọa háo hức có tin được bức tranh rực rỡ tôi vẽ về Hoa Kỳ hay không thì tôi không rõ; nhưng tiếng vỗ tay vẫn luôn nhiệt liệt nhất khi tôi nói đến những lợi ích tương hỗ sẽ nhận được từ việc trao đổi những nét tốt đẹp nhất của Đông và Tây.

Anh Wright và tôi giờ đang nghỉ ngơi trong cái thanh bình xứ nhiệt đới. Cuốn nhật ký hành trình của anh có bài miêu tả sau đây về những ấn tượng của anh với Mysore:

Đã có không biết bao nhiêu khoảnh khắc ngất ngây khi nhìn, gần như thẫn thờ, những bức vẽ biến đổi không ngừng của Thượng đế trải qua bầu trời, vì chỉ có nét cọ của Ngài mới có thể tạo ra những màu sắc rung động với cái tươi mới của sự sống. Cái tươi tắn của màu sắc ấy không còn khi con người cố nhại theo bằng những chất màu đơn thuần, vì Thượng đế dùng đến một chất liệu đơn giản và hiệu quả hơn – không có dầu hay chất màu mà chỉ là những tia sáng. Ngài vung một mảng ánh sáng ở đây, và thế là nó hắt ánh đỏ; Ngài vung cọ lần nữa và những màu ấy hòa trộn dần thành cam và vàng; rồi chấm một cái, Ngài đâm xuyên mấy đám mây với một vệt tím, để lại một vòng hay viền đỏ rỉ ra từ vết thương; và vậy là, Ngài tiếp tục nô đùa, ban tối cũng như ban sáng, vẫn mãi đổi thay, vẫn mãi mới mẻ, vẫn mãi tươi tắn; không có bản sao nào, không có hình ảnh hay sắc màu nào là như nhau. Cái đẹp chuyển tiếp từ ngày sang đêm, rồi từ đêm qua ngày ở Ấn Độ thì không đâu sánh được; bầu trời thường trông như thể Thượng đế đã gom hết mọi màu trong bộ đồ vẽ của mình rồi ném hết vào bầu trời như một kính vạn hoa khổng lồ.

Tôi phải kể lại cái tráng lệ của một buổi hoàng hôn đến thăm đập Krishnaraja Sagar[3] hùng vĩ, cách thành phố Mysore mười hai dặm.

Yoganandaji và tôi lên một xe buýt nhỏ và, cùng một cậu bé loắt choắt làm tàu chở hàng chính thức hay pin thay thế, khởi hành qua một con đường đất mịn ngay khi mặt trời lặn, là đà cuối chân trời như một quả cà chua chín mọng.

Hành trình của chúng tôi đi qua những đồng lúa vuông vắn mênh mang tít tắp, xuyên qua một khóm rừng đa dễ chịu, đi giữa hai hàng dừa cao ngất; gần như đâu đâu cây cỏ cũng rậm rạp như trong rừng. Gần tới đỉnh một ngọn đồi, chúng tôi nhìn thấy một cái hồ nhân tạo mênh mông, phản chiếu muôn vì sao và một viền cọ và các loại cây khác, và bao quanh là những vườn bậc thang yêu kiều và những hàng đèn điện.

Bên dưới gờ đập, chúng tôi thấy một quang cảnh lóa mắt: những tia màu sắc lấp lánh lung linh trên những đài phun tựa suối nước nóng, giống như những dòng mực lấp lánh bắn ra – những thác nước màu xanh lam, đỏ, lục, và vàng lộng lẫy; còn những con voi đá uy nghi thì đang phun nước. Cái đập (những đài phun nước sáng đèn làm tôi nhớ đến những đài phun nước tại Hội chợ Thế giới ở Chicago năm 1933) nổi bật

hiện đại giữa vùng đất cổ kính với những đồng lúa và những con người chất phác này. Người Ấn chào đón chúng tôi thân tình đến mức tôi e một mình tôi không đủ sức để đưa Yoganandaji về lại Hoa Kỳ.

Một đặc ân hiếm có khác – chuyến cưỡi voi đầu tiên của tôi. Hôm qua, Yuvaraja đã mời chúng tôi đến cung điện mùa hè để được cưỡi một chú voi của ngài, một con thú khổng lồ. Tôi trèo lên một cái thang người ta đưa cho mà lên được đến howdah hay bành voi, lót nệm lụa, hình hộp; và để rồi lăn, rồi chòng chành nghiêng ngửa, rồi thụp xuống, rồi lộn vòng xuống một cái mương – run tới mức không còn lo lắng hay la lên được, mà chỉ biết bám lấy để thoát chết!”

Nam Ấn Độ, giàu các di tích lịch sử và khảo cổ, là một vùng đất có sức hấp dẫn đã rõ ràng nhưng vẫn chưa thể định nghĩa được. Phía Bắc Mysore là Hyderabad, một cao nguyên đẹp như tranh với con sông Godavari hùng vĩ cắt ngang. Những đồng bằng phì nhiêu rộng lớn, Nilgiri hay “Rặng Núi Lam” yêu kiều, những vùng khác với đồi trọc đá vôi hay đá granit. Lịch sử Hyderabad là một câu chuyện dài, đầy màu sắc, khởi đầu từ ba ngàn năm trước dưới thời các vua Andhra và tiếp tục dưới các triều đại Ấn Độ cho đến năm 1294 sau công nguyên, khi vùng này được trao lại cho một dòng họ những nhà cai trị Hồi giáo.

