Tự truyện của một Yogi – Chương 49 & HẾT

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 49

CHƯƠNG 49 Những năm 1940-1951

“Chúng tôi quả đã học được giá trị của thiền, và biết rằng không gì có thể làm xáo trộn sự an tịnh nội tâm của mình. Mấy tuần qua, trong các buổi họp mặt, chúng tôi đã nghe thấy những báo động không kích và lắng nghe tiếng bom nổ chậm, nhưng môn sinh chúng tôi vẫn nhóm lại và vui hưởng trọn vẹn buổi lễ trang trọng của mình.”

Lá thư khí phách này, của trưởng Trung tâm Hội Tự giác London, là một trong nhiều lá thư gửi cho tôi từ nước Anh và châu Âu bị chiến tranh tàn phá trong những năm trước khi Hoa Kỳ tham gia Thế chiến II.

Tiến sĩ L. Cranmer-Byng ở London, biên tập có tiếng của The Wisdom of the East Series (Tủ sách Minh triết Đông phương), năm 1942 đã viết cho tôi như sau:

“Khi tôi đọc Đông-Tây[1] thì tôi nhận ra dường như ta xa nhau biết chừng nào, rõ ràng sống trong hai thế giới khác biệt. Cái đẹp, trật tự, tĩnh lặng và hòa bình từ Los Angeles đến với tôi, như một con thuyền đầy ắp ân huệ và ai ủi của Chén Thánh đi vào cảng, đến một thành phố bị bao vây.

“Tôi thấy như trong chiêm bao khóm rừng cọ của ngài, và tu viện ở Encinitas với những dải biển và cảnh núi; và hơn hết là hội của những người có tư tưởng tâm linh – một cộng đồng hiểu biết trong hợp nhất, chìm đắm trong công việc sáng tạo, và lấp đầy trong trầm tư… Xin gửi đến toàn thể Hội lời chào từ một người lính trơn, viết trên tháp canh chờ bình minh.”

Đền thờ Mọi Tôn giáo ở Hollywood, bang California, được nhân công Hội Tự giác xây và khánh thành vào năm 1942. Một năm sau, một đền khác được xây ở San Diego, bang California; rồi năm 1947, một đền thờ nữa ở Long Beach, bang California[2].

Năm 1949, một trong những khu đất đẹp nhất trên thế giới, một xứ thần tiên hoa cỏ tại Pacific Palisades ở Los Angeles, được tặng cho Hội Tự giác. Vùng đất mười mẫu Anh (acre) là một giảng đường thiên nhiên, bao quanh là những ngọn đồi xanh tươi. Một cái hồ tự nhiên rộng, một viên ngọc xanh trên chiếc vương miện núi, đã đem lại cho khu đất cái tên Hồ Miếu). Ngôi nhà kiểu cối xay gió Hà Lan cổ kính trên khu đất này bao gồm cả một điện thờ nhỏ tĩnh mịch. Gần một khu vườn trũng có một guồng nước lớn tưới khúc nhạc thong dong. Hai tượng đá cẩm thạch của Trung Hoa điểm trang nơi đây – một tượng Đức Phật và một tượng Quan Âm (nhân cách hóa kiểu Trung Quốc về Thánh Mẫu). Một tượng Chúa cao bằng người thật, gương mặt trong ngần và áo thụng tha thướt bừng sáng về đêm, đứng trên ngọn đồi bên trên một thác nước.

Đài tưởng niệm Hòa bình Thế giới Mahatma Gandhi tại Hồ Miếu được khánh thành vào năm 1950, năm đánh dấu sinh nhật thứ ba mươi[3] của Hội Tự giác ở Hoa Kỳ. Một phần di cốt của Mahatma, gửi từ Ấn Độ sang, được cất giữ trong cái quách đá ngàn năm tuổi.

“Trung tâm Ấn Độ[4]” của Hội Tự giác ở Hollywood được thành lập vào năm 1951. Ông Goodwin J. Knight, phó thống đốc bang California, và ông M. R. Ahuja, tổng lãnh sự Ấn Độ, đã cùng tôi dự lễ khánh thành. Trên khuôn viên này có Hội trường Ấn Độ, một thính phòng đủ chỗ cho 250 người.

Những người mới đến các trung tâm thường muốn được biết rõ hơn về yoga. Một câu hỏi thỉnh thoảng tôi vẫn nghe là: “Có phải, như một số tổ chức nói, ta không thể học được yoga ở dạng sách in mà chỉ nên theo đuổi với sự hướng dẫn của một vị thầy bên cạnh?”

Trong Thời đại Nguyên tử, yoga nên được dạy bằng phương pháp hướng dẫn như Loạt bài giảng của Hội Tự giác, nếu không, tri thức giải thoát sẽ lại bị giới hạn cho một số ít người được chọn. Quả thực, nếu mỗi môn sinh có thể có bên mình một sư phụ đã hoàn toàn giác ngộ tri kiến thiêng liêng thì đó sẽ là một lợi lạc vô giá; nhưng thế gian thì gồm nhiều “tội nhân” mà ít thánh nhân. Vậy thì làm sao số đông có thể được giúp bằng yoga, nếu không phải là bằng học tập tại nhà các hướng dẫn do những yogi chân chính viết ra?

Giải pháp duy nhất là “phàm nhân” sẽ bị lãng quên và bỏ rơi không có được pháp môn yoga. Đó không phải là ý đồ của Thượng đế cho thời đại mới. Babaji đã hứa độ trì và dìu dắt hết thảy những Kriya Yogi thành tâm trên con đường đi tới Mục đích[5]. Cần có hàng trăm ngàn Kriya Yogi, chứ không chỉ hàng chục ngàn, để biến thành hiện thực một thế giới hòa bình và no ấm vẫn chờ đợi con người tinh tiến đủ để lấy lại địa vị là con Cha Trời của mình.

Thành lập ở phương Tây một tổ chức như Hội Tự giác, một “tổ ong cho mật ngọt tâm linh”, là sứ mệnh mà Sri Yukteswar và Mahavatar Babaji đã lệnh cho tôi. Hoàn thành được sự giao phó thiêng liêng ấy không phải là không có những khó khăn.

