Tự truyện của một Yogi – Chương 47

Nghe audio Tự truyện của một Yogi – Chương 47

CHƯƠNG 47 Tôi trở lại phương Tây

“Tôi đã dạy nhiều lớp yoga ở Ấn Độ và Hoa Kỳ; nhưng tôi phải thú nhận rằng, là một người Ấn, tôi vui khác thường khi được dạy một lớp cho môn sinh người Anh.”

Các môn sinh trong lớp ở London của tôi cười cảm kích; chưa có biến động chính trị nào quấy đảo được sự yên bình yoga của chúng tôi.

Ấn Độ giờ đây là một ký ức thiêng liêng. Lúc này là tháng 9 năm 1936; tôi đang ở Anh để thực hiện một lời hứa mười sáu tháng trước, là lại giảng dạy ở London.

Cả Anh quốc cũng đón nhận thông điệp yoga bất diệt. Các phóng viên và quay phim thời sự lũ lượt kéo đến chỗ tôi ngụ tại Grosvenor House. Ngày 29 tháng 9, Hội đồng Quốc gia Anh của Hội Tín ngưỡng Thế giới tổ chức một cuộc gặp mặt tại Nhà thờ Giáo đoàn Whitefield, nơi tôi nói chuyện với cử tọa về đề tài nặng cân “Đức tin trong Hội có thể cứu nền văn minh bằng cách nào”. Các bài diễn thuyết lúc tám giờ tại tòa nhà Caxton thu hút đông đảo công chúng tới mức cả hai đêm đều có dòng người quá đông chờ ở thính phòng Windsor House để nghe bài nói chuyện thứ hai của tôi lúc chín giờ ba mươi. Các lớp yoga trong mấy tuần sau đó trở nên đông đến độ anh Wright buộc phải thu xếp dời qua một hội trường khác.

Tính kiên trì của người Anh có biểu hiện đáng khâm phục trong mối liên hệ tâm linh. Khi tôi đi rồi, các môn sinh yoga ở London một lòng tự tổ chức thành một trung tâm Hội Tự giác, duy trì các cuộc tụ họp thiền hàng tuần suốt những năm chiến tranh ác liệt.

Những tuần không thể nào quên ở Anh; những ngày ngoạn cảnh London, rồi khắp vùng nông thôn xinh đẹp. Anh Wright và tôi dùng chiếc Ford đáng tin cậy để viếng sinh quán và mộ của các nhà thơ lớn và các anh hùng trong lịch sử nước Anh.

Cuối tháng 10 nhóm ít người chúng tôi từ Southampton đi Hoa Kỳ trên tàu Bremen. Thấy tượng Nữ thần Tự do uy nghi ở cảng New York, chúng tôi nghẹn ngào cảm xúc vui sướng.

Chiếc Ford, có chút tả tơi vì vật lộn trên những vùng đất xưa, vẫn còn mạnh mẽ; giờ nó vượt qua dễ dàng hành trình xuyên lục địa đến California. Cuối năm 1936, trông kìa! Trung tâm Núi Washington.

Kỳ lễ cuối năm tại trung tâm Los Angeles được tổ chức với một buổi thiền tập thể suốt tám giờ vào ngày 24 tháng 12 (Giáng sinh Tôn giáo)[1] hằng năm, ngày hôm sau là một bữa tiệc (Giáng sinh Cộng đồng). Tính vui vẻ lễ hội năm nay tăng thêm do sự có mặt của bạn bè và môn sinh thân yêu từ các thành phố xa xôi đổ về để đón mừng ba nhà du hành thế giới trở về nhà.

Bữa tiệc Giáng sinh gồm cả những của ngon vật lạ từ mười lăm ngàn dặm mang về cho dịp vui này: nấm gucchi từ Kashmir, cùi xoài và rasagulla đóng hộp, bánh quy papar, và dầu hoa keora Ấn Độ để làm hương vị kem. Chiều tới, chúng tôi quây quần quanh một cây thông to lấp lánh, lò sưởi bên cạnh nổ lép bép những khúc củi bách thơm.

Giờ phát quà! Quà từ mọi miền xa xôi trên địa cầu – Palestine, Ai Cập, Ấn Độ, Anh, Pháp, Ý. Ở nước ngoài, anh Wright đã cần mẫn đếm lại mấy rương đồ tại mỗi ga cuối, để không bàn tay vụng trộm nào nhón được những báu vật đã nhắm cho người thân yêu ở Hoa Kỳ! Mấy tấm bảng từ cây ô liu thiêng ở Thánh Địa, đăng ten và đồ thêu mỏng manh của Bỉ và Hà Lan, thảm Ba Tư, khăn quàng cổ dệt đẹp đẽ từ Kashmir, khay gỗ đàn hương thơm hoài của Mysore, đá “mắt bò” Shiva từ các tỉnh miền Trung, đồng tiền xu Ấn Độ từ các triều đại đã mất từ lâu, lọ hoa và tách châu ngọc, những bức tiểu họa, thảm thêu, nhang và dầu thơm dùng trong đền thờ, vải hoa in swadeshi, đồ sơn mài, đồ chạm ngà Mysore, dép Ba Tư có mũi dài thật lạ lùng, bản thảo kinh thiêng cổ kỳ lạ, nhung, gấm, mũ Gandhi, đồ gốm, đá lát, đồ bằng đồng thau, thảm ngồi cầu nguyện – chiến lợi phẩm từ ba châu lục!