Sự phô diễn kiến trúc, điêu khắc và hội họa cuốn hút nhất trong cả Ấn Độ được tìm thấy ở Hyderabad, trong các hang động khắc đá cổ xưa ở Ellora và Ajanta. Kailasa tại Ellora, một đền thờ lớn được làm từ đá nguyên khối, có những hình chạm khắc thần, người, và thú với sự cân xứng đáng kinh ngạc của Michelangelo. Ajanta là địa điểm của hai mươi lăm tu viện và năm nhà thờ, tất cả đều là các hốc đá được đỡ bằng những cột trụ bích họa rất lớn, trên đó các họa sĩ và nghệ sĩ điêu khắc đã bất tử hóa các vị thần của mình.

Thành phố Hyderabad vinh dự có Đại học Osmania và đền thờ Hồi giáo Mecca Masjid hùng vĩ, nơi mà cả chục ngàn tín đồ Hồi giáo đổ về để cầu nguyện.

Bang Mysore, cao hơn ba nghìn thước trên mực nước biển, có rất nhiều khu rừng nhiệt đới rậm rạp: nơi sinh sống của voi rừng, bò rừng, gấu, báo đen, và hổ. Hai thành phố chính, Bangalore và Mysore, sạch sẽ và duyên dáng, có nhiều công viên xinh đẹp và những khu vườn công cộng.

Kiến trúc và điêu khắc Ấn Độ đạt đến đỉnh cao toàn mỹ ở Mysore dưới sự bảo trợ của các vua Ấn từ thế kỷ mười một đến thế kỷ mười lăm. Ngôi đền tại Belur, một kiệt tác thế kỷ mười một được hoàn thành dưới thời vua Vishnuvardhana trị vì, là công trình có một không hai trên thế giới về sự tinh xảo của chi tiết và hình chạm khắc hoa mỹ.

Các chỉ dụ đá được tìm thấy ở Bắc Mysore có niên đại từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Chúng soi rọi ký ức về hoàng đế Asoka[4] mà đế quốc rộng lớn của ngài bao gồm Ấn Độ, Afghanistan, và Baluchistan. Các “dụ ngôn trên đá” của Asoka, được khắc bằng nhiều thổ ngữ khác nhau, làm chứng cho trình độ học thức phát triển rộng khắp dưới thời ngài. Chỉ dụ đá XIII phản đối can qua:

“Xét thấy không có cuộc chinh phục nào là chân chính ngoại trừ cuộc chinh phục của tôn giáo”. Chỉ dụ đá X khẳng định vinh quang đích thực của một vị vua tùy thuộc vào tiến bộ đạo đức mà ngài giúp thần dân của mình đạt được. Chỉ dụ đá XI định nghĩa “tặng vật đích thực”, không phải là của cải, mà là Cái Thiện – hoằng pháp.

Trên chỉ dụ đá VI vị hoàng đế kính yêu đã mời thần dân cùng bàn bạc quốc sự với ngài “bất kể lúc nào dù ngày hay đêm”, nói thêm rằng bằng sự tận trung hoàn thành các bổn phận của một vị vua mà ngài “mới có thể trả hết món nợ của ngài đối với đồng bào”.

Asoka là cháu của Chandragupta Maurya quyền uy, người đã tiêu diệt các đồn trú Alexander Đại đế bỏ lại Ấn Độ và là người vào năm 305 trước Công nguyên, đã đánh bại đội quân xâm lược Macedonia của Seleucus. Hồi bấy giờ, tại triều đình ở Pataliputra[5], Chandragupta đã tiếp đón sứ thần Hy Lạp Megasthenes, người đã để lại cho chúng ta những lời miêu tả về Ấn Độ phồn vinh và dám nghĩ dám làm vào thời của ngài.

Năm 298 trước Công nguyên, Chandragupta vẻ vang trao lại quyền trị vì Ấn Độ cho con trai. Đi về miền Nam Ấn Độ, Chandragupta dành mười hai năm cuối đời làm một nhà tu khổ hạnh không một xu dính túi, tìm kiếm tự giác ngộ trong một thạch động ở Sravanabelagola, giờ là điện thờ Mysore. Cũng chính vùng này lấy làm kiêu hãnh về bức tượng đá nguyên khối lớn nhất thế giới, được tín đồ Kỳ Na giáo[6] đẽo từ một tảng đá mòn khổng lồ vào năm 983 sau công nguyên để tỏ lòng tôn kính thánh hiền Gomateswara.