“Hãy nói thật cho tôi biết, Paramahansaji, liệu có đáng không?” Một buổi chiều tiến sĩ Lloyd Kennell, trưởng đền ở San Diego, đặt ra cho tôi câu hỏi ngắn gọn này. Tôi hiểu ý ông muốn nói: “Ở Hoa Kỳ thầy có hài lòng không? Thế còn những mê lầm mà những người lạc lối, những kẻ nóng lòng ngăn cản sự truyền bá yoga, rêu rao? Còn những sự vỡ mộng, những điều đau lòng, những viện trưởng không thể dẫn dắt, những môn sinh không thể dạy nổi thì sao?”

“May mắn thay cho kẻ nào được Thượng đế thử thách!” tôi đáp. “Ngài đã nhớ, thỉnh thoảng, đặt gánh nặng lên vai thầy.” Lúc ấy, tôi nghĩ đến tất cả những người thành tâm, đến tình yêu và lòng mộ đạo và hiểu biết soi sáng trái tim Hoa Kỳ. Thong thả nhấn mạnh, tôi nói tiếp: “Nhưng câu trả lời của thầy là có, một ngàn lần có! Đã xứng đáng vô cùng, hơn cả những gì thầy từng mơ ước, khi thấy Đông và Tây được gần nhau hơn trong một sự gắn bó lâu dài duy nhất, gắn bó tâm linh.”

Các đại sư Ấn Độ bộc lộ sự quan tâm sâu sắc đến phương Tây đã hiểu rất rõ tình trạng ngày nay. Các vị biết rằng, chừng nào giữa mọi dân tộc còn chưa có sự hấp thụ tốt hơn những ưu điểm riêng của Tây và Đông thì những vấn đề thế giới vẫn chưa thể được cải thiện. Mỗi bán cầu đều cần những dâng tặng tốt đẹp nhất từ bán cầu kia.

Trong quá trình đi qua nhiều nơi trên thế giới, tôi đã buồn lòng chứng kiến nhiều khổ đau[6]: ở Á Đông, cái khổ chủ yếu trên bình diện vật chất; ở Tây phương, khổ đau chủ yếu trên bình diện tinh thần hay tâm linh. Mọi dân tộc đều cảm thấy những tác hại đau lòng từ những nền văn minh mất cân bằng. Ấn Độ và nhiều xứ Đông phương khác có thể được lợi lộc rất nhiều từ việc học theo cách hiểu sự việc thực tiễn, tính hiệu quả về mặt vật chất của các dân tộc phương Tây như Hoa Kỳ. Mặt khác, các dân tộc phương Tây cần có hiểu biết sâu sắc hơn về nền tảng tâm linh của sự sống, và nhất là các kỹ thuật mang tính khoa học mà Ấn Độ xưa đã hoàn thiện nhằm giúp con người giao hòa có ý thức với Thượng đế.

Cái lý tưởng về một nền văn minh toàn diện không phải là một lý tưởng hão huyền. Suốt bao thiên niên kỷ, Ấn Độ đã là một xứ sở của cả ánh sáng tinh thần lẫn sự thịnh vượng vật chất rộng khắp. Sự đói nghèo hai trăm năm qua, trong lịch sử lâu dài của Ấn Độ, chỉ là một đoạn nghiệp ngắn ngủi. Có một câu ngạn ngữ trên thế giới, từ đời này qua đời khác, là “sự giàu có của Ấn Độ[7]”. Sự giàu có cả về vật chất lẫn tâm linh, là một biểu thị mang cấu trúc của rita, luật trời hay công bằng tự nhiên. Không có nguyên tắc tiết kiệm nơi Thiêng liêng, cũng như trong nữ thần các hiện tượng của Người, là Thiên nhiên đa dạng.

Kinh Ấn giáo dạy rằng con người gắn chặt với trái đất riêng biệt này để học hỏi, mỗi lúc một hoàn thiện hơn trong những kiếp tiếp theo, những cách thức vô tận mà Tinh thần có thể biểu thị qua điều kiện vật chất và chi phối nó. Đông và Tây đang học được chân lý tối thượng này bằng nhiều cách, và nên hoan hỉ chia sẻ với nhau những khám phá của mình. Thượng đế tất sẽ vô cùng hài lòng khi con cháu của Ngài ở trái đất cố gắng đạt được một nền văn minh thế giới không còn đói nghèo, bệnh tật, và sự mê muội trong tâm hồn. Tính con người hay quên cội nguồn thiêng liêng của mình (kết quả của sự lạm dụng ý chí tự do của y[8]) là gốc rễ của mọi hình thức khổ đau khác.

Một khái niệm trừu tượng theo thuyết hình người được gọi là “xã hội” bị quy là gây ra những bất hạnh, những bất hạnh mà thực tế hơn có thể được đặt ngay trước cửa nhà mỗi Phàm nhân[9].

Xã hội lý tưởng phải nảy mầm từ trong lòng cá nhân rồi mới có thể nở hoa ở đạo đức công dân, tu tâm dưỡng tính bên trong một cách tự nhiên sẽ đưa đến những cải cách bên ngoài. Kẻ nào đã sửa mình rồi thì sẽ biến cải được hàng ngàn người.

Những kinh thư trên thế giới đã qua được thử thách của thời gian, về cơ bản khích lệ con người trên hành trình hướng thiện của y. Một trong những quãng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi là khi viết cho Tạp chí Tự giác diễn giải của riêng tôi về một phần trong Tân Ước[10]. Tôi đã thành khẩn cầu xin Chúa hướng dẫn cho tôi đoán ra được ý nghĩa đích thực trong lời ngài, rất nhiều trong số đó đã bị hiểu sai một cách đáng buồn suốt hai mươi thế kỷ.

Một đêm, khi tôi đang định tâm cầu nguyện thì phòng khách trong tu viện ở Encinitas bỗng lấp đầy một ánh sáng màu xanh ngọc ô-pan. Tôi thấy hình hài rực rỡ của Chúa Jesus cao quý. Ngài trông như một thanh niên, chừng hai mươi lăm, có hàm râu thưa và ria; mái tóc đen dài, rẽ giữa, viền một ánh hào quang vàng lung linh.