Tôi phân phát cho từng người một những gói quà được bọc ngộ nghĩnh từ một ụ to dưới chân cây thông.

“Chị Gyanamata!” Tôi trao một chiếc hộp dài cho người phụ nữ Hoa Kỳ thánh thiện có nét mặt dịu dàng và trình độ giác ngộ cao, người đã lo phụ trách Trung tâm Núi Washington trong lúc tôi đi vắng. Bà rút từ trong tấm giấy gói ra một cái sari lụa vàng Banaras.

“Cám ơn, thầy; nó làm hiện ra trước mắt tôi đám rước lộng lẫy ở Ấn Độ.”

“Ông Dickinson!” Gói thứ hai có một món quà tôi mua trong một chợ ở Calcutta. “Ông Dickinson sẽ thích cái này,” lúc đó tôi đã nghĩ. Là một đệ tử yêu quý, ông E. E. Dickinson đã dự mọi kỳ lễ Giáng sinh từ ngày thành lập Trung tâm Núi Washington vào năm 1925.

Tại buổi lễ mừng hằng năm lần thứ mười một này, ông đứng trước mặt tôi, tháo những sợi ruy băng của cái gói hình thon dài.

“Cái cốc bạc!” Giằng co với cảm xúc, ông nhìn ngây món quà, một cái cốc uống nước cao. Ông ngồi xuống cách xa một chút, rõ ràng là đang bàng hoàng. Tôi mỉm cười với ông trìu mến rồi lại tiếp tục vai trò Santa Claus (Ông già Noel) của mình.

Buổi chiều đầy những tiếng thốt ồ à khép lại bằng buổi cầu nguyện Đấng Ban cho mọi món quà; rồi hát nhóm các bài hát mừng Giáng sinh.

Một thời gian sau, ông Dickinson và tôi hàn huyên với nhau.

“Thưa thầy,” ông nói, “xin cho phép tôi cám ơn về cái cốc bạc.

Đêm Giáng sinh tôi đã không thể tìm ra lời nào để nói.”

“Thầy đã mua món quà riêng cho ông.”

“Suốt bốn mươi ba năm tôi đã chờ cái cốc bạc đó! Đó là một câu chuyện dài, câu chuyện tôi giấu kín trong lòng.” Ông Dickinson nhìn tôi ngượng ngùng. “Khởi đầu thật bi thảm: tôi suýt chết đuối.

Anh tôi đã đùa mà xô tôi xuống hồ nước sâu gần năm mét tại một thị trấn nhỏ ở bang Nebraska. Lúc ấy tôi chỉ mới năm tuổi. Khi tôi sắp chìm xuống dưới đáy nước lần thứ hai thì một ánh sáng đủ màu sáng lòa hiện ra, lấp kín không gian. Ở giữa có hình dáng một người đàn ông với đôi mắt bình lặng và nụ cười dỗ dành. Thân tôi đang chìm xuống lần thứ ba thì một trong những người bạn của anh tôi uốn cong một cây liễu cao mảnh dẻ thấp xuống tới mức tôi có thể chụp lấy bằng mấy ngón tay tuyệt vọng. Mấy cậu bé đưa tôi lên bờ rồi cũng làm cấp cứu cho tôi tỉnh lại được.

“Mười hai năm sau, đã là một chàng trai mười bảy tuổi, tôi thăm Chicago cùng mẹ. Lúc ấy là tháng 9 năm 1893; Nghị viện Tôn giáo Thế giới đang họp. Mẹ tôi và tôi đang đi dọc phố chính thì lần nữa tôi thấy tia sáng huyền diệu. Cách vài bước, chính người đàn ông tôi đã thấy nhiều năm trước trong linh ảnh đang ung dung bước đi. Ông đến một thính phòng lớn rồi khuất vào trong cửa.

“ ‘Mẹ,’ tôi kêu lên, ‘đó là người đã xuất hiện lần con suýt chết đuối!’ “Mẹ và tôi hấp tấp đi vào tòa nhà; người này đang ngồi trên một bục giảng. Chúng tôi sớm biết được người ấy là Swami Vivekananda ở Ấn Độ[2]. Khi thầy có một bài giảng thức tỉnh linh hồn xong, tôi tiến lên trước gặp thầy. Thầy ân cần cười với tôi, như thể chúng tôi là bạn cũ. Tôi còn trẻ đến độ không biết bày tỏ tình cảm của mình ra sao nhưng trong lòng, tôi hy vọng thầy sẽ ngỏ ý làm thầy tôi. Thầy đọc được ý nghĩ của tôi.