Những câu chuyện thú vị đã được các sử gia Hy Lạp và những người khác đi cùng hay theo sau Alexander trong cuộc viễn chinh đến Ấn Độ ghi lại tỉ mỉ. Những chuyện kể của Arrian, Diodoros, Plutarch và nhà địa lý Strabo đã được tiến sĩ J. W. McCrindle[7] dịch lại nhằm rọi một tia sáng lên Ấn Độ cổ đại. Điểm đáng khâm phục nhất trong cuộc xâm lược bất thành của Alexander là sự quan tâm sâu sắc mà ngài bộc lộ đối với triết học Ấn Độ và các yogi và tu sĩ mà thỉnh thoảng ngài gặp và tha thiết được kết giao. Không lâu sau khi nhà quân sự phương Tây này tới Taxila ở Bắc Ấn, ngài đã cử Onesikritos (một học trò trường phái Hy Lạp cổ đại của Diogenes) đi mời về một đại sannyasi xứ Taxila là Dandamis.

“Chào ngài, thầy của các tu sĩ Bà La Môn!” Onesikritos nói khi tìm ra Dandamis ở chốn ẩn dật trong rừng của thầy. “Con trai của thần Zeus toàn năng, là Alexander, là Chúa tể thiên hạ, mời thầy đến chỗ ngài. Nếu thầy thuận theo, ngài sẽ ban thưởng cho thầy những tặng vật hậu hĩ; nếu thầy khước từ, ngài sẽ chém đầu thầy!”

Vị yogi điềm nhiên lắng nghe lời mời khá cưỡng bức này, rồi “chẳng hề dù chỉ là ngẩng đầu lên khỏi chỗ nằm lót lá của mình”.

“Ta cũng là con trai của Zeus, nếu Alexander là vậy,” thầy nói. “Ta chẳng cần gì của Alexander, vì ta bằng lòng với cái ta có, trong khi ta thấy rằng hắn ta cùng thuộc hạ rong ruổi khắp biển cả và đất liền thật vô ích, và chẳng bao giờ đi đến cùng những cuộc phiêu bạt của mình.

“Hãy đi mà bảo Alexander rằng Thượng đế Vua Tối thượng không bao giờ là Tác giả của điều sai trái xấc xược, mà là Đấng Sáng tạo ánh sáng, hòa bình, sự sống, nước, thân người và linh hồn; Ngài đón nhận hết thảy mọi người khi cái chết giải thoát cho họ, bấy giờ không còn phải chịu bệnh tật quái ác. Chỉ có Ngài, đấng ghê tởm chém giết và chẳng dấy cuộc binh đao, mới là Thượng đế ta tôn kính.

“Alexander không phải là thần linh, vì vậy hắn ta sẽ phải nếm mùi cái chết,” nhà hiền triết nói tiếp kín đáo khinh miệt. “Làm sao mà hắn có thể là chúa tể thiên hạ như vậy được khi mà hắn còn chưa ngự trên ngai thống trị vũ trụ nội tâm? Hắn chưa từng bước vào cõi u minh khi đang còn sống, cũng như hắn thậm chí còn chưa rõ đường đi của thái dương qua những miền bao la của mặt đất này. Phần nhiều xứ sở còn chưa nghe danh hắn nữa là!”

Sau lời quở phạt này – chắc chắn là lời trừng phạt chua cay nhất từng nói ra để công kích tai của “Chúa tể Thế giới” – nhà hiền triết nói thêm châm biếm, “Nếu lãnh thổ của Alexander hiện tại vẫn chưa đủ lớn so với những tham muốn của hắn, hãy bảo hắn vượt sông Hằng; ở đó hắn sẽ tìm thấy một xứ sở có thể cưu mang hết người của hắn[8].

“Những tặng vật mà Alexander hứa là vô bổ với ta,” Dandamis nói tiếp. “Những thứ ta trân quý và thấy có chân giá trị là cây cối, mái che cho ta; cỏ hoa bừng nở, thứ cho ta cái ăn mỗi ngày; và nước, cái làm dịu cơn khát cho ta. Của cải chất đống cùng những ý nghĩ nơm nớp thường tỏ ra tai hại cho kẻ tích cóp chúng, chỉ đem lại lo âu và phiền toái vẫn làm khổ hết thảy những kẻ chưa giác ngộ.

“Còn với ta, ta nằm trên lá rừng, và, chẳng có gì mà canh giữ, nhắm mắt trong giấc bình yên; trong khi, nếu ta có thứ gì có giá trị vật chất, gánh nặng ấy sẽ xua đi giấc ngủ. Trái đất dâng cho ta mọi thứ ta cần, như người mẹ cho con mình sữa. Ta đi đâu ta muốn, thênh thang tịnh chẳng còn những lo toan vật chất.

“Alexander mà có chém đầu ta, hắn ta cũng chẳng thể hủy diệt linh hồn ta. Đầu ta, lúc ấy lặng câm, còn thân ta, như một tấm áo sờn, sẽ nằm lại trên đất nơi mà từ đó lấy ra các nguyên tố của thân ta. Bấy giờ ta, trở thành Tinh thần, sẽ lên cùng Thượng đế.

Ngài bọc tất thảy chúng ta trong da thịt rồi bỏ chúng ta xuống trái đất để chứng minh liệu, khi ở dưới này rồi, chúng ta có sống tuân theo răn dạy của Ngài hay không; rồi Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta, khi chúng ta từ đây ra đi, thuật lại đời mình. Ngài là Quan tòa xét mọi trái sai; tiếng rên than của kẻ bị áp bức sẽ quy định hình phạt dành cho kẻ áp bức.