Mắt ngài diệu vợi khôn cùng; khi tôi nhìn, mắt ngài biến đổi trùng trùng bất tận. Theo mỗi biến đổi thần thánh nơi ánh mắt ấy, bằng trực giác tôi đã hiểu được minh triết truyền đạt. Trong cái nhìn rực rỡ của ngài, tôi cảm thấy cái mãnh lực đang bảo vệ hằng hà sa số cõi. Một Chén Thánh hiện ra bên môi ngài; nó hạ xuống môi tôi và rồi trở lại với Jesus. Ít phút sau, ngài truyền dạy những lời cao quý, có tính chất riêng tư đến mức tôi chỉ giữ lại trong lòng.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong hai năm 1950 và 1951 để sống tại một chốn ẩn dật tịch lặng gần hoang mạc Mojave ở bang California. Ở đó tôi dịch Bhagavad Gita và viết một bình chú chi tiết[11] trình bày nhiều con đường khác nhau của yoga.

Hai lần[12] minh định về một kỹ thuật yoga (kỹ thuật duy nhất được nhắc đến trong Bhagavad Gita và cũng chính là kỹ thuật mà Babaji đã đặt tên, một cách đơn giản, là Kriya Yoga), cuốn kinh vĩ đại nhất của Ấn Độ qua đó đã đem lại một giáo huấn vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính luân lý. Trong đại dương thế giớichiêm bao của chúng ta, hơi thở là một cơn bão mê riêng biệt tạo nên tâm thức sóng cá thể – hình hài con người và mọi vật thể vật chất khác. Biết rằng chỉ tri thức triết học và luân lý không thôi là chưa đủ để thức tỉnh con người khỏi giấc mơ hiện hữu phân ly đau lòng, thần Krishna đã chỉ ra cái tri thức thiêng liêng mà nhờ đó yogi có thể làm chủ thân mình và tùy ý biến nó thành năng lượng thanh khiết. Khả năng sở đắc phép lạ yoga này không vượt quá hiểu biết lý thuyết của các khoa học gia hiện đại, những người đi tiên phong trong một Thời đại Nguyên tử. Mọi vật chất đều đã được chứng minh là có thể quy thành năng lượng.

Kinh thư Ấn Độ giáo ca ngợi pháp môn yoga vì nó có thể dùng cho nhân loại nói chung. Bí ẩn của hơi thở, thật vậy, thỉnh thoảng đã được giải đáp mà không dùng đến các kỹ thuật yoga chính thức, như trong trường hợp các nhà thần bí không phải người Ấn, những vị có các năng lực siêu việt là một lòng sùng mộ Thượng đế. Người ta quả đã thấy các thánh Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và các thánh nhân ấy trong trạng thái nhập định ngừng thở và bất động (sabikalpa samadhi[13]), không có trạng thái đó thì không ai có thể bước vào các giai đoạn sơ khởi để nhận biết Thượng đế. (Song, khi một vị thánh đã đạt đến nirbikalpa hay samadhi cao nhất rồi, vị ấy sẽ thường trụ trong Thượng đế – dù vị ấy ngưng thở hay thở, bất động hay hoạt động.) Huynh Lawrence, nhà thần bí Cơ Đốc giáo thế kỷ 17, kể cho chúng ta rằng cái phút giây giác ngộ Thượng đế đầu tiên đã xảy đến khi ngài nhìn một cái cây. Hầu như cả nhân loại đã từng thấy một cái cây; nhưng than ôi, ít người từ đó mà thấy được Đấng Sáng tạo ra cây. Phần đông không thể nào khơi dậy được niềm sùng mộ mãnh liệt không cưỡng lại được mà chỉ một số ít ekantin, các thánh “chất phác” trên mọi đường đạo, dù Đông hay Tây, mới dễ dàng có được. Thế nhưng phàm phu[14] không phải vì vậy mà không được có khả năng giao hòa thiêng liêng. Y, để nhớ lại được linh hồn, chỉ cần kỹ thuật Kriya Yoga, giữ giới hạnh hàng ngày, và một khả năng thành tâm thốt lên: “Thượng đế hỡi, con khao khát nhận ra Ngài!”

Sức hút phổ quát của yoga do vậy nằm ở con đường đến với Thượng đế nhờ một phương pháp mang tính khoa học dùng hàng ngày, hơn là bằng một lòng thành tín mà, đối với người thường, là vượt quá khả năng cảm xúc của y.

Nhiều bậc thầy Kỳ Na giáo vĩ đại của Ấn Độ được gọi là tirthakara, “đấng làm ra chỗ cạn”, vì các vị đã chỉ ra cái lối đi mà nhân loại hoang mang nhờ đó có thể băng qua và vượt ra khỏi biển phong ba samsara (vòng luân hồi, sinh tử lặp đi lặp lại).

Samsara (nghĩa đen là “trôi theo” những biến dịch hiện tượng) xui khiến con người chọn cách buông xuôi nhất. “Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa[15].” Để trở thành bạn của Thượng đế, con người phải hàng phục được những ác ma hay cái ác trong chính nghiệp hay hành động của hắn, thứ vẫn xúi giục hắn khiếp nhược phục tùng cái mê lầm maya về thế gian. Một hiểu biết không lay chuyển được về luật nhân quả sẽ khuyến khích kẻ tìm kiếm thiết tha tìm thấy con đường giải thoát cuối cùng khỏi xiềng xích của nó. Vì số phận con người nô lệ vào nghiệp đã bén rễ trong dục vọng của đầu óc bị maya che ám nên chính sự kiểm soát tâm[16] là cái mà yogi quan tâm. Lớp lớp áo vô minh nghiệp bị lột đi rồi, và thế là con người thấy mình trong nguyên tính của mình.

Bí ẩn của sự sống và cái chết, giải được nó là mục đích duy của mà con người ở trọ trần gian, kết liền với hơi thở. Ngưng thở là bất tử. Nhận ra chân lý này, các rishi Ấn Độ xưa đã bắt lấy cái đầu mối duy nhất là hơi thở và hình thành nên một tri thức về ngưng thở chính xác và hợp lý.

Nếu Ấn Độ không có món quà nào khác cho thế giới thì chỉ Kriya Yoga thôi cũng đã đủ làm một lễ vật cao quý.

Trong Kinh Thánh có các đoạn cho thấy các đấng tiên tri Do Thái đã hiểu rất rõ rằng Thiên Chúa đã tạo ra hơi thở để làm mối nối vi tế giữa linh hồn và thể xác. Sách Sáng thế nói: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật[17].” Cơ thể người kết hợp từ các chất hóa học và kim loại cũng có trong “bụi từ đất”.

