Tự truyện của một Yogi – Chương 48

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 48

CHƯƠNG 48 Ở Encinitas, California

“Một bất ngờ, thưa thầy! Trong lúc thầy đi vắng ở nước ngoài, chúng tôi đã cho xây tu viện Encinitas này; đây là một món quà ‘mừng trở về nhà’!” Ông Lynn, chị Gyanamata, Durga Ma, và vài tín đồ khác tươi cười dẫn tôi qua cổng rồi lên một lối đi rợp bóng cây.

Tôi thấy một tòa nhà như một chiếc tàu thủy trắng lớn nhô ra biển xanh. Đầu tiên là không nói nên lời, rồi là những “Ồ!” và “À!”, cuối cùng là niềm vui và niềm biết ơn mà từ vựng của con người không đủ để diễn đạt, tôi đi xem ashram: mười sáu phòng lớn lạ thường, mỗi phòng được bài trí một cách duyên dáng.

Hội trường trung tâm trang nghiêm, với những cửa sổ to cao đến trần, nhìn ra một bàn thờ của cỏ, biển và trời: một bản giao hưởng ngọc lục bảo, ngọc ô-pan và ngọc xa-phia. Trên mặt lò sưởi to trong hội trường có để ảnh Chúa, Babaji, Lahiri Mahasaya, và Sri Yukteswar; tôi cảm thấy các vị đang ban phúc cho ashram phương Tây thanh bình này.

Ngay bên dưới hội trường, xây hẳn vào trong dốc đứng, là hai động thiền đối mặt với bất tận trời và biển. Trong khuôn viên có những chốn tĩnh mịch đầy nắng, những lối đi lát đá dẫn đến những giàn cây yên tĩnh, vườn hồng, khóm rừng bạch đàn, và vườn cây ăn quả.

“Cầu cho linh hồn cao cả và anh hùng của các thánh đến nơi này (‘Lời cầu nguyện cho nơi cư ngụ’, từ Zend-Avesta, được treo trên một cánh cửa của tu viện) và cầu cho các vị đi bên chúng ta, đem lại những hiệu lực chữa lành từ những món quà thiêng liêng bao la như đất, cao rộng như trời của các vị!”

Cơ ngơi lớn ở Encinitas, bang California là một món quà tặng Hội Tự giác của ông James J. Lynn, một Kriya Yogi thành tâm từ khi ông được điểm đạo vào tháng 1 năm 1932. Là một doanh nhân Hoa Kỳ có vô số nghĩa vụ (là chủ tịch nhóm tư bản dầu lửa lớn và là chủ tịch sở giao dịch bảo hiểm hỏa hoạn tương hỗ lớn nhất thế giới), song ông Lynn vẫn tìm thấy thời gian để mỗi ngày thiền Kriya Yoga sâu trong nhiều giờ. Nhờ sống một đời quân bình như vậy, ông đã nhận được ân huệ an lạc thường hằng trong samadhi.

Trong thời gian tôi ở lại Ấn Độ và châu Âu (tháng 6-1935 đến tháng 10-1936), ông Lynn[1] đã trìu mến mà trù tính với những người liên lạc thư tín của tôi ở California để ngăn không cho lời nào đến tai tôi về việc xây dựng ashram ở Encinitas. Ngạc nhiên, vui sướng!

Trong những năm đầu ở Hoa Kỳ, tôi đã lùng khắp bờ biển bang California để tìm một chỗ nhỏ xây một ashram bên bờ biển.

Mỗi khi tìm được một địa điểm thích hợp thì một trở ngại nào đó luôn nảy sinh cản trở tôi. Giờ nhìn qua đồng cỏ nắng ở Encinitas, tôi khiêm cung trông thấy sự thành tựu lời tiên tri của Sri Yukteswar rất lâu về trước: “một nơi ẩn dật bên bờ biển”.

Vài tháng sau, lễ Phục sinh năm 1937, trên bãi cỏ của ashram mới, tôi cử hành buổi lễ đầu tiên trong nhiều lễ Bình minh Phục sinh. Như các Đạo sĩ ngày xưa, vài trăm môn sinh sùng tín kính sợ nhìn cái phép lạ mỗi ngày: nghi thức mặt trời mọc ở phía Đông bầu trời. Thái Bình Dương nằm về phía Tây, ầm vang lời ngợi ca long trọng của mình; xa xa, một chiếc thuyền buồm trắng nhỏ và đường bay lẻ loi của một con mòng biển. “Chúa hỡi, ngài đang phục sinh!” Không phải với Mặt trời mùa xuân không thôi, mà trong bình minh trường cửu của Tinh thần.

Nhiều tháng hạnh phúc trôi qua. Giữa khung cảnh cái đẹp toàn bích của Encinitas, tôi hoàn tất một tác phẩm đã trù tính từ lâu, Tụng ca vũ trụ[2]. Tôi đã phổ lời tiếng Anh và ký âm Tây phương cho nhiều bài thơ Ấn Độ. Trong đó có tụng ca của Shankara “Bất sinh, bất diệt”; “Tụng ca Brahma” bằng tiếng Phạn; “Ai trong đền tôi?” của Tagore; và một số sáng tác của tôi: “Ta sẽ luôn là của Ngài”, “Ở miền đất bên kia giấc mơ của tôi”, “Con dâng ngài tiếng gọi linh hồn mình”, “Hãy đến nghe khúc hát lòng tôi”, và “Trong đền tịch lặng”.