“Cứ để Alexander bằng lời hăm dọa làm run sợ những kẻ thèm muốn của cải và kẻ sợ chết. Với các tu sĩ Bà La Môn, vũ khí của hắn bất lực; chúng ta không quý vàng mà cũng chẳng sợ chết.

Vậy thì hãy đi mà bảo Alexander điều này: Dandamis chẳng cần thứ gì của ngài cả, và vì vậy mà sẽ không đến diện kiến ngài; và, nếu ngài có cần gì ở Dandamis thì ngài hãy đi mà gặp ông ấy.”

Onesikritos truyền đạt lại nguyên văn lời nhắn; Alexander chăm chú lắng nghe, và “cảm thấy một mong muốn mãnh liệt chưa từng có là được gặp Dandamis; người, dù già nua lõa thể, lại là đối thủ duy nhất mà ngài, kẻ đã chinh phạt nhiều dân tộc, thấy rằng còn hơn cả ngang sức với mình.”

Alexander cho vời đến Taxila một số nhà tu khổ hạnh Bà La Môn nổi tiếng bởi tài ứng đáp các câu hỏi triết lý với tri kiến súc tích. Plutarch đã thuật lại một cuộc khẩu chiến; chính Alexander là người nghĩ ra mọi câu hỏi.

“Cái gì nhiều hơn, người sống hay người chết?”

“Người sống, vì người chết không còn nữa.”

“Cái gì nuôi được thú lớn hơn, biển hay đất liền?”

“Đất liền, vì biển chỉ là một phần của đất liền.”

“Loài thú nào thông minh hơn cả?”

“Là loài thú mà con người chưa biết.” (Con người sợ cái chưa biết.) “Cái gì có trước, ngày hay đêm?”

“Ngày là trước tiên bởi một ngày.” Câu trả lời này khiến Alexander tỏ vẻ ngạc nhiên; tu sĩ Bà La Môn nói thêm: “Những câu hỏi bất khả cần có những câu trả lời bất khả.”

“Một người có thể làm cho mình được yêu mến bằng cách nào hay nhất?”

“Một người sẽ được yêu mến nếu, có sức mạnh ghê gớm, y vẫn không làm cho mình bị mọi người khiếp sợ.”

“Con người có thể trở thành thần bằng cách nào[9]?”

“Bằng cách làm cái con người không thể làm.”

“Cái gì mạnh hơn, sự sống hay cái chết?”

“Sự sống, vì nó chứa rất nhiều cái ác.”

Alexander cuối cùng cũng đã mời được một yogi chân chính của Ấn Độ về làm thầy. Vị này là Kalyana (Swami Sphines), người Hy Lạp gọi là “Kalanos”. Nhà hiền triết ấy theo Alexander đi Ba Tư. Vào ngày đã báo trước, tại Susa ở Ba Tư, Kalanos từ bỏ thân xác già nua bằng cách bước vào giàn thiêu trước cái nhìn của ba quân Macedonia. Các sử gia ghi lại sự sửng sốt của binh sĩ khi họ trông thấy yogi không sợ đau hay sợ chết; thầy không một lần rời khỏi chỗ khi bị ngọn lửa thiêu đốt dần. Trước khi đến chỗ hỏa táng, Kalanos đã ôm nhiều người bạn thân thiết của mình nhưng nén lại không chào từ biệt Alexander, với người ấy nhà hiền triết Ấn Độ chỉ nói:

“Ta sẽ gặp lại ngài sau ở Babylon.”

Alexander rời Ba Tư và, một năm sau, mất ở Babylon. Lời tiên tri là cách của sư phụ Ấn nói rằng thầy sẽ có mặt bên Alexander khi còn sống cũng như khi đã chết.

Các sử gia Hy Lạp đã để lại cho chúng ta nhiều hình ảnh sống động và khai sáng về xã hội Ấn Độ. Luật Ấn Độ, Arrian bảo chúng ta, bảo vệ dân chúng và “quy định rằng không ai trong họ sẽ, trong bất kỳ tình huống nào, là nô lệ; nhưng, khi được hưởng tự do, họ sẽ phải tôn trọng quyền bình đẳng mà mọi người đều có được[10].”

“Người Ấn”, một tài liệu khác nói rõ, “không cho vay nặng lãi mà cũng không biết vay mượn. Điều đó trái với tập quán mà người Ấn đã quen là làm hay chịu đựng một điều sai trái; do vậy họ không làm giao kèo mà cũng không đòi thế chấp.” Việc chữa bệnh, người ta kể cho chúng ta, thì bằng các biện pháp đơn sơ và tự nhiên. “Việc chữa trị được thực hiện bằng chế độ ăn uống điều hòa hơn là sử dụng thuốc men. Các phương thuốc được xem trọng nhất là thuốc mỡ và thuốc đắp. Mọi thứ còn lại đều được xem là vô cùng nguy hại.” Việc tham chiến chỉ giới hạn cho Kshatriya hay đẳng cấp chiến binh. “Sẽ không một kẻ địch nào, tới gần một nông dân đang làm lụng trên đất mình và làm hại gì người đó; vì người thuộc đẳng cấp này được xem là những kẻ làm ra lợi lạc chung và được bảo vệ khỏi bị tổn thương. Đất đai do vậy không bị tàn phá và cho vụ mùa bội thu, cung cấp cho dân cư những thứ cần thiết để làm cho cuộc sống ấm no.”