Thân xác người không thể nào tiếp tục hoạt động hay thể hiện sức sống hay vận động nếu không nhờ các luồng sinh khí mà linh hồn truyền đến thể xác, ở người chưa giác ngộ, qua hơi thở (khí lực). Các luồng sinh khí, vận hành trong cơ thể người, như prana năm tầng hay thanh khí, là một biểu thị của rung động Aum hay linh hồn vô biên.

Cái bóng phản chiếu có vẻ như thật của sự sống nhờ nguồn linh hồn chiếu sáng trong các tế bào da thịt, là nguyên nhân duy nhất mà con người chấp trước thân thể của y; rõ ràng là y sẽ không màng tỏ lòng tôn kính một cục đất sét. Con người nhận lầm mình là hình hài thể xác vì các luồng sinh khí từ linh hồn được hơi thở đưa vào xác thịt với nội lực mạnh mẽ đến mức con người lầm quả là nhân, và sùng kính hình dung thân xác có sự sống của riêng nó.

Trạng thái ý thức ở con người là một sự nhận biết về thân và hơi thở. Trạng thái vô thức của y, hoạt động khi ngủ, liên quan đến sự phân ly tạm thời trong đầu giữa thân và hơi thở của y.

Trạng thái siêu thức ở người là sự tự do thoát khỏi cái mê lầm rằng “hiện hữu” phụ thuộc vào thân xác và hơi thở[18]. Thượng đế sống không cần hơi thở; linh hồn được làm ra theo hình ảnh của Ngài lần đầu tiên bỗng nhận ra chính nó, chỉ trong trạng thái ngừng thở.

Khi mối nối-hơi-thở giữa linh hồn và thể xác bị đứt lìa bởi nghiệp tiến hóa, sự chuyển đoạn đột ngột gọi là “chết” kế tiếp sau đó; tế bào thể xác trở lại sự bất lực tự nhiên của chúng. Tuy nhiên, với Kriya Yogi, mối nối-hơi thở bị cắt đứt tùy ý nhờ hiểu biết mang tính khoa học chứ không phải bởi sự xâm nhập thô bạo của mệnh lệnh của nghiệp. Qua thực chứng, yogi đã biết tính vô thể cốt yếu của mình, và không cần cái gợi ý có phần chua cay của Thần Chết là con người đã bị khuyên nhủ sai lầm mà đặt lòng tin vào một xác thân.

Kiếp này qua kiếp khác, mỗi con người đi tới (theo nhịp điệu riêng của mình, dù là rất thất thường) mục đích tôn thờ của riêng mình. Cái chết, không phải là cái làm gián đoạn đường bay về phía trước này, mà chỉ đơn giản cho con người khung cảnh trung giới dễ chịu hơn để gạn lọc đi cặn bã của mình. “Anh em đừng xao xuyến!… Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở[19].” Quả thực, không thể nào có chuyện Thượng đế đã dốc cạn tài hoa khéo léo của Ngài mà xây nên vũ trụ này, hay trong vũ trụ sau, Ngài sẽ không tặng cho thứ gì khơi gợi hứng thú của ta hơn là tiếng bập bùng của đàn hạc.

Cái chết không phải là một sự xóa sạch hiện hữu, một cuộc chạy trốn cuối cùng khỏi sự sống; cái chết cũng không phải là cánh cửa dẫn tới bất tử. Kẻ nào đã bỏ Chân ngã của mình mà trốn trong niềm vui trần thế sẽ không bắt Nó lại được, giữa những mê hoặc mong manh nơi trung giới. Ở đó hắn chỉ trau dồi những tri giác tinh tế hơn và cảm ứng nhạy hơn trước cái thiện và cái mỹ, vốn là một. Chính cái đe phàm trần này mới là nơi con người phải khó nhọc nện ra vàng bất diệt của bản thể tâm linh. Cầm trong tay mình báu vật vàng khó mà có được, như là món quà duy nhất khả dĩ làm vừa lòng Thần Chết tham lam, con người sẽ đạt được giải thoát sau cùng khỏi những vòng luân hồi xác thân.

Trong vài năm tôi đã giảng dạy các lớp ở Encinitas và Los Angeles về Yoga Sutra của Patanjali và các tác phẩm uyên áo của triết học Ấn Độ.

“Sao Thượng đế lại nối linh hồn với thể xác?” một chiều nọ, một môn sinh trong lớp hỏi. “Mục đích của Ngài là gì khi ngay từ đầu bày ra vở kịch sáng thế tiến hóa này?” Không biết bao nhiêu người khác cũng đã đặt ra những câu hỏi ấy; các triết gia đã hoài công tìm cách trả lời đầy đủ chúng.

“Để dành lại chút bí ẩn mà khám phá trong Vĩnh cửu chứ,”

Sri Yukteswar thường mỉm cười nói vậy. “Làm sao các khả năng suy luận hạn hẹp của con người lại có thể lĩnh hội được những nguyên cớ bất khả tư nghị của Tuyệt đối Vô thủy Vô chung[20]?

Trí năng con người, bị câu thúc bởi nguyên lý nhân-quả của giới hiện tượng, lúng túng trước câu đố của Thượng đế, Đấng Vô thủy, Đấng Tự sinh thành. Tuy nhiên, dù lý trí con người không thể hiểu ra những câu đố của sáng tạo thì mọi bí ẩn rồi cuối cùng cũng sẽ được chính Thượng đế giải đáp cho tín đồ.”

Kẻ nào thành tâm khao khát tri kiến sẽ sẵn lòng khởi cuộc tìm kiếm bằng cách khiêm cung am tường một vài ABC đơn giản của cơ trời, mà không hấp tấp đòi hỏi một biểu đồ toán học chính xác của “Thuyết Einstein” về sự sống.

Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ (không ai chịu sự khống chế của ‘thời gian’, những sự tương đối của maya[21], lại có thể nhận ra Thượng đế); Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (Tâm thức Chúa được phản chiếu hay Toàn trí được phóng chiếu ra bên ngoài, cái mà, trong khi dẫn dắt toàn thể các hiện tượng cấu trúc bằng rung động Aum, đã sinh ra từ ‘cung lòng’ hay độ sâu của Thiêng liêng Vô thủy Vô chung để biểu thị sự muôn hình vạn trạng của Nhất thể), chính Người đã tỏ (lệ thuộc vào thể dạng, hay thể hiện) cho chúng ta biết[22].”

“Thật, tôi bảo thật các ông,” Jesus giải thích, “người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy[23].”