“ ‘Không, con trai, ta không phải là sư phụ của con.’ Đôi mắt sâu, đẹp đẽ của Vivekananda nhìn sâu vào mắt tôi. ‘Thầy con sẽ đến về sau này. Thầy ấy sẽ tặng con một cái cốc bạc.’ Dừng một lát rồi thầy nói thêm, mỉm cười. ‘Thầy sẽ rót ra cho con nhiều phúc lành hơn là giờ con có thể giữ được.’ “Vài ngày sau tôi rời Chicago,” ông Dickinson nói tiếp, “và không bao giờ còn gặp lại Vivekananda cao quý nữa. Nhưng từng lời thầy đã nói khắc ghi không thể xóa nhòa trong tâm thức sâu thẳm nhất trong tôi. Năm tháng trôi qua; không có vị thầy nào xuất hiện. Một đêm năm 1925, tôi cầu nguyện thiết tha xin Chúa phái đến cho tôi một sư phụ. Vài giờ sau, tôi tỉnh giấc bởi những giai điệu nhẹ nhàng. Một đoàn người trời, cầm sáo và các nhạc cụ khác, hiện ra trước mắt tôi. Sau khi đã lấp đầy không gian bằng tiếng nhạc tuyệt trần, các thiên thần từ từ biến mất.

“Chiều hôm sau, lần đầu tiên, tôi dự một trong các buổi giảng của thầy ở Los Angeles đây, và biết rằng lời cầu xin của mình đã được đáp lại.”

Chúng tôi mỉm cười với nhau trong im lặng.

“Đã mười một năm rồi tôi là đệ tử Kriya Yoga của thầy,” ông Dickinson nói tiếp. “Đôi lúc tôi băn khoăn về cái cốc bạc; tôi gần như đã tự thuyết phục mình rằng những lời của Vivekananda chỉ là ẩn dụ.”

“Nhưng trong đêm Giáng sinh, khi thầy trao cho tôi cái hộp nhỏ bên cây thông, tôi đã thấy, lần thứ ba trong đời mình, cũng chính cái tia sáng chói lòa ấy. Phút sau đó thì tôi đã nhìn sững món quà sư phụ mình tặng mà Vivekananda đã thấy trước cho tôi bốn mươi ba năm trước[3] – một cái cốc bạc!”


[1] Từ năm 1950, lệ thiền cả ngày này được tổ chức vào ngày 23 tháng 12. Các thành viên Hội Tự giác khắp thế giới cũng tổ chức Giáng sinh và vì vậy mà, ở nhà mình và tại các tu viện và trung tâm của HTG, họ dành riêng một ngày trong kỳ Giáng sinh để thiền định và cầu nguyện. Nhiều người đã khẳng định sự cứu độ tâm linh và phúc lành lớn lao họ có được nhờ tuân theo lệ hằng năm do Paramahansa Yogananda khởi xướng này. Paramahansaji còn lập Hội đồng Cầu nguyện tại Trung tâm Núi Washington (hạt nhân của Cộng đồng Cầu nguyện Toàn thế giới của Hội Tự giác), mở các buổi cầu nguyện hằng ngày cho tất cả những ai nhờ giúp giải quyết hay giải trừ những gút mắc riêng của mình. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[2] Đại đệ tử của vị thầy như Chúa Ramakrishna Paramahansa.

[3] Ông Dickinson gặp Swami Vivekananda vào tháng 9 năm 1893 – năm Paramahansa Yogananda ra đời (ngày 5 tháng 1). Vivekananda rõ ràng đã biết rằng Yogananda tái sinh, và rằng thầy sẽ sang Hoa Kỳ để hoằng bá triết học Ấn Độ. Năm 1965 ông Dickinson, vẫn còn khỏe mạnh và năng nổ ở tuổi 89, ông nhận danh hiệu Yogacharya (thầy yoga) trong một nghi lễ tại trụ sở Hội Tự giác ở Los Angeles. Ông thường thiền trong những khoảng thời gian dài cùng Paramahansaji, và chưa hề bỏ tu tập _Kriya Yoga_, ba lần một ngày. Hai năm trước khi mất ngày 30-6-1967, Yogacharya Dickinson có bài nói chuyện với các thầy tu HTG. Ông kể cho họ một chi tiết thú vị ông đã quên nhắc với Paramahansaji. Yogacharya Dickinson nói: “Khi tôi bước lên bục giảng ở Chicago để nói với Swami Vivekananda, tôi chưa kịp chào thầy thì thầy đã nói: “‘Chàng trai, ta muốn con tránh xa sông nước ra!’ ” (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

 

Bình luận về bài viết này