Những điện thờ có mặt khắp nơi ở Mysore là sự nhắc nhở thường trực về nhiều đại thánh của Nam Ấn. Một trong những vị thầy này, Thayuamnavar, đã để lại cho chúng ta bài thơ thách thức sau:

Các người có thể hàng phục voi hung;

Các người có thể làm gấu và hổ im tiếng;y

Cưỡi sư tử và đùa rắn hổ mang;

Các người có thể sống bằng nghề phù phép;

Các người có thể phiêu bạt khắp đất trời vô định;

Biến thần thành nô lệ; trẻ mãi không già;

Các người có thể đi trên nước và sống trong lửa:

Nhưng làm chủ tâm thì tốt hơn và khó hơn.

Ở vương quốc Travancore phì nhiêu và tươi đẹp ở cực Nam Ấn Độ, nơi giao thông diễn ra trên sông ngòi và kênh rạch, Maharaja hằng năm nhận lấy một nghĩa vụ cha truyền con nối là chuộc lại lỗi lầm do Travancore đã bắt các tiểu quốc phải gánh chịu các cuộc binh đao và thôn tính trong quá khứ xa xưa. Mỗi năm suốt năm mươi sáu ngày, Maharaja viếng đền ba lần mỗi ngày để nghe tụng ca và các chuyện kể Vệ Đà; lễ sám hối kết thúc bằng lakshadipam hay thắp sáng đền bằng một trăm nghìn ngọn đèn.

Tổng xứ Madras (Madras Presidency) ở bờ Đông Nam Ấn Độ bao gồm Thành phố Madras bằng phẳng, mênh mông, biển bao bọc, và Conjeeveram, thành phố Vàng, địa điểm kinh đô của triều đại các vua Pallava trị vì vào những thế kỷ đầu công nguyên. Ở tổng xứ Madras ngày nay, những lý tưởng bất bạo động của Mahatma Gandhi đã có một bước tiến lớn; những cái “mũ Gandhi” trắng đặc trưng xuất hiện khắp nơi. Ở miền Nam nói chung Mahatma đã tác động đến nhiều cải cách đền thờ quan trọng cho “tiện dân” cũng như các cải cách hệ thống đẳng cấp.

Khởi nguyên của hệ thống đẳng cấp, do nhà làm luật vĩ đại Manu đặt ra, thật đáng khâm phục. Ông thấy rõ rằng con người theo tiến hóa tự nhiên chia thành bốn nhóm lớn: những kẻ có khả năng phục vụ xã hội bằng lao động chân tay (Sudra-Thủ Đà La); những kẻ phục vụ bằng tinh thần, sự tháo vát, nông nghiệp, buôn bán, thương mại, đời sống kinh doanh nói chung (Vaisya-Phệ Xá); những kẻ có tài về hành chính, điều hành, và bảo vệ – giới cai trị và chiến binh (Kshatriya-Sát Đế Lợi); những kẻ tư chất trầm tư, được khai sáng và đi khai sáng (Brahmin-Bà La Môn). “Không phải dòng dõi, không phải nghi lễ hay học hỏi, hay tổ tiên có thể định ra một người có phải là được sinh ra hai lần hay không (nghĩa là một tu sĩ Bà La Môn),” Mahabharata khẳng định, “chỉ có nhân cách và hạnh kiểm mới có thể quyết định[11].” Manu khuyên xã hội tỏ lòng kính trọng người trong xã hội trong chừng mực họ có trí tuệ, phẩm hạnh, tuổi tác, quan hệ họ hàng, hay cuối cùng, là của cải. Sự giàu có ở Ấn Độ của Vệ Đà luôn bị xem thường nếu nó được tích trữ hay không sẵn sàng cho các mục đích từ thiện. Những kẻ giàu có keo kiệt bị gán xuống hạng thấp trong xã hội.

Những sai trái trầm trọng nảy sinh khi hệ thống đẳng cấp qua nhiều thế kỷ chai cứng thành dây thòng lọng cha truyền con nối.

Ấn Độ, độc lập từ năm 1947, đang có tiến bộ chậm mà chắc trong việc khôi phục những giá trị xưa về đẳng cấp, chỉ dựa trên phẩm chất tự nhiên mà không phải trên dòng dõi. Dân tộc nào trên trái đất này cũng đều có nghiệp tạo khổ của chính mình phải đối phó và tận diệt một cách danh dự. Ấn Độ, với tinh thần tháo vát và không thể bị tấn công của mình, đang chứng tỏ mình đủ sức cho nhiệm vụ cải cách đẳng cấp.