Tính ba ngôi của Thượng đế khi Ngài hóa hiện ra Chính Ngài trong các giới hiện tượng được biểu tượng hóa trong kinh Ấn Độ giáo là Brahma Đấng Sáng tạo, Vishnu Đấng Bảo tồn, và Shiva Đấng Hủy diệt-Khôi phục. Những hoạt động ba ngôi một thể của các vị không ngừng được phô bày khắp sáng tạo rung động. Vì Đấng Tuyệt đối là vượt quá năng lực nhận thức của con người nên tín đồ Ấn Độ giáo thờ phụng Nó trong các hiện thân uy nghi của Ba Ngôi[24].

Tuy vậy, khía cạnh sáng tạo-bảo tồn-hủy diệt phổ quát của Thượng đế không phải là thể tính tối hậu hay thậm chí là cốt lõi của Ngài (vì sáng thế chỉ là lila, trò chơi sáng tạo[25], của Ngài). Yếu tính của Ngài không thể hiểu được ngay cả bằng cách hiểu thấu mọi huyền vi của Ba Ngôi, vì trạng thái bề mặt của Ngài, như được diễn bày trong biến dịch nguyên tử theo quy luật, chỉ thể hiện Ngài mà không hé lộ Ngài. Bản chất tối hậu của Thượng đế chỉ được rõ khi “Thầy đến cùng Chúa Cha[26]”. Con người giải thoát sẽ vượt quá các cõi giới rung động mà bước vào Khởi nguyên Không Rung động.

Mọi đấng tiên tri vĩ đại đều giữ im lặng khi được thỉnh cầu tiết lộ những vi mật tối hậu. Khi Pilate hỏi: “Sự thật là gì[27]?” Chúa không đáp. Những câu hỏi phô trương to tát của những kẻ duy lý như Pilate hiếm khi xuất phát từ một tinh thần khát khao tìm hiểu.

Đúng hơn, những kẻ như vậy nói với sự kiêu mạn rỗng tuếch khi xem một sự thiếu xác tín về các giá trị tâm linh[28] là biểu hiện của “cách nhìn phóng khoáng”.

“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi[29].”

Chỉ bằng vài lời này Chúa đã chứng minh rất hùng hồn. Một người con của Thiên Chúa đã “làm chứng” bằng đời mình. Ngài hiện thân cho chân lý; nếu ngài giải thích ra điều đó nữa thì là sự cho thêm thật quá quảng đại.

Chân lý không phải là lý thuyết, không phải hệ thống triết lý tư biện, không phải sự thông tuệ. Chân lý là sự tương ưng chính xác với thực tại. Với con người, chân lý là tri thức vững như bàn thạch về thực tính của y, rằng Chân ngã của y là linh hồn. Jesus, bằng mọi hành động và lời nói trong đời ngài, đã chứng minh rằng ngài biết sự thật về bản thể của mình – nguồn cội của ngài nơi Thiên Chúa. Trọn vẹn đồng nhất với Tâm thức Chúa vô biên, ngài đã có thể phán với lời tối hậu giản dị: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

Cả Đức Phật cũng từ chối hé lộ những nền tảng siêu hình, mà chỉ ngắn gọn dạy rằng kiếp người ngắn ngủi trên trần thế tốt hơn hết nên được dùng để tu thân. Nhà thần bí Trung Hoa Lão Tử dạy rất phải: “Kẻ biết thì không nói; kẻ nói là kẻ không biết.” Những bí ẩn tối hậu của Thượng đế không phải để “đưa ra bàn luận công khai”.

Giải đoán mật mã của Ngài là một nghệ thuật mà con người không thể truyền dạy cho con người; ở đây chỉ mình Thượng đế là Thầy.

“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa[30]!” Đừng bao giờ khoe khoang về sự hiện diện vô biên của Ngài, chỉ nghe thấy được Thượng đế trong tĩnh mặc cao khiết. Vang dội khắp hoàn vũ như rung động Aum sáng tạo, Âm thanh Nguyên thủy tức thì tự biến Nó thành những lời dễ hiểu cho tín đồ hòa điệu.

Thiên cơ của sáng thế, trong chừng mực lý trí con người hiểu được, được giải thích trong Vệ Đà. Các rishi dạy rằng mỗi người đã được Thượng đế tạo ra làm một linh hồn, sẽ thể hiện thật độc đáo một thuộc tính đặc biệt nào đó của Thượng đế trước khi lấy lại Bản thể Tuyệt đối của nó. Con người ai cũng được phú cho một mặt cắt của Thần ngã theo cách ấy, đều được Thượng đế yêu thương như nhau.

Tri kiến được Ấn Độ, anh cả của các dân tộc, cất giữ là một di sản của toàn nhân loại. Chân lý Vệ Đà, như mọi chân lý, thuộc về Thượng đế chứ không phải Ấn Độ. Các rishi, những người có tâm thức chứa đựng thanh khiết để đón nhận những thâm diệu thần khải Vệ Đà, là người của nhân gian, sinh ra ở trần gian này, mà không phải nơi nào khác, để phụng sự toàn thể nhân loại. Những phân biệt chủng tộc hay dân tộc đều vô nghĩa trong vương quốc chân lý, nơi tiêu chuẩn duy nhất là sự xứng đáng tâm linh để đón nhận.

Thượng đế là tình yêu; ý định của Ngài cho sáng tạo chỉ có thể bén rễ trong tình yêu. Chẳng phải ý nghĩ giản dị ấy, mà không phải những lý luận thông thái, là cái mang lại niềm an ủi cho trái tim con người hay sao? Hết thảy những thánh nhân đã đi sâu vào tâm của Thực tại đều khẳng định rằng một thiên cơ cho vũ trụ có tồn tại và rằng nó đẹp đẽ và đầy ắp niềm vui.

Với nhà tiên tri Isaiah, Thiên Chúa đã mặc khải ý đồ của Ngài trong những lời này:

Thì lời ta (Aum sáng tạo) cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

Phải, các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan, rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự. Trước mặt các ngươi, đồi núi sẽ cất giọng reo hò, cây cỏ ngoài đồng sẽ vỗ tay. (Sách Tiên tri Isaia 55:11-12) “Các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan, rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự.” Nhân loại của thế kỷ hai mươi nguy khốn sẽ thiết tha nghe lời hứa huyền vi ấy. Chân lý trọn vẹn trong câu ấy có thể được mọi tín đồ của Thượng đế, kẻ phấn đấu can trường giành lại di sản thiêng liêng của mình, nhận ra.