Trong lời tựa cho cuốn sách bài hát tôi kể lại kinh nghiệm đáng nhớ đầu tiên của mình về phản ứng phương Tây trước các bài tụng Đông phương. Dịp đó là một buổi nói chuyện trước công chúng; thời gian là 18-4-1926; địa điểm tại hội trường Carnegie ở New York.

Ngày 17 tháng 4 tôi đã thổ lộ với một môn sinh người Hoa Kỳ, ông Alvin Hunsicker, “Thầy đang tính mời cử tọa hát một bài tụng xưa bằng tiếng Ấn, ‘Ôi Thượng đế diệu kỳ[3]’.”

Ông Hunsicker đã phản đối là các bài hát Đông phương không dễ hiểu đối với người Hoa Kỳ.

“Nhạc là ngôn ngữ phổ quát,” tôi đáp. “Người Hoa Kỳ không thể nào lại không cảm nhận được cái khao khát của linh hồn trong bài tụng cao quý này.”

Đêm hôm sau, những giai điệu sùng mộ trong “Ôi Thượng đế diệu kỳ” đã vang lên từ ba ngàn người trong hơn một giờ. Không còn hờ hững nữa, những người New York yêu quý! Tâm hồn các vị đã bay vút lên trong một tán ca hân hoan giản dị. Chiều hôm ấy, những niềm xoa dịu thiêng liêng đã xảy ra giữa những tín đồ bằng tình yêu tụng danh thiêng Thượng đế.

Năm 1941, tôi đến thăm Trung tâm Hội Tự giác ở Boston.

Trưởng trung tâm Boston, tiến sĩ M. W. Lewis, để tôi lưu lại trong một dãy phòng bài trí trang nhã. “Thưa thầy,” tiến sĩ Lewis tươi cười nói, “những năm đầu ở Hoa Kỳ thầy đã sống ở thành phố này trong một phòng đơn, không có bồn tắm. Tôi muốn thầy biết rằng Boston đang lấy làm kiêu hãnh về một vài căn hộ sang trọng!”

Những năm hạnh phúc ở California trôi nhanh, đầy những hoạt động. Năm 1937, Giáo khu Hội Tự giác[4] ở Encinitas được thành lập. Rất nhiều hoạt động tại Giáo khu đem lại sự huấn luyện nhiều mặt cho các đệ tử phù hợp với các mục đích của Hội Tự giác. Rau quả được trồng cho người sống trong các trung tâm ở Encinitas và Los Angeles.

“Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại[5].” “Tình huynh đệ thế giới” là một thuật ngữ rộng, nhưng con người phải mở rộng sự đồng cảm của mình, xem mình trên bình diện là công dân thế giới. Ai thật sự hiểu rằng “đây là Hoa Kỳ của tôi, Ấn Độ của tôi, Philippines của tôi, châu Âu của tôi, châu Phi của tôi” và vân vân, sẽ không bao giờ không có cơ hội hưởng một đời sống hạnh phúc và hữu ích.

Dù thân Sri Yukteswar chưa hề ngụ ở xứ nào ngoài xứ Ấn nhưng thầy cũng hiểu chân lý về tình huynh đệ này:

“Thế giới là quê nhà của tôi.”


[1] Sau khi Paramahansaji viên tịch, ông Lynn (Rajarsi Janakananda) làm hội trưởng Hội Tự giác và Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ. Ông Lynn nói về sư phụ mình: “Ở bên một vị thánh thật thần tiên biết bao! Trong tất cả những gì đến với tôi trong đời, tôi quý nhất là những ân huệ mà Paramahansaji đã ban cho tôi.” Ông Lynn nhập mahasamadhi năm 1955. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[2] Hội Tự giác ấn hành. Các băng ghi Paramahansa Yogananda tụng một số bài trong Cosmic Chants. Các băng ghi này cũng có tại Hội Tự giác. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[3] Lời bài hát của sư phụ Nanak như sau: Ôi Thượng đế diệu kỳ, ôi Thượng đế diệu kỳ! Trong rừng Ngài xanh tươi, Trên non Ngài cao vời, Dưới sông Ngài miên man, Dưới biển Ngài nghiêm trang. Với kẻ phụng sự Ngài là lễ, Với người yêu Ngài là tình yêu, Với kẻ khổ Ngài là từ bi, Với yogi Ngài là cực lạc. Ôi Thượng đế diệu kỳ, ôi Thượng đế diệu kỳ! Dưới chân Ngài, con xin đảnh lễ!

[4] Giờ là một trung tâm ashram đang phát triển, những tòa nhà ở đó gồm tu viện chính ban đầu, các ashram cho tăng ni, các nhà ăn, và một tịnh thất đẹp đẽ cho các thành viên và bè bạn. Một dãy cột trắng nhìn ra phía đường quốc lộ của khu đất rộng được trang hoàng bằng hoa sen bằng vàng lá. Trong nghệ thuật Ấn Độ hoa sen là biểu tượng của trung khu Tâm thức Vũ trụ (sahasrara) trong não, “hoa sen ánh sáng ngàn cánh”.

[5] Sách Công vụ tông đồ 17:26.

 

Bình luận về bài viết này