Nam Ấn quyến rũ đến mức anh Wright và tôi ước ao kéo dài cảnh điền viên của mình. Nhưng thời gian, với tính tàn nhẫn của nó từ thuở khai thiên lập địa, không rộng lượng cho chúng tôi ở lại thêm. Tôi sắp phải phát biểu trước phiên bế mạc Hội nghị Triết học Ấn Độ tại Đại học Calcutta. Cuối chuyến thăm Mysore tôi có được một cuộc trò chuyện với Tôn ông C. V. Raman, chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Ấn Độ. Nhà vật lý học người Ấn lỗi lạc này được trao giải Nobel năm 1930 cho “Hiệu ứng Raman”, khám phá quan trọng của ông về sự tán xạ ánh sáng.

Miễn cưỡng vẫy chào tạm biệt đám đông môn sinh và bạn bè ở Madras, anh Wright và tôi bắt đầu những chuyến phiêu lưu của mình. Trên đường chúng tôi dừng lại trước một điện thờ nhỏ để tưởng nhớ Sadasiva Brahman[12] mà câu chuyện đời ngài vào thế kỷ mười tám có vô số phép lạ. Một điện thờ Sadasiva lớn hơn tại Nerur, được Raja xứ Pudukkottai dựng nên, là điểm hành hương đã chứng kiến nhiều phép chữa bệnh thiêng liêng. Các nhà cai trị kế tiếp nhau ở Pudukkottai đã trân quý các giới răn mà Sadasiva viết năm 1750 để hướng dẫn thái tử trị vì.

Nhiều câu chuyện kỳ lạ về Sadasiva, một bậc sư toàn giác đáng yêu, vẫn còn truyền tụng trong dân làng Nam Ấn Độ. Một hôm Sadasiva đang chìm trong samadhi bên bờ sông Kaveri thì người ta thấy thầy bất ngờ bị một cơn lũ cuốn đi. Nhiều tuần sau người ta tìm thấy thầy bị vùi sâu dưới một gò đất gần Kodumudi ở quận Coimbatore. Khi xẻng của dân làng chạm phải thân thánh, thánh đứng dậy rồi thoăn thoắt đi mất.

Sadasiva trở thành một muni (thánh tịnh khẩu) sau khi sư phụ Shankaracharya ở Sringeri Math, Đức Sri Sacchidananda Sivabhinava Narasimha Bharati, đã viết một Tụng ca xúc động tặng Sadasiva.

quở trách thầy vì đã đánh bại một học giả Vedanta cao niên bằng tranh luận biện chứng. “Khi nào thì mi, một người trẻ, học được cách ngậm miệng?” sư phụ nói.

“Với sự ban phúc của thầy, thậm chí là ngay từ phút này.”

Sư phụ của Sadasiva là Swami Sri Paramasivendra Saraswati, tác giả của Daharavidya Prakasika và một bình chú uyên thâm về Uttara Gita. Một số người đời, thấy chướng mặt vì Sadasiva say sưa Thượng đế thường nhảy múa “không được đoan chính” giữa đường, đã tới phàn nàn với sư phụ uyên thâm của thầy. “Thưa thầy,” họ kêu, “Sadasiva chẳng khác nào một kẻ điên.”

Nhưng Paramasivendra mỉm cười vui vẻ. “Ồ,” thầy kêu lên, “giá mà kẻ khác cũng có được cái điên ấy!”

Cuộc đời của Sadasiva được đánh dấu bằng nhiều hóa hiện kỳ lạ và đẹp đẽ của Bàn tay Can thiệp. Có rất nhiều điều có vẻ bất công trên thế giới này; nhưng các tín đồ của Thượng đế có thể chứng thực vô số ví dụ về sự công bằng tức thì của Ngài. Một đêm nọ, Sadasiva, trong samadhi, dừng bên kho thóc của một gia chủ giàu có. Ba gia nhân, đang canh chừng trộm, giơ gậy lên đánh thánh. Ô hay! cánh tay họ hóa đá. Như tượng, cánh tay giơ cao, bộ ba đứng trong một hoạt cảnh kỳ cục cho đến khi Sadasiva ra đi lúc bình minh.

Một dịp khác, đại sư bị một đốc công lỗ mãng đi ngang qua ép phải lao dịch, lao công của hắn đang khuân chất đốt. Vị thánh lẳng lặng khiêm nhường vác gánh nặng tới chỗ được yêu cầu rồi chất vật nặng của mình lên một đống to. Cả đống chất đốt tức thì bùng lên thành ngọn lửa.

Sadasiva, như Trailanga Swami, không mặc áo quần. Một sáng, yogi lõa thể đãng trí bước vào lều của một thủ lĩnh Hồi giáo.

Hai nữ chủ thét lên hoảng hốt; chiến binh đâm một lưỡi kiếm tàn bạo vào Sadasiva, cánh tay thầy đứt lìa. Thầy bỏ đi chẳng bận tâm.

Ngập tràn kính sợ và ăn năn, người Hồi giáo nhặt cánh tay dưới đất lên rồi đi theo Sadasiva. Yogi lặng lẽ cắm khúc tay vào phần tay còn lại đang chảy máu. Khi thủ lĩnh khiêm cung xin được giáo huấn đôi điều, Sadasiva viết bằng ngón tay lên cát:

“Đừng làm cái mi muốn, bấy giờ mi có thể làm cái mi thích.”