Vai trò cao quý của Kriya Yoga ở phương Đông và phương Tây gần như chỉ mới bắt đầu. Cầu cho mọi người đều nhận ra rằng có một kỹ thuật rõ ràng, khoa học về tự giác ngộ để vượt qua mọi đau khổ nhân sinh!

Khi hồi hướng những rung động tư tưởng yêu thương đến hàng ngàn Kriya Yogi như châu ngọc sáng ngời khắp địa cầu, tôi thường nghĩ đầy biết ơn:

“Thượng đế hỡi, Ngài đã cho thầy tu này một đại gia đình!”

– HẾT –


[1] Tạp chí ngày nay mang tên Tự giác (Self-Realization).

[2] Điện thờ Long Beach đã hoàn chỉnh vào năm 1967, là năm cộng đồng tu viện dời đến tu viện Hội Tự giác to rộng ở Fullerton, bang California. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[3] Để đánh dấu lễ kỷ niệm này, tôi đã cử hành một nghi lễ thiêng liêng vào ngày 27-8-1950 ở Los Angeles để điểm đạo Kriya Yoga cho 500 môn sinh.

[4] Trung tâm chính, với ngôi đền liền kề, gồm một trung tâm ashram lớn do các tín đồ quản lý, những người đã dâng mình cho phụng sự nhân loại và giác ngộ các lý tưởng của Paramahansa Yogananda trong chính đời mình. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[5] Paramahansa Yogananda cũng đã hứa với các môn sinh của mình ở cả phương Đông lẫn phương Tây rằng, hết kiếp này, thầy vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sự tiến bộ tâm linh của mọi Kriyaban (môn sinh Loạt bài giảng của Hội Tự giác đã nhận điểm đạo Kriya; xem chú thích trang 403). Sự thật trong lời hứa đẹp đẽ này của thầy đã được chứng minh, từ sau khi thầy viên tịch (mahasamadhi), qua những lá thư từ nhiều Kriya Yogi , những người đã bắt đầu nhận ra sự chỉ dẫn của thầy có mặt khắp nơi. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[6]  “Giọng ấy quanh tôi như biển vỡ tràn: “Và trái đất các ngươi quá hỏng hoại, Tác tan mảnh vụn chất chồng? Ô hay, vạn vật tránh các ngươi, vì các ngươi tránh Ta!… Những gì ta lấy của các ngươi, Không phải để hại các ngươi, Mà chỉ để các ngươi tìm nó trong tay Ta. Mọi thứ con cái các ngươi lầm Ngỡ là đã mất, ta giữ cho các ngươi ở nhà. Hãy đứng lên, siết lấy tay Ta, và đến đây!” “ – Francis Thompson, “The Hound of Heaven” (Chó săn nhà trời)