Người Hồi giáo được đưa lên một trạng thái tâm thanh khiết và hiểu lời khuyên nghịch lý là một chỉ dẫn đến sự tự tại của linh hồn qua việc điều phục bản ngã. Ảnh hưởng tâm linh của đôi lời ấy lớn đến mức chiến binh trở thành một đệ tử cao quý; những chốn tới lui ngày xưa của y không còn thấy bóng y nữa.

Trẻ con trong làng trước mặt Sadasiva, từng tỏ lòng mong muốn là được xem lễ hội tôn giáo Madura, cách đó một trăm năm mươi dặm. Yogi ra hiệu cho bọn trẻ để chúng chạm vào người thầy. Lạ chưa! tức thì cả đám được đưa đến Madura. Bọn trẻ sung sướng tha thẩn giữa hàng ngàn người hành hương. Vài giờ sau, yogi đưa bọn trẻ về nhà bằng cách vận chuyển đơn giản của mình. Cha mẹ sửng sốt lắng nghe những câu chuyện sống động về đám rước tượng ở Madura, và nhận thấy là bọn trẻ đang cầm mấy túi bánh kẹo của Madura.

Một thanh niên nghi ngờ chế nhạo thánh và câu chuyện ấy.

Vào dịp lễ hội tôn giáo sau, tổ chức ở Srirangam, anh chàng tới bên Sadasiva.

“Thầy,” hắn ta nói khinh khỉnh, “sao thầy không đưa tôi tới lễ hội ở Srirangam, như thầy đã mang bọn trẻ kia tới Madura?”

Sadasiva làm theo; chàng trai tức thì nhận ra mình đang ở giữa đám thị dân xa xôi. Nhưng hỡi ôi! vị thánh đâu mất rồi khi gã thanh niên này muốn về? Chàng trai mệt lử về tới nhà bằng cách tầm thường là cuốc bộ.

Trước khi rời Nam Ấn Độ, anh Wright và tôi làm chuyến hành hương đến đồi thiêng Arunachala gần Tiruvannamalai để gặp Sri Ramana Maharshi. Nhà hiền triết trìu mến chào đón chúng tôi tại ashram của mình và chỉ một xấp tạp chí Đông-Tây gần bên. Suốt những giờ chúng tôi ở cùng thầy và các đệ tử, thầy chủ yếu là im lặng, khuôn mặt dịu dàng của thầy tỏa sáng tình yêu siêu thế và trí tuệ.

Để giúp nhân loại đau khổ có lại trạng thái Toàn thiện đã quên của mình, Sri Ramana dạy rằng ta nên liên tục tự hỏi mình:

“Ta là ai?” – quả thực là Câu hỏi Lớn. Bằng cách nghiêm khắc cự tuyệt mọi ý nghĩ khác tín đồ sẽ sớm nhận ra mình càng lúc càng đi sâu hơn vào Chân ngã, và những hỗn loạn bên lề của những ý nghĩ khác sẽ ngừng vọng lên. Rishi giác ngộ của Nam Ấn đã viết:

Nhị nguyên và ba ngôi phải tựa một cái gì,

Không hiện ra nếu không được đỡ;

Tìm vật chống ấy, chúng lung lay, đổ xuống.

Chân lý đây rồi. Kẻ nào thấy nó sẽ không còn dao động nữa.


[1] Cô Bletsch đã ở lại với người nhà của tôi ở Calcutta.

[2] Maharaja Sri Krishna Rajendra Wadiyar IV.

[3] Đập thủy lợi, được xây vào năm 1930 để phục vụ cho khu vực gần thành phố Mysore, nổi tiếng về lụa, xà phòng và dầu đàn hương.

[4] Hoàng đế Asoka dựng 84.000 stupa (bảo tháp) ở nhiều vùng khác nhau trên đất Ấn Độ. Mười bốn chỉ dụ đá và mười trụ đá vẫn còn đến ngày nay. Mỗi trụ là một thành tựu của kỹ thuật xây dựng, kiến trúc và điêu khắc. Ngài đã cho xây dựng nhiều hồ chứa nước, đập, kênh đào tưới tiêu; đường cái và những con đường rợp bóng cây đây với những nhà nghỉ cho lữ khách; những vườn thực vật dành cho các mục đích y học; và các bệnh viện cho người và thú.

[5] Thành phố Pataliputra (Patna ngày nay) có một lịch sử thú vị. Đức Phật đã đến thăm nơi này vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên khi nó chỉ là một pháo đài bình thường. Ngài đã có lời tiên tri như sau: “Bao giờ người Aryan thường xuyên lui tới, bao giờ thương nhân đi lại, Pataliputra sẽ trở thành kinh đô của họ, một trung tâm trao đổi mọi thứ hàng hóa.” (Kinh Đại bát Niết bàn) Hai thế kỷ sau, Pataliputra trở thành kinh đô của đế quốc rộng lớn của Chandragupta Maurya. Cháu ngài là Asoka đã đưa kinh đô tới sự phồn thịnh và lộng lẫy hơn nữa.