[7] Các sử liệu đã trình bày rằng Ấn Độ, cho đến thế kỷ 18, vẫn là dân tộc giàu có nhất thế giới. Nhân đây, không có gì trong văn học hay truyền thống Ấn Độ có khuynh hướng chứng minh cho sử thuyết phương Tây thịnh hành rằng những người Aryan thời đầu đã từ một vùng nào đó ở châu Á hay từ châu Âu đến “xâm lược” Ấn Độ. Thật dễ hiểu là các học giả đã không thể xác định được điểm xuất phát của hành trình tưởng tượng này. Bằng chứng có trong Vệ Đà, chỉ ra Ấn Độ là quê hương từ thuở khai thiên lập địa của người Hindi, đã được trình bày trong một cuốn sách đặc sắc và rất dễ đọc, _Rig-Veda India,_ của Abinas Chandra Das, do Đại học Calcutta xuất bản năm 1921. Giáo sư Das khẳng định rằng dân di cư từ Ấn Độ đã định cư ở nhiều vùng khác nhau ở châu Âu và châu Á, phổ biến ngôn ngữ và văn hóa dân gian Aryan. Ví dụ như tiếng Lithuania, hoàn toàn giống tiếng Phạn đến lạ lùng. Triết gia Kant, người không biết gì về tiếng Phạn, đã kinh ngạc vì cấu trúc khoa học của tiếng Lithuania (Litva). “Nó chứa đựng,” ông nói, “cái chìa khóa sẽ mở được mọi điều bí ẩn, không chỉ của triết học mà còn của lịch sử.” Kinh thánh nói đến sự giàu có của Ấn Độ, cho chúng ta biết (Sách Ký sự II 9:21, 10) rằng “một đoàn tàu đi Tarshish” đã đem đến cho vua Solomon “vàng, bạc, ngà, khỉ, và công” và “algum (đàn hương) và đá quý” từ Ophir (Sopara trên bờ biển Bombay). Magasthenes, sứ thần Hy Lạp (thế kỷ 4 trước Công nguyên), đã để lại cho chúng ta một bức tranh chi tiết về sự thịnh vượng của Ấn Độ. Pliny (thế kỷ 1) kể cho chúng ta rằng người La Mã hằng năm chi năm mươi triệu đồng sesterce (5.000.000 đô la) để nhập khẩu hàng từ Ấn Độ, hồi bấy giờ là một cường quốc hàng hải. Các nhà du hành Trung Hoa đã mô tả một cách sống động về nền văn minh Ấn Độ phong phú, nền giáo dục phổ biến và chính quyền xuất sắc ở Ấn. Vị cao tăng Trung Hoa là Pháp Hiển (thế kỷ 5) kể cho chúng ta rằng dân Ấn rất hạnh phúc, trung thực, và thịnh vượng. Xem _Buddhist Records of the Western World (Ghi chép Phật giáo về thế giới phương Tây)_ (Ấn Độ là “thế giới phương Tây” đối với người Trung Hoa!) của Samuel Beal, Trubner, London; và _On Yuan Chwang’s Travels in India, A.D. 629-45 (Về hành trình của Huyền Trang ở Ấn Độ, 629-45 sau Công nguyên)_ của Thomas Watters, Hội Á châu Hoàng gia. Columbus, khám phá ra Tân thế giới vào thế kỷ 15, thực ra là đi tìm một con đường thương mại ngắn hơn để đến Ấn Độ. Suốt nhiều thế kỷ, châu Âu hăm hở chiếm hữu hàng xuất khẩu từ Ấn Độ – lụa, vải vóc mịn, (có độ mỏng đến mức xứng với mô tả: “dệt bằng tơ trời” và “sương vô hình”), vải in hoa, gấm thêu, đồ thêu, thảm, dao kéo, áo giáp, ngà voi và đồ làm bằng ngà, nước hoa, nhang, đàn hương, gốm, dược liệu và thuốc cao, chàm, gạo, gia vị, san hô, vàng, bạc, ngọc trai, hồng ngọc, ngọc lục bảo, và kim cương. Các thương nhân Bồ Đào Nha và Ý đã ghi lại nỗi kính sợ của mình trước sự tráng lệ phi thường khắp đế quốc Vijayanagar (1336-1565). Sự huy hoàng của kinh đô nước này được sứ thần Arập Razzak mô tả là “đến nỗi mắt chưa nhìn thấy, tai cũng chưa nghe thấy nơi nào trên thế gian sánh bằng.” Vào thế kỷ 16, lần đầu tiên trong suốt lịch sử lâu dài của mình, cả nước Ấn Độ rơi vào ách thống trị không phải của người Ấn. Năm 1524 Baber xứ Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược đất nước và sáng lập triều đại các vua Hồi giáo. Vì định cư trong xứ sở xưa, các vua mới không bòn rút của cải của nó. Tuy nhiên, bị suy yếu vì chia rẽ nội bộ, vào thế kỷ 17 Ấn Độ giàu có đã trở thành miếng mồi cho một số quốc gia châu Âu; Anh cuối cùng nổi lên là một cường quốc cai trị. Ngày 15 tháng 8 năm 1947 Ấn Độ đã giành được độc lập bằng phương pháp hòa bình. Cũng như rất nhiều người Ấn khác, tôi cũng có một chuyện giờ mới kể. Một nhóm thanh niên mà tôi quen ở đại học, trong Thế chiến I đã đến tìm tôi và cố thuyết phục tôi lãnh đạo một phong trào cách mạng. Tôi từ chối bằng những lời sau: “Giết người anh em Anh quốc của ta thì sẽ không thể đạt được điều gì tốt đẹp cho Ấn Độ. Sự tự do của nàng sẽ không tới nhờ súng đạn, mà nhờ nội lực tâm linh.” Rồi tôi báo trước với bạn mình rằng mấy con tàu chở đầy vũ khí của Đức, mà họ đang lệ thuộc, sẽ bị người Anh chặn tại bến tàu Diamond, Bengal. Song mấy thanh niên này cứ xúc tiến các trù tính của mình, điều đã diễn tiến thất bại theo cách tôi đã thấy trước. Vài năm sau, các bạn tôi được phóng thích khỏi nhà tù. Từ bỏ niềm tin vào bạo lực, vài người trong họ đã tham gia phong trào chính trị lý tưởng của Gandhi. Cuối cùng họ đã nhìn thấy thắng lợi Ấn Độ giành được trong một cuộc “chiến tranh” bằng biện pháp hòa bình. Sự chia cắt đáng buồn của xứ sở thành Ấn Độ và Pakistan, và quãng thời gian ngắn nhưng đẫm máu tiếp theo ở một vài nơi trên đất nước, nảy sinh do các yếu tố kinh tế, chứ không phải bản chất bởi sự cuồng tín tôn giáo (một lý do thứ yếu thường được trình bày một cách sai lầm thành một lý do chính yếu). Vô số người Ấn và người Hồi, hôm nay cũng như trong quá khứ, đã sống sát cánh bên nhau trong tình bằng hữu. Rất nhiều người của cả hai tín ngưỡng đã trở thành đệ tử của thầy “vô tín điều” Kabir (1450-1518); và cho tới nay ngài đã có hàng triệu tín đồ (_Kabir-panthi_). Dưới sự cai trị Hồi giáo của Akbar Đại đế, sự tự do tín ngưỡng rộng rãi nhất có thể đã phổ biến khắp Ấn Độ. Cả hôm nay cũng không có xung đột tôn giáo nghiêm trọng nào giữa 95% thường dân. Ấn Độ đích thực, Ấn Độ đã có thể hiểu và theo một Mahatma Gandhi, không tìm thấy được ở các thành phố lớn náo nhiệt mà ở 700.000 ngôi làng bình yên, nơi những hình thức tự trị đơn sơ và công bằng của các _panchayat_ (hội đồng địa phương) đã là một đặc điểm từ thuở khai thiên lập địa. Các vấn đề làm xáo trộn một Ấn Độ mới được tự do hôm nay chắc chắn sẽ được giải quyết đúng lúc bởi những vĩ nhân mà Ấn Độ không thời nào là không sản sinh ra.

[8] “Ta tự do phụng sự, Vì ta tự do yêu, như ta muốn Yêu hay không; nơi đây ta đứng vững hay sa ngã. Và một số đã rơi, cho bất tuân ngã xuống, Và thế là từ thiên đường xuống địa ngục thẳm sâu nhất. Ôi đã rơi Từ diễm phúc vời vợi cao xuống nỗi muộn phiền nào! – Milton,“Paradise Lost” (Thiên đường đã mất)

[9] Ý đồ của lila hay “trò đùa” siêu phàm mà nhờ đó các vũ trụ hiện tượng đã ra đời là một trong những sự hỗ tương giữa tạo vật và Đấng Sáng tạo. Món quà duy nhất mà con người có thể dâng cho Thượng đế là tình yêu; nó là đủ để khơi gợi sự rộng lượng tràn trề của Ngài. “Các ngươi lại lường gạt Ta, các ngươi và toàn dân. Các ngươi hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho, để có lương thực trong Nhà Ta. Hãy làm thế thử xem Ta có mở cổng trời cho các ngươi, hoặc có tuôn đổ phúc lành dư dật xuống trên các ngươi không?, Ðức Chúa các đạo binh phán.” – Sách Tiên tri Malaki 3:9-10.