[6] Một tôn giáo cổ của Ấn Độ với tư tưởng trọng tâm là bất hại với mọi chúng sinh. (ND – BBT)

[7] Sáu cuốn sách về Ancient India (Ấn Độ cổ đại) (Calcutta: Chuckervertty, Chatterjee & Co., 15 College Square; 1879, tái bản vào năm 1927).

[8] Cả Alexander lẫn các tướng lĩnh của ngài, chưa ai băng qua sông Hằng. Thấy sự kháng cự quyết liệt ở tây bắc, quân đội Macedonia làm binh biến bằng cách không chịu đi xa hơn; Alexander buộc phải rút khỏi Ấn Độ. Ngài tìm kiếm các cuộc chinh phạt tiếp theo ở Ba Tư.

[9] Qua câu hỏi này ta có thể giả định rằng “Con của Zeus” thỉnh thoảng đã ngờ rằng mình chưa đạt được sự hoàn thiện.

[10] Hết thảy các nhà quan sát Hy Lạp đều bình luận về việc không có chế độ nô lệ ở Ấn Độ, một đặc điểm mâu thuẫn hoàn toàn với cơ cấu xã hội Hy Lạp cổ đại. Creative India (Ấn Độ sáng tạo) của giáo sư Benoy Kumar Sarkar đã đem lại một bức tranh toàn diện về những thành tựu của Ấn Độ cổ kim và các giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học chính trị, văn học, nghệ thuật, và triết học xã hội. (Lahore: Nhà xuất bản Motilal Banarsi Dass, 1937, 714 trang). Một cuốn khác được giới thiệu là Indian Culture Through the Ages (Văn hóa Ấn Độ qua các thời đại) của S. V. Venkatesvara (New York: Longmans, Green & Co.).

[11] “Việc thuộc về một trong bốn đẳng cấp này ban đầu không phụ thuộc vào dòng dõi của một người mà các thiên khiếu của y được chứng minh bởi mục đích trong đời mà y chọn để đạt được,” Tara Mata viết trong Đông-Tây tháng Giêng năm 1935. “Mục đích này có thể là (1) kama, dục vọng, các hoạt động của đời sống theo giác quan (giai đoạn Sudra), (2) artha, đạt được, thỏa mãn nhưng kiểm soát các dục vọng (giai đoạn Vaisya), (3) dharma, tự kỷ luật, đời sống trách nhiệm và chính nghiệp (giai đoạn Kshatriya), (4) moksha, giải thoát, đời sống tâm linh và giáo hóa (giai đoạn Bà La Môn). Bốn đẳng cấp này phụng sự loài người bằng (1) thân, (2) trí, (3) tâm lực, (4) Tinh thần. “Bốn giai đoạn này có sự tương ứng với các guna bất biến hay phẩm tính của tự nhiên, tama, raja, và sattva: cản trở, hoạt động, và phát triển; hay, khối lượng, năng lượng và trí tuệ. Bốn đẳng cấp tự nhiên được đánh dấu bởi các guna như (1) tama (vô minh), (2) tama-raja (kết hợp của vô minh và hoạt động), (3) raja-sattva (kết hợp của chính nghiệp và giác ngộ), (4) sattva (giác ngộ). Theo cách đó, thiên nhiên đánh dấu mỗi người bằng đẳng cấp của mình, bằng ưu thế ở người đó trong một, hay kết hợp của hai guna. Dĩ nhiên mỗi con người đều có cả ba guna theo những tỉ lệ khác nhau. Sư phụ sẽ có thể xác định đúng đẳng cấp hay tình trạng tiến hóa của một người. “Trong một chừng mực nào đó, mọi chủng tộc và dân tộc đều tuân theo trong thực tiễn, nếu không phải là trên lý thuyết, các đặc điểm của đẳng cấp. Nơi nào có sự cho phép rộng rãi hay cái gọi là tự do, nhất là trong việc hôn phối giữa các cực trong các đẳng cấp tự nhiên, chủng tộc sẽ lụn bại dần và trở nên tuyệt chủng. Purana Samhita so sánh hậu duệ của các cuộc hôn phối như vậy với các loài lai vô sinh, như lừa, thứ không thể nhân giống chính loài của mình. Các loài nhân tạo cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Lịch sử đã cung cấp rất nhiều bằng chứng về rất nhiều chủng tộc lớn đã không còn đại diện sống nào nữa. Hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ được phần lớn các nhà tư tưởng uyên thâm của Ấn Độ công nhận là sự kiểm tra hay sự cho phép có tính ngăn ngừa đã bảo tồn sự thuần khiết của chủng tộc và đưa nó qua nhiều thiên niên kỷ thăng trầm một cách an toàn, dù nhiều chủng tộc xưa khác đã biến mất hoàn toàn.”

[12] Danh xưng chính thức của thầy là Swami Sri Sadasivendra Saraswati mà thầy dùng để ký trong các sách của mình (các bình chú về _Brahma Sutra_ và cả _Yoga Sutra_ của Patanjali). Thầy rất được các triết gia Ấn Độ ngày nay kính trọng.