[10] Giải thích toàn diện của Paramahansa Yogananda về bốn cuốn Phúc âm được Hội Tự giác xuất bản thành sách, nhan đề The Second Coming of Christ: The Resurrection of the Christ Within You (Chúa giáng thế lần thứ hai: Chúa phục sinh giữa chúng ta). (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[11] God Talks With Arjuna: The Bhagavad Gita – Royal Science of God-Realization (Thượng đế trò chuyện cùng Arjuna: Bhagavad Gita – Tri thức tối thượng về giác ngộ Thượng đế), Hội Tự giác ấn hành. Bhagavad Gita là kinh thư được yêu quý nhất ở Ấn Độ. Kinh gồm một cuộc đối thoại giữa Đức Krishna (tượng trưng cho Tinh thần) và đệ tử Arjuna của ngài (tượng trưng cho linh hồn của tín đồ lý tưởng): những lời giáo huấn là bất tử vì mọi kẻ tầm đạo đều áp dụng được. Thông điệp trung tâm của Gita là con người có thể đạt được giải thoát nhờ tình yêu dành cho Thượng đế, minh triết, và thực hành chính nghiệp trên tinh thần vô chấp.

[12] Bhagavad Gita IV:29 và V:27-28.

[13] Xem chương 26. Trong số các nhà thần bí Cơ Đốc giáo đã từng được thấy ở trong trạng thái sabikalpa samadhi, có thể nhắc đến thánh Teresa xứ Avila, thân thể của thánh thường trở nên bất động đến mức các xơ kinh ngạc trong nhà tu không thể dịch chuyển tư thế hay đánh thức thánh trở lại ý thức về ngoại giới.

[14] “Phàm phu” phải có một khởi sự tâm linh đâu đó, lúc nào đó. “Đi xa ngàn dặm khởi từ một bước chân,” Lão Tử đã nói. Đối chiếu với Đức Phật: “Chớ chê khinh điều thiện, cho rằng chưa đến mình, như nước nhỏ từng giọt, rồi bình cũng đầy tràn; người trí chứa đầy thiện, do chất chứa dần dần.”(Chú thích trong nguyên bản). (Kinh Pháp Cú – Chú thích của người dịch và Ban biên tập tiếng Việt)

[15] Thư của thánh Giacôbê 4:4.

[16] “Như ngọn đèn cháy đều khuất gió; Tâm yogi cũng chẳng khác nào Tránh bão quan năng cháy sáng đến Trời. Khi tâm trầm tư tĩnh mặc, tịnh thanh nhờ thói quen thiêng; Khi Chân ngã quán tưởng tự tính, và trong chính nó Sẽ an nhiên; khi cảm nhận niềm vui không tên Vượt trên mọi giác quan, hiển lộ cho linh hồn – Chỉ cho linh hồn! và, biết rằng, không do dự, Một lòng với Chân lý sâu hơn; khi, hiểu điều này, Nó thấy không báu vật nào sánh được, Mà, nương ở đó rồi, không xao động chuyển lay Bởi khổ đau dù nặng nề nhất, hãy gọi đó là trạng thái “an nhiên” Là phần thưởng Yoga vĩnh phúc; hãy gọi kẻ ấy Là Yogi đã thành!” – Bhagavad Gita VI:19-23

[17] Sách Sáng thế 2:7.

[18] “Các người sẽ không bao giờ vui hưởng cõi đời đàng hoàng cho đến chừng nào chính biển tràn vào huyết quản các người, cho đến khi các người khoác áo trời, đội sao trời, và nhận mình là kẻ thừa kế duy nhất của toàn vũ trụ, và hơn nữa, vì con người trong đó ai cũng đều là kẻ thừa kế duy nhất như các người; cho đến khi các người có thể hát reo và thích và vui với Thượng đế, như kẻ khốn vui vì vàng, và vua vì ngôi vua. cho đến khi các ngưòi biết rõ đường lối của Thượng đế ở mọi thời như biết bước đi và lòng bàn tay của các người; cho đến khi các người quen thân với cái hư vô phi thực mà từ đó thế giới được tạo ra.” – Thomas Traherne, “Centuries of Meditations” (Những thế kỷ trầm tư).

[19] Tin Mừng theo thánh Gioan 14:1-2.

[20] “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, sấm ngôn của Ðức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” – Sách tiên tri Isaia 55:8-9. Dante đã xác nhận trong Divine Comedy (Thần khúc): Ta đã ở nơi tầng trời sáng nhất Bởi ánh sáng của Người, và thấy vật nói rằng Kẻ quay về sẽ không hay không biết; Vì khi gần đối tượng khát khao Trí của ta quá ngập tràn Không tìm lại được con đường đã bước. Nhưng bất cứ thứ gì ở Nước Trời Mà ký ức sẽ nâng niu Sẽ là chủ đề của ta cho đến khi bài thơ chấm hết.

[21] Chu kỳ một ngày của trái đất, từ ánh sáng đến bóng tối và ngược lại, là sự nhắc nhở liên tục với con người về sự liên quan của sáng tạo trong maya hay các trạng thái đối nghịch. (Do vậy các giai đoạn chuyển tiếp hay cân bằng của ngày, bình minh và hoàng hôn, được xem là thời gian tốt lành để thiền.) Xé toang bức màn vải nhị nguyên maya, yogi sẽ nhận biết Nhất Thể siêu việt.

[22] Tin Mừng theo thánh Gioan 1:18.

[23] Tin Mừng theo thánh Gioan 5:19

[24] Một khái niệm khác với khái niệm về Thực tại ba ngôi một thể: Sat, Tat, Aum; hay Cha, Con, Thánh thần. Brahma-Vishnu-Shiva tượng trưng cho biểu hiện ba ngôi một thể của Thượng đế trong khuôn mặt của Tat hay Con, Tâm thức Chúa ở khắp nơi trong sáng tạo rung động. Shakti, những năng lực hay “vợ” của Ba Ngôi, là những biểu tượng của Aum hay Thánh thần, lực tạo tác duy nhất duy trì vũ trụ qua rung động (xem chú thích trang 203-204, chú thích trang 261).

[25] “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con. Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên.” – Sách Khải huyền 4:11.

[26] Tin Mừng theo thánh Gioan 14:12.

[27] Tin Mừng theo thánh Gioan 18:38.

[28] “Hãy yêu Đức Hạnh; chỉ mình nàng tự tại; Nàng sẽ dạy các ngươi trèo Cao hơn chuông trời; Hay, nếu nàng yếu ớt, Chính Thiên Đường sẽ cúi xuống cho nàng.” – Milton, “Comus”

[29] Tin Mừng theo thánh Gioan 18:37.

[30] Sách Thánh vịnh 46:10. Mục tiêu của pháp môn yoga là đạt được cái tĩnh lặng bên trong cần thiết mà nhờ đó ta có thể thực sự “biết Thượng đế”.

 

Bình luận về bài